Chương 15. Nghe cảm nhận bên trong

Osho - Dũng cảm – Vui sống hiểm nguy
Chương 15. Nghe cảm nhận bên trong


Một cậu bé thường xuyên gãi đầu. Bố nó một hôm nhìn nó và nói, "Này con, sao con cứ gãi đầu thế?"
"Thế này," cậu bé đáp, "Con đoán bởi vì con là người duy nhất biết nó ngứa."
Đây là cảm nhận bên trong! Chỉ bạn mới biết. Không ai khác có thể biết được. Điều đó không thể được quan sát từ bên ngoài. Khi bạn đau đầu, chỉ bạn mới biết - bạn không thể chứng minh được nó. Khi bạn hạnh phúc, chỉ bạn mới biết - bạn không thể chứng minh được nó. Bạn không thể đặt nó lên bàn để mọi người giám định, khảo sát tỉ mỉ, phân tích.
Thực tế, cảm nhận bên trong mang tính bên trong tới mức bạn thậm chí không thể chứng minh được rằng nó tồn tại. Đó là lí do tại sao khoa học phủ nhận nó, nhưng việc phủ nhận không mang tính nhân bản. Ngay cả nhà khoa học cũng biết rằng khi ông ta cảm thấy yêu, ông ta có cảm nhận bên trong. Cái gì đó có đấy! Nó không phải là một vật, và nó không phải là đối thể, và không thể nào đưa nó ra trước người khác được - và dầu vậy nó vẫn hiện hữu.
Cảm nhận bên trong có tính hợp lệ riêng của nó. Nhưng bởi vì việc huấn luyện khoa học, mọi người đã mất tin cậy vào giác quan bên trong của mình. Họ phụ thuộc vào người khác. Bạn phụ thuộc nhiều tới mức nếu ai đó nói, "Anh trông rất hạnh phúc," bạn bắt đầu cảm thấy hạnh phúc. Nếu hai mươi người quyết định làm cho bạn bất hạnh, họ có thể làm cho bạn bất hạnh. Họ chỉ phải lặp lại điều đó cả ngày - bất kì khi nào bạn bắt gặp họ, họ phải nói với bạn, "Anh trông rất bất hạnh, rất buồn. Có chuyện gì vậy? Ai đó chết hay cái gì sao?" Và bạn sẽ bắt đầu ngờ vực: bao nhiêu người đang nói rằng mình bất hạnh thế, mình chắc phải thế rồi.
Bạn lệ thuộc vào ý kiến của mọi người. Bạn đã phụ thuộc vào ý kiến của mọi người nhiều tới mức bạn đã làm mất mọi dấu vết của giác quan bên trong. Giác quan bên trong này phải được khám phá lại, bởi vì tất cả những cái đẹp đẽ và tất cả những cái tốt lành và tất cả những cái thiêng liêng chỉ có thể được cảm thấy bởi giác quan bên trong.
Chấm dứt việc bị ảnh hưởng bởi ý kiến mọi người đi. Thay vì thế, bắt đầu nhìn vào trong... cho phép giác quan bên trong của bạn nói mọi điều với bạn. Tin cậy nó. Nếu bạn tin cậy nó, nó sẽ phát triển. Nếu bạn tin cậy nó bạn sẽ nuôi dưỡng nó, nó sẽ trở nên mạnh hơn.
Vivekananda tới Ramakrishna, và ông ta nói, "Không có Thượng đế! Tôi có thể chứng minh được điều đó - không có Thượng đế đâu." Ông ta là một người rất logic, hay nghi ngờ, được giáo dục tốt, được giáo dục tốt theo tư duy triết học phương Tây. Ramakrishna là người không có giáo dục, không học thức. Và Ramakrishna nói, "Được rồi, vậy ông chứng minh đi!"
Vivekananda nói cả đống, mọi chứng minh ông ta có.
Còn Ramakrishna lắng nghe, và thế rồi ông ấy nói, "Nhưng giác quan bên trong của tôi nói Thượng đế có đấy - và đó là thẩm quyền chung cuộc. Tất cả mọi điều ông nói đều là biện luận. Giác quan bên trong của ông nói gì?"
Vivekananda thậm chí chưa từng nghĩ tới điều đó. Ông ta nhún vai. Ông ta đã đọc sách, ông ta đã thu thập luận cứ, chứng minh ủng hộ và chống đối, và ông ta đã cố gắng quyết định liệu Thượng đế có tồn tại hay không tương ứng theo những chứng minh này. Nhưng ông ta đã không nhìn vào trong. Ông ta đã không hỏi giác quan bên trong của mình.
Điều đó ngu xuẩn thế, nhưng tâm trí nghi ngại là ngu xuẩn, tâm trí logic là ngu xuẩn.
Ramakrishna nói, "Biện luận của ông hay lắm, tôi thích đấy. Nhưng tôi có thể làm được gì? Tôi biết! Giác quan bên trong của tôi nói ngài hiện hữu. Cũng như giác quan bên trong của tôi nói tôi hạnh phúc, tôi ốm, tôi buồn, dạ dầy tôi đau, rằng hôm nay tôi cảm thấy không khoẻ, vậy nên giác quan bên trong của tôi nói Thượng đế có. Đấy không phải là vấn đề tranh biện."
Và Ramakrishna nói, "Tôi không thể chứng minh được điều đó, nhưng nếu ông muốn, tôi có thể chỉ cho ông." Không ai đã nói cho Vivekananda trước đây rằng Thượng đế có thể được chỉ ra. Và trước khi ông ta có thể nói điều gì đó thì Ramakrishna đã nhảy lên - ông ấy là con người hoang sơ - ông ấy nhảy lên và dẫm chân lên ngực Vivekananda! Và điều gì đó đã xảy ra, năng lượng nào đó nhảy ra, và Vivekananda cảm thấy rơi vào cơn mê trong ba giờ. Khi ông ấy mở mắt ra, ông ấy đã là con người hoàn toàn khác.
Ramakrishna nói, "Bây giờ ông nói gì đây? Thượng đế có hay Thượng đế không có? Giác quan bên trong của ông bây giờ nói gì?"
Ông ta lặng lẽ thế, tĩnh lặng thế, vì ông ta chưa bao giờ biết tới trước đây. Có hân hoan thế bên trong, hạnh phúc thế, hạnh phúc tràn ngập thế... Ông ta phải cúi mình xuống và chạm chân Ramakrishna và nói, "Vâng, Thượng đế có ạ."
Thượng đế không phải là người mà là cảm giác tối thượng về hạnh phúc, cảm giác tối thượng của việc ở nhà, cảm giác tối thượng rằng "Mình thuộc về thế giới này và thế giới này thuộc về mình. Mình không phải là người lạ ở đây, mình không phải là người ngoài." Cảm giác tối thượng - sự tồn tại - là, "Cái toàn thể này và mình là không tách rời." Kinh nghiệm này là Thượng đế. Nhưng kinh nghiệm này là có thể chỉ nếu bạn cho phép giác quan bên trong của mình vận hành.
Bắt đầu cho phép nó đi! Cho nó nhiều cơ hội nhất có thể được. Đừng bao giờ tìm những thẩm quyền bên ngoài, và đừng bao giờ tìm ý kiến bên ngoài. Giữ cho bản thân mình có chút ít độc lập hơn. Cảm nhiều hơn, nghĩ ít đi.
Đi và ngắm hoa hồng, và đừng lặp lại như vẹt, "Cái này đẹp." Điều này có thể chỉ là ý kiến, mọi người đã nói với bạn; từ chính thời thơ ấu bạn đã từng nghe, "Hoa hồng đẹp, là hoa vĩ đại." Cho nên khi bạn thấy hoa hồng, bạn đơn giản lặp lại, như cái máy tính, "Cái này đẹp." Bạn có thực sự cảm thấy điều đó không? Nó có phải là cảm nhận bên trong của bạn không? Nếu không phải vậy, đừng nói điều đó.
Nhìn mặt trăng, đừng nói rằng nó đẹp - trừ phi đấy là cảm nhận bên trong của bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng chín mươi chín phần trăm chất liệu mà bạn mang trong tâm trí mình tất cả đều là vay mượn. Và trong chín mươi chín phần trăm chất liệu đó, rác rưởi vô dụng, một phần trăm của cảm nhận bên trong bị mất, bị át đi. Vứt bỏ thông thái đi. Phục hồi giác quan bên trong của bạn.
Chính là qua giác quan bên trong mà Thượng đế mới được biết tới.
Có sáu giác quan: năm giác quan hướng ra ngoài; chúng cho bạn biết về thế giới này. Mắt nói điều gì đó về ánh sáng; không có mắt bạn sẽ không biết ánh sáng. Tai nói điều gì đó về âm thanh; không có tai bạn sẽ không biết gì về âm thanh. Có giác quan thứ sáu, giác quan bên trong, cái chỉ ra và cho bạn biết điều gì đó về bản thân mình và cội nguồn tối thượng của mọi thứ. Giác quan đó phải được khám phá ra.
Thiền không là gì ngoài việc khám phá ra giác quan bên trong.
NỖI SỢ LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI LÀ SỢ Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC. Và khoảnh khắc bạn không sợ đám đông, bạn không còn là cừu nữa, bạn trở thành sư tử. Tiếng gầm lớn phát sinh từ tim bạn, tiếng gầm của tự do.
Phật thực tế đã gọi điều đó là tiếng gầm của sư tử. Khi một người đạt tới trạng thái im lặng tuyệt đối người đó gầm như sư tử. Lần đầu tiên người đó biết tự do là gì bởi vì bây giờ không có sợ ý kiến của bất kì ai. Điều mọi người nói không thành vấn đề. Dù họ gọi bạn là thánh nhân hay tội nhân cũng chẳng quan trọng gì; người phán xử toàn thể và duy nhất của bạn là Thượng đế. Và 'Thượng đế' này không ngụ ý gì về người chút nào, Thượng đế đơn giản nghĩa là toàn thể vũ trụ.
Vấn đề không phải là có khuôn mặt người; bạn có khuôn mặt của cây cối, dòng sông, núi non, các vì sao - toàn thể vũ trụ. Và đây là vũ trụ của chúng ta, chúng ta là một phần của nó. Không cần sợ nó, không cần che giấu bất kì cái gì với nó. Thực tế cho dù bạn có cố gắng bạn cũng không thể nào che giấu được. Cái toàn thể đã biết điều đó rồi, cái toàn thể biết về bạn hơn là bạn biết.
Và điều thứ hai thậm chí còn có ý nghĩa hơn; điều thứ hai là, Thượng đế đã phán xét rồi. Nó không phải là cái gì đó sẽ xảy ra trong tương lai đâu, nó đã xảy ra rồi: ngài đã phán xét rồi. Cho nên ngay cả nỗi sợ việc phán xét đó cũng khô héo đi. Vấn đề không phải là ở Ngày Phán xử cuối cùng. Bạn không cần run rẩy. Ngày phán xử đã xảy ra vào ngày đầu tiên; khoảnh khắc ngài tạo ra bạn, ngài đã phán xử bạn rồi. Ngài biết bạn, bạn là sự sáng tạo của ngài. Nếu cái gì đó đi sai với bạn, ngài chịu trách nhiệm, không phải bạn. Nếu bạn đi lạc lối, ngài chịu trách nhiệm, không phải bạn. Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm được? - bạn không phải là sự sáng tạo của riêng mình. Nếu bạn vẽ và cái gì đó đi sai bạn không thể nói rằng việc vẽ là nguyên nhân của nó - hoạ sĩ mới là nguyên nhân.
Cho nên không cần phải sợ đám đông hay sợ thượng đế tưởng tượng nào đó vào lúc kết thúc thế giới hỏi cái gì bạn đã làm và cái gì bạn đã không làm. Ngài đã phán xử rồi - đó là ý nghĩa thực - điều đó đã xảy ra cho nên bạn tự do. Và khoảnh khắc người ta biết rằng người ta hoàn toàn tự do là chính mình, cuộc sống bắt đầu có phẩm chất năng động của nó.
Sợ hãi tạo ra gông cùm, tự do cho bạn đôi cánh.
Xem tiếp Chương 16 - Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »