Chương 1: Về người và chuột

Osho - Nhận biết
Phần I: Hiểu biết
Tôi chưa bao giờ dùng từ từ bỏ chút nào. Tôi nói: hân hoan trong cuộc sống, trong tình yêu, trong thiền, trong cái đẹp của thế giới, trong cực lạc của sự tồn tại - hân hoan trong mọi thứ! Biến điều trần tục thành linh thiêng. Biến bờ này thành bờ kia, biến trái đất thành thiên đường.
Và thế thì một cách gián tiếp sự từ bỏ nào đó bắt đầu xảy ra. Nhưng điều đó xảy ra, bạn không làm nó. Nó không phải là việc làm, nó là việc xảy ra. Bạn bắt đầu từ bỏ cái ngu xuẩn của mình; bạn bắt đầu từ bỏ rác rưởi. Bạn bắt đầu từ bỏ những mối quan hệ vô nghĩa. Bạn bắt đầu từ bỏ những việc không đáp ứng cho bản thể bạn. Bạn bắt đầu từ bỏ những chỗ mà sự trưởng thành là không thể được. Nhưng tôi không gọi điều đó là từ bỏ, tôi gọi nó là hiểu biết, nhận biết.
Nếu bạn đang mang đá trong tay mình mà cứ nghĩ rằng chúng là kim cương, tôi sẽ không bảo bạn từ bỏ những viên đá đó. Tôi sẽ đơn giản nói, "Tỉnh táo và lấy cái nhìn khác đi!" Nếu bản thân bạn thấy rằng chúng không phải là kim cương, có cần từ bỏ chúng không? Chúng sẽ rơi khỏi tay bạn theo cách của chúng. Thực tế, nếu bạn vẫn muốn mang chúng, bạn sẽ phải làm nỗ lực lớn hơn, bạn sẽ phải mang ý chí lớn hơn, để vẫn mang chúng. Nhưng bạn không thể mang chúng lâu được; một khi bạn đã thấy rằng chúng là vô dụng, vô nghĩa, bạn nhất định vứt chúng đi.
Và một khi tay bạn trống rỗng, bạn có thể tìm kho báu thực. Và kho báu thực không ở trong tương lai. Kho báu thực ở ngay bây giờ, ở đây.

Chương 1: Về người và chuột


Thức tỉnh là con đường của cuộc sống.
Người ngu ngủ cứ dường như người đó đã chết,
nhưng người chủ thức và người đó sống mãi.
Người đó quan sát. Người đó rõ ràng.
Người đó hạnh phúc làm sao! Vì người đó thấy rằng thức tỉnh là cuộc sống.
Người đó hạnh phúc làm sao, đi theo đường của người thức tỉnh.
Với kiên nhẫn lớn lao người đó thiền, tìm tự do và hạnh phúc.
- trích từ Dhammapada của Phật Gautam
Chúng ta cứ sống tuyệt đối lơ mơ với điều đang xảy ra quanh ta. Vâng, chúng ta đã trở nên rất hiệu quả trong việc làm mọi thứ. Điều chúng ta đang làm, chúng ta đã trở nên hiệu quả trong việc làm tới mức chúng ta không cần nhận biết nào để làm nó. Nó đã trở thành máy móc, tự động. Chúng ta vận hành như người máy. Chúng ta còn chưa là người; chúng ta là máy.
Đó là điều George Gurdjieff hay nói lặp đi lặp lại, rằng con người như người đó đang tồn tại là cái máy. Ông ấy xúc phạm nhiều người, bởi vì chẳng ai thích bị gọi là máy. Máy thích được gọi là thượng đế, thế thì họ cảm thấy rất hạnh phúc, dương dương tự đắc. Gurdjieff hay gọi mọi người là máy, và ông ấy đúng. Nếu bạn tự quan sát mình, bạn sẽ biết bạn cư xử máy móc thế nào.
Nhà sinh lí học người Nga Pavlov, và nhà tâm lí học người Mĩ Skinner, đúng đến 99,9 phần trăm về con người: họ tin rằng con người là cái máy đẹp, có vậy thôi. Không có linh hồn trong con người. Tôi nói 99,9 phần trăm họ đúng; họ chỉ bỏ lỡ một số dư nhỏ. Trong số dư nhỏ đó là chư phật, những người đã thức tỉnh. Nhưng họ có thể được tha thứ, bởi vì Pavlov chưa bao giờ bắt gặp vị phật nào - ông ấy đã gặp hàng triệu người như bạn.
Skinner đã nghiên cứu về người và chuột và thấy chẳng khác biệt gì. Chuột là người đơn giản, có vậy thôi; người có phức tạp hơn chút ít. Người là cái máy phức tạp cao  độ, chuột là máy đơn giản. Dễ nghiên cứu chuột hơn; đó là lí do tại sao các nhà tâm lí cứ nghiên cứu chuột. Họ nghiên cứu chuột và họ kết luận về người - và kết luận của họ gần đúng hết. Tôi nói "gần", lưu ý đấy, bởi vì một phần mười của một phần trăm là hiện tượng quan trọng nhất mà đã xảy ra. Một Phật, một Jesus, một Mohammed - vài người thức tỉnh này là người thực. Nhưng B. F. Skinner có thể tìm đâu ra được vị phật? Chắc chắn không ở Mĩ...
Tôi đã nghe:
Một người hỏi giáo sĩ, "Sao Jesus lại không chọn được sinh ra ở nước Mĩ thế kỉ hai mươi?"
Giáo sĩ nhún vai và nói, "Ở Mĩ sao? Điều đó sẽ là không thể được. Trước hết anh có thể tìm đâu ra người đồng trinh? Và thứ hai, anh sẽ tìm đâu ra ba người đàn ông khôn ngoan?"
B. F. Skinner định đi tìm vị phật ở đâu? Và cho dù ông ta có thể tìm thấy vị phật, thì các định kiến, các ý tưởng có sẵn của ông ấy sẽ không cho phép ông ấy thấy được. Ông ấy sẽ cứ thấy chuột của mình thôi. Ông ấy không thể nào hiểu bất kì cái gì mà chuột không thể làm được. Bây giờ, chuột không thiền, chuột không trở nên chứng ngộ. Và quan niệm của ông ấy về con người thì chỉ là dạng chuột được khuếch đại lên. Và tôi vẫn nói rằng ông ấy là đúng đối với số lớn mọi người; kết luận của ông ấy không phải là sai. Và chư phật cũng sẽ đồng ý với ông ấy về cái gọi là nhân loại thông thường này: nhân loại thông thường hoàn toàn ngủ. Thậm chí con vật cũng không ngủ đến thế.
Bạn đã bao giờ thấy con hươu trong rừng chưa - nó trông tỉnh táo làm sao, nó bước đi cẩn trọng làm sao? Bạn đã bao giờ thấy con chim đậu trên cây chưa - nó cứ quan sát một cách thông minh làm sao điều đang xảy ra khắp xung quanh? Bạn đi về phía con chim đó - có một khoảng cách nào đó nó cho phép. Vượt ra ngoài khoảng cách đó, thêm một bước nữa, và nó bay mất. Nó có sự tỉnh táo nào đó về lãnh thổ của nó. Nếu ai đó đi vào trong lãnh thổ đó, thế thì điều đó là nguy hiểm.
Nếu bạn nhìn xung quanh bạn sẽ ngạc nhiên: con người dường như là con vật ngủ nhiều nhất trên trái đất này.
Một người phụ nữ mua một con vẹt tại một cuộc bán đấu giá đồ đạc của nhà thổ, và để lồng vẹt được che kín trong hai tuần, hi vọng làm cho nó quên đi những từ tục tĩu. Khi cái lồng cuối cùng được mở ra, con vẹt nhìn quanh và nhận xét, “A óc! Nhà mới. Bà mới.” Khi con gái bà ta về nhà, nói nói thêm, “A óc! Gái mới.”
Khi chồng bà ta về nhà đêm đó, con vẹt nói, “A óc! A óc! Cùng ông khách cũ!”
Con người đang ở trong trạng thái sa ngã. Thực tế, đó là ý nghĩa của chuyện ngụ ngôn Ki tô giáo về sự sa ngã của Adam, việc bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Nhưng tại sao Adam và Eve lại bị đuổi ra khỏi vườn thiên đường? Họ đã bị đuổi ra bởi vì họ đã ăn quả tri thức. Họ đã bị đuổi ra bởi vì họ đã trở thành tâm trí, và họ đã đánh mất tâm thức của mình. Nếu bạn trở thành tâm trí, bạn đánh mất tâm thức - tâm trí nghĩa là giấc ngủ, tâm trí nghĩa là ồn ào, tâm trí nghĩa là máy móc. Nếu bạn trở thành tâm trí, bạn mất tâm thức.
Do đó, toàn bộ công việc cần phải được làm là lại trở thành tâm thức và làm mất tâm trí. Bạn phải vứt đi hệ thống của mình, tất cả những thứ mà bạn đã thu thập như là tri thức. Chính tri thức đang giữ bạn ngủ; do đó, người càng nhiều tri thức, càng ngủ nhiều.
Điều đó cũng đã là quan sát của tôi nữa. Dân làng hồn nhiên tỉnh táo và thức tỉnh hơn nhiều giáo sư đại học và các học giả trong đền chùa. Các học giả chẳng là gì ngoài những con vẹt; các viện sĩ hàn lâm trong đại học đầy những cái chẳng có gì ngoài phân bò linh thiêng, đầy những ồn ào tuyệt đối vô nghĩa - chỉ tâm trí mà không có tâm thức.
Những người làm việc với tự nhiên - nông dân, người làm vườn, tiều phu, thợ mộc, hoạ sĩ - họ còn tỉnh táo hơn nhiều so với những người làm việc trong các đại học như chủ nhiệm khoa, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng. Bởi vì khi bạn làm việc với tự nhiên, tự nhiên là tỉnh táo. Cây cối tỉnh táo; dạng thức tỉnh táo của chúng chắc chắn là khác, nhưng chúng rất tỉnh táo.
Bây giờ có những bằng chứng khoa học về sự tỉnh táo của chúng. Nếu người chặt cây tới với cái cưa trong tay và với ham muốn có chủ tâm để chặt cây, tất cả các cây thấy anh ta tới đều run rẩy. Bây giờ có những bằng chứng khoa học về điều đó; tôi không nói chuyện thơ ca, tôi đang nói chuyện khoa học khi tôi nói điều này. Bây giờ có các công cụ để đo liệu cây hạnh phúc hay bất hạnh, sợ hãi hay không sợ hãi, buồn bã hay cực lạc. Khi người chặt cây tới, tất cả các cây cối thấy anh ta đều bắt đầu run rẩy. Chúng trở nên nhận biết rằng cái chết ở gần đó. Và người chặt cây vẫn chưa chặt cây nào - mới chỉ đi tới...
Và một điều nữa, còn kì lạ hơn nhiều - nếu người chặt cây đơn giản đi qua đó, không có ý đồ chủ tâm nào để chặt cây, thế thì không cây nào sợ cả. Cũng cùng người chặt cây đó, với cùng cái cưa đó. Dường như là ý định chặt cây của anh ta ảnh hưởng tới cây cối. Điều đó có nghĩa là ý định của anh ấy đã được hiểu; nó có nghĩa là chính sự rung động này đang được cây cối giải mã.
Và một sự kiện có ý nghĩa hơn đã được quan sát về mặt khoa học: là nếu bạn đi vào trong rừng và giết loài vật, thì không chỉ vương quốc loài vật quanh đó trở nên run rẩy, mà cây cối cũng run rẩy. Nếu bạn giết một con hươu, thì tất cả các con hươu quanh đó đều cảm thấy rung động của việc giết hại, đều trở nên buồn; run rẩy lớn nảy sinh trong chúng. Bỗng nhiên chúng sợ không bởi lí do nào hết cả. Chúng có thể không thấy con hươu vừa mới bị giết, nhưng bằng cách nào đó, theo cách tinh tế, chúng bị ảnh hưởng - theo bản năng, theo trực giác. Nhưng không chỉ có hươu bị ảnh hưởng - cây cối cũng bị ảnh hưởng, vẹt cũng bị ảnh hưởng, hổ cũng bị ảnh hưởng, diều hâu cũng bị ảnh hưởng, nhành cỏ cũng bị ảnh hưởng. Sát hại đã xảy ra, tàn phá đã xảy ra, cái chết đã xảy ra - mọi thứ quanh đó đều bị ảnh hưởng. Con người dường như là loài ngủ nhiều nhất...
Những lời kinh này của Phật cần phải được thiền sâu sắc, được thấm đẫm, được tuân theo.

Tỉnh thức là cách sống
Bạn sống tỉ lệ với điều bạn nhận biết. Nhận biết là sự khác biệt giữa chết và sống. Bạn không sống chỉ bởi vì bạn đang thở, bạn không sống chỉ bởi vì tim bạn đang đập. Về mặt vật lí bạn có thể được giữ cho sống trong bệnh viện, không có ý thức nào. Tim bạn sẽ tiếp tục đập và bạn sẽ có thể thở. Bạn có thể được giữ theo cách cơ giới để cho bạn có thể sống trong nhiều năm - theo nghĩa của việc thở và tim đập, máu tuần hoàn. Bây giờ có nhiều người khắp thế giới ở các nước tiên tiến, người sống một cách vô tri vô giác trong bệnh viện, bởi vì công nghệ tiên tiến đã làm cho cái chết của bạn được trì hoãn vô thời hạn - trong nhiều năm, bạn có thể được giữ vẫn sống. Nếu đấy là cuộc sống, thế thì bạn có thể được giữ cho sống. Nhưng đấy lại không phải là sống chút nào. Chỉ sống vô tri vô giác thì không phải là sống.
Chư phật có định nghĩa khác. Định nghĩa của họ bao gồm nhận biết. Họ không nói bạn sống vì bạn có thể thở, họ không nó bạn sống vì máu bạn vẫn đang tuần hoàn; họ nói bạn sống nếu bạn thức tỉnh. Cho nên ngoại trừ những người đã thức tỉnh, không ai thực sự sống cả. Các bạn là những cái xác - bước đi, nói năng, làm mọi thứ - nhưng bạn là người máy.
Tỉnh thức là cách sống, Phật nói. Trở nên tỉnh thức nhiều hơn và bạn sẽ trở nên sống nhiều hơn. Và cuộc sống là Thượng đế - không có Thượng đế nào khác. Do đó Phật nói về sống và nhận biết. Sống là mục đích và nhận biết là phương pháp luận, là kĩ thuật để đạt tới nó.

Kẻ ngu ngủ...
Và tất cả mọi người đều ngủ cả, cho nên tất cả đều ngu. Bạn đừng cảm thấy bị xúc phạm. Sự kiện này phải được phát biểu ra như chúng thế. Bạn hoạt động trong giấc ngủ; đó là lí do tại sao bạn cứ loạng choạng mãi, bạn cứ làm mọi thứ bạn không muốn làm. Bạn cứ làm những điều mà bạn đã quyết định không làm. Bạn cứ làm những điều mà bạn biết là không đúng, và bạn không làm những điều mà bạn biết là đúng.
Làm sao điều này lại có thể được? Tại sao bạn không thể đi thẳng? Tại sao bạn cứ vướng vào đường cụt thế? Tại sao bạn cứ đi lầm đường thế?
Một thanh niên có giọng tốt được yêu cầu tham dự vào vở hoạt cảnh lịch sử, mặc dầu anh ta cứ cố nài xin được miễn, nói rằng anh ta bao giờ cũng bối rối trong những hoàn cảnh như vậy. Người ta đảm bảo với anh ấy rằng sự việc rất đơn giản, và anh ấy chỉ phải nói một câu thôi: “Tôi tới để đoạt lấy cái hôn, và lao vào cuộc ẩu đả. Nghe đây! Tôi nghe thấy tiếng súng lục bắn...” và rồi bước ra khỏi sân khấu.
Vào lúc biểu diễn, anh ta lên sân khấu, đã bối rối sẵn bởi cái quần ngắn bó sát mình được may cho anh ta để mặc vào khoảnh khắc cuối, và trở nên hoàn toàn rệu rã tại cảnh nữ nhân vật chính đẹp đẽ đang nằm dài trên ghế ngồi trong vườn, đợi anh ta, trong bộ quần áo dài trắng. Anh ta đằng hắng trong cổ và tuyên bố: “Tôi tới để hoạt lấy cái đôn - ấy không! - đoạt lấy cái hôn, và đao vào cuộc ẩu lả - ấy tôi nói lao vào cuộc ẩu đả! Nghe đây! tôi nghe thấy tiếng búng lục sắn - không! - súng lục bắn. Ôi, cứt dơi, cứt chuột, cứt tất cả các vị! Tôi chẳng bao giờ muốn tham dự vào cái vở kịch đáng nguyền rủa này ngay chỗ đầu tiên!”
Đây là điều vẫn đang xảy ra. Quan sát cuộc sống mình mà xem: mọi thứ mà bạn đang làm bị lẫn lộn và đang lẫn lộn làm sao. Bạn chẳng có bất kì sự sáng tỏ nào, bạn không có bất kì khả năng cảm thụ nào. Bạn không tỉnh táo. Bạn không thể thấy được, bạn không thể nghe được - chắc chắn, bạn có tai cho nên bạn có thể nghe, nhưng không ai bên trong để mà hiểu điều đó. Chắc chắn bạn có mắt cho nên bạn có thể thấy, nhưng không ai hiện diện bên trong. Cho nên mắt bạn cứ thấy và tai bạn cứ nghe, nhưng chẳng điều gì được hiểu cả. Và mỗi bước đi bạn sẩy chân, mỗi bước đi bạn lại phạm phải điều gì đó sai sót. Và bạn vẫn cứ tin rằng bạn đang nhận biết.
Loại bỏ hoàn toàn cái ý tưởng đó đi. Việc loại bỏ nó là bước nhảy lớn, bước lớn, bởi vì một khi bạn loại bỏ cái ý tưởng rằng “tôi đang nhận biết”, bạn sẽ bắt đầu tìm và kiếm cách thức và phương tiện để nhận biết. Cho nên điều đầu tiên phải thấm vào trong bạn là ở chỗ bạn đang ngủ, hoàn toàn ngủ.
Tâm lí học hiện đại đã phát hiện ra vài điều có ý nghĩa; mặc dầu người ta mới chỉ phát hiện ra về mặt trí năng, đấy vẫn là việc mở đầu tốt đẹp. Nếu về mặt trí năng mà chúng đã được phát hiện ra, thì sớm hay muộn chúng cũng sẽ được kinh nghiệm về sự tồn tại.
Freud là người tiên phong vĩ đại; tất nhiên, ông ấy không phải là vị phật, nhưng vẫn là một người có ý nghĩa lớn, bởi vì ông ấy là người đầu tiên đưa ra quan điểm được phần lớn nhân loại chấp nhận rằng con người có vô thức lớn ẩn bên trong mình. Tâm trí có ý thức chỉ là một phần mười, và tâm trí vô ý thức gấp chín lần lớn hơn phần có ý thức.
Thế rồi một học trò của ông ấy, Jung, đi xa thêm chút ít, sâu hơn chút ít, và đã phát hiện ra vô thức tập thể. Đằng sau vô thức cá nhân còn có vô thức tập thể. Bây giờ cần ai đó để phát hiện ra một điều nữa vẫn đang có đó, và tôi hi vọng... Chẳng chóng thì chầy các cuộc nghiên cứu tâm lí, vẫn đang tiếp diễn ở cả hai phía tấm màn sắt, nhất định sẽ phát hiện ra nó - vô thức vũ trụ. Phật đã nói về nó.
Cho nên chúng ta có thể nói: tâm trí có ý thức, một điều rất mỏng manh, một phần rất nhỏ của bản thể bạn. Đằng sau ý thức là tâm trí tiềm thức - mơ hồ. Bạn có thể nghe thì thào về nó nhưng bạn không thể hình dung ra nó được. Nó bao giờ cũng có đó, đằng sau ý thức, để giật dây.
Thứ ba: tâm trí vô thức mà bạn bắt gặp chỉ trong mơ hay khi bạn dùng ma tuý. Thế rồi đến tâm trí vô thức tập thể. Bạn bắt gặp nó khi bạn đi vào cuộc truy tìm rất sâu trong tâm trí vô thức của bạn; thế rồi bạn bắt gặp vô thức tập thể. Và nếu bạn vẫn đi xa hơn nữa, sâu hơn nữa, bạn sẽ tới vô thức vũ trụ.
Vô thức vũ trụ là tự nhiên. Vô thức tập thể là toàn bộ nhân loại mà đã sống cho tới giờ, nó là một phần của bạn. Vô thức này là vô thức cá nhân của bạn mà xã hội đã kìm nén trong bạn, không được phép bầy tỏ ra. Do đó nó tới theo cửa sau trong đêm, trong giấc mơ của bạn. Và tâm trí có ý thức... Tôi sẽ gọi nó là cái gọi là tâm trí có ý thức bởi vì nó vẫn được gọi như vậy. Nó quá nhỏ bé, chỉ là một đốm sáng lung linh, nhưng cho dù nó chỉ là một đốm sáng lung linh thì nó cũng quan trọng bởi vì nó có hạt mầm; hạt mầm bao giờ cũng nhỏ. Nó có tiềm năng lớn.
Bây giờ một chiều hướng hoàn toàn mới đang mở ra. Cũng như Freud đã mở ra chiều hướng dưới ý thức, Sri Aurobindo đã mở ra chiều hướng trên ý thức. Freud và Sri Aurobindo là hai người quan trọng nhất của thời đại này. Cả hai đều là trí thức, không người nào là người đã thức tỉnh, nhưng cả hai đều đã phục vụ được rất nhiều cho nhân loại. Về mặt trí năng họ đã làm cho chúng ta nhận biết rằng chúng ta không nhỏ bé như chúng ta có vẻ trên bề mặt, rằng bề mặt đang che dấu chiều sâu và chiều cao lớn.
Freud đi vào chiều sâu, Sri Aurobindo cố gắng thấm vào chiều cao. Trên cái gọi là tâm trí có ý thức là tâm trí có ý thức thực; điều đó được đạt tới chỉ qua thiền. Khi tâm trí có thức bình thường của bạn được bổ sung thêm thiền, khi tâm trí có ý thức bình thường của bạn được cộng với thiền, nó trở thành tâm trí có ý thức thực. Bên ngoài tâm trí có ý thức thực là tâm trí siêu ý thức.
Khi bạn thiền bạn chỉ có các thoáng nhìn. Thiền là mò mẫm trong bóng tối. Vậy mà một vài cửa sổ sẽ mở ra, nhưng bạn cứ rơi đi rơi lại mãi. Tâm thức siêu ý thức có nghĩa là samadhi - bạn đã đạt tới cảm nhận trong như pha lê, bạn đã đạt tới nhận biết tích hợp. Bây giờ bạn không thể rơi xuống thấp hơn nó; nó là của bạn. Ngay cả trong giấc ngủ nó cũng vẫn còn với bạn.
Bên ngoài siêu ý thức là siêu ý thức tập thể; siêu ý thức tập thể là cái được biết tới như “thượng đế” trong các tôn giáo. Và bên ngoài siêu ý thức tập thể là siêu ý thức vũ trụ, vượt ra ngoài các thượng đế. Phật gọi nó là niết bàn, Mahavira gọi nó là kaivalya, các nhà huyền môn Hindu đã gọi nó là moksha; bạn có thể gọi nó là chân lí.
Đấy là chính trạng thái của bản thể bạn, và bạn cũng mới chỉ đang sống trong một góc nhỏ của bản thể mình - tâm trí có ý thức tí xíu; dường như ai đó có lâu đài và đã quên mất hoàn toàn về lâu đài này và bắt đầu sống trong hành lang - và nghĩ đây là tất cả.
Freud và Sri Aurobindo cả hai đều là những người khổng lồ trí tuệ, người tiên phong, triết gia, nhưng cả hai đều đưa ra những phỏng đoán vĩ đại. Thay vì dạy cho sinh viên về triết học của Bertrand Russell, Alfred North Whitehead, Martin Heudegger, Jean-Paul Sartre, sẽ tốt hơn nhiều nếu mọi người được dạy nhiều về Sri Aurobindo, bởi vì ông ấy là triết gia vĩ đại nhất của thời đại này. Nhưng ông ấy đã hoàn toàn bị giới hàn lâm quên lãng, bỏ qua - bởi những lí do nào đó.
Lí do là, cho dù việc đọc Sri Aurobindo có làm cho bạn cảm thấy rằng bạn không nhận biết; và bản thân ông ấy cũng chưa là vị phật, nhưng ông ấy vẫn sẽ tạo ra tình huống rất bối rối cho bạn. Nếu ông ấy đúng, thế thì bạn đang làm gì? Thế thì sao bạn lại không thám hiểm các chiều cao của bản thể bạn?
Freud đã được chấp nhận với chống đối lớn lao, nhưng cuối cùng ông ấy đã được chấp nhận. Sri Aurobindo thậm chí vẫn chưa được chấp nhận. Trong thực tế thậm chí chẳng có đối lập nào với ông ấy cả; ông ấy đơn giản bị bỏ qua. Và lí do thật rõ ràng. Freud nói về cái gì đó bên dưới bạn - cái đó không gây bối rối lắm; bạn có thể cảm thấy thoải mái mà biết rằng bạn có ý thức, và dưới ý thức của bạn còn có tiềm thức và vô thức và vô thức tập thể. Nhưng những trạng thái này là bên dưới bạn; bạn ở trên đỉnh, bạn có thể cảm thấy thoải mái. Nhưng nếu bạn nghiên cứu Sri Aurobindo, bạn sẽ cảm thấy bối rối, bị chọc giận, bởi vì có những trạng thái cao hơn bạn - bản ngã của con người không bao giờ muốn chấp nhận rằng có bất kì cái gì cao hơn mình. Con người muốn tin rằng mình là đỉnh cao nhất, cực đỉnh, đỉnh Gourishanka, đỉnh Everest - rằng không còn gì cao hơn anh ta...
Và người ta cảm thấy thoải mái - với việc chối bỏ vương quốc riêng của mình, chối bỏ các đỉnh cao của riêng mình, bạn cảm thấy rất thoải mái. Nhìn cái ngu xuẩn của nó mà xem.
Phật đúng. Ông ấy nói: Kẻ ngu ngủ dường như là đã chết, nhưng người chủ tỉnh thức và người ấy sống mãi mãi.
Nhận biết là vĩnh hằng, nó không biết đến cái chết. Chỉ vô nhận biết mới chết. Cho nên nếu bạn vẫn còn vô ý thức, còn ngủ, bạn sẽ phải chết lần nữa. Nếu bạn muốn gạt bỏ toàn bộ khổ sở của việc sinh ra và chết đi lặp lại mãi, nếu bạn muốn gạt bỏ bánh xe sinh tử, bạn sẽ phải trở nên tuyệt đối tỉnh táo. Bạn sẽ phải đạt tới đỉnh cao hơn và cao hơn nữa trong tâm thức.
Và những điều này không được chấp nhận trên nền tảng trí năng; những điều này phải trở thành kinh nghiệm, những điều này phải trở thành sự tồn tại. Tôi không bảo bạn phải bị thuyết phục về mặt triết lí, bởi vì thuyết phục triết lí chẳng đem lại cái gì, không thu hoạch gì. Việc thu hoạch thực sự chỉ tới khi bạn làm nỗ lực lớn để đánh thức bản thân mình.
Nhưng những bản đồ trí tuệ này có thể tạo ra ham muốn, khao khát trong bạn; có thể làm cho bạn nhận biết về tiềm năng, về khả năng; có thể làm cho bạn nhận biết rằng bạn không phải là điều bạn dường như đang là - bạn còn hơn thế nhiều lắm.
Kẻ ngu ngủ dường như là đã chết, nhưng người chủ thì tỉnh thức và người ấy sống mãi mãi.
Người ấy quan sát. Người ấy trong vắt
Những lời phát biểu đơn giản và đẹp đẽ. Chân lí bao giờ cũng đơn giản và bao giờ cũng đẹp đẽ. Nhìn vào tính đơn giản của hai lời phát biểu này... nhưng chúng hàm chứa làm sao - thế giới trong thế giới, vô hạn thế giới. Người ấy quan sát. Người ấy trong vắt.
Điều duy nhất cần phải được dạy là quan sát. Quan sát! Quan sát từng hành động bạn làm. Quan sát từng ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí bạn. Quan sát mọi ham muốn, cái chiếm giữ bạn. Quan sát ngay cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất - bước, nói, ăn, tắm. Bạn cứ quan sát mọi điều. Để mọi điều trở thành cơ hội cho việc quan sát.
Bạn đừng ăn một cách máy móc, đừng chỉ tọng thức ăn vào mình - rất quan sát. Nhai thật kĩ và mang tính quan sát... và bạn sẽ ngạc nhiên là từ trước tới giờ bạn đã bỏ lỡ biết bao nhiêu điều, bởi vì mỗi cái nhai sẽ cho bạn sự thoả mãn vô cùng. Nếu bạn ăn một cách có quan sát, thức ăn trở nên ngon hơn. Ngay cả thức ăn thông thường cũng ngon nếu bạn ăn có quan sát; và nếu bạn không có tính quán sát, bạn có thể ăn những thức ăn ngon nhất nhưng sẽ chẳng có mùi vị gì trong đó cả, bởi vì không có ai quan sát. Bạn đơn giản cứ tọng các thứ vào mình.
Ăn từ tốn, có quan sát; mỗi lần cắn đều nhai kĩ, nếm kĩ. Ngửi, chạm, cảm thấy cơn gió thoảng và tia sáng mặt trời. Nhìn vào mặt trăng và trở thành vũng nước im lặng của tính quan sát, và mặt trăng sẽ được phản chiếu trong bạn với cái đẹp vô cùng.
Di chuyển trong cuộc sống mà vẫn còn quan sát liên tục. Lần nọ lần kia bạn sẽ quên. Bạn đừng khổ vì điều đó; điều đó là tự nhiên. Trong hàng triệu kiếp sống bạn chưa bao giờ thử tính quan sát, cho nên điều đơn giản, tự nhiên là bạn cứ quên đi quên lại mãi. Nhưng khoảnh khắc bạn nhớ, lại quan sát.
Nhớ một điều: khi bạn nhớ rằng bạn quên quan sát, đừng trở nên tiếc nuối, đừng ăn năn; bằng không lần nữa bạn lại phí thời gian. Đừng cảm thấy khổ: “Mình lại bỏ lỡ rồi.” Đừng bắt đầu cảm thấy, “Mình là tội đồ.” Đừng bắt đầu lên án mình, bởi vì điều này cực kì phí thời gian. Đừng bao giờ ăn năn về quá khứ! Sống trong khoảnh khắc này. Nếu bạn đã quên, thì sao? Điều đó tự nhiên mà - điều đó đã thành thói quen, thói quen khó chết đi. Và những thói quen này lại không phải là thói quen tiêm nhiễm trong một kiếp sống; đấy là thói quen đã tiêm nhiễm trong hàng triệu kiếp. Cho nên nếu bạn có thể vẫn còn quan sát cho dù vài khoảng khắc thôi, cảm thấy cám ơn đi. Cho dù vài khoảnh khắc đó cũng còn nhiều hơn điều có thể được trông đợi.
Người ấy quan sát. Người ấy trong vắt
Và khi bạn quan sát, sáng tỏ nảy sinh. Tại sao sáng tỏ lại nảy sinh từ quan sát? Bởi vì bạn càng trở nên quan sát hơn, tất cả những hấp tấp của bạn lại càng chậm lại hơn. Bạn trở thành duyên dáng hơn. Khi bạn quan sát, tâm trí huyên thuyên của bạn bớt huyên thuyên đi, bởi vì năng lượng đã dùng cho việc huyên thuyên nay chuyển vào thành quan sát - nó là cùng năng lượng! Bây giờ ngày càng nhiều năng lượng sẽ được biến đổi thành quan sát và tâm trí sẽ không được nuôi dưỡng nữa. Các ý nghĩ sẽ bắt đầu thưa dần ra, chúng sẽ bắt đầu mất sức nặng. Dần dần, chúng sẽ bắt đầu chết. Và khi các ý nghĩ bắt đầu chết đi, sáng tỏ nảy sinh. Bây giờ tâm trí bạn trở thành tấm gương.
Người ấy hạnh phúc làm sao! Và khi người ta sáng tỏ, người ta phúc lạc. Lẫn lộn là căn nguyên gốc rễ cho khổ sở; rõ ràng là nền tảng cho phúc lạc. Người ấy hạnh phúc làm sao! Vì người ấy thấy rằng tỉnh thức là cuộc sống.
Và bây giờ người ấy biết không có cái chết, bởi vì tỉnh thức không bao giờ có thể bị phá huỷ. Khi cái chết tới, bạn sẽ quan sát nó nữa. Bạn sẽ chết trong khi quan sát; việc quan sát sẽ không chết. Thân thể bạn sẽ biến mất, cát bụi trở về với cát bụi, nhưng việc quan sát của bạn sẽ vẫn còn; nó sẽ trở thành một phần của toàn bộ vũ trụ. Nó sẽ trở thành tâm thức vũ trụ.
Trong những khoảnh khắc này các nhà tiên tri của Upanishad tuyên bố, “Aham Brahmasmi! - Ta là tâm thức vũ trụ!” Chính trong không gian đó mà al-Hillaj Mansoor đã công bố, “Ana’l Haq! - Ta là chân lí!”
Đây là những đỉnh cao vốn là quyền tập ấn của bạn. Nếu bạn không đạt được chúng, chỉ bạn chịu trách nhiệm chứ không người nào khác.
Người ấy hạnh phúc làm sao! Vì người ấy thấy rằng tỉnh thức là cuộc sống.
Người ấy hạnh phúc làm sao, đi theo con đường của người thức tỉnh.
Với sự kiên nhẫn lớn lao người ấy thiền, tìm kiếm tự do và hạnh phúc.
Lắng nghe những lời này thật chăm chú: Với sự kiên nhẫn lớn lao... Chừng nào mà bạn còn chưa đem toàn bộ nỗ lực ra để đánh thức bản thân mình, điều đó còn chưa xảy ra đâu. Nỗ lực bộ phận là vô dụng. Bạn không thể chỉ làng nhàng, bạn không thể chỉ hờ hững. Điều đó chẳng ích gì. Nước ấm không thể bay hơi được, và nỗ lực hờ hững để tỉnh táo nhất định thất bại.
Biến đổi xảy ra chỉ khi bạn đặt toàn bộ năng lượng vào trong nó. Khi bạn đang sôi lên ở một trăm độ, thế thì bạn bay hơi, thế thì thay đổi giả kim thuật xảy ra. Thế thì bạn bắt đầu bốc lên. Bạn chưa quan sát điều đó sao? - nước chảy xuống, nhưng hơi nước lại bốc lên. Đích xác cùng điều đó xảy ra: vô thức đi xuống, ý thức đi lên.
Và một điều nữa: đi lên là đồng nghĩa với đi vào, và đi xuống là đồng nghĩa với đi ra. Ý thức đi vào trong, vô thức đi ra ngoài. Vô thức làm cho bạn quan tâm tới thứ khác - mọi vật, mọi người, nhưng nó bao giờ cũng là những thứ khác. Vô thức giữ bạn hoàn toàn trong bóng tối; mắt bạn cứ tập trung vào người khác. Nó tạo ra một loại ngoại diên, nó làm cho bạn thành hướng ngoại. Ý thức tạo ra nội tâm, nó làm cho bạn hướng nội; nó đưa bạn vào trong, ngày càng sâu hơn.
Và ngày càng sâu hơn có nghĩa là ngày càng cao hơn; chúng trưởng thành đồng thời, như cây cối trưởng thành vậy. Bạn chỉ thấy nó lớn lên, bạn không thấy rễ của nó đi xuống. Nhưng trước hết rễ phải đi xuống, chỉ thế thì cây mới vươn lên cao được. Nếu cây muốn đạt tới trời, thì nó sẽ phải đâm rễ xuống tận đáy, xuống chiều sâu thấp nhất có thể được. Cây trưởng thành đồng thời theo cả hai hướng. Theo đúng cùng cách thức đó thì tâm thức đi lên... đi xuống, nó đâm rễ vào trong bản thể bạn.
Xem tiếp Chương 2 - Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »