Chương 4. Cái gì làm ta đau khổ?

Osho - Hạnh phúc tại tâm
Chương 4. Cái gì làm ta đau khổ?


Tại sao chúng ta không chịu chấm dứt đau khổ và bất hạnh? Làm thế nào để cuộc sống con người tràn trề niềm an lạc, hạnh phúc? Đau khổ mang đến cho chúng ta nhiều thứ trong khi hạnh phúc lại lấy chúng đi. Hạnh phúc tước mất tất cả những gì bạn từng có, từng sống, hạnh phúc sẽ “hủy diệt” bạn. Còn nỗi đau khổ ư, vì có nó mà cái tôi của bạn ngày càng lớn thêm. Điều nan giải nằm ở chỗ ấy. Đó là lý do tại sao con người rất khó sống vui tươi hạnh phúc, tại sao hàng tỷ người trên thế giới hàng ngày sống trong khổ đau mà vẫn quyết định dấn sâu vào nó. Đau khổ tạo cho chúng ta một cái tôi kiên cố cao chất ngất, còn hạnh phúc lại mang đến sự thanh thản đến mức chẳng còn thấy cái tôi nào nữa.
Nếu hiểu rốt ráo như vậy thì mọi việc sẽ rất rõ ràng.
Đau khổ khiến bạn trở nên cá biệt. Hạnh phúc lại thuộc về vũ trụ vô biên, nó không trang điểm cho cái tôi. Chim muông cây cỏ sống an nhiên giữa đất trời vì mọi sự tồn tại vốn dĩ không có đau khổ. Chỉ có con người mới thèm khát khổ đau, vì khi ấy, con người được hiện diện một cách cá biệt.
Nỗi khổ của bạn thu hút sự quan tâm của người khác.
Khi bạn khổ sở, người ta sẽ hỏi han, thông cảm, thương yêu bạn. Họ bắt đầu chăm sóc bạn. Ai muốn làm tổn thương một con người đang đau khổ? Ai lại đi ghen tỵ với một người đang đau khổ? Ai lại muốn chống đối một người đang đau khổ? Nhưng mọi sự hỏi han quan tâm ưu ái lại là một sự “đầu tư” cho đau khổ. Nếu người vợ không đau khổ thì người chồng có thể quên cô ta, và ngược lại, nhìn một người vợ đau khổ, không người chồng nào có thể thờ ơ.
Nếu một người chồng đau khổ thì cả gia đình, vợ con đều vây quanh để lo lắng, chăm sóc. Điều đó làm cho con người không bị cô đơn.
Khi bị mệt mỏi đau khổ, mọi người sẽ đến an ủi bạn.
Nhưng nếu bạn hạnh phúc, họ sẽ đố kỵ, thậm chí có thể chống lại bạn.
Không ai thích một người hạnh phúc, vì một người hạnh phúc sẽ làm tổn thương những người kém hạnh phúc hơn. Người ta sẽ nghĩ rằng: “Khi anh đang hạnh phúc thì chúng tôi vẫn đang lăn lộn dưới bóng tối, khổ đau và địa ngục. Tại sao anh dám hạnh phúc trong khi chúng tôi đang đau đớn đến thế?”.
Thế giới tồn tại những kẻ khổ sở, và không ai đủ can đảm để cho toàn bộ thế giới chống lại những con người khổ sở ấy; vì điều đó quá nguy hiểm. Và người ta nghĩ rằng: Tốt hơn hết là cứ sống giống mọi người, lo âu và đau khổ giống họ. Nếu bạn bất ngờ có được hạnh phúc thì bạn sẽ bị tách rời khỏi đám đông luôn luôn bất an.
Hạnh phúc ư? Bạn có biết hạnh phúc là gì không? Hạnh phúc chỉ đơn giản là hạnh phúc mà thôi. Hạnh phúc của một người là bước sang một thế giới khác – một người không còn thuộc về cái thế giới đầy phiền nhiễu này nữa, một người không còn thuộc về quá khứ mù mịt nữa, một người không còn thuộc về thời đại nào nữa. Khi tràn trề niềm hạnh phúc bình yên, thời gian và không gian cũng biến mất.
Albert Einstein nói: các nhà khoa học cho rằng thời gian và không gian là hai yếu tố của hiện thực; nhưng thực chất, đó không phải là hai yếu tố mà là hai mặt của một hiện thực duy nhất. Ông đưa ra khái niệm không-thời-gian, đây là một từ dùng để diễn tả sự hợp nhất hai khái niệm “không gian” và “thời gian”. Thời gian chỉ là chiều thứ tư của không gian mà thôi. Einstein không phải là một nhà thần bí, ông còn đưa một hiện thực thứ ba với cái nhìn siêu nghiệm, không phải thời gian cũng không phải không gian. Tôi gọi hiện thực đó là “kẻ làm chứng”. Chúng ta liên tưởng đến khái niệm “tam vị nhất thể”, tức ba gương mặt của Thượng Đế.
Vậy là chúng ta có tất cả 4 chiều: hiện thực có ba chiều không gian và một chiều thời gian.
Chiều thứ tư mà chúng ta hình dung theo cách nói của Einstein vẫn không phải là chiều thực; nó là một sự chuyển hóa. Niềm vui cao độ đồng nghĩa với hành trình chuyển hóa. Niềm vui ấy không thuộc về xã hội hay truyền thống.
Vậy câu chuyện này có liên quan gì đến nỗi đau khổ con người? Câu hỏi bạn đặt ra thật ý nghĩa.
Có nhiều lý do. Hãy nhìn vào nỗi đau khổ của mình, bạn sẽ tìm ra nguyên nhân. Ngay lúc ấy, bạn thử cho phép mình bước vào một trò chơi, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Hãy nhìn thẳng vào nỗi đau khổ của mình để hiểu rõ căn nguyên của nó. Phải chăng, khi đau khổ, bạn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thật là một quan niệm kỳ quặc, sai lạc. Lẽ ra một người sống hạnh phúc phải có nhiều bạn mới phải. Nhưng người hạnh phúc lại bị thế giới còn lại cách ly. Niềm hạnh phúc của một người dường như không có gì chung với cái thế giới đầy nhọc nhằn này. Tại sao bạn lại hạnh phúc? Bởi vì bấy lâu nay chúng ta không hề nhận ra là mình đã máy móc dùng lý trí kìm hãm niềm vui sống hạnh phúc và cố gắng sống trong đau khổ. Cuộc sống đầy phiền não trở thành bản chất thứ hai của mỗi chúng ta.
Hãy chấm đứt lối suy nghĩ máy móc này của xã hội. Hãy học cách sống hạnh phúc, học cách trân trọng những người biết sống hạnh phúc và quan tâm đến họ.
Đó chính là sứ mệnh lớn lao của loài người. Không nên thông cảm quá nhiều đối với những người đau khổ. Nếu có ai đó đang đau khổ, bạn hãy giúp họ nhưng đừng tỏ ra thông cảm. Đừng mang đến cho họ cái ý niệm rằng đau khổ là quý giá.
Hãy để họ hiểu là chúng ta đang giúp họ, nhưng, lưu ý rằng: “Đó không phải là tôn trọng, mà chỉ đơn giản là sự giúp đỡ”. Chúng ta không làm bất kỳ điều gì ngoài việc giúp bạn mình thoát khỏi đau khổ bởi vì đau khổ là một thứ đáng ghét. Hãy để con người cảm nhận đau khổ là cái gì đó cần phải tránh xa, rằng đau khổ chẳng có gì là thánh thiện.
Hãy sống hạnh phúc, trân trọng hạnh phúc của người khác và giúp người khác hiểu rằng hạnh phúc là cứu cánh của cuộc đời. Hãy thay đổi suy nghĩ cũ của bạn. Giờ đây, bậc thánh nhân phải là người biết sống hạnh phúc. Nơi nào mang đến niềm vui yêu đời, nơi nào tưng bừng những lễ hội, nơi ấy phải được xem là chốn thiêng liêng.
Chúng ta phải học một ngôn ngữ mới để làm thay đổi toàn diện con người cũ. Đó là ngôn ngữ của hạnh phúc trọn vẹn và khỏe khoắn.
Có một sự thật kỳ lạ ở chỗ: Thực ra, chấm đứt khổ đau, tức giận hay cay đắng đâu phải là khó. Bạn không muốn đau khổ, nhưng có một quá trình đấu tranh phức tạp sâu sắc đằng sau ý muốn ấy. Sự phức tạp này bắt nguồn từ thời thơ ấu, khi mà bạn không được dạy cách sống hạnh phúc và chơi đùa đúng nghĩa.
Người lớn dạy cho bạn toàn những chuyện nghiêm trọng, những chuyện chỉ mang đến nỗi buồn. Bạn trở nên yếu đuối và lệ thuộc vào người khác; bạn chỉ làm những gì mà người khác khuyên bảo. Bạn đã sống một cách miễn cưỡng trong một sự chịu đựng nặng nề. Dần dần, bạn đi đến nhận thức rằng: những gì chống lại bạn là đúng. Toàn bộ sự giáo dục con trẻ theo kiểu như thế chỉ gieo thêm nỗi buồn khổ – một thứ cảm xúc chẳng có gì là tự nhiên.
Sống vui vẻ là tự nhiên. Sống lành mạnh là tự nhiên.
Một người sống khỏe chẳng việc gì phải đi đến bác sĩ để hỏi: “Tại sao tôi lại khỏe mạnh?”. Nhưng khi bị đau yếu, lập tức bạn sẽ hỏi: “Vì sao tôi bị bệnh? Nguyên nhân của căn bệnh đó là gì?”.
Cũng như vậy, khi đau khổ, bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại đau khổ. Nhưng khi bạn vui sướng thì đâu cần phải đi hỏi thăm ai về sự sung sướng của mình. Tuy nhiên, trong một xã hội mất thăng bằng, một người tự nhiên vui sướng bị xem là mất trí. Nếu bạn cười vô cớ, người ta sẽ cho rằng đầu óc bạn có vấn đề: “Tại sao anh lại cười? Chuyện gì làm anh sung sướng đến vậy?”. Và nếu bạn trả lời: “Tôi không biết. Tôi chỉ cảm thấy rất hạnh phúc” thì họ lại càng tin chắc bạn điên mất rồi.
Còn khi bạn phiền muộn, người ta lại thấy đó là bình thường.
Vì ai cũng cho rằng đau khổ là cái gì đó rất tự nhiên. Ai cũng có nỗi khổ riêng. Điều đó chẳng có gì đặc biệt. Những ý nghĩ đó tiêm nhiễm vào đầu óc chúng ta một cách vô thức, và chúng ta bắt đầu thừa nhận: đau khổ là đương nhiên, chỉ có hạnh phúc mới là bất thường. Nếu sống an nhiên, hạnh phúc, ta sẽ bị chất vấn, đố kỵ còn sống khổ sở thì cứ thế mà sống, không cần bận tâm đến nguồn gốc của nó. Những suy nghĩ này dần dần ăn sâu vào máu thịt của bạn, đầu độc tinh thần bạn. Chúng ta ép buộc mình hành động ngược lại với bản chất tự nhiên vốn có của chính mình. Chúng ta lãng quên bản chất chân thực của mình để sống theo ý muốn của người khác.
Toàn bộ những ý nghĩ trên đã biến cuộc sống con người thành một chuỗi dài đau khổ. Chúng ta sống ở nơi không thuộc về ta, trở thành người không giống với thực chất của ta. Bởi vì con người hầu như không hình dung nổi xứ sở đích thực của mình là đâu nên chúng ta đau khổ. Chúng ta đã đi quá xa, đến nỗi không còn nhớ đường trở về nhà. Đi đến đâu, chúng ta cũng ngỡ đó là nhà của mình; đau khổ đã trở thành một ngôi nhà kiên cố. Khi đó, nỗi tức giận, đắng cay được xem như một phẩm chất của con người chứ không phải là sự bệnh hoạn của tâm hồn.
Khi ai đó nói: “Đừng sống khổ sở như vậy nữa, nỗi đau đó không còn cần thiết nữa”, thì một câu hỏi cực kỳ quan trọng sẽ được đặt ra: “Đây là tất cả những gì tôi có. Nếu bỏ nó đi, tôi không còn là tôi nữa. Ít ra tôi cũng phải có cái gì đó giống với mọi người chứ. Nếu không đau khổ, buồn bã, phiền não thì tôi sẽ là ai giữa cuộc đời này? Nếu tôi chấm dứt tất cả thì câu hỏi đặt ra là: Cuối cùng đâu là cái riêng nhất của tôi? Tôi là ai? Tôi không biết đường trở về nhà. Ngôi nhà lầm lạc kia là do xã hội đã tạo ra cho tôi”.
Không ai muốn đứng trần truồng trên đường.
Tốt hơn là nên mặc một cái áo nào đó, cho đù đó là chiếc áo đau khổ. Có sao đâu, mọi người đều mặc nó cơ mà. Chiếc áo lạ lùng đó trở nên đắt giá cho những ai muốn mặc nó. Những ai không cố mặc chiếc áo ấy thì còn khổ sở gấp đôi, vì họ phải sống trong sự đau khổ “rẻ tiền” hơn, vì họ không có gì để khoe cái sự đau khổ của mình. Vậy là có đến hai kiểu người: những người rất đau khổ và những người không đủ đau khổ. Kiểu người thứ hai lại đêm ngày cố gắng đạt tới nỗi khổ sở cùng cực như kiểu người thứ nhất.
Kiểu người thứ ba lại bị quên lãng hoàn toàn. Kiểu người thứ ba là kiểu người sống theo cái bản chất chân thật nhất của chính họ. Họ không đau khổ.
Bạn sẽ hỏi tôi tại sao con người không chịu chấm đứt nỗi khổ của mình. Lý do đơn giản: đó là tất cả những gì mà con người có. Bạn muốn con người phải nghèo hơn nữa sao. Họ đã sẵn nghèo rồi. Thậm chí đến nỗi khổ mà họ còn có ít ỏi hơn người khác thì làm sao họ có thể từ bỏ cả nỗi khổ ấy để trở nên trống rỗng được.
Nhưng chính cái rỗng rang ấy lại là cánh cửa mở ra sự giàu có, mở ra niềm vui chân thật. Cánh cửa ấy phải hoàn toàn trống không. Người ta không thể đâm đầu vào một bức tường rắn chắc. Một cánh cửa rỗng không sẽ mở ra vô tận cơ hội cho bạn bước vào hạnh phúc. Nó chẳng bao giờ ngăn cản bạn. Nó luôn luôn gọi mời bạn. Chúng ta đã từng nhầm tưởng cái trống không là xấu xa, sự rỗng không là vô nghĩa lý; vậy nên ta nhất định không chịu chấm đứt mọi khổ đau, tức giận, đắng cay.
Ngay khi không sở hữu một điều gì là lúc bạn trở thành cánh cửa mở ra những chân trời thiêng liêng. Cánh cửa ấy đưa bạn về nhà, nối kết bạn với bản chất sâu kín bên trong.
Bản chất ấy là niềm hạnh phúc viên mãn.
Hạnh phúc viên mãn không phải là một cái gì đó cần đạt tới.
Nó đang ở đây. Chúng ta sinh ra cùng lúc với niềm an lạc vĩnh hằng ấy.
Chúng ta không nên đánh mất nó, đừng đi quá xa để còn kịp quay trở lại với chính mình.
Nó ở ngay sau lưng bạn. Chỉ cần lùi lại một bước thôi và một cuộc chuyển hóa lớn lao sẽ đến trong tâm hồn bạn.
Tôi chỉ chấp nhận sự rỗng không làm cánh cửa đời mình – cái mà tôi gọi là thiền định, một tên gọi khác của trạng thái rỗng không. Vào khoảnh khắc hội nhập cùng sự an tĩnh kỳ diệu, bạn sẽ đối mặt với chính mình, và mọi khổ đau sẽ tan biến.
Điều đầu tiên cần làm là bạn hãy cười vào con người ngốc nghếch năm xưa của mình. Nỗi đau khổ không bao giờ còn tồn tại nữa. Bạn đã tạo ra nó bằng một cánh tay, và bây giờ, dùng cánh tay còn lại để chặt đứt nó đi.
Hết sức đơn giản như vậy thôi.
Cái đơn giản nhất trong cuộc đời này là sống đúng như bản chất của mình.
Chẳng cần nỗ lực làm thay đổi điều gì, bạn đã tồn tại như chính mình rồi.
Đừng bị nô lệ bởi những giáo điều của kẻ khác. Hãy lột da như con rắn và đừng bao giờ quay nhìn lại nữa. Cái nằm kia chỉ là bộ da cũ kỹ.
Nếu thấu hiểu rốt ráo, hạnh phúc sẽ đến với chúng ta trong nháy mắt. Vào thời khắc thiêng liêng đó, bạn sẽ cảm nhận được rằng chẳng thể có bất kỳ nỗi khổ đau, oán hận nào hiện hữu trong bạn.
Hãy yên lặng, đứng ở cánh cửa rỗng không, bước từng bước vào sâu trong nội tâm mình và bạn sẽ nhận ra kho báu lớn mà bạn đã chờ đợi qua hàng ngàn kiếp.
Tại sao người ta khó tha thứ, tại sao người ta cứ bám lấy những vết thương trong quá khứ? Cái tôi bao giờ cũng sống trong đau khổ – cái tôi ấy càng sinh sôi nảy nở bao nhiêu thì nỗi đau khổ càng lớn bấy nhiêu. Trong khoảnh khắc hạnh phúc viên mãn xuất hiện, cái tôi biến mất hoàn toàn. Cái tôi ngày càng bành trướng vì bạn không muốn tha thứ, không muốn quên – nhất là những vết thương lòng, những lời sỉ nhục, những cơn ác mộng. Bạn không chỉ không quên mà còn thổi phồng cho sự việc trầm trọng thêm. Bạn có khuynh hướng quên đi những gì đẹp đẽ, những trò chơi thú vị hồn nhiên, bởi chúng không làm thỏa mãn những khát khao của cái tôi. Dường như đau khổ là thứ vitamin cần có để bồi đắp cho bản ngã con người ngày càng lớn mạnh.
Chúng ta hãy cố hiểu toàn bộ cơ chế hoạt động của cái tôi. Nếu miễn cưỡng tha thứ thì sự tha thứ ấy không có thật. Đó chỉ là sự kiềm chế. Bạn chỉ tha thứ khi nào bạn hiểu được sự ngớ ngẩn của trò chơi tâm trí. Cần phải thấu suốt toàn bộ tính chất vô nghĩa lý của cơn tức giận hay nỗi khổ đau, vì nếu không thì bạn kiềm chế nó ở chỗ này, nó sẽ trồi lên ở chỗ khác; bạn kiềm chế nó ở hình thức này, nó sẽ có mặt ở một hình thức khác – đôi khi chuyện này xảy ra một cách tinh tế, không dễ nhận ra chút nào. Đó cũng chính là biểu hiện khác của cái tôi đã được hồi sinh, được tái hiện, được tái thiết dưới dạng thức mới mà thôi.
Bản ngã con người gắn liền với sự chối từ, sự phủ định. Nó nói “không” với toàn bộ đời sống. Tình trạng “không chấp nhận” là linh hồn của cái tôi. Sao ta lại nói “không” với niềm vui hạnh phúc? Ta có thể nói “không” với nỗi đau đớn khổ sở. Sao ta có thể nói “không” với những bông hoa, những vì sao, bóng hoàng hôn diễm lệ, với bao vẻ đẹp thần thánh khác? Cuộc sống này đầy ắp hoa hồng nhưng chúng ta chỉ cố nhặt nhạnh những bụi gai. Một mặt, chúng ta cương quyết: “Không, tôi không muốn nhận nỗi đau khổ này” nhưng mặt khác, chúng ta lại gắn kết chặt chẽ với nó.
Nhưng cái tôi có thể sống trong tha thứ chứ; nó sẽ bắt đầu một hành trình tốt đẹp hơn bằng ý tưởng: “Tôi tha thứ cho anh, thậm chí tôi tha thứ cho kẻ thù của mình”.
Bạn hãy nhớ rằng, người bình thường không bao giờ thừa nhận cái sự bình thường của mình. Khoảnh khắc mà bạn chấp nhận cái bình thường là lúc bạn “khác thường” nhất.
Khoảnh khắc bạn chấp nhận mọi hạn chế của mình là khi tia sáng đầu tiên rọi vào cuộc sống của bạn, đóa hoa đầu tiên đã bừng nở. Mùa xuân hạnh phúc không còn xa nữa.
Đức Jesus nói: Hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy yêu thương kẻ thù của con. Người đã nói đúng, bởi vì chỉ khi nào giải thoát mình ra khỏi kẻ thù thì bạn mới yêu thương họ được, nếu không họ cứ ám ảnh mãi trong đầu óc của bạn.
Hận thù là một kiểu quan hệ; nó sâu hơn cái bạn gọi là tình yêu.
Có một người đã hỏi tôi: “Osho, tại sao tình yêu hòa hợp lại buồn tẻ đến thế?”. Lý do rất đơn giản: vì đó là sự hòa hợp. Nó đánh mất mọi sự quyến rũ của cái tôi. Có vẻ như vậy đó. Khi đạt tới sự hòa hợp tuyệt đối trong tình yêu, bạn sẽ quên đi cái tôi của mình, khi đó một chút mâu thuẫn, một chút tranh chấp, một chút bạo lực, một chút căm ghét… cũng không còn nữa.
Như vậy, tình yêu – theo cách gọi của bạn – không phải là một tình cảm sâu sắc, nó chỉ là thứ tình cảm hời hợt bề ngoài. Nhưng sự căm ghét của bạn thì rất sâu sắc, nó sâu thăm thẳm như bản ngã của bạn vậy.
Đức Jesus đã đúng khi nói “tha thứ”, nhưng chúng ta đã không hiểu hết ý của Người từ bao nhiêu thế kỷ qua.
Đức Phật Thích Ca cũng nói như thế – tất cả những người giác ngộ đều nói như thế. Ngôn ngữ họ sử dụng có thể khác nhau – khác thời đại, khác thời điểm, khác đối tượng thẩm thấu – nhưng tư tưởng của họ là một. Nếu không thể tha thứ thì mãi mãi chúng ta chỉ sống trong hận thù và đau khổ.
Một mặt, chúng ta muốn quên đi và tha thứ, vì cách duy nhất để quên là tha thứ – không tha thứ thì không thể quên. Nhưng mặt khác, có một sự vướng víu sâu sắc hơn mà nếu không thấu hiểu thì Đức Thích Ca hay Chúa Jesus cũng không thể cứu rỗi cho bạn. Chúng ta vẫn ghi nhớ trạng thái sống tuyệt vời của những con người thánh thiện, nhưng họ không phải là một phần trong cách thế sống của ta, máu của họ đâu có chảy trong huyết quản của ta, ý thức của họ không ăn sâu vào xương tủy ta. Họ chưa bao giờ là một phần trong bầu khí quyển tinh thần của ta.
Họ vẫn xa lạ với ta lắm, họ vẫn là một cái gì đó được chấp nhận từ bên ngoài. Họ lôi cuốn ta bằng trí tuệ và vẻ đẹp; thế nhưng ta vẫn chẳng có gì thay đổi.
Cái tôi chính là một hiện tượng tiêu cực nhất của sự tồn tại. Nó giống như bóng tối. Sự tồn tại của bóng tối chỉ được xác lập trong vị thế đối cực với ánh sáng. Còn sự tồn tại của ánh sáng là điều hiển nhiên, không thể phủ định.
Đó là lý do tại sao chúng ta không thể tác động trực tiếp đến bóng tối dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu căn phòng của bạn chìm ngập bóng tối, bạn không thể đuổi bóng tối ra khỏi căn phòng, không thể ném nó đi, không thể hủy diệt nó một cách trực tiếp bằng bất kỳ loại vũ khí nào.
Nếu cố đánh nhau với nó, bạn sẽ bị thương đấy. Bóng tối không hề bị tổn thương. Bạn có thể là một nhà đấu vật vĩ đại, song bạn vẫn không thể vật nhau với bóng tối.
Đó là việc bất khả thi. Lý do rất đơn giản là vì bóng tối không hề tồn tại, nó chỉ tồn tại trong thế đối lập với ánh sáng. Nếu chúng ta muốn làm điều gì đó trong bóng tối, chắc chắn ta phải tìm ra hướng có ánh sáng. Nếu không muốn đứng trong bóng tối, hãy mang ánh sáng đến. Nếu muốn bóng tối hiện hữu, hãy tắt ánh sáng đi. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc bạn là hãy sống cùng với ánh sáng, trong bóng tối, bạn sẽ chẳng hoàn tất được việc gì cả. Khi những trạng thái đối nghịch không còn tồn tại thì cái tôi cũng biến mất.
Đó là lý do vì sao tôi không khuyến khích bạn tha thứ. Tôi không khuyên bạn hãy yêu ai và đừng ghét ai. Tôi không nói bạn hãy chấm dứt mọi tội lỗi và trở thành thánh nhân. Nhân loại đang cố gắng làm điều đó và họ thất bại hoàn toàn. Công việc của tôi khác hẳn. Tôi chỉ nói: Hãy mang ánh sáng đến cuộc đời của bạn. Đừng bị bóng tối khuất phục.
Bóng tối chính là cái tôi. Ánh sáng là thiền định giúp bạn thức tỉnh thực sự. Bạn sẽ không còn cố gắng kiềm chế, kiềm chế, kiềm chế thêm nữa. Kiềm chế là vô nghĩa. Kiềm chế chỗ này thì cái cảm xúc tiêu cực lại xuất hiện ở chỗ khác. Nó vẫn tìm cách làm ta tổn thương.
Bạn hỏi: “Tại sao người ta khó tha thứ, tại sao người ta cứ bám lấy những vết thương trong quá khứ?”.
Tại sao ư? Vì đó là tất cả những gì mà bạn có. Và bạn cứ thích chơi với những vết thương cũ. Bạn không muốn nó lành.
Một người đàn ông đang ngồi ở một toa xe lửa. Khi ấy, có một thầy tu mang một chiếc túi du lịch đến ngồi gần anh. Không có gì để làm, anh ta chăm chú nhìn ông thầy tu.
Ngài mở túi và lấy ra một cái khăn nhỏ, cẩn thận trải nó lên đầu gối. Sau đó, ngài lấy một chiếc bát thủy tinh và đặt nó lên cái khăn. Ngài tiếp tục lấy ra con dao và quả táo. Ngài gọt vỏ, cắt quả táo ra thành từng miếng nhỏ đặt vào bát. Rồi ngài nâng cái bát lên, dốc nghiêng nó và đổ táo ra ngoài cửa sổ.
Mọi việc cũng diễn ra như thế với quả chuối, quả lê, quả đào, quả dứa và một hũ kem – ngài ném mọi thứ qua cửa sổ sau khi đã bày biện chúng rất cẩn thận. Cuối cùng, ngài lau sạch cái bát, gấp khăn lại và đặt nó ra sau cái túi du lịch.
Người đàn ông ngồi cạnh ông thầy tu sửng sốt kêu lên: “Xin lỗi thầy! Thầy đang làm gì vậy?”.
Vị thầy tu lãnh đạm đáp: “Ta làm món salad trái cây”.
“Nhưng sao thầy lại ném chúng qua cửa sổ?” “Vì ta ghét salad.” – Thầy tu trả lời.
Con người ta cứ thích gánh theo mình những thứ mà họ ghét. Họ sống trong sự căm ghét. Họ chọc ngoáy vào vết thương của mình vì họ không muốn nó lành, không cho phép nó lành – toàn bộ cuộc đời của họ lệ thuộc vào quá khứ.
Hãy sống cho hiện tại, nếu không bạn sẽ không bao giờ có thể quên và tha thứ cho quá khứ.
Tôi không nói rằng bạn hãy quên và tha thứ tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tôi chỉ nói: Hãy sống cho hiện tại. Đó là cách tốt nhất để tồn tại; hay nói cách khác: hãy thiền định, hãy thức tỉnh, bởi khi thức tỉnh, chúng ta sẽ sống cho hiện tại.
Sự thức tỉnh không nằm ở quá khứ, cũng chẳng thuộc về tương lai. Sự thức tỉnh chỉ biết đến hiện tại. Hãy thức tỉnh.
Đó là khi bạn bắt đầu tham dự vào hiện tại, cảm nhận niềm vui của cuộc sống hiện tại, chấm dứt mọi nỗi muộn phiền vô lý mà bao người vẫn đang cố bám riết. Bạn sẽ không tìm về quá khứ nữa. Bạn sẽ quên và tha thứ. Bạn sẽ ngạc nhiên là vì sao mình không còn buồn khổ, đắng cay nữa. Quá khứ không còn, tương lai biến mất bởi nó cũng chỉ là dự phóng của quá khứ. Hãy thoát khỏi quá khứ và tương lai để tự do tận hưởng hiện tại. Kinh nghiệm sống cho hiện tại sẽ thúc đẩy chúng ta hòa nhập vào cái toàn thể, những vết thương lòng năm xưa sẽ lành lại. Không còn nỗi thương tâm nào, chúng ta bắt đầu một cuộc sống thực sự tốt đẹp. Điều đó khởi nguồn cho cuộc chuyển hóa lớn lao.
Tại sao chúng ta cứ nghiêm trọng hóa mọi chuyện? Bởi vì cái tôi luôn bất an, nó thích biến đụn đất bé tí thành ngọn núi sừng sững. Nỗi đau khổ chỉ bằng một đụn đất thôi ư, nó phải là một ngọn núi hùng vĩ chứ. Cái tôi không muốn có một nỗi đau khổ bình thường, nó muốn sở hữu một nỗi khổ khác thường! Bằng cách này hay cách khác, cái tôi luôn muốn ở vị trí thứ nhất. Vậy nên nó phải cố gắng làm nghiêm trọng tất cả mọi chuyện.
Hầu hết chúng ta luôn tạo ra cho mình những vấn đề to tát, mặc dù thực chất không phải như thế. Tôi trò chuyện với hàng ngàn người về những rắc rối của họ và tôi không hề nhận thấy một khó khăn thực sự nào cả. Tất cả mọi vấn đề đều hư ngụy – chính bạn đã tạo ra nó, bởi không có nó thì bạn lại thấy trống rỗng. Không có vấn đề tức là không có gì để làm, không có gì để tranh đấu, không có gì để sống. Người ta đi từ vị đại sư này đến đại sư khác, đi từ bậc thầy này đến bậc thầy khác, đi từ nhà tâm lý học này đến nhà tâm lý học khác, đi từ cuộc chạm trán này đến cuộc chạm trán khác, bởi nếu không đi thì làm sao họ chịu nổi sự trống rỗng, sự vô nghĩa. Họ tạo ra vấn đề để cảm thấy sống là một sứ mệnh lớn lao, là sự bành trướng những tham vọng, là những cuộc đua và con người phải làm việc cật lực để giải quyết những vấn đề.
Cái tôi chỉ tồn tại bằng tranh đấu. Vấn đề càng lớn, thử thách càng lớn, cái tôi của chúng ta càng sinh sôi nảy nở.
Chúng ta đã tạo ra nhiều vấn đề. Nhưng chúng có thực sự tồn tại đâu. Chúng ta đã tự lừa mình. “Đồng ý, đúng là không có chuyện gì nghiêm trọng. Nhưng cũng có một vài chuyện nhỏ chứ”. Không, chuyện nhỏ cũng không có. Tất cả đều do chúng ta thêu dệt. Từ cái không có, chúng ta tạo ra cái có, từ cái có chúng ta tạo ra cái lớn hơn.
Hãy nhìn vào những gì bạn đang làm xem chúng có vô nghĩa hay không. Đầu tiên, bạn tạo ra một vấn đề, sau đó bạn tìm cách giải quyết. Tại sao bạn lại làm như thế? Ngay từ đầu, bạn đừng tạo ra có hơn không. Phải chăng, cứ nghĩ ra đủ mọi vấn đề này khác thì cuộc sống mới hấp dẫn? Không cần ánh sáng, không cần giác ngộ, không cần tỉnh thức. Và bạn rơi vào một sự trống rỗng sâu thẳm, để rồi cố gắng nhồi nhét vào tâm trí mình bao nhiêu thứ.
Hãy cố gắng thấu hiểu điều này: đừng tạo ra vấn đề nào cho mình cả. Hãy chấm dứt thói quen tạo ra vấn đề để giải quyết. Càng nhìn sâu vào hiện trạng của mình, bạn càng thấy rõ chẳng có gì ghê gớm xảy ra. Và dần dần, những việc bạn từng nghĩ là rất nghiêm trọng kia sẽ biến mất. Kiên nhẫn nhìn vào nội tâm mình, một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ nhận ra vẻ đẹp của hư không lặng lẽ đang bao bọc xung quanh mình. Không cần phải làm gì, không cần phải trở thành ai, tự bạn đã đầy đủ.
Giác ngộ không phải là đạt tới một cái gì đó. Nó chỉ là sự tồn tại như nhiên. Khi tôi nói tôi đạt tới giác ngộ, điều đó chỉ có nghĩa đơn giản là tôi quyết định sống đúng với bản chất của mình. Thế là quá đủ! Từ đây, tôi không còn thích tạo ra vấn đề nào nữa. Tôi quyết định kết thúc mọi trò tung hứng ngớ ngẩn những nỗi vui buồn của đời mình.
Thực ra, nỗi đau khổ âu lo chỉ là trò chơi của chúng ta.
Đó là một cuộc chơi mà chúng ta tự giấu mình đi và tự tìm kiếm lại bản thân. Ta ở cả hai phía. Bạn biết rõ điều đó. Cho nên tôi mới nói rằng bạn hãy mỉm cười đi. Hãy cười lớn lên.
Tất nhiên, không phải tôi nói bạn cười một cách vô nghĩa lý mà hãy cười vào chính bản thân mình. Chỉ khi nào ta biết rõ ta đang cười với chính mình, ta sẽ hiểu rõ điều gì đang xảy ra. Hầu như tất cả chúng ta đều đang sống trong một trò chơi: ta giấu mình, chờ đợi chính mình đi tìm và tìm lại được chính mình.
Bạn có thể nhận chân bản chất của mình ngay tại thời khắc này.
Giờ đây, có lẽ bạn đã hiểu vì sao các thiền sư lại dùng gậy quất vào người các thiền sinh. Bất cứ khi nào một đệ tử đến và nói: “Con muốn trở thành Phật” thì lập tức thiền sư nổi giận. Sao tên đệ tử kia lại nói điều ngớ ngẩn đến vậy. Ngươi đã là Phật rồi. Nếu Đức Phật đến gặp ta và hỏi cách nào để trở thành Phật, hãy nghĩ xem ta sẽ làm gì? Ta cũng sẽ gõ vào đầu Ngài! “Sao ngươi còn muốn trở thành ai khác nữa. Ngươi chính là Phật”.
Đừng cố gắng tạo ra bất kỳ vấn đề nào cho mình. Khi tự quán sát mình, hiểu được mình đã làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn như thế nào, bạn sẽ thấy mọi việc sáng rõ hơn. Bạn sẽ thấy tự nhiên mình bước lên đỉnh điểm đau khổ và đòi cả thế giới phải thông cảm sẻ chia.
Bạn chính là một chuyên gia tầm cỡ trong việc kiến tạo những rắc rối. Nhận ra sự thật này, những “vấn đề” của bạn sẽ biến mất nhanh chóng. Bạn có hình dáng hoàn hảo, được sinh ra một cách hoàn hảo, đó là toàn bộ thông điệp. Sự hoàn hảo là bản chất bên trong của chúng ta. Hãy sống với sự hoàn hảo đó. Quyết định sống với đúng điều đó thôi.
Nếu chưa chán trò chơi này, bạn hãy tiếp tục nhưng đừng hỏi tại sao. Bạn biết rõ lý do mà. Lý do rất đơn giản.
Cái tôi không thể tồn tại trong sự rỗng không, nó cần đủ thứ để chiến đấu, kể cả chiến đấu với cái bóng ma của chính mình. Cái tôi chỉ có thể tồn tại trong quan hệ mâu thuẫn. Nó không phải là một thực thể, nó là một tình trạng căng thẳng. Sự căng thẳng biến mất thì cái tôi cũng biến mất.
Điều đáng nói là hầu hết mọi người đều muốn sống căng thẳng mà không biết. Bản thân mình lo nghĩ buồn phiền chưa đủ, bạn còn cố gắng suy nghĩ về những vấn đề của nhân loại, của thế giới, của tương lai… Bạn bắt đầu nghĩ rằng hình như cả thế giới phải nghe theo lời khuyên của bạn. Rồi bạn nghĩ: “Cái gì đang xảy ra ở Israel? Ở châu Phi?”. Bạn sẽ đưa ra giải pháp này khác, và tạo ra hàng đống vấn đề.
Thế rồi mọi người đều hết sức phấn khích, gần như không thể ngủ bởi vì các cuộc chiến tranh lớn nhỏ cứ xảy ra. Cuộc sống bình thường của chúng ta trở nên bất thường. Chiến tranh văn hóa, sắc tộc bắt đầu diễn ra. Và tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng trầm trọng, đều trở nên có vấn đề.
Vậy nên, nếu thấu hiểu quá trình chúng ta đã tạo ra vấn đề của mình như thế nào, bạn sẽ tiến dần đến việc nhận thức cái hư không thanh khiết đang bao quanh cuộc sống của mình. Bản chất của giác ngộ là ở chỗ nhìn ra cái ánh sáng hư không đó, là từ bỏ vĩnh viễn những nỗi buồn đau ám ảnh bạn từ lâu.
Nếu không có gì để giải quyết, bạn sẽ làm gì? Ngay lập tức, bạn bắt đầu cuộc sống thực sự của mình. Bạn sẽ ăn uống, nghỉ ngơi, yêu thương, ca hát, nhảy múa… đúng nghĩa một đời sống phong phú, nhân bản.
Một người không có bất kỳ vấn đề nào – đó chính là Thượng Đế. Ngài sẽ làm gì với cuộc sống của mình? Ngài không cần đến một chuyên gia tâm thần học, không cần đến những đạo sư…. không cần chi phối ai. Vậy, Thượng Đế đang làm gì? Ngài sẽ làm gì? Ngài có phát điên lên như chúng ta không? Không, ngài sẽ sống một cách bình thường, một cách giản dị và điều quan trọng nhất là ngài không gặp bất kỳ một vấn đề nào cả.
Rồi bạn sẽ thấy: càng sống trọn vẹn trong mỗi phút giây của hiện tại, ta lại càng ít âu lo phiền muộn. Cái trống rỗng mà bạn sẵn có trong tâm hồn sẽ ngày một thăng hoa, bạn thấy sự sống của mình thật xứng đáng, thật ý nghĩa và chẳng còn mong trở thành một ai khác nữa. Còn nếu bạn không sống trong hiện tại thì nguồn năng lượng dồi dào đó sẽ úa tàn. Nó không bao giờ còn có thể nở hoa; nó sẽ hóa thành bụi gai trong trái tim bạn.
Nếu ta bắt buộc một đứa bé ngồi trong góc nhà và không cho nó rời khỏi đó một bước, bạn thử quan sát xem điều gì sẽ xảy ra? Chỉ một vài phút trước đó, nó hoàn toàn vui vẻ, dễ chịu; và bây giờ, nó căng thẳng, mặt mũi đỏ gay. Cơ thể nó cựa quậy không yên vì phải giữ mình một chỗ theo lệnh của người lớn. Toàn bộ năng lượng của đứa bé phải tập trung vào chỗ ngồi – nơi mà nó cảm thấy không có mục đích, không ý nghĩa, không có không gian để di chuyển, không có gì để thăng hoa nảy nở; tất cả bị kìm hãm, đóng băng, cứng nhắc.
Đứa bé rất khổ sở, nó đang chết theo một nghĩa nào đó. Nếu chúng ta cấm trẻ em chạy chơi trong vườn, nó sẽ bắt đầu tạo ra vấn đề. Nó bắt đầu mơ mộng, nghĩ ra chuyện này chuyện khác, thậm chí còn tìm cách chiến đấu với mớ câu chuyện tưởng tượng của mình. Nó thấy một con chó to và sợ hãi, nó thấy bóng ma và phải chiến đấu để thoát khỏi bóng ma ấy. Giờ đây, nó đang vẽ vời một câu chuyện gì đó vô bổ – nghĩa là toàn bộ nguồn năng lượng có thể làm cho đứa bé trở nên đáng yêu đã bị ngăn cản.
Nếu chúng ta biết nhảy múa một chút, ca hát một chút, thậm chí nổi loạn một chút thì nguồn năng lượng vĩnh cửu bên trong sẽ sớm nở hoa, những rắc rối muộn phiền của chúng ta sẽ dần dần phai nhạt và biến mất.
Nếu chúng ta biết nhảy múa một chút, ca hát một chút, thậm chí nổi loạn một chút thì nguồn năng lượng vĩnh cửu bên trong sẽ sớm nở hoa, những rắc rối muộn phiền của chúng ta sẽ dần dần phai nhạt và biến mất.
Tôi nhấn mạnh đến những điệu múa. Nhảy múa chính là hạnh phúc. Toàn bộ năng lượng của chúng ta dồn vào những động tác, và bất ngờ ta sẽ không còn cảm giác về cái đầu nặng trĩu của mình – nguồn năng lượng bị ách tắc trong tâm trí sẽ được giải tỏa, mở ra vô vàn những cảnh tượng và khoảnh khắc tươi đẹp, sống động. Thân thể của chúng ta sẽ không còn cứng nhắc, nó trở nên mềm mại tinh tế. Không còn biên giới nào nữa trong khoảnh khắc chúng ta nhảy múa và tan chảy vào vũ trụ bao la.
Hãy ngắm nhìn những nghệ sĩ múa, bạn sẽ thấy họ trở thành một hiện tượng năng lượng. Cơ thể họ đâu phải là cái khung xương thịt. Họ đang sống, đang trở nên vui sống hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào thực sự nhảy múa, bạn sẽ cảm nhận được điều này. Mọi ưu tư biến mất, chúng ta trở thành con trẻ, trở lại khoảng thời gian mà cái đầu ngây thơ của ta không hề biết tạo ra chuyện phiền phức cho đời mình.
Sống bình thường, sống vui vẻ, đừng cố tạo ra vấn đề nào nghiêm trọng cho mình, đó là những gì chúng ta cần làm. Bất cứ khi nào cần tạo ra vấn đề, chắc chắn bạn sẽ phải giải quyết nó. Nhưng nếu giải quyết, bạn sẽ phải đối mặt với một nghìn lẻ một vấn đề khác mọc lên. Phải tỉnh táo để thoát khỏi cái bẫy của chính mình, ở ngay chính bước chân đầu tiên.
Khi đối diện với buồn phiền, hãy giữ mình đừng đi sâu vào nó. Hãy bình tĩnh làm một điều gì đó để giải thoát nguồn năng lượng có nguy cơ bị đóng băng vì đau khổ. Hãy nhanh chóng đưa năng lượng của mình trở về với cội nguồn vũ trụ.
Người sơ cổ không có nhiều vấn đề. Tôi có dịp gặp nhóm người thuộc một bộ lạc hoang dã ở Ấn Độ. Họ nói rằng họ chẳng bao giờ nằm mơ. Freud hẳn là không thể tin nổi điều này. Họ không mơ, nhưng nếu có – rất hạn hữu – thì họ mơ về những ngôi làng, mơ cầu nguyện với Thượng Đế. Thực ra, khi mơ tức là có cái gì đó sai. Giấc mơ không bao giờ xảy ra với bộ lạc của họ, bởi họ chẳng lưu lại gì trong đầu mình khi say ngủ.
Những gì bạn còn níu giữ sẽ lưu dấu trong giấc mơ. Bạn đã suy nghĩ suốt một ngày. Dòng suy nghĩ ấy chứng tỏ nguồn năng lượng bạn sử dụng quá nhiều, quá liều lượng cần thiết.
Nghĩa là bạn đánh mất đời sống hiện thực của mình. Khi dùng quá nhiều năng lượng thì nguồn năng lượng mới sẽ bị phí hoài. Đừng trở thành kẻ luôn phí hoài như thế. Hãy sử dụng năng lượng cho ngày hôm nay một cách hoàn hảo.
Ngày mai sẽ lo việc ngày mai, đừng lo lắng về ngày mai. Nỗi lo lắng thường trực về cái ngày mai nào đó chỉ chứng tỏ bạn không yên ổn trong hiện tại, không thể tìm thấy niềm vui nào trong hiện tại. Vấn đề là ở chỗ đó.
Nếu chúng ta thực sự sống đúng với con người bên trong thuần túy của mình, cái tôi nào đó mà chúng ta ngộ nhận sẽ hoàn toàn biến mất. Cuộc sống không cần biết đến sự tồn tại của cái tôi nào cả, nó chỉ là sự sống, sự sống và sự sống – một sự sống đơn thuần, không tô vẽ. Cuộc sống không có tự ngã, không có trung tâm, không có tình trạng ngăn cách. Chúng ta hít vào – vậy là cuộc sống đi vào chúng ta. Chúng ta thở ra – vậy là ta đi vào cuộc sống.
Không hề có sự ngăn cách nào. Chúng ta ăn hoa quả là thiên nhiên đi vào chúng ta. Khi chết đi, chúng ta trở về với đất và trở thành thức ăn cho thiên nhiên.
Cuộc sống là dòng chảy duy nhất luôn luôn chuyển động. Nó đi vào chúng ta, rồi đi qua chúng ta. Thực ra, không phải nó đi vào chúng ta mà là nó luôn đi qua.
Chúng ta không thực sự tồn tại, chỉ có dòng sống tồn tại trong hình thức phức tạp của nó, trong mạch năng lượng của nó và trong hàng triệu niềm hân hoan mà nó mang lại cho con người. Một khi đã hiểu rõ như thế, chúng ta sẽ xem đây là quy luật duy nhất để giải thích mọi thứ.
Xem tiếp Chương 5Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »