Chương 4: Hành động trong hài hoà với tự nhiên

Osho - Sáng tạo
Chương 4: Hành động trong hài hoà với tự nhiên


Sáng tạo chính là trạng thái rất ngược đời của tâm thức và hiện hữu. Nó là hành động qua vô hành động, nó là điều Lão Tử gọi vi vô vi. Nó cho phép điều gì đó xảy ra qua bạn. Nó không phải là việc làm, nó là việc cho phép. Nó là việc trở thành lối đi để cho cái toàn thể có thể chảy qua bạn. Nó đang trở thành cây tre hổng, chỉ là cây tre hổng.
Và thế rồi lập tức cái gì đó bắt đầu xảy ra, bởi vì ẩn đằng sau con người là Thượng đế. Cho ngài một con đường nhỏ thôi, để đi tới qua bạn. Đó là sáng tạo - việc cho phép Thượng đế xảy ra là sáng tạo. Sáng tạo là trạng thái tôn giáo.
Đó là lí do tại sao tôi nói rằng nhà thơ còn gần Thượng đế hơn nhà thượng đế học nhiều, vũ công thậm chí còn gần hơn. Triết gia là ở xa nhất, bởi vì bạn càng nghĩ nhiều, bức tường bạn tạo ra giữa mình với cái toàn thể càng lớn hơn. Bạn càng nghĩ nhiều, bạn càng hiện hữu nhiều hơn. Bản ngã không là gì ngoài tất cả những ý nghĩ đã được tích luỹ lại trong quá khứ. Khi bạn không hiện hữu, Thượng đế hiện hữu. Đó là sáng tạo.
Sáng tạo đơn giản có nghĩa là bạn đang trong thảnh thơi toàn bộ. Nó không ngụ ý không hành động, nó ngụ ý thảnh thơi - bởi vì từ thảnh thơi nhiều hành động sẽ được sinh ra. Nhưng điều đó sẽ không phải là việc làm của bạn, bạn sẽ chỉ là phương tiện. Bài ca sẽ bắt đầu tới qua bạn - bạn không phải là người tạo ra nó, nó tới từ cõi bên kia. Nó bao giờ cũng tới từ cõi bên kia. Khi bạn tạo ra nó, nó chỉ là đồ tầm thường, trần tục. Khi nó tới qua bạn, nó có cái đẹp siêu phàm, nó đem cái gì đó của cái không biết trong nó.
Khi nhà thơ vĩ đại Coleridge chết ông ấy đã để lại hàng nghìn bài thơ dang dở. Nhiều lần trong đời mình ông ấy đã được mọi người hỏi, "Sao ông không hoàn thành những bài thơ đó" - bởi vì vài bài thơ chỉ thiếu mỗi một hay hai dòng. "Sao ông không hoàn thành chúng đi?"
Và ông ấy nói, "Tôi không thể hoàn thành được. Tôi đã thử rồi, nhưng khi tôi hoàn thành chúng, cái gì đó bị lỡ, cái gì đó đi sai. Dòng viết của tôi chẳng bao giờ nhập vào sự hài hoà với cái đã tới qua tôi. Nó vẫn còn là khối chắn vấp váp, nó trở thành tảng đá, nó cản trở luồng chảy. Cho nên tôi phải đợi. Bất kì ai đã từng tuôn chảy qua tôi, bất kì khi nào người đó bắt đầu tuôn chảy và hoàn thành bài thơ này thì nó sẽ được hoàn thành, không trước điều đó đâu."
Ông ấy đã hoàn thành chỉ và bài thơ thôi. Nhưng những bài thơ đó có cái đẹp siêu phàm, có huy hoàng huyền diệu vĩ đại. Điều đó bao giờ cũng như vậy: nhà thơ biến mất, thế thì có sáng tạo. Thế thì ông ấy bị ám ảnh. Vâng, đó là chính là từ đấy, ông ấy bị ám ảnh. Bị ám ảnh bởi Thượng đế là sáng tạo.
Simone de Beauvoir đã nói, "Cuộc sống bận rộn cả trong việc duy trì nó và trong việc vượt qua nó; nếu tất cả mọi điều nó làm chỉ là duy trì bản thân nó, thì việc sống chỉ là không chết." Và người không có tính sáng tạo chỉ là không chết, có thế thôi. Cuộc sống của người đó không có chiều sâu. Cuộc sống của người đó còn chưa phải là cuộc sống mà chỉ là lời mở đầu; cuốn sách cuộc sống vẫn còn chưa bắt đầu. Người đó được sinh ra, đúng, nhưng người đó không sống.
Khi bạn trở nên có tính sáng tạo, khi bạn cho phép tính sáng tạo xảy ra qua bạn, khi bạn bắt đầu hát lên bài ca không phải của riêng mình - điều bạn không thể kí vào được và bạn không thể nói được, "Đó là của riêng tôi," bạn không thể đặt chữ kí của mình lên nó được - thế thì cuộc sống chắp cánh, nó bùng lên. Trong sáng tạo có sự vượt lên. Bằng không, nhiều nhất chúng ta có thể cứ kéo dài mãi bản thân mình. Bạn tạo ra đứa trẻ - điều đó không phải là sáng tạo. Bạn sẽ chết và đứa trẻ sẽ ở đây để duy trì cuộc sống. Nhưng duy trì cuộc sống là không đủ chừng nào bạn còn chưa bắt đầu vượt qua bản thân mình - và việc vượt qua xảy ra chỉ khi cái gì đó của cõi bên kia đi tới tiếp xúc với bạn.
Đó là điểm của siêu việt - vượt lên. Và trong việc vượt lên, phép màu xảy ra: bạn không hiện hữu, ấy vậy mà lần đầu tiên bạn lại hiện hữu.
Tinh hoa của trí huệ là hành động trong hài hoà với tự nhiên. Đó là thông điệp của tất cả mọi nhà huyền môn vĩ đại - Lão Tử, Phật, Bahauddin, Sosan, Sanai - hành động trong hài hoà với tự nhiên. Con vật hành động một cách vô ý thức trong hài hoà với tự nhiên. Con người phải hành động một cách có ý thức trong hài hoà với tự nhiên, bởi vì con người có tâm thức. Con người có thể chọn không hành động trong hài hoà, do đó mới có trách nhiệm lớn lao.
Con người có trách nhiệm. Chỉ con người mới có trách nhiệm, đó là cái vĩ đại của con người. Không con vật nào khác có trách nhiệm - nó đơn giản hành động trong hài hoà, không có cách nào đi lạc lối. Con vật không thể đi lạc lối được; nó còn chưa có khả năng đi lạc lối, còn chưa có tâm thức. Nó vận hành như bạn vận hành trong giấc ngủ say.
Trong giấc ngủ say bạn cũng rơi vào trong hài hoà với tự nhiên. Đó là lí do tại sao giấc ngủ say lại làm khoẻ người thế, thảnh thơi thế. Chỉ vài phút ngủ say, và bạn lại tươi tắn và trẻ trung và tất cả mọi bụi bặm bạn đã thu thập và tất cả mọi mệt mỏi và chán chường đều biến mất. Bạn đã tiếp xúc với cội nguồn.
Nhưng đây là cách thức loài vật tiếp xúc với cội nguồn; ngủ là cách thức loài vật tiếp xúc với cội nguồn. Con vật theo chiều ngang, con người theo chiều đứng. Khi bạn muốn đi vào trong giấc ngủ bạn phải rơi vào thế chiều ngang. Chỉ ở thế chiều ngang bạn mới có thể rơi vào giấc ngủ - bạn không thể rơi vào giấc ngủ khi đang đứng, điều đó sẽ rất khó khăn. Bạn phải đi lùi trở lại, lùi lại hàng triệu năm, cũng giống như con vật. Bạn nằm theo chiều ngang, song song với đất; bỗng nhiên bạn bắt đầu mất ý thức, bỗng nhiên bạn không còn có trách nhiệm nữa.
Chính bởi sự kiện này mà Sigmund Freud đã chọn chiếc tràng kỉ cho bệnh nhân. Không phải là để làm cho bệnh nhân được tiện nghi đâu, đó là một chiến lược đấy. Một khi bệnh nhân nằm ngang, người đó bắt đầu không có trách nhiệm. Và chừng nào người đó còn chưa cảm thấy được tự do nói mọi điều, người đó sẽ không nói những điều vô ý thức. Nếu người đó vẫn còn có trách nhiệm và ở tư thế thẳng đứng, người đó sẽ tiếp tục phán xét liệu có nên nói một điều hay không. Người đó sẽ kiểm duyệt. Khi người đó nằm ngang trên tràng kỉ - và nhà phân tâm ẩn đằng sau, bạn không thể thấy ông ấy được - bỗng nhiên người đó lại giống như con vật, người đó không có trách nhiệm. Người đó bắt đầu lảm nhảm những điều mà người ấy sẽ không bao giờ nói cho bất kì ai, cho người lạ. Người đó bắt đầu nói những điều nằm sâu trong vô thức của mình; những điều vô thức đó bắt đầu trồi lên bề mặt. Đó là một chiến lược, một chiến lược của Freud để làm cho bệnh nhân hoàn toàn bất lực như đứa trẻ hay như con vật.
Một khi bạn không cảm thấy trách nhiệm thì bạn trở thành tự nhiên. Và cách trị liệu tâm lí đã có ích lớn lao; nó làm bạn thảnh thơi. Tất cả mọi điều bạn đã kìm nén đều trồi ra, và sau khi trồi lên bề mặt nó bay hơi. Sau khi trải qua phân tâm bạn trở nên ít bị nặng gánh, bạn trở nên tự nhiên hơn, bạn lại hài hoà hơn với tự nhiên và với bản thân mình. Đó là ý nghĩa của việc được mạnh khoẻ.
Nhưng điều này là lùi lại, là thoái lui. Nó đi về tầng ngầm. Còn có cách khác để vượt lên, và đó là đi tới tầng thượng - không phải là cách thức của Sigmund Freud mà là cách thức của Phật. Bạn có thể vượt lên trên bản thân mình bằng việc tiếp xúc có ý thức với tự nhiên.
Và đó là tinh hoa của trí huệ - hài hoà với tự nhiên, với nhịp điệu tự nhiên của vũ trụ. Và bất kì khi nào bạn trong hài hoà với nhịp điệu tự nhiên của vũ trụ, bạn là nhà thơ, bạn là hoạ sĩ, bạn là nhạc sĩ, bạn là vũ công.
Thử điều đó mà xem. Đôi khi ngồi bên cạnh cây, rơi vào hoà đồng một cách có ý thức. Trở thành một với tự nhiên; để các biên giới tan biến đi. Trở thành cây, trở thành cỏ, trở thành gió - và bỗng nhiên bạn sẽ thấy, cái gì đó chưa bao giờ xảy ra với bạn trước đây lại đang xảy ra. Mắt bạn trở nên đầy mầu sắc: cây cối xanh hơn chúng đã từng thế, và hoa hồng còn hồng hơn, và mọi thứ đều dường như chói sáng. Và bỗng nhiên bạn muốn hát lên bài ca, chẳng biết nó từ đâu tới. Chân bạn sẵn sàng để nhảy múa; bạn có thể cảm thấy điệu vũ đang rậm rịch chạy bên trong mạch máu mình, bạn có thể nghe thấy âm thanh của âm nhạc bên trong và bên ngoài.
Đây là trạng thái của sáng tạo. Điều này có thể được gọi là phẩm chất cơ bản của nó - trong hài hoà với tự nhiên, được hoà đồng với cuộc sống, với vũ trụ.
Lão Tử đã cho nó một cái tên hay, vi vô vi, hành động qua vô hành động. Đó là sự ngược đời của tính sáng tạo. Nếu bạn thấy một hoạ sĩ đang vẽ, chắc chắn người đó đang hoạt động, hoạt động toàn toàn, hoạt động điên cuồng - người đó là tất cả hành động. Hay nếu bạn thấy một vũ công đang múa, người đó là tất cả hành động. Nhưng vậy mà, sâu bên dưới không có diễn viên, không có người làm; chỉ có im lặng. Do đó tôi nói sáng tạo là trạng thái của sự ngược đời. Tất cả mọi trạng thái đẹp đều mang tính ngược đời. Bạn đi càng cao hơn, bạn càng phải đi sâu hơn vào cái ngược đời của thực tại. Hành động tối cao với thảnh thơi tối cao - trên bề mặt hành động vĩ đại đang xảy ra, ở chiều sâu không gì xảy ra cả, hay chỉ cái không đang xảy ra. Bình thản sáng tạo là hành động tối cao - mềm dẻo quí giá, đơn giản, tính tự phát và tự do tuôn chảy từ chúng ta, hay đúng hơn qua chúng ta, khi bản ngã riêng tư và nỗ lực có ý thức của bạn nhường bước cho quyền năng không phải của riêng chúng.
Nhường bước cho quyền năng không phải của riêng bạn, buông xuôi cho quyền năng bên ngoài bạn, là sáng tạo. Thiền là sáng tạo. Và khi bản ngã biến mất, vết thương trong bạn biến mất; bạn được chữa lành, bạn là toàn thể. Bản ngã là bệnh tật của bạn. Và khi bản ngã biến mất bạn không còn ngủ nữa, bạn bắt đầu tuôn chảy. Bạn bắt đầu tuôn chảy với luồng chảy mênh mông của sự tồn tại.
Norbert Weiner đã nói, "Chúng ta không phải là chất liệu tồn tại mãi, nhưng các hình mẫu cứ duy trì chúng, những xoáy nước trong dòng sông đang chảy." Thế thì bạn không phải là bản ngã mà là sự kiện, hay quá trình các sự kiện. Thế thì bạn là quá trình, không phải là vật. Tâm thức không phải là vật, nó là quá trình - và chúng ta đã làm nó thành vật. Khoảnh khắc bạn gọi nó là "tôi" nó trở thành vật - được định nghĩa, bị giới hạn, ngủ, tù đọng, và bạn bắt đầu chết.
Bản ngã là cái chết của bạn, và cái chết của bản ngã là việc bắt đầu của cuộc sống thực của bạn. Cuộc sống thực là sáng tạo.
Bạn không cần tới bất kì trường học nào để học sáng tạo. Mọi điều bạn cần là đi vào bên trong và giúp cho bản ngã tan biến. Đừng hỗ trợ nó, đừng cứ làm mạnh và nuôi dưỡng nó. Và bất kì khi nào bản ngã không có, tất cả đều là chân lí, tất cả đều đẹp. Và thế thì bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt.
Tôi không nói rằng tất cả các bạn đều sẽ trở thành Picasso hay Shakespeares, tôi không nói điều đó. Vài người trong các bạn sẽ trở thành hoạ sĩ, vài người trong các bạn sẽ thành ca sĩ, vài người trong các bạn sẽ trở thành nhạc sĩ, vài người trong các bạn sẽ trở thành vũ công - nhưng đó không phải là vấn đề. Mỗi người trong các bạn sẽ trở nên có tính sáng tạo theo cách riêng của mình. Bạn có thể là người nấu bếp, nhưng thế rồi vẫn có sự sáng tạo. Hay bạn có thể chỉ là người dọn dẹp, nhưng thế rồi sẽ có sáng tạo.
Sẽ không có chán chường. Bạn sẽ trở nên mang tính phát minh trong những điều nhỏ bé. Ngay cả trong dọn dẹp cũng sẽ có một loại tôn thờ, lời cầu nguyện, cho nên bất kì điều gì bạn làm đều sẽ có hương vị của sáng tạo. Và chúng ta không cần nhiều hoạ sĩ - nếu tất cả đều biến thành hoạ sĩ, cuộc sống sẽ trở thành rất khó khăn. Chúng ta không cần nhiều nhà thơ; chúng ta cần người làm vườn nữa, chúng ta cần nông dân nữa, và chúng ta cần tất cả loại người. Nhưng từng người đều có thể có tính sáng tạo. Nếu người đó mang tính thiền và vô ngã, thế thì Thượng đế bắt đầu tuôn chảy qua người đó. Tương ứng với khả năng của người đó, tương ứng với tiềm năng của người đó, Thượng đế bắt đầu lấy các hình dạng. Và thế thì tất cả đều tốt.
Bạn không cần trở nên nổi tiếng. Người thực sự sáng tạo không bận tâm chút nào tới việc trở nên nổi tiếng; không có nhu cầu. Người đó được hoàn thành vô cùng trong bất kì việc gì người đó làm, người đó thoả mãn với bất kì điều gì người đó đang làm và bất kì chỗ nào người đó đang ở, tới mức không có vấn đề ham muốn. Khi bạn có tính sáng tạo, ham muốn biến mất. Khi bạn có tính sáng tạo, tham vọng biến mất. Khi bạn có tính sáng tạo, bạn đã là cái bạn bao giờ cũng muốn là.
Xem tiếp Chương 5Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »