Chương 5: Ý thức về cái ta

Osho - Sáng tạo
Năm chướng ngại
Tự nhiên cho mọi người năng lượng có tính sáng tạo. Nó trở nên mang tính phá hoại chỉ khi nó bị cản trở, khi luồng chảy tự nhiên không được phép.
Chương 5: Ý thức về cái ta


Ý thức về cái ta là bệnh tật. Ý thức là lành mạnh, ý thức về cái ta là bệnh tật - cái gì đó đã đi sai. Cái nút nào đó đã nảy sinh, phức cảm nào đó. Dòng sông ý thức không chảy một cách tự nhiên - cái gì đó ngoại lai đã đi vào trong dòng sông ý thức. Cái gì đó xa lạ, cái gì đó không thể được dòng sông hấp thu, cái gì đó không thể trở thành một phần của dòng sông... cái gì đó chống lại đang trở thành một phần của dòng sông.
Ý thức về cái ta là hoành hành của bệnh tật. Ý thức về cái ta là trạng thái đông cứng, bị chắn lại. Nó cũng tựa như ao tù đọng bẩn - chẳng đi đâu, chỉ khô cạn dần, bay hơi và chết. Tất nhiên, nó bốc mùi.
Cho nên điều đầu tiên cần được hiểu l khác biệt giữa ý thức về cái ta và ý thức.
Ý thức không có ý tưởng gì về 'tôi', về bản ngã. Nó không có ý tưởng về sự tách bạch của người ta khỏi sự tồn tại. Nó không biết tới rào chắn nào, nó không biết tới biên giới. Nó là một với sự tồn tại, nó là trong hoà thuận sâu sắc. Không có xung đột giữa cá nhân và cái toàn thể. Người ta đơn giản tuôn chảy vào trong cái toàn thể, và cái toàn thể tuôn chảy vào trong người ta. Nó cũng giống như việc thở: bạn thở vào, bạn thở ra - khi bạn thở vào cái toàn thể đi vào bạn, khi bạn thở ra bạn đi vào cái toàn thể. Nó là luồng chảy thường hằng, chia sẻ thường hằng. Cái toàn thể cứ cho bạn và bạn cứ cho cái toàn thể. Cân bằng không bao giờ mất.
Nhưng trong người ý thức về cái ta, cái gì đó đã đi sai. Người đó lấy vào nhưng chẳng bao giờ cho ra. Người đó cứ tích luỹ và người đó trở nên không có khả năng chia sẻ. Người đó cứ tạo ra biên giới quanh bản thân mình để cho không ai có thể xâm phạm được. Người đó cứ dựng các biển báo quanh sự hiện diện của mình: "Không được phép xâm lấn." Dần dần người đó trở thành nấm mồ, người chết - bởi vì cuộc sống là chia sẻ.
Cái "ta" là thứ chết, chỉ sống trên danh nghĩa. Tâm thức là cuộc sống vô hạn, cuộc sống dư thừa. Nó không biết tới biên giới. Nhưng thông thường mọi người đều ý thức về cái ta.
Ý thức về cái ta là vô ý thức. Nghịch lí này phải được hiểu: Ý thức về cái ta là vô ý thức và ý thức không về cái ta - hay vô ý thức về cái ta - là trở thành ý thức. Và khi không có cái ta, khi cái ta nhỏ bé, tí hon này biến mất, bạn đạt tới cái ta thực với chữ 'T' hoa - gọi nó là cái ta tối cao, cái ta của tất cả.
Cho nên nó là cả hai: vô ngã theo nghĩa nó không chỉ là của bạn, và cũng là cái ta tối thượng nữa, bởi vì nó là cái ta của tất cả. Bạn đánh mất trung tâm tí hon của mình và bạn trở thành trung tâm của bản thân sự tồn tại. Bỗng nhiên bạn trở thành vô hạn; bỗng nhiên bạn không còn bị giới hạn, bạn không có lồng bao quanh con người mình, và quyền năng vô hạn bắt đầu tuôn chảy qua bạn. Bạn trở thành phương tiện - trong suốt, không chướng ngại nào. Bạn trở thành chiếc sáo và Krishna có thể hát qua bạn. Bạn trở thành chỉ là lối đi - trống rỗng, không cái gì của riêng bạn. Đây là điều tôi gọi là buông xuôi.
Thái độ ý thức về cái ta - đó là thái độ của xung đột, tranh đấu, vật lộn. Nếu bạn đang tranh đấu với sự tồn tại bạn sẽ ý thức về cái ta và, tất nhiên, bạn sẽ bị thất bại đi thất bại lại mãi. Từng bước đều sẽ là bước đi ngày một nhiều thất bại hơn. Ngã lòng của bạn là chắc chắn, bạn phải chịu số phận đó ngay từ đầu rồi bởi vì bạn không thể duy trì được cái ta này chống lại vũ trụ. Điều đó là không thể được, bạn không thể tồn tại tách rời được. Bạn không thể là sư được.
Từ 'monk - sư' này cũng hay. Bạn phải nhận biết về những từ tương tự bắt nguồn từ cùng gốc, như 'monopoly - độc quyền' hay 'monastery - tu viện' hay 'monologue - độc thoại'. Sư là người cố gắng là bản thân mình, người cố gắng xác định biên giới của mình và là người cố gắng tồn tại tách rời khỏi toàn thể sự tồn tại này. Toàn bộ nỗ lực của người đó mang tính bản ngã. Điều đó nhất định thất bại; không sư nào đã bao giờ có thể thành công.
Bạn có thể thành công chỉ khi cùng phe với Thượng đế, không bao giờ chống lại ngài. Bạn có thể thành công chỉ với cái toàn thể, đừng bao giờ chống lại nó. Cho nên nếu bạn nản lòng, trong khổ sâu sắc, nhớ lấy: bạn đang tạo ra khổ đó. Và bạn đang tạo ra nó bằng thủ đoạn tinh vi: bạn tranh đấu chống lại cái toàn thể.
Chuyện xảy ra - hồi đó chắc phải đang mùa mưa như thế này - và dòng sông qua làng bị ngập lụt. Mọi người chạy tới Mulla Nasruddin và nói, "Vợ anh ngã xuống sông đang lụt rồi. Chạy nhanh lên! Ra cứu cô ấy đi!"
Nasruddin chạy ra. Anh ta nhảy xuống sông và bắt đầu bơi ngược dòng. Mọi người tụ tập lại để xem, họ hô lên, "Anh làm gì vậy, Nasruddin? Vợ anh không thể trôi ngược dòng được - dòng nước đã đưa cô ấy trôi xuôi rồi."
Nasruddin nói, "Các anh nói gì vây? Tôi biết vợ tôi chứ, cô ấy chỉ có thể đi ngược dòng thôi!"
Bản ngã bao giờ cũng nỗ lực đi ngược dòng. Mọi người không thích làm những điều dễ dàng. Trước khi họ có thể làm họ muốn làm chúng thành gian khổ, khó khăn. Mọi người thích làm những điều gian nan. Tại sao? Bởi vì khi bạn đối diện với điều gian nan, bản ngã của bạn trở nên tinh tế, sắc bén; có thách thức.
Khi nhóm đầu tiên lên tới đỉnh Everest, ai đó hỏi Edmund Hillary, "Sao ông lại nhận rủi ro thế? Điều đó là nguy hiểm - nhiều người khác đã chết trước ông mà không thể lên tới được." Và người vừa hỏi lại không thể hiểu được tại sao mọi người cứ cố gắng trèo lên Everest và mất mạng. Phỏng có ích gì về điều đó? Cái gì có đó mà đạt tới?
Edmund Hillary tương truyền đã nói, "Chúng tôi không thể nghỉ được chừng nào mà đỉnh Everest này còn chưa bị chinh phục. Chúng tôi phải chinh phục nó!" Chẳng thu được gì ở nó cả, nhưng chính sự hiện diện của Everest không bị chinh phục là một thách thức. Nó là thách thức với ai? - với bản ngã.
Quan sát cuộc sống riêng của bạn - nhiều điều bạn đang làm chỉ bởi vì bản ngã thôi. Bạn muốn làm ngôi nhà to - bạn có thể hoàn toàn thoải mái trong nhà mình như nó đang thế, nhưng bạn lại muốn làm cung điện to. Cung điện to đó không phải dành cho bạn, cung điện to đó là cho bản ngã. Bạn có thể hoàn toàn thoải mái như bạn đang thế, nhưng bạn cứ tích luỹ tiền bạc - tiền đó không dành cho bạn, tiền đó dành cho bản ngã. Làm sao bạn có thể nghỉ ngơi được chừng nào bạn còn chưa trở thành người giàu nhất trên thế giới?
Nhưng bạn làm gì bởi việc trở thành người giàu nhất thế giới? Bạn sẽ trở nên ngày một khổ hơn - bởi vì chỉ khổ mới bắt nguồn từ xung đột. Khổ là một chỉ báo rằng bạn đang trong xung đột. Cho nên đừng đổ trách nhiệm của mình lên cái gì đó khác. Mọi người rất thạo hợp lí hoá. Nếu họ khổ họ sẽ nói, "Chúng ta có thể làm được gì? - nghiệp của các kiếp quá khứ đang làm chúng ta khổ."
Toàn rác rưởi! Nghiệp kiếp quá khứ phải đã làm bạn khổ, nhưng mà trong các kiếp quá khứ! Sao chúng phải đợi mãi tới bây giờ? Chẳng ích gì mà chờ đợi cả. Nghiệp hiện tại của bạn đang làm cho bạn khổ đấy! Việc ném nó vào các kiếp sống quá khứ làm cho bạn thấy dễ dàng - bạn có thể làm được gì nào? Bạn phải là cái bạn đang là, bây giờ chẳng cái gì có thể được làm cả. Quá khứ không thể được hoàn tác lại, bạn không thể xoá bỏ nó chỉ bằng việc phủi tay. Không thần thông nào có thể giúp bạn xoá đi quá khứ của mình. Nó đã xảy ra rồi và nó đã xảy ra mãi mãi; bây giờ nó là tuyệt đối, không có khả năng nào thay đổi nó. Điều đó làm giảm nhẹ gánh nặng cho bạn và bạn nghĩ, "Đành vậy, mình phải bị khổ bởi vì nghiệp quá khứ."
Bạn có thể đổ trách nhiệm lên quỉ, như người Ki tô giáo vẫn cứ làm. Người Hindu cứ đổ trách nhiệm lên nghiệp quá khứ còn người Ki tô giáo cứ đổ trách nhiệm lên quỉ - quỉ phải đang tạo ra bẫy cho bạn. Không phải là bạn, chính quỉ mới bẫy bạn vào khổ và cứ lôi kéo bạn xuống địa ngục.
Ai bị bận tâm với bạn? Sao quỉ này lại phải bận tâm tới bạn?
Thế rồi có những người Mác xít, người cộng sản, người xã hội - họ nói chính cấu trúc xã hội, hệ thống kinh tế làm cho mọi người khổ. Thế rồi có những người theo Freud, các nhà phân tâm; họ nói đó là do mối quan hệ mẹ con. Nhưng điều đó bao giờ cũng là cái gì đó khác, điều đó chưa bao giờ là bạn. Nó chưa bao giờ là bạn trong hiện tại.
Và tôi muốn nói với bạn, điều đó là bạn đấy. Nếu bạn khổ, bạn và chỉ bạn chịu trách nhiệm thôi. Chẳng quá khứ, chẳng cấu trúc xã hội, chẳng hệ thống kinh tế nào - chẳng cái gì sẽ có ích. Nếu bạn vẫn còn là bạn, trong bất kì loại xã hội nào, bạn sẽ vẫn còn khổ. Trong bất kì hệ thống kinh tế nào bạn sẽ vẫn còn khổ, trong bất kì thế giới nào bạn sẽ vẫn còn khổ - nếu bạn vẫn còn là bạn.
Và điều đầu tiên, thay đổi cơ bản xảy ra khi bạn bắt đầu vứt bỏ xung đột này với sự tồn tại. Đó là nghĩa duy nhất của tất cả các tôn giáo lớn khi họ nhấn mạnh, "Vứt bỏ bản ngã." Họ đang nói, "Vứt bỏ xung đột." Tôi muốn bạn nhớ điều đó thêm nữa, bởi vì 'vứt bỏ bản ngã' dường như quá siêu hình. Bản ngã sao? - bản ngã ở đâu? bản ngã là gì? Từ này dường như đã được biết tới, bạn dường như đã quá quen với nó, nhưng nó lại dường như rất mơ hồ, không thể nào hiểu thấu được. Tôi muốn làm cho nó thành thực tế hơn: vứt bỏ xung đột, bởi vì bản ngã là sản phẩm phụ của thái độ xung đột của bạn.
Mọi người nói tới chinh phục thiên nhiên, mọi người nói tới chinh phục cái này cái nọ - làm sao bạn có thể chinh phục được thiên nhiên? Bạn là một phần của nó. Làm sao bộ phận chinh phục được toàn thể? Thấy cái ngu xuẩn của điều đó, cái ngu ngốc đó. Bạn có thể tồn tại cùng với cái toàn thể trong hài hoà, hay bạn có thể trong xung đột với cái toàn thể trong không hài hoà. Không hài hoà làm phát sinh khổ; hài hoà làm phát sinh phúc lạc. Hài hoà tự nhiên làm phát sinh im lặng, niềm vui, niềm sung sướng sâu sắc. Xung đột làm phát sinh lo âu, phiền não, căng thẳng, dồn nén.
Bản ngã không là gì ngoài tất cả mọi căng thẳng bạn đã tạo ra quanh mình. Và ngay chỗ đầu tiên không cần tạo ra nó - nhưng sao con người cứ tạo ra nó? Phải có lí do nào đó. Sao mọi người cứ tạo ra cái ta? Cái ta thực là không được biết tới, đó là lí do tại sao. Và rất khó sống mà không có cái ta, cho nên chúng ta tạo ra cái ta giả, cái ta thay thế. Cái ta thực là không được biết tới.
Trong thực tế, cái ta thực chẳng bao giờ trở nên được biết hoàn toàn; nó vẫn còn là huyền bí, nó vẫn còn không thể tả được, không thể định nghĩa được. Cái ta thực bao la tới mức bạn không thể định nghĩa được nó, và cái ta thực huyền bí tới mức bạn không thể thấm vào nó tới tận cốt lõi được. Cái ta thực là cái ta của cái toàn thể. Trí tuệ con người không thể thấm vào đó, không thể cân nhắc, suy tư về nó được.
Tôi đã nghe, có câu chuyện nổi tiếng về một hiền nhân, người được Alexander Đại Đế triệu vời vào gặp. Và Alexander hỏi ông ấy, "Ta đã nghe nói rằng ông đã biết Thượng đế là gì, cho nên hãy nói cho ta. Ta đã đi tìm, và mọi người nói ông đã đạt tới, nên hãy làm sáng tỏ cho ta về Thượng đế, Thượng đế là gì."
Tương truyền hiền nhân này nói, "Xin bệ hạ hãy cho tôi ít nhất là hai mươi bốn giờ để nghĩ về nó."
Hai mươi bốn giờ trôi qua, và Alexander chờ đợi rất háo hức. Hiền nhân tới và ông ấy nói, "Phải cần bảy ngày nữa."
Và thế rồi bảy ngày trôi qua, và Alexander rất sốt ruột. Hiền nhân tới và ông ấy nói, "Phải cần một năm nữa."
Alexander nói, "Ông muốn nói gì, cần một năm nữa sao? Ông biết hay ông không biết? Nếu ông biết, thì ông biết - nói cho ta đi. Sao lại phí thời gian?"
Hiền nhân này cả cười và ông ấy nói, "Tôi càng suy tư, điều đó lại càng trở thành không thể biết được. Tôi càng biết nhiều, vấn đề lại càng trở nên khó hơn để nói rằng tôi biết. Hai mươi bốn giờ tôi đã cố gắng và cố gắng, và nó bắt đầu trượt khỏi tay tôi. Nó rất khó nắm bắt - nó giống như thuỷ ngân vậy. Thế là tôi đã yêu cầu bảy ngày - điều đó cũng chẳng ích gì. Bây giờ, phải ít nhất một năm - và tôi cũng không chắc rằng tôi sẽ có khả năng đem ra định nghĩa."
Hiên nhân này đã làm hết sức. Ông ấy phải đã là trí huệ thực, bởi vì không có cách nào định nghĩa cái ta thực. Nhưng con người không thể sống mà không có cái ta - người ta cảm thấy trống rỗng thế! Thế thì người ta cảm thấy giống như bánh xe không có trục; thế thì người ta cảm thấy giống như chu vi không có trung tâm. Không, khó mà sống không có cái ta.
Biết cái ta thực là điều gian nan vất vả; người ta phải du hành lâu để về nhà. Người ta phải gõ lên nhiều cửa trước khi người ta đi tới đúng cửa. Thủ đoạn dễ dàng là, bạn có thể tạo ra cái ta giả. Trồng hoa hồng thực thì khó; bạn có thể mua hoa hồng nhựa. Chúng sẽ không lừa bạn, nhưng chúng sẽ lừa hàng xóm. Hừ? - đó là vấn đề của cái ta, bản ngã. Nó không thể lừa được bạn - bạn biết rõ rằng bản thân mình không biết mình là ai - nhưng ít nhất nó có thể lừa hàng xóm. Trong thế giới bên ngoài ít nhất bạn cũng có cái nhãn nào đó, bạn là ai.
Bạn đã bao giờ nghĩ về điều đó chưa? Nếu ai đó hỏi, "Bạn là ai?" bạn trả lời thế nào? Bạn nói tên mình. Cái tên không phải là của bạn, bởi vì bạn đi vào trong thế giới không có tên; bạn tới vô danh. Nó không phải là thuộc tính của bạn, nó đã được trao cho bạn. Và bất kì cái tên nào, A-B-C-D, cũng đều hữu dụng; nó là tùy tiện. Nó không phải là bản chất theo bất kì cách nào.
Nếu bạn được gọi là 'Ram,' tốt; nếu bạn được gọi là 'Hari,' tốt, chẳng tạo ra khác biệt gì. Bất kì cái tên nào cũng áp dụng được cho bạn như mọi cái tên khác. Nó chỉ là cái nhãn. Cái tên là cần thiết để gọi bạn, nhưng nó chẳng liên quan gì tới bản thể bạn cả. Hay bạn nói, "Tôi là bác sĩ " hay bạn nói, "Tôi là kĩ sư " - hay doanh nhân, hay hoạ sĩ, hay thế này thế nọ - nhưng chẳng cái gì nói điều gì về bạn cả.
Khi bạn nói, "Tôi là bác sĩ," bạn nói điều gì đó về nghề nghiệp của mình, không về mình. Bạn nói cách bạn kiếm sống. Bạn không nói gì về cuộc sống cả, bạn nói điều gì đó về việc sống của mình. Bạn có thể kiếm sống như một kĩ sư, hay như một bác sĩ, hay như một doanh nhân - điều đó không liên quan. Điều đó không nói gì về bạn cả.
Hay bạn nói tên bố mình, tên mẹ mình, cây gia phả nhà mình - điều đó nữa cũng chẳng liên quan bởi vì điều đó không xác định bạn. Con người bạn được sinh ra trong một gia đình đặc biệt là điều ngẫu nhiên; bạn cũng có thể đã được sinh ra trong gia đình khác và bạn thậm chí chẳng để ý gì tới khác biệt. Đây chỉ là những thủ đoạn tiện dụng - và con người trở thành cái ta. Cái ta này là cái ta giả, cái ta được chế tạo, được làm ra, tự sản xuất lấy. Cái ta thực của riêng bạn thì vẫn còn ẩn sâu bên dưới trong sương mù và bí ẩn.
Tôi đã đọc:
Một người Pháp đi ngang qua sa mạc cùng một người hướng dẫn A rập. Ngày nọ tiếp ngày kia, người A rập chẳng bao giờ không quì gối lên cát nóng bỏng và gọi tên Thượng đế của mình. Cuối cùng, một buổi tối kẻ không tin kia nói với người A rập, "Làm sao anh biết có Thượng đế?"
Người hướng dẫm nhìn chằm chằm vào kẻ hay nhạo báng một lúc rồi đáp: "Làm sao tôi biết có Thượng đế à? Làm sao tôi đã biết rằng con lạc đà chứ không phải là con người đã đi qua đêm qua? Đó chẳng phải là dấu móng của nó trong cát sao?" Và chỉ vào mặt trời đang hắt những tia nắng mờ dần trên đường chân trời, người đó nói thêm, "Dấu vết đó không phải là của con người."
Cái ta của bạn không thể được bạn tạo ra, nó không thể do con người làm ra được.
Cái ta của bạn đã mang bạn đi, nó là bạn. Làm sao bạn có thể tạo ra nó được? Để tạo ra nó bạn sẽ phải có đó ngay chỗ đầu tiên. Đó là ý nghĩa khi người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Hindu, nói rằng con người là sinh linh. Điều đó nghĩa là con người đã không tạo ra bản thân mình, có thế thôi. Đấng sáng tạo ở đâu đó ẩn trong cái không biết. Chúng ta đã bắt nguồn từ cội nguồn cuộc sống bí ẩn nào đó. Cái ta của bạn không phải là của bạn! Cái ta giả tạo này không phải là của bạn bởi vì bạn đã tạo ra nó; và cái ta thực của bạn cũng không phải của bạn bởi vì nó vẫn ở trong Thượng đế, bạn vẫn được bắt rễ vào Thượng đế.
Cái ta giả tạo mà chúng ta cứ mang theo trong các kiếp sống của mình như lá cờ bao giờ cũng mang nguy cơ bị hỏng. Nó rất mong manh, nó rất yếu đuối - nó phải như vậy, nó là nhân tạo. Làm sao con người có thể làm ra cái gì đó bất tử được? Bản thân con người phải đi qua nhiều cái chết, cho nên bất kì cái gì con người tạo ra bao giờ cũng hữu tử. Do đó mới có sợ hãi, liên tục sợ hãi rằng "Mình có thể bị mất. Cái ta của mình có thể bị phá huỷ." Nỗi sợ liên tục run rẩy bên trong con người bạn - bạn không bao giờ có thể chắc chắn về cái ta giả tạo của mình, bạn biết nó là giả. Bạn có thể né tránh sự kiện này nhưng bạn biết nó là giả. Nó được tụ tập lại cùng nhau, được chế tạo ra; nó mang tính máy móc, nó không mang tính hữu cơ.
Bạn có quan sát khác biệt giữa đơn vị hữu cơ và đơn vị máy móc không? Bạn làm ra động cơ xe ô tô, bạn có thể mua các bộ phận trên thị trường và bạn có thể lắp ráp các bộ phận đó, và động cơ bắt đầu hoạt động như một đơn vị. Hay bạn có thể mua các bộ phận của chiếc radio từ chợ và bạn có thể lắp chúng lại, và chiếc radio bắt đầu hoạt động như một đơn vị. Bằng cách nào đó nó đi tới có một cái ta. Không bộ phận nào có thể vận hành tự nó như chiếc radio được - tất cả các bộ phận cùng nhau bắt đầu vận hành như một chiếc radio. Nhưng dầu vậy đơn vị này vẫn cứ mang tính máy móc, bị ép buộc từ bên ngoài. Nhưng khi bạn gieo hạt mầm vào đất, những hạt mầm này chết đi trong đất và cây mọc lên - đơn vị này là hữu cơ. Nó không bị ép buộc từ bên ngoài, đơn vị này ở bên trong bản thân hạt mầm. Hạt mầm cứ mọc lên, cứ thu lấy cả nghìn lẻ một thứ từ đất, từ không khí, từ mặt trời, từ bầu trời - nhưng đơn vị này đang tới từ bên trong. Trung tâm tới trước và thế rồi chu vi tới. Trong đơn vị máy móc chu vi tới trước rồi trung tâm mới tới.
Con người là một đơn vị hữu cơ. Một ngày nào đó bạn đã là hạt mầm, như bất kì cái cây nào; trong mảnh đất của bụng mẹ, bạn bắt đầu thu thập chu vi của mình. Trung tâm tới trước hết, trung tâm đi trước chu vi - và bây giờ bạn đã quên mất trung tâm hoàn toàn. Bạn sống ở chu vi và bạn nghĩ đây là toàn thể cuộc sống của mình. Chu vi này, và việc liên tục sống trên nó, tạo ra một loại cái ta, cái ta giả tạo, cái cho bạn cảm giác rằng có, bạn là ai đó. Nhưng nó bao giờ cũng run rẩy bởi vì nó không có đơn vị hữu cơ bên trong nó.
Do đó, có sợ chết. Nếu bạn biết cái ta thực của mình bạn sẽ chẳng bao giờ sợ chết cả, không có vấn đề gì, bởi vì đơn vị hữu cơ không bao giờ chết. Đơn vị hữu cơ là bất tử. Chỉ các đơn vị máy móc được gắn lại với nhau và chết. Cái được gắn lại với nhau, một ngày nào đó sẽ rời nhau ra. Đơn vị máy móc có cái bắt đầu và cái kết thúc. Đơn vị hữu cơ không có bắt đầu và không có kết thúc - nó là quá trình vĩnh hằng.
Bạn có biết trung tâm của mình không? Nếu bạn không biết nó, bạn sẽ liên tục sợ hãi. Do đó, ý thức về cái ta bao giờ cũng sợ hãi, bao giờ cũng run rẩy. Và bạn bao giờ cũng cần hỗ trợ từ người khác - ai đó ca ngợi bạn, ai đó vỗ tay; ai đó nói bạn đẹp thế hay thông minh thế. Bạn cần ai đó nói những điều này cho bạn, giống như những lời gợi ý thôi miên, để cho bạn có thể tin rằng đúng, bạn thông minh, bạn đẹp, bạn mạnh. Nhưng thấy điểm này: bạn phụ thuộc vào người khác.
Người ngu tới bạn và nói bạn rất thông minh - và thực tế, bạn có thể trông có vẻ thông minh đấy chỉ là đối với người ngu thôi. Nếu người đó thông minh hơn bạn, tất nhiên bạn sẽ không có vẻ thông minh đối với người đó. Cho nên người ngu tới và xác nhận thông minh của bạn và bạn lại rất sung sướng. Bạn có thể trông đẹp chỉ với người xấu thôi. Nếu người đó đẹp hơn bạn, bạn sẽ trông thành xấu - bởi vì điều đó tất cả đều là tương đối. Và bạn được xác nhận bởi những người xấu rằng bạn đẹp, và bạn cực kì sung sướng.
Đây là kiểu thông minh gì vậy, điều được xác nhận bởi những người ngu? Đây là kiểu đẹp gì vậy, điều được xác nhận bởi những người xấu? Điều đó hoàn toàn là giả tạo. Điều đó là ngu ngốc! Nhưng chúng ta cứ đi tìm. Chúng ta cứ sục sạo ở thế giới bên ngoài để tìm hỗ trợ nào đó cho bản ngã của mình, ai đó cho chút ít hỗ trợ, trở thành người ủng hộ. Bằng không thì bao giờ cũng có nguy hiểm rằng bản ngã của chúng ta sẽ sụp đổ. Cho nên chúng ta hỗ trợ nó từ bên này bên nọ, và lo nghĩ liên tục phát sinh.
Đó là lí do tại sao bạn lại duyên dáng hơn khi bạn một mình - bởi vì bạn không lo nghĩ. Không ai có đó mà nhìn bạn. Bạn hồn nhiên hơn khi bạn một mình - trong buồng tắm của mình bạn hồn nhiên hơn, bạn giống đứa trẻ nhiều hơn. Rồi bạn lại đứng trước gương và soi gương, và bạn thích thú điều đó. Nhưng nếu bạn trở nên nhận biết rằng đứa con nhỏ của mình đang nhìn qua lỗ khoá, lập tức bạn sẽ hoàn toàn khác. Bây giờ bản ngã bị lâm nguy. Đó là lí do tại sao mọi người lại sợ người khác thế. Một mình, không có lo âu.
Có câu chuyện Thiền nổi tiếng:
Một thiền sư đang vẽ, và ông ấy có đại đệ tử của mình chầu chực ngay bên cạnh để nhắc ông ấy khi nào thì bức tranh hoàn hảo. Đệ tử này lo lắng và thầy cũng lo lắng, bởi vì đệ tử chưa bao giờ thấy thầy làm cái gì không hoàn hảo cả. Nhưng hôm đó mọi sự bắt đầu đi sai. Thầy cố gắng, và thầy càng cố gắng, sự việc lại càng thành đống lộn xộn.
Ở Nhật Bản hay ở Trung Quốc, toàn thể nghệ thuật viết chữ đều được thực hiện trên giấy hồ bột gạo, trên giấy rất nhạy nào đó, mỏng tang. Nếu bạn do dự một chút, hàng thế kỉ người ta đều biết chỗ nào người viết do dự - bởi vì nhiều mực hơn ăn vào giấy hồ gạo và làm nó thành lộn xộn. Rất khó lừa giấy hồ gạo. Bạn phải liên tục nở hoa; bạn không do dự. Cho dù chỉ một khoảnh khắc thôi, một giây đứt quãng, nếu bạn do dự - làm gì đây? - bạn đã lỡ rồi, đã bỏ lỡ rồi. Và người có con mắt tinh tường lập tức sẽ nói ngay, "Đấy không phải là bức vẽ của thiền sư chút nào " - bởi vì bức vẽ thiền phải là bức vẽ tự phát, tuôn chảy.
Thầy cố gắng và cố gắng mãi mà thầy càng cố gắng... thầy bắt đầu vã mồ hôi. Và đệ tử vẫn đang chầu hẫu ở đó cứ lắc đầu hoài phủ định, "Không, cái này không hoàn hảo." Và thầy ngày một phạm phải nhiều sai lầm hơn.
Thế rồi mực đổ cho nên thầy nói, "Con ra ngoài pha mực lại đi." Khi đệ tử ra ngoài pha mực, thầy đã làm ra kiệt tác của mình. Khi đệ tử quay lại anh ta nói, "Thầy ơi, nhưng bức vẽ hoàn hảo rồi! Có chuyện gì vậy?"
Thầy cười; thầy nói, "Ta đã trở nên nhận biết về một điều - sự hiện diện của con, chính ý tưởng rằng ai đó ở đây để ca ngợi hay lên án, để nói không hay có, đã làm xáo động tĩnh lặng bên trong của ta. Bây giờ ta sẽ chẳng bao giờ bị xáo động nữa. Ta đã đi tới biết rằng ta đã cố gắng làm cho nó hoàn hảo và đó là lí do duy nhất cho sự không hoàn hảo của nó."
Thử làm cái gì đó hoàn hảo và nó sẽ vẫn còn không hoàn hảo. Làm nó một cách tự nhiên và nó bao giờ cũng hoàn hảo. Tự nhiên là hoàn hảo; nỗ lực là không hoàn hảo. Cho nên bất kì khi nào bạn làm điều gì đó quá nhiều, bạn đang phá huỷ nó.
Đó là lí do tại sao điều đó xảy ra: mọi người đều nói hay thế - mọi người đều là người nói, mọi người nói cả đời mình - nhưng đẩy họ lên bục và bảo họ nói với đám đông và bỗng nhiên họ trở thành câm; bỗng nhiên họ quên hết mọi thứ, bỗng nhiên họ không thể thốt ra được lời nào. Hay, cho dù họ có thốt ra, điều đó cũng không duyên dáng, nó không tự nhiên, nó không tuôn chảy. Điều gì đã xảy ra? Và bạn đã biết con người này nói hay thế với bạn bè, với vợ con mình. Đây cũng là mọi người, cùng những con người đó - sao bạn lại sợ? Bạn đã trở nên ý thức về cái ta. Bây giờ bản ngã lâm nguy, bạn đang cố gắng thực hiện cái gì đó.
Nghe cẩn thận đi: bất kì khi nào bạn cố gắng thực hiện cái gì đó, bạn đang tìm thức ăn cho bản ngã. Bất kì khi nào bạn tự nhiên và để cho mọi thứ xảy ra, chúng đều hoàn hảo, và thế thì không có vấn đề gì. Khi bạn tự nhiên và để cho mọi sự xảy ra, Thượng đế ở phía sau bạn. Khi bạn sợ, run rẩy, cố gắng chứng minh điều gì đó, bạn đánh mất Thượng đế. Trong sợ hãi, bạn đã quên mất ngài. Bạn đang nhìn vào mọi người và bạn đã quên mất cội nguồn của mình.
Ý thức về cái ta trở thành điểm yếu. Người không ý thức về cái ta thì mạnh, nhưng sức mạnh của người đó chẳng liên quan gì tới bản thân người đó - nó tới từ cõi bên kia.
Khi bạn ý thức về cái ta bạn gặp rắc rối. Khi bạn ý thức về cái ta bạn thực sự biểu lộ triệu chứng rằng bạn không biết mình là ai. Chính việc ý thức về cái ta của bạn chỉ ra rằng bạn còn chưa về nhà.
Chuyện xảy ra:
Khi một cô gái đẹp đi ngang qua, Mulla Nasruddin quay sang nhìn. Vợ anh ta nói với cái bĩu môi, "Lần nào anh thấy con gái đẹp anh cũng quên mất là anh đã có vợ."
"Đó là chỗ em sai đấy," Mulla nói. "Chẳng cái gì làm cho anh nhận biết hơn về sự kiện đó!"
Bất kì khi nào bạn ý thức về cái ta, bạn đơn giản biểu lộ rằng bạn không có ý thức chút nào. Bạn không biết mình là ai. Nếu bạn biết, thế thì đã không có vấn đề rồi - thế thì bạn không tìm kiếm dư luận. Thế thì bạn không lo nghĩ điều người khác nói về bạn - điều đó không liên quan! Thực tế, không ai đã bao giờ nói điều gì về bạn cả - bất kì khi nào mọi người nói điều gì đó về bạn, họ đang nói điều đó về bản thân mình.
Một hôm chuyện xảy ra: tôi ở Jaipur và một người tới vào buổi sáng để gặp tôi, và người đó nói, "Thầy là điều thiêng liêng."
Tôi nói, "Bạn phải đấy!"
Người đó ngồi đấy và một người khác tới và người này rất chống lại tôi, và thế rồi người này nói, "Ông gần như quỉ dữ."
Tôi nói, "Bạn phải đấy!"
Người thứ nhất trở nên chút ít lo nghĩ. Người đó nói, "Thầy ngụ ý gì? Thầy đã nói với tôi, 'Bạn phải đấy,' và thầy lại nói với người này, 'Bạn phải đấy' - chúng tôi cả hai không thể cùng đúng được."
Tôi bảo người đó, "Không chỉ hai đâu - hàng triệu người có thể đúng về tôi, bởi vì bất kì điều gì họ nói về tôi, họ đều nói về bản thân họ thôi. Làm sao họ có thể biết tôi được? Điều đó là không thể được - họ thậm chí còn chưa biết tới bản thân mình. Bất kì điều gì họ nói cũng đều là diễn giải của họ. "
Thế là người này nói, "Thế thì thầy là ai? Nếu đây là diễn giải của tôi rằng thầy là thiêng liêng, và đây là diễn giải của người kia rằng thầy là quỉ, thế thì thầy là ai?"
Tôi nói, "Tôi chỉ là bản thân tôi thôi. Tôi không có diễn giải về bản thân mình, và không có nhu cầu. Tôi đơn giản vui vẻ là bản thân mình, dù điều đó có nghĩa là bất kì cái gì. Tôi hạnh phúc trong việc là bản thân tôi."
Không ai có thể nói điều gì về bạn được. Bất kì điều gì mọi người nói cũng đều về bản thân họ. Nhưng bạn trở nên rất dao động, bởi vì bạn vẫn níu bám lấy một trung tâm giả tạo. Trung tâm giả tạo đó phụ thuộc vào người khác, cho nên bạn bao giờ cũng nhìn vào điều mọi người nói về bạn. Và bạn bao giờ cũng theo người khác, bạn bao giờ cũng cố gắng thoả mãn họ. Bạn bao giờ cũng cố gắng được kính trọng, bạn bao giờ cũng cố gắng trang điểm cho bản ngã mình. Đây là tự tử.
Thay vì bị quấy rối bởi điều người khác nói, bạn nên bắt đầu nhìn vào bên trong bản thân mình. Biết cái ta thực không rẻ như vậy đâu. Nhưng mọi người bao giờ cũng khao khát những điều rẻ rúng.
Chuyện xảy ra:
Khi cái đau ở lưng của Mulla Nasruddin trở thành không thể chịu được, anh ta lưỡng lự đi tới một chuyên gia để chẩn đoán vấn đề của mình.
"Thế này," bác sĩ nói, "vấn đề của anh có thể chữa được bằng phẫu thuật, hai tuần nằm bệnh viện và sáu tháng nằm ngang hoàn toàn."
"Bác sĩ, tôi không thể đảm đương được chi phí cho tất cả mọi điều đó!" Nasruddin kêu lên.
"Vậy được, với hai mươi nhăm đô la tôi có thể chấn chỉnh lại tia X," bác sĩ gợi ý.
Thế này thì rẻ! - chỉnh lại tia X thôi - nhưng điều đó sẽ không làm cho bạn mạnh khoẻ. Đó là điều chúng ta đang làm, liên tục chỉnh lại tia X và nghĩ rằng bằng cách nào đó phép màu sẽ xảy ra. Khi bạn trang điểm cho bản ngã của mình bạn đang chỉnh lại tia X đấy. Điều đó sẽ không giúp ích theo bất kì cách nào, nó sẽ không giúp bạn trở nên mạnh khoẻ. Nhưng nó rẻ hơn. Không cần mổ xẻ gì, không tốn kém nào thêm. Nhưng phỏng có ích gì? Khổ của bạn vẫn còn đó.
Bạn trở nên đáng kính và khổ của bạn vẫn còn đó. Bạn trở nên được xã hội đề cao - khổ của bạn vẫn còn đó. Bạn được trang điểm bằng huân chương vàng nhưng khổ của bạn vẫn còn đó. Nhưng huân chương vàng này sẽ chẳng phá bỏ khổ của bạn; chúng giống như việc chỉnh lại tia X. Mọi trang điểm lên bản ngã, vì bản ngã, đều không là gì ngoài việc tự lừa dối mình. Và bạn cứ ngày một trở nên yếu hơn, yếu hơn và yếu hơn - bởi vì bản ngã cứ trở nên yếu đi mọi ngày. Thân thể bạn sẽ trở nên yếu hơn, tâm trí bạn sẽ trở nên yếu hơn, và dần dần bản ngã bạn đã tạo ra từ tổ hợp thân thể và tâm trí sẽ trở nên yếu hơn. Nỗi sợ sẽ trở nên ngày một lớn hơn, bạn ngồi trên núi lửa có thể nổ tung bất kì ngày nào. Nó sẽ không cho phép bạn nghỉ ngơi. Nó sẽ không cho phép bạn thảnh thơi, nó sẽ không cho phép bạn có bất kì khoảnh khắc an bình nào.
Một khi bạn hiểu điều đó thì toàn thể năng lượng được đặt sang chiều hướng khác. Người ta phải tự biết bản thân mình. Người ta phải không bị lo nghĩ về điều người khác nói về bạn.
Một người bạn đã gửi cho tôi một chuyện đùa rất hay:
Vậy là có anh chàng này, và chẳng ai đã từng để ý tới anh ta. Anh ta không có bạn bè nào. Anh ta tới dự cuộc hội nghị bán hàng ở Miami, và anh ta thấy rằng mọi người khác đều hạnh phúc và cười và chú ý tới nhau, chẳng chú ý tới anh ta.
Một buổi tối anh ta đang ngồi thực sự chẳng có chuyện gì thì anh ta bắt chuyện với một người bán hàng khác. Anh ta kể lại vấn đề của mình. "Ồ, tôi biết cách sửa điều đó rồi," người kia kêu lên. "Anh lấy con lạc đà và cưỡi lên nó đi vòng trên phố, và lập tức mọi người sẽ để ý tới anh và anh sẽ có mọi người bạn mình muốn."
Điều tất yếu xảy tới, có một đám xiếc đang sắp sập tiệm và họ muốn bán lạc đà. Người này mua nó và cưỡi lên nó và đi xuống phố, và chắc chắn, mọi người đều để ý tới anh ta và chú ý tới anh ta. Anh ta cảm thấy mình như trên đỉnh thế giới.
Nhưng thế rồi một tuần sau, con lạc đà biến mất. Người này rất buồn và lập tức điện thoại tới toà báo địa phương để xin đăng tin về con lạc đà bị mất của mình.
"Đấy là con lạc đà đực hay cái thế?" một anh chàng hỏi qua điện thoại.
"Con đực hay con cái sao? Làm sao mà tôi biết được?" người này phát cuồng. Thế rồi anh ta nghĩ, "Ồ, ấy, tất nhiên, nó là con đực, đúng rồi."
"Làm sao ông biết được?" người đăng quảng cáo hỏi.
"Bởi vì," người này nói, "mọi lần tôi cưỡi nó lên xuống phố mọi người đều kêu thét, 'Hãy nhìn cái schmuck trên con lạc đà kia! "'
Schmuck là từ Yiddish, một từ rất hay. Nó có hai nghĩa, và là những nghĩa rất có liên quan. Một nghĩa là 'đồ ngốc' và nghĩa kia, ngay từ đầu đã rất giống sự cường điệu, nghĩa là bộ phận sinh dục đực. Nhưng theo một cách nào đó cả hai nghĩa đều có quan hê rất sâu sắc. Kẻ ngốc chỉ sống như một sinh vật dục - họ không biết điều gì về kiếp sống khác. Cho nên schmuck là hay. Nếu một người chỉ biết cuộc sống là mỗi dục thì người đó là kẻ ngốc nghếch, người đó là kẻ ngu si.
Bây giờ, mọi người đều nói, "Nhìn kẻ ngốc trên con lạc đà kìa!" nhưng người này cứ nghĩ họ đang nói về bộ phận sinh dục đực của con lạc đà, không phải về mình.
Bản ngã rất lừa dối. Nó cứ nghe điều nó muốn nghe. Nó cứ diễn giải điều nó muốn diễn giải, nó chẳng bao giờ thấy sự kiện. Nó chẳng bao giờ cho phép sự kiện để lộ bản thân nó cho bạn. Những người sống trong bản ngã đều sống đằng sau bức rèm. Và những bức rèm này lại không phải không hoạt động - chúng là những bức rèm hoạt động. Bất kì cái gì đi qua bức rèm, bức rèm lại làm thay đổi nó.
Mọi người cứ sống trong thế giới tâm trí của sự bịa đặt riêng của mình. Bản ngã là trung tâm của thế giới của họ - gọi nó là 'ảo tưởng,' maya - và quanh bản ngã họ cứ tạo ra thế giới... cái không phải là thế giới của bất kì ai khác. Chỉ họ mới sống trong thế giới đó.
Khi bạn vứt bỏ bản ngã, bạn vứt bỏ toàn thể thế giới mà mình đã tạo ra quanh nó. Lần đầu tiên bạn có khả năng thấy mọi thứ như chúng đang đấy - không như bạn muốn chúng là vậy. Và khi bạn có khả năng biết sự kiện của cuộc sống, bạn trở nên có khả năng biết tới chân lí.
Bây giờ là một câu chuyện Thiền:
Một đô vật có tên O-Nami, "Sóng Lớn," khoẻ lắm và rất giỏi trong nghệ thuật vật. Ở chỗ riêng tư anh ta đánh bại ngay cả thầy mình, nhưng ở chỗ công chúng, học trò trẻ nhất của anh ta có thể vật ngã anh ta.
Băn khoăn lắm anh ta tới một Thiền sư, người đã ở lại trong ngôi chùa gần đó cạnh biển, và hỏi xin lời khuyên.
"Sóng Lớn là tên con," thầy nói, "vậy nên hãy ở lại trong chùa này đêm nay và nghe sóng của biển cả. Tưởng tượng con là những sóng đó, quên con là đô vật đi và trở thành những sóng khổng lồ cuốn đi mọi thứ trước chúng."
O-Nami ở lại. Anh ta cố gắng nghĩ chỉ về sóng, nhưng anh ta lại nghĩ tới nhiều thứ. Thế rồi dần dần anh nghĩ chỉ về sóng thôi. Chúng cuộn tới ngày một lớn khi đêm tàn dần. Chúng cuốn đi các bông hoa trong các bình lọ trước tượng Phật, chúng cuốn đi các bình hoa. Ngay cả tượng Phật bằng đồng cũng bị cuốn đi. Đến bình minh ngôi đền dâng tràn sóng, và O-Nami ngồi đó với nụ cười yếu ớt trên mặt.
Ngày hôm đó anh ta đã đi vào trong cuộc thi đấu vật công khai và đã thắng lần lượt mọi người, và từ ngày đó không ai ở Nhật Bản có thể vật ngã được anh ta.
Đây là câu chuyện về ý thức về cái ta và cách làm mất nó, và cách vứt bỏ nó, và cách loại bỏ nó. Chúng ta sẽ thử đi vào nó từng bước một.
Một đô vật có tên là O-Nami, "Sóng Lớn," khoẻ lắm...
Mọi người đều khoẻ lắm. Bạn không biết sức mạnh của mình; đó lại là vấn đề khác. Mọi người đều khoẻ lắm - phải như vậy, bởi vì mọi người đều được bắt rễ trong Thượng đế, mọi người đều được bắt rễ trong vũ trụ này. Dù bạn trông nhỏ bé đến đâu, bạn cũng không nhỏ bé đâu - bạn không thể thế được bởi chính bản chất của mọi thứ.
Bây giờ các nhà vật lí nói rằng trong một nguyên tử nhỏ bé hàm chứa biết bao nhiêu năng lượng - Hiroshima và Nagasaki đã bị phá huỷ bởi năng lượng nguyên tử. Và nguyên tử thì nhỏ bé thế - chẳng ai đã từng nhìn thấy nó! Đấy chỉ là suy diễn, suy luận, không ai đã từng trông thấy nguyên tử. Với tất cả những công cụ tinh vi mà khoa học ngày nay có được, chẳng ai đã trông thấy nguyên tử cả - nhỏ thế, và năng lượng bao la thế.
Nếu nguyên tử có thể có nhiều năng lượng như vậy, còn nói gì tới con người? Phải nói gì về ngọn lửa tâm thức nhỏ bé này trong con người? Nếu một ngày nào đó ngọn lửa nhỏ bé này bùng cháy, nó nhất định trở thành cội nguồn năng lượng và ánh sáng vô hạn. Đó là cách nó đã xảy ra cho Phật, hay cho Jesus.
Mọi người đều mạnh mẽ vô cùng bởi vì mọi người đều thiêng liêng vô cùng. Mọi người đều mạnh mẽ bởi vì mọi người đều được bắt rễ vào trong Thượng đế, trong chính nguồn gốc của sự tồn tại. Nhớ điều đó.
Tâm trí con người có xu hướng quên đi điều đó. Khi bạn quên điều đó, bạn trở nên yếu. Khi bạn trở nên yếu bạn bắt đầu cố gắng tìm cách thức nhân tạo để trở thành mạnh. Đó là điều hàng triệu người đang làm. Kiếm tiền, bạn đang thực sự kiếm cái gì? Bạn đang kiếm quyền lực, bạn đang kiếm sức mạnh. Kiếm uy tín, quyền lực chính trị, bạn đang kiếm cái gì? Bạn đang kiếm quyền lực, sức mạnh - và sức mạnh mọi lúc đều sẵn có ngay góc kia. Bạn đang tìm kiếm sai chỗ rồi.
Một đô vật có tên O-Nami, "Sóng Lớn"...
Chúng ta tất cả đều là những con sóng lớn của đại dương. Chúng ta có thể đã quên mất nó, nhưng đại dương đã không quên chúng ta. Chúng ta có thể đã quên nhiều về nó tới mức chúng ta chẳng có ý tưởng nào về đại dương là gì - dầu vậy, chúng ta vẫn là trong đại dương. Cho dù sóng có quên và trở nên quên lãng đại dương, thì nó vẫn ở trong đại dương - bởi vì sóng không thể tồn tại mà không có đại dương. Đại dương có thể tồn tại mà không có sóng - có thể là nó tồn tại mà không có sóng - nhưng sóng không thể tồn tại mà không có đại dương được. Sóng không là gì ngoài việc dậy sóng của đại dương; nó là một quá trình, nó không phải là thực thể. Nó chỉ là niềm vui vẻ của đại dương trong bản thể của nó. Thượng đế trong niềm vui vẻ của ngài tạo ra con người cho trái đất; Thượng đế trong vui vẻ của ngài tạo ra con người cho sự tồn tại. Đó là đại dương đi tìm đại dương, chỉ chơi đùa. Nó có năng lượng mênh mông - phải làm gì với nó?
Một đô vật có tên O-Nami, "Sóng Lớn," khoẻ lắm...
Nhưng sức mạnh này là khả năng chỉ khi sóng biết rằng nó là sóng của đại dương vĩ đại, vô hạn. Nếu sóng quên mất điều này, thế thì sóng rất yếu. Và 'cái quên' là lớn lắm; kí ức của chúng ta rất nhỏ, rất tí hon - cái quên, vô cùng. Chúng ta cứ quên hoài. Và cái rất hiển nhiên thì chúng ta quên rất dễ dàng. Cái rất gần chúng ta quên rất dễ dàng. Cái bao giờ cũng sẵn có chúng ta quên rất dễ dàng.
Bạn có nhớ tới việc thở của mình không? Bạn chỉ nhớ khi có rắc rối - bạn bị cảm lạnh, khó thở hay cái gì đó; bằng không, ai nhớ tới việc thở? Đó là lí do tại sao mọi người nhớ tới Thượng đế chỉ khi họ bị bất an. Bằng không, ai nhớ? Và Thượng đế còn gần hơn việc thở của bạn, gần hơn bạn là bản thân mình. Người ta có khuynh hướng quên.
Bạn đã từng quan sát điều đó chưa? Nếu bạn không có cái gì đó, bạn nhớ. Khi bạn có nó rồi bạn quên, bạn coi nó như được cho không. Bởi vì Thượng đế không thể bị mất, rất khó nhớ. Chỉ rất hiếm người mới trở nên có khả năng nhớ tới Thượng đế. Nhớ tới cái mà chúng ta chưa bao giờ xa khỏi nó là rất khó.
Cá trong đại dương quên mất đại dương. Ném cá lên bờ, trong cát, cát nóng, và thế thì cá biết, thế thì cá nhớ. Nhưng không có cách nào ném bạn ra khỏi Thượng đế được; không có bãi cát cho ngài - Thượng đế là đại dương không bãi cát. Và bạn không giống như cá, bạn giống như sóng. Bạn đích xác giống Thượng đế; bản tính của bạn và bản tính của Thượng đế là như nhau.
Đó là ý nghĩa biểu tượng của việc chọn cái tên này cho câu chuyện này.
Anh ấy rất giỏi trong nghệ thuật vật. Ở chỗ riêng tư anh ta đánh bại ngay cả thầy mình...
Nhưng ở chỗ riêng tư, bởi vì ở chỗ riêng tư anh ta phải đã có khả năng quên mất bản thân mình.
Nhớ lời kinh này. Khi bạn nhớ tới cái ta của mình, bạn quên mất Thượng đế; khi bạn quên cái ta của mình, bạn nhớ tới Thượng đế - và bạn không thể nhớ được cả cùng nhau. Khi sóng nghĩ về bản thân mình là sóng, nó quên mất rằng nó là đại dương. Khi sóng biết bản thân mình là đại dương, làm sao nó có thể nhớ bản thân mình bây giờ là sóng được? Chỉ một điều mới có thể. Hoặc sóng có thể nghĩ về bản thân nó như sóng, hoặc như đại dương. Đó là động thái. Bạn không thể nhớ cả hai cùng nhau, điều đó là không thể được.
Ở chỗ riêng tư anh ta đánh bại ngay cả thầy mình, nhưng ở chỗ công chúng, học trò trẻ nhất của anh ta có thể vật ngã anh ta.
Ở chỗ riêng tư anh ta phải đã hoàn toàn quên mất cái ta riêng của mình, bản ngã. Thế thì anh ta cực kì mạnh mẽ. Ở chỗ công chúng anh ta phải đã trở nên quá ý thức về cái ta. Thế thì anh ta yếu. Ý thức về cái ta là cái yếu. Quên cái ta là mạnh.
Băn khoăn lắm anh ta tới một Thiền sư, người đã ở lại trong ngôi chùa gần đó cạnh biển, và hỏi xin lời khuyên.
"Sóng Lớn là tên con," thầy nói, "vậy nên hãy ở lại trong chùa này đêm nay và nghe sóng của biển cả."
Thầy là người có thể tạo ra các phương cách cho mọi người. Thầy là người không có phương cách cố định. Thầy nhìn vào con người, người này O-Nami - "Sóng Lớn" - chỉ tên người đó thôi, và thầy tạo ra một phương cách quanh cái tên anh ta. Chỉ mới biết rằng tên anh ta là O-Nami, Sóng Lớn, thầy đã nói, "Sóng Lớn là tên con, vậy nên hãy ở lại trong chùa này đêm nay và nghe sóng của đại dương."
Nghe là một trong những bí mật cơ bản của việc đi vào trong ngôi đền của Thượng đế. Nghe có nghĩa thụ động. Nghe nghĩa là quên đi bản thân mình hoàn toàn - chỉ thế thì bạn mới có thể nghe được. Khi bạn nghe chăm chú ai đó, bạn quên mất bản thân mình. Nếu bạn không thể quên được bản thân mình, bạn chẳng thể nghe được. Nếu bạn quá ý thức về cái ta về bản thân mình, bạn đơn giản giả vờ rằng bạn nghe - bạn không nghe. Bạn có thể gật đầu; đôi khi bạn có thể nói có và không - nhưng bạn không nghe.
Khi bạn nghe, bạn trở thành chỉ là lối đi - thụ động, cảm nhận, bụng mẹ. Bạn trở thành nữ tính. Và để đạt tới, người ta phải trở thành nữ tính. Bạn không thể đạt tới Thượng đế như kẻ xâm lăng hùng hổ, kẻ chinh phục. Bạn chỉ có thể đạt tới Thượng đế... hay tốt hơn thì nên nói Thượng đế có thể đạt tới bạn chỉ khi bạn có tính cảm nhận, tính cảm nhận nữ tính. Khi bạn trở thành âm, cảm nhận, thì cánh cửa mở ra. Và bạn chờ đợi.
Nghe là nghệ thuật trở nên thụ động. Phật đã nhấn mạnh vào nghe nhiều lắm, Mahavira đã nhấn mạnh vào nghe nhiều lắm, Krishnamurti cứ nhấn mạnh vào nghe đúng nhiều lắm. Tai là biểu tượng. Bạn có để ý không? Tai bạn không là gì ngoài lối đi, chỉ là các lỗ hổng - không cái gì khác. Tai bạn còn nữ tính hơn mắt bạn; mắt bạn còn nam tính hơn. Tai bạn là phần âm; mắt bạn là phần dương. Khi bạn nhìn ai đó bạn mang tính năng nổ. Khi bạn nghe ai đó bạn cảm nhận.
Đó là lí do tại sao nhìn vào ai đó trong thời gian quá lâu lại trở thành khiếm nhã, vô lễ, bất lịch sự. Có giới hạn nào đó; các nhà tâm lí nói ba giây thôi. Nếu bạn nhìn vào một người trong ba giây thì được; điều đó có thể dung thứ được. Hơn thế, bạn không nhìn - bạn nhìn chòng chọc; bạn đang xúc phạm người đó; bạn đang xâm phạm. Nhưng nghe một người lại không có giới hạn, bởi vì tai không thể xúc phạm được. Chúng đơn giản vẫn còn ở chỗ chúng đang đấy.
Mắt cần nghỉ. Bạn đã thấy trong đêm - mắt cần nghỉ, tai không cần nghỉ. Chúng mở hai mươi tư tiếng, hết năm nọ tới năm kia. Mắt không thể mở mãi trong vài phút - liên tục nháy, liên tục mệt. Năng nổ gây mệt, bởi vì năng nổ lấy năng lượng của bạn ra; cho nên mắt phải nháy liên tục, để nghỉ. Tai bao giờ cũng nghỉ.
Đó là lí do tại sao âm nhạc đã được nhiều tôn giáo dùng như cách tiếp cận tới lời cầu nguyện - bởi vì âm nhạc sẽ làm cho tai bạn rung động hơn, nhạy cảm hơn. Người ta phải trở nên nhiều về tai và bớt dần về mắt.
"Trở thành tai đi," thầy nói. "Lắng nghe. Không có việc gì khác để làm cả - cứ nghe mà không có ý tưởng tại sao, không ý tưởng cái gì đang xảy ra. Cứ lắng nghe không diễn giải, không hoạt động về phần con." Và thế rồi, "Tưởng tượng con là những sóng đó."
"Trước hết lắng nghe, hoà điệu với sóng, và khi con cảm thấy rằng bây giờ con hoàn toàn im lặng và cảm nhận, tưởng tượng rằng con là những sóng đó. Đó là bước thứ hai. Thứ nhất, đừng năng nổ; cảm nhận thôi. Và khi con đã trở nên cảm nhận, tan chảy vào trong những sóng đó, bắt đầu tưởng tượng rằng con là những sóng đó."
Thầy đang cho anh ta một phương cách để cho anh ta có thể quên đi cái ta của mình, bản ngã. Bước thứ nhất là cảm nhận, bởi vì trong cảm nhận bản ngã không thể tồn tại được - nó chỉ có thể tồn tại trong xung đột. Và khi bạn đang cảm nhận, bỗng nhiên khả năng tưởng tượng của bạn trở nên cực kì mạnh mẽ.
Người cảm nhận, người nhạy cảm, đều là những người có tính tưởng tượng. Những người có thể thấy mầu lục của cây cối, không có năng nổ nào về phần họ, thậm chí không một năng nổ tinh tế về phần họ - người có thể uống mầu lục của cây cối, người có thể đơn giản hấp thu nó cứ dường như họ là bọt biển - họ trở thành rất sáng tạo, họ trở thành rất giàu tưởng tượng. Đây là những nhà thơ, hoạ sĩ, vũ công, nhạc sĩ - họ hấp thu vũ trụ trong cảm nhận sâu sắc, và thế rồi họ đổ ra bất kì cái gì họ đã hấp thu vào trí tưởng tượng của họ.
Tưởng tượng là khả năng bạn có mà lại gần Thượng đế nhất. Thượng đế phải có trí tưởng tượng vĩ đại, hừ? - cứ nhìn vào thế giới của ngài mà xem! Nghĩ mà xem! - một thế giới đầy tưởng tượng như thế, biết bao nhiêu là hoa và bao nhiêu là bướm và bao nhiêu là cây và bao nhiêu là sông, và bao nhiêu là người. Cứ nghĩ về tưởng tượng của ông ấy! Với bao nhiêu là sao, và bao nhiêu thế giới - thế giới sau thế giới, không dứt... Ông ấy phải là người mơ vĩ đại.
Ở phương Đông, người Hindu nói thế giới là giấc mơ của Thượng đế, tưởng tượng của ông ấy. Thế giới là phép thuật của ông ấy, tưởng tượng của ông ấy. Ông ấy đang mơ về nó, chúng ta là một phần của giấc mơ của ông ấy.
Khi thầy nói với O-Nami, "Thế rồi con hãy tưởng tượng bản thân mình là những sóng đó," thầy nói, "Thế thì con hãy trở nên sáng tạo đi. Trước hết con hãy trở thành cảm nhận và thế rồi con trở thành sáng tạo. Và một khi con đã vứt bỏ bản ngã của mình, con trở thành linh hoạt tới mức bất kì cái gì con tưởng tượng cũng sẽ xảy ra. Thế thì tưởng tượng của con sẽ trở thành thực tại của con."
"Hãy quên con là đô vật đi và trở thành những sóng khổng lồ cuốn đi mọi thứ trước chúng."
O-Nami ở lại. Anh ta cố gắng nghĩ chỉ về sóng...
Tất nhiên, lúc đầu là khó, anh ta nghĩ về nhiều thứ. Điều đó là tự nhiên - nhưng anh ta đã ở lại. Anh ta phải đã là người rất kiên nhẫn. Thế rồi dần dần anh ta chỉ nghĩ về sóng. Thế rồi một khoảnh khắc tới... Nếu bạn theo đuổi, nếu bạn kiên trì, một khoảnh khắc nhất định sẽ tới khi điều bạn đã từng ham muốn trong nhiều kiếp xảy ra - nhưng kiên nhẫn là cần thiết.
Thế rồi dần dần anh nghĩ chỉ về sóng thôi. Chúng cuộn tới ngày một lớn khi đêm tàn dần.
Bây giờ, đây không phải là những con sóng thật của đại dương đang cuộn tới ngày một lớn hơn. Bây giờ không có sự phân biệt giữa sóng tưởng tượng của anh ta và sóng thật. Phân biệt đó đã mất đi. Bây giờ anh ta không biết cái gì là cái gì; cái gì là mơ và cái gì là thực anh ta không biết. Anh ta lại đã trở thành đứa trẻ nhỏ. Chỉ trẻ con mới có khả năng đó.
Vào buổi sáng bạn có thể thấy đứa trẻ khóc vì đồ chơi nó đã thấy trong giấc mơ, và nó muốn đồ chơi đó trở lại, và nó nói, "Đồ chơi của con đâu rồi?" Và bạn thì cứ khăng khăng rằng đó chỉ là giấc mơ, nhưng nó nói, "Dù vậy thì bây giờ nó đâu?" Nó không phân biệt giữa mơ và thức. Nó không biết sự phân biệt. Nó biết thực tại là một.
Khi bạn trở nên rất cảm nhận, bạn trở thành như đứa trẻ.
Bây giờ những con sóng này:
Chúng cuộn tới ngày một lớn khi đêm tàn dần. Chúng cuốn đi các bông hoa trong các bình lọ trước tượng Phật. chúng cuốn đi cả các bình hoa. Không chỉ thế - Ngay cả tượng Phật bằng đồng cũng bị cuốn đi.
Điều này thực hay! Rất khó cho Phật tử tưởng tượng được rằng Phật cũng bị cuốn đi. Nếu người đó đã quá bị gắn bó với tôn giáo của mình, đó sẽ là điểm người đó hoàn toàn bị cắt rời khỏi tưởng tượng của mình. Người đó sẽ nói, "Thôi đủ rồi nhé! Phật mà cũng bị cuốn đi! - mình đang làm gì thế này? Không, mình không còn là sóng nữa." Người đó sẽ dừng lại dưới chân Phật, người đó sẽ chạm chân Phật, nhưng không nhiều hơn thế. Nhưng nhớ: một ngày nào đó, ngay cả những cái chân đó đã từng giúp bạn vô cùng trên con đường, chúng cũng phải ra đi. Chư Phật cũng phải bị cuốn đi, bởi vì cánh cửa có thể trở thành cản trở nếu bạn níu bám lấy nó.
Ngày một lớn hơn - chúng quét đi các bông hoa trong các bình lọ trước tượng Phật. chúng quét đi cả các bình hoa. Ngay cả tượng Phật bằng đồng cũng bị quét đi. Đến bình minh ngôi đền dâng tràn sóng...
Không phải điều đó thực sự xảy ra đâu - điều đó đã xảy ra cho O-Nami. Nhớ điều đó: nếu bạn đã trong ngôi đền đó trong lúc đó bạn sẽ không thấy sóng dềnh lên trong đền đâu - điều đó chỉ xảy ra cho O-Nami thôi. Điều đó đã xảy ra trong một chiều hướng hoàn toàn khác của bản thể anh ta. Đó là chiều của thơ ca, tưởng tượng, mơ mộng - trực giác, nữ tính, như trẻ con, hồn nhiên. Anh ta đã mở cánh cửa của khả năng tưởng tượng của mình. Bằng việc lắng nghe sóng, bằng việc trở nên cảm nhận, anh ta đã trở thành mang tính tưởng tượng. Tưởng tượng của anh ta đã nở ra hoa sen một nghìn lẻ một cánh.
Đến bình minh ngôi đền dâng tràn sóng, và O-Nami ngồi đó với nụ cười yếu ớt trên mặt.
Anh ta đã trở thành vị phật! Cùng nụ cười yếu ớt đó một ngày nào đó đã tới với Phật dưới cây bồ đề phải đã tới cho O-Nami. Bỗng nhiên anh ta không còn nữa! - và đó là nụ cười, nụ cười của việc về tới nhà. Nụ cười rằng người ta đã tới nơi, nụ cười rằng bây giờ không còn đâu mà đi nữa. Nụ cười rằng người ta đã đạt tới cội nguồn, nụ cười rằng người ta đã chết và được phục sinh.
O-Nami ngồi đó với nụ cười yếu ớt trên mặt.
Ngày hôm đó anh ta đã đi vào trong cuộc thi đấu vật công khai và đã thắng lần lượt mọi người, và từ ngày đó không ai ở Nhật Bản có thể vật ngã được anh ta.
Bởi vì bây giờ đấy không phải là năng lượng của anh ta. Anh ta không còn là O-Nami nữa - anh ta không còn là sóng nữa, bây giờ anh ta là đại dương. Làm sao bạn có thể đánh bại được đại dương? Bạn chỉ có thể đánh bại được sóng thôi.
Một khi bạn đã vứt bỏ bản ngã, bạn đã vứt bỏ mọi thất bại, mọi sai lầm, mọi thất vọng. Mang bản ngã và bạn đã chịu thất bại rồi. Mang bản ngã và bạn sẽ vẫn còn yếu đuối. Vứt bỏ bản ngã và sức mạnh vô hạn bắt đầu tuôn chảy qua bạn. Bằng việc vứt bỏ bản ngã bạn trở thành dòng sông, bạn bắt đâu tuôn chảy, bạn bắt đầu tan ra, bạn bắt đầu chảy - bạn trở thành sống động.
Tất cả cuộc sống đều là của cái toàn thể. Nếu bạn cố gắng sống theo cách riêng của mình, bạn đơn giản ngu xuẩn. Cũng dường như chiếc lá trên cây đang cố gắng sống theo cách riêng của nó - không chỉ thế, mà còn tranh đấu với cây; tranh đấu với các lá khác, tranh đấu với rễ, cứ nghĩ rằng đấy toàn là những cái thù địch với nó. Chúng ta chỉ là lá trên cây, cái cây vĩ đại - gọi nó là Thượng đế, hay cái toàn thể, hay bạn gọi nó là gì cũng được, nhưng chúng ta đều là những chiếc lá nhỏ trên cái cây cuộc sống vô hạn. Không cần tranh đấu. Cách duy nhất để về nhà là buông xuôi.
Xem tiếp Chương 6Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »