Osho - Trưởng thành –
Trách nhiệm là chính mình
Lời nói đầu
Nghệ thuật sống
Con người được sinh ra để đạt tới
cuộc sống, nhưng điều đó tất cả phụ thuộc vào con người. Con người có thể bỏ lỡ
nó. Con người có thể cứ thở, con người có thể cứ ăn, con người có thể cứ già
đi, con người có thể cứ đi tới nấm mồ - nhưng đây không phải là cuộc sống, đây
là cái chết dần. Từ cái nôi tới nấm mồ… cái chết dần dài bẩy mươi năm. Và bởi
vì hàng triệu người quanh bạn đang chết trong cái chết chậm chạp, dần dần này,
bạn cũng bắt đầu bắt chước họ. Trẻ con học mọi thứ từ những người quanh chúng,
và chúng ta bị bao quanh bởi cái chết.
Cho nên điều đầu tiên chúng ta
phải hiểu điều tôi ngụ ý bởi "sống". Nó phải không đơn giản chỉ là
già đi, nó phải là trưởng thành. Và đây là hai điều khác biệt.
Già đi, bất kì con vật nào cũng
có khả năng ấy. Trưởng thành là đặc quyền của con người.
Chỉ vài người mới tuyên bố về
quyền này.
Trưởng thành có nghĩa là mọi khoảnh
khắc đều đi sâu hơn vào nguyên tắc của cuộc sống; nó có nghĩa là đi xa khỏi cái
chết - không hướng tới cái chết. Bạn càng đi sâu hơn vào cuộc sống, bạn càng hiểu
nhiều hơn cái bất tử bên trong mình. Bạn đi xa khỏi cái chết; một khoảnh khắc tới
khi bạn có thể thấy rằng cái chết không là gì ngoài việc thay quần áo, hay đổi
nhà, đổi hình dạng - chẳng cái gì chết, chẳng cái gì có thể chết được.
Cái chết là ảo tưởng lớn nhất có
đó.
Với trưởng thành, quan sát cây cối
mà xem. Khi cây vươn lên cao, rễ của nó ăn sâu xuống, sâu hơn. Có cân bằng -
cây vươn càng cao rễ ăn càng sâu. Bạn không thể có cây cao bốn chục mét với bộ
rễ nhỏ được; chúng không thể đỡ được cây khổng lồ như vậy.
Trong cuộc sống, trưởng thành
nghĩa là đi sâu vào bên trong bản thân mình - đó là nơi rễ của bạn ăn vào.
Với tôi, nguyên tắc thứ nhất của
cuộc sống là thiền. Mọi thứ khác tới ở hàng thứ hai. Và thời thơ ấu là thời
gian đẹp nhất. Khi bạn già hơn điều đó nghĩa là bạn đang tới gần cái chết hơn,
và việc đi vào thiền trở thành ngày một khó khăn hơn.
Thiền nghĩa là đi vào trong cái
bất tử của bạn, đi vào trong cái vĩnh hằng của bạn, đi vào trong tính thượng đế
của bạn. Và đứa trẻ là người đủ phẩm chất nhất bởi vì nó không bị nặng gánh bởi
tri thức, không bị nặng gánh bởi tôn giáo, không bị nặng gánh bởi giáo dục,
không bị nặng gánh bởi đủ mọi loại rác rưởi. Nó hồn nhiên.
Nhưng không may hồn nhiên của nó
bị kết án là dốt nát. Dốt nát và hồn nhiên có điểm tương tự, nhưng chúng không
là một. Dốt nát cũng là trạng thái không biết - nhưng có khác biệt lớn lao nữa,
điều đã bị toàn thể nhân loại bỏ qua mãi cho tới nay. Hồn nhiên là không có hiểu
biết nhưng nó không có ham muốn được hiểu biết. Nó là mãn nguyện, thoả mãn hoàn
toàn.
Đứa trẻ nhỏ không có tham vọng,
nó không có ham muốn. Nó bị cuốn hút thế vào khoảnh khắc này - con chim tung
cánh thu hút mắt nó toàn bộ thế; mỗi con bướm thôi, màu sắc rực rỡ, và nó bị mê
mẩn; cầu vồng trên trời... và nó không thể nào quan niệm được rằng có thể có
cái gì ý nghĩa hơn, phong phú hơn cầu vồng này. Và đêm đầy sao, sao xa tít
ngoài sao...
Hồn nhiên là giầu có, nó là tràn
đầy, nó là thuần khiết.
Dốt nát là nghèo nàn, nó là kẻ
ăn xin - nó muốn cái này, nó muốn cái nọ, nó muốn được am hiểu, nó muốn được
kính trọng, nó muốn giầu có, nó muốn quyền hành. Dốt nát đi trên con đường của
ham muốn. Hồn nhiên là trạng thái của vô ham muốn. Nhưng bởi vì cả hai đều
không có tri thức, chúng ta bị lẫn lộn về bản chất của chúng. Chúng ta đã cứ
cho rằng chúng là một.
Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống
là hiểu ra phân biệt giữa dốt nát và hồn nhiên. Hồn nhiên phải được hỗ trợ, được
bảo vệ - bởi vì đứa trẻ đã mang theo mình kho báu vĩ đại nhất, kho báu mà các
hiền nhân tìm ra sau những nỗ lực cam go. Các hiền nhân đã nói rằng họ trở lại
thành trẻ thơ lần nữa, rằng họ được tái sinh. Ở Ấn Độ, người brahmin thực, người
biết thực, đã tự gọi mình là dwij, được sinh hai lần. Sao lại được sinh ra hai
lần? Điều gì đã xảy ra cho lần sinh thứ nhất? Cần gì phải có lần sinh thứ hai?
Và người đó sẽ được gì trong lần sinh thứ hai?
Trong lần sinh thứ hai người đó
sẽ thu được điều đã có sẵn ở lần sinh thứ nhất nhưng xã hội, bố mẹ, những người
xung quanh người đó đã chà nát nó, phá huỷ nó. Mọi đứa trẻ đều bị nhồi nhét bởi
tri thức. Tính đơn giản của nó bằng cách nào đó phải bị loại bỏ đi, bởi vì đơn
giản sẽ không ích gì cho nó trong thế giới cạnh tranh này. Đơn giản của nó đối
với thế giới sẽ có vẻ như nó là kẻ khờ; hồn nhiên của nó sẽ bị khai thác theo đủ
mọi cách. Sợ xã hội, sợ thế giới mà bản thân chúng ta đã tạo ra, chúng ta cố gắng
làm cho mọi đứa trẻ thành láu lỉnh, tinh ranh, am hiểu - lọt vào loại người có
quyền lực, không vào loại người bị áp bức và bất lực.
Và một khi đứa trẻ bắt đầu phát
triển theo hướng sai, nó cứ đi mãi theo con đường đó - toàn thể cuộc sống của
nó đi theo hướng đó.
Bất kì khi nào bạn hiểu rằng bạn
đã bỏ lỡ cuộc sống, nguyên tắc đầu tiên cần quay lại là hồn nhiên. Vứt bỏ tri
thức, quên đi kinh sách, quên đi tôn giáo, lí thuyết thượng đế học, các triết học
của bạn. Được sinh ra lần nữa, trở thành hồn nhiên - và nó lại ở trong tay bạn.
Lau sạch tâm trí mọi thứ không do bạn biết, mọi thứ vay mượn, mọi thứ tới từ
truyền thống, tục lệ. Mọi thứ đã được người khác trao cho bạn - bố mẹ, thầy
giáo, đại học, cứ việc gạt bỏ nó đi. Lần nữa lại thành đơn giản, lần nữa lại là
đứa trẻ. Và phép màu này là điều có thể xảy ra qua thiền.
Thiền đơn giản là phương pháp giải
phẫu kì lạ cắt rời bạn khỏi mọi thứ không phải là của bạn và giữ lại chỉ những
thứ là bản thể đích thực của bạn. Nó thiêu cháy mọi thứ khác và để cho bạn đứng
đó trần trụi, một mình dưới mặt trời, trong gió. Cứ dường như bạn là người đầu
tiên mới xuống trái đất - người chẳng biết gì, người phải khám phá ra mọi thứ,
người phải là người tìm kiếm, người phải đi vào cuộc hành hương.
Nguyên tắc thứ hai là cuộc hành
hương. Cuộc sống phải là việc tìm tòi - không phải là ham muốn mà là việc truy
tìm; không phải là tham vọng trở thành cái này, trở thành cái nọ, tổng thống một
nước hay thủ tướng một nước, mà là cuộc truy tìm để tìm ra "Mình là
ai?"
Điều rất lạ là những người không
biết mình là ai, đang cố gắng trở thành ai đó. Họ thậm chí không biết mình là
ai ngay lúc này! Họ không quen thuộc với bản thể mình - nhưng họ có mục đích trở
thành.
Trở thành là bệnh tật của linh hồn.
Hiện hữu là bạn.
Và khám phá ra sự hiện hữu của
mình là bắt đầu của cuộc sống. Thế thì từng khoảnh khắc đều là khám phá mới, từng
khoảnh khắc đều đem tới niềm vui mới. Bí ẩn mới mở ra cánh cửa của nó, tình yêu
mới bắt đầu lớn lên trong bạn, từ bi mới mà bạn chưa bao giờ cảm thấy trước
đây, nhạy cảm mới về cái đẹp, về tính thượng đế. Bạn trở thành nhạy cảm tới mức
ngay cả nhành cỏ nhỏ bé nhất cũng giữ tầm quan trọng mênh mông với bạn. Nhạy cảm
của bạn cho bạn thấy rõ ràng rằng nhành cỏ nhỏ này cũng quan trọng với sự tồn tại
như ngôi sao lớn nhất kia; không có nhành cỏ này, sự tồn tại sẽ không được như
nó đang vậy. Nhành cỏ nhỏ này là duy nhất, nó là không thể thay thế được, nó có
tính cá nhân riêng của nó.
Và nhạy cảm này sẽ tạo ra tình bạn
mới cho bạn - tình bạn với cây cối, với chim chóc, với con vật, với núi non, với
dòng sông, với đại dương, với các vì sao. Cuộc sống trở nên giầu có hơn khi tình
yêu phát triển, khi tình bạn phát triển.
Trong cuộc đời của thánh Francis
có một sự kiện đẹp. Ông ấy sắp chết, và ông ấy bao giờ cũng du hành trên lưng một
con lừa từ chỗ nọ tới chỗ kia để chia sẻ kinh nghiệm của mình. Tất cả các đệ tử
của ông ấy đều tụ tập lại để nghe lời nói cuối cùng của ông ấy. Lời cuối cùng của
một người bao giờ cũng là lời có ý nghĩa nhất mà người đó đã từng thốt ra bởi
vì chúng chứa toàn thể kinh nghiệm của cuộc sống của người đó.
Nhưng điều các đệ tử nghe thấy,
họ không thể nào tin nổi...
Thánh Francis đã không phát biểu
gì với các đệ tử cả, ông ấy lại nói với con lừa. Ông ấy nói, "Người anh
em, ta vô cùng biết ơn anh. Anh chở ta từ chỗ này qua chỗ kia mà chẳng một lời
phàn nàn, chẳng bao giờ càu nhàu. Trước khi ta rời khỏi thế giới này, mọi điều
ta muốn là sự tha thứ từ anh; ta đã không nhân đức với anh." Đây là những
lời cuối cùng của thánh Francis. Nhạy cảm vô cùng để nói với với con lừa,
"Người anh em lừa…" và xin tha thứ.
Khi bạn trở nên nhạy cảm hơn, cuộc
sống trở thành lớn lao hơn. Nó không phải là cái ao nhỏ, nó trở thành có tính đại
dương. Nó không bị giới hạn vào bạn và vợ bạn và con bạn - nó không bị giới hạn
chút nào. Toàn thể sự tồn tại này trở thành gia đình bạn, và chừng nào toàn thể
sự tồn tại này còn chưa là gia đình bạn thì bạn vẫn còn chưa biết cuộc sống là
gì - bởi vì không người nào là hòn đảo cả, tất cả chúng ta đều được nối với
nhau.
Chúng ta là lục địa bao la, được
nối liền theo cả triệu cách.
Và nếu trái tim chúng ta còn
chưa tràn đầy tình yêu với cái toàn thể, cuộc sống của chúng ta cũng bị cắt ngắn
đi theo cùng tỉ lệ đó.
Thiền sẽ đem tới cho bạn nhạy cảm,
cảm giác lớn lao của việc thuộc về thế giới này. Nó là thế giới của chúng ta -
các vì sao là của chúng ta, và chúng ta không phải là người xa lạ ở đây. Chúng
ta cố hữu thuộc vào sự tồn tại. Chúng ta là một phần của nó, chúng ta là trung
tâm của nó.
Điều thứ hai, thiền sẽ đem bạn tới
im lặng lớn lao - bởi vì mọi tri thức rác rưởi đều đã mất đi rồi. Các ý nghĩ là
một phần của tri thức cũng mất đi rồi... im lặng mênh mông, và bạn ngạc nhiên:
Im lặng này là âm nhạc duy nhất có đó.
Mọi âm nhạc đều là nỗ lực để đem
im lặng này vào sự hiển lộ bằng cách nào đó. Những nhà tiên tri của phương Đông
cổ đại đã rất nhấn mạnh tới điểm là mọi nghệ thuật vĩ đại - âm nhạc, thơ ca, điệu
múa, hội hoạ, điêu khắc - tất cả đều được sinh ra từ thiền. Chúng là nỗ lực để
bằng cách nào đó đem cái không thể biết được vào thế giới của cái đã biết cho
những người còn chưa sẵn sàng cho cuộc hành hương - chính là món quà cho những
người còn chưa sẵn sàng đi vào cuộc hành hương. Có lẽ bài ca có thể làm bật ra
ham muốn đi vào cuộc truy tìm về cội nguồn, có thể là một bức tượng.
Lần sau các bạn đi vào đền thờ
Phật Gautam, ngồi im lặng, quan sát bức tượng này đi. Bởi vì bức tượng này đã
được làm theo cách, theo tỉ lệ mà nếu bạn quan sát nó bạn sẽ rơi vào im lặng.
Nó là bức tượng của thiền; nó chẳng liên quan gì tới Phật Gautam cả.
Đó là lí do tại sao tất cả những
bức tượng đó lại đều trông giống nhau - Mahavira, Phật Gautam, Neminatha,
Adinatha.... Hai mươi bốn tirthankaras của người Jaina... trong cùng một ngôi đền
bạn sẽ thấy hai mươi bốn bức tượng tất cả đều giống nhau, đích xác hệt như
nhau. Thời thơ ấu tôi hay hỏi bố tôi, "Bố có thể giải thích cho con sao lại
có thể cả hai mươi bốn người đó giống hệt nhau đến thế? - cùng kích thước, cùng
cái mũi ấy, cùng khuôn mặt ấy, cùng thân thể ấy..."
Và bố tôi thường nói, "Bố
chẳng biết. Bố bao giờ cũng tự mình thấy khó hiểu rằng chẳng có một chút khác
biệt nào. Và điều đó gần như chưa được nghe nói tới - thậm chí không có hai người
trên cả thế giới này giống nhau, còn nói gì tới cả hai mươi bốn người?"
Nhưng khi thiền của tôi nở hoa
thì tôi tìm ra câu trả lời - chẳng từ ai khác cả, tôi đã tìm ra câu trả lời rằng
những bức tượng này chẳng liên quan gì tới những người kia cả. Những bức tượng
này có cái gì đó liên quan tới điều đang xảy ra bên trong hai mươi bốn người
kia, và việc xảy ra đó đích xác là một. Chúng ta đã không bận tâm tới cái bên
ngoài; chúng ta đã nhấn mạnh rằng chỉ cái bên trong mới nên được chú ý tới. Cái
bên ngoài là không quan trọng. Ai đó là thanh niên, ai đó là người già, ai đó
da đen, ai đó da trắng, ai đó đàn ông, ai đó đàn bà - chẳng thành vấn đề gì cả;
điều thành vấn đề là ở chỗ bên trong có đại dương im lặng. Trong trạng thái đại
dương đó, thân thể lấy một điệu bộ nào đó.
Bạn đã tự mình quan sát điều đó
rồi, nhưng bạn lại không tỉnh táo. Khi bạn giận dữ, bạn có quan sát không? -
thân thể bạn lấy một điệu bộ nào đó. Trong giận dữ bạn không thể để bàn tay
mình mở được; trong giận dữ - nắm đấm. Trong giận dữ bạn không thể mỉm cười được
- hay bạn có thể? Với một xúc động nào đó, thân thể phải tuân theo điệu bộ nào
đó.
Những điều nhỏ bé được liên hệ
sâu sắc bên trong.
Cho nên những bức tượng này được
tạo ra theo cách để nếu bạn đơn giản ngồi im lặng và quan sát, và rồi nhắm mắt
lại, thì một hình ảnh âm bản, mờ bóng sẽ đi vào trong thân thể bạn và bạn bắt đầu
cảm thấy cái gì đó mà bạn chưa từng cảm thấy trước đây. Những bức tượng và ngôi
đền đó không được làm ra để tôn thờ; chúng được làm ra để kinh nghiệm. Chúng là
những phòng thí nghiệm khoa học - chúng chẳng liên quan gì với tôn giáo cả! Một
khoa học bí mật nào đó đã được dùng trong hàng thế kỉ để cho các thế hệ sắp tới
có thể đi vào tiếp xúc với kinh nghiệm của các thế hệ cổ hơn. Không qua sách vở,
không qua lời, mà qua cái gì đó đi sâu hơn - qua im lặng, qua thiền, qua an
bình.
Khi im lặng của bạn làm phát triển
tình bằng hữu của bạn, thì tình yêu của bạn cũng phát triển; cuộc sống của bạn
trở thành điệu vũ từ khoảng khắc nọ sang khoảnh khắc kia, thành lễ hội.
Bạn đã bao giờ nghĩ xem tại sao,
trên khắp thế giới, trong mọi nền văn hoá, trong mọi xã hội, luôn có vài ngày
trong năm dành cho lễ hội? Vài ngày này dành cho lễ hội chỉ là sự bù lại - bởi
vì các xã hội này đã lấy đi mọi lễ hội của cuộc sống của bạn và nếu không có
cái gì được trao cho bạn để bù lại thì cuộc sống của bạn có thể trở thành mối
nguy hiểm cho nền văn hoá.
Mọi nền văn hoá đều cho bạn đền
bù nào đó để cho bạn không cảm thấy bị mất hút hoàn toàn trong khổ, trong buồn.
Nhưng những đền bù này là giả tạo.
Pháo bông và ánh sáng đủ mầu sắc
không thể làm cho bạn vui mừng được. Chúng chỉ dành cho trẻ con - với bạn chúng
chỉ là mối phiền toái. Nhưng trong thế giới bên trong của bạn có thể có ánh
sáng, bài ca, vui vẻ liên tục.
Bao giờ cũng nhớ rằng xã hội đền
bù cho bạn khi nó cảm thấy rằng cái bị kìm nén có thể bùng nổ trong tình huống
nguy hiểm nếu không được đền bù. Xã hội tìm cách nào đó để cho phép bạn xả bớt
cái bị kìm nén ra - nhưng đây không phải là lễ hội thật, và nó không thể thật
được.
Lễ hội thật phải tới từ cuộc sống
của bạn, trong cuộc sống của bạn.
Và lễ hội thật không thể theo lịch
được, rằng vào ngày đầu tiên của tháng mười một bạn sẽ mở hội. Kì lạ, cả năm bạn
khổ và vào ngày đầu của tháng mười một bỗng nhiên bạn thoát ra khỏi khổ, nhảy
múa sao? Hoặc khổ là giả hoặc ngày đầu tháng mười một là giả; cả hai không thể
cùng thật được. Và một khi ngày đầu tháng mười một qua rồi bạn trở lại vào lỗ
đen của mình, mọi người về lại trong khổ của mình, mọi người về lại trong lo âu
của mình.
Cuộc sống phải là lễ hội liên tục,
liên hoan ánh sáng của năm tròn. Chỉ thế thì bạn mới có thể trưởng thành, bạn mới
có thể nở hoa.
Biến đổi những điều nhỏ bé thành
lễ hội đi.
Chẳng hạn, ở Nhật Bản họ có lễ hội
trà. Trong mọi thiền viện và trong mọi nhà của những người có thể đảm đương được
điều đó, họ đều có một ngôi đền nhỏ cho việc uống trà. Bây giờ, trà không còn
là điều bình thường, thế tục; họ đã biến đổi nó thành lễ hội. Ngôi đền dành cho
việc uống trà được làm theo cách nào đó - trong khu vườn đẹp, với cái ao đẹp;
thiên nga bơi trong ao, hoa nở khắp xung quanh. Khách tới và họ phải bỏ giầy
bên ngoài; đó là ngôi đền. Và khi bạn đi vào đền bạn không thể nói được; bạn phải
bỏ suy nghĩ và các ý nghĩ và việc nói của mình ở bên ngoài cùng đôi giầy. Bạn
ngồi xuống trong tư thế thiền và người chủ, người đàn bà chuẩn bị trà cho bạn -
chuyển động của bà ấy mới duyên dáng thế, cứ dường như bà ấy đang múa, di chuyển
xung quanh chuẩn bị trà, đặt chén và đĩa trước bạn cứ như bạn là thượng đế. Với
kính trọng như vậy... bà ấy sẽ cúi lạy, và bạn sẽ nhận trà với cùng sự kính trọng.
Trà được chuẩn bị trong một chiếc
ấm đặc biệt, tạo ra âm thanh hay, âm nhạc của riêng nó. Và một phần của lễ hội
trà là mọi người phải lắng nghe âm nhạc của trà trước hết. Cho nên mọi người đều
im lặng, lắng nghe... chim chóc ríu rít bên ngoài vườn, và tiếng ấm reo... trà
đang tạo ra bài ca riêng của nó. An bình bao quanh...
Khi trà đã sẵn sàng và nó được
rót vào cốc của mọi người, bạn không chỉ uống nó theo cách mọi người vẫn làm ở
mọi nơi. Trước hết bạn sẽ ngửi hương của trà. Bạn sẽ nhấm nháp trà cứ dường như
nó tới từ cõi bên kia, bạn dành thời gian - chẳng vội gì. Ai đó có thể bắt đầu
thổi sáo hay đánh đàn sitar. Một điều bình thường - chỉ trà thôi - và họ đã làm
nó thành liên hoan tôn giáo đẹp. Mọi người tới với nó để được nuôi dưỡng, tươi
tắn, cảm thấy trẻ trung hơn, cảm thấy lí thú hơn.
Và điều có thể được làm với trà
cũng có thể được làm với mọi thứ - với quần áo của bạn, với thức ăn của bạn. Mọi
người đang sống gần như trong giấc ngủ; bằng không thì mọi vải, mọi lụa có cái
đẹp riêng của nó, cảm giác riêng của nó. Nếu bạn nhạy cảm thì quần áo không chỉ
che phủ thân thể bạn, thế thì nó là cái gì đó diễn đạt tính cá nhân của bạn,
cái gì đó diễn đạt hương vị của bạn, văn hoá của bạn, bản thể của bạn. Mọi thứ
bạn làm nên mang tính diễn đạt về bạn; nó nên có chữ kí riêng lên nó. Thế thì
cuộc sống trở thành lễ hội liên tục.
Cho dù bạn bị ốm và bạn đang nằm
trên giường, bạn sẽ làm cho những khoảnh khắc nằm trên giường đó thành khoảnh
khắc của cái đẹp và niềm vui, khoảnh khắc của thảnh thơi và nghỉ ngơi, khoảnh
khắc của thiền, khoảnh khắc của việc nghe âm nhạc hay thơ ca. Không có nhu cầu
buồn rằng bạn ốm. Bạn phải hạnh phúc rằng mọi người đều ở văn phòng còn bạn nằm
trên giường như vua, thảnh thơi - ai đó đang chuẩn bị trà cho bạn, ấm nước đang
reo bài ca, một người bạn đã đề nghị được tới và thổi sáo cho bạn...
Những điều này còn quan trọng
hơn bất kì thuốc nào. Khi bạn ốm, gọi bác sĩ tới. Nhưng điều quan trọng hơn, gọi
những người yêu bạn tới bởi vì không có thuốc nào quan trọng hơn tình yêu. Gọi
những người có thể tạo ra cái đẹp, âm nhạc, thơ ca tới quanh bạn bởi vì không
có gì chữa lành được như tâm trạng lễ hội. Thuốc là loại trị liệu thấp nhất -
nhưng dường như chúng ta đã quên mất mọi thứ, cho nên chúng ta phải lệ thuộc
vào thuốc và trở nên gắt gỏng và buồn bã, cứ dường như bạn đang bỏ lỡ vui vẻ lớn
lao nào đó bạn đang có ở văn phòng! Trong văn phòng bạn khổ - mới mỗi một ngày
vắng và bạn vẫn níu bám lấy khổ, nữa - bạn sẽ không buông bỏ nó.
Làm mọi thứ mang tính sáng tạo
đi, làm điều tốt nhất từ điều tồi nhất - đó là điều tôi gọi là nghệ thuật sống.
Và nếu một người đã sống cả đời mình làm mọi khoảnh khắc và mọi pha của nó
thành cái đẹp, tình yêu, niềm vui, thì một cách tự nhiên cái chết của người đó
sẽ là đỉnh cao tối thượng của toàn bộ nỗ lực của người đó. Những chi tiết cuối
cùng... cái chết của người đó sẽ không xấu như nó vẫn thường xảy ra mọi ngày
cho mọi người.
Nếu cái chết mà xấu, điều đó
nghĩa là toàn thể cuộc sống của bạn đã bị phí hoài. Cái chết nên là chấp nhận
an bình, lối đi đáng yêu vào cái không biết, lời chào tạm biệt vui vẻ với những
người bạn cũ, với thế giới cũ. Không nên có thảm kịch nào trong nó.
Một Thiền sư, Lin Chi, sắp chết.
Hàng nghìn đệ tử của ông ấy đã tụ tập tại buổi thuyết giảng cuối cùng, nhưng
Lin Chi chỉ nằm đó - vui vẻ, mỉm cười, nhưng chẳng nói lấy một lời.
Thấy rằng ông ấy sắp chết rồi và
ông ấy lại chẳng nói lấy một lời, ai đó nhắc Lin Chi - một người bạn cũ, một bậc
thầy theo đúng thẩm quyền của ông ấy... Ông ấy không phải là đệ tử của Lin Chi;
đó là lí do tại sao ông ấy có thể nói với ông này, "Lin Chi, ông đã quên mất
rằng ông phải nói lời cuối của mình sao? Tôi bao giờ cũng nói trí nhớ của ông
không được ổn. Ông sắp chết rồi... ông quên mất rồi sao?"
Lin Chi nói, "Nghe
đây." Và trên mái nhà hai con sóc đang chạy, kêu ríu rít. Và ông ấy nói,
"Hay thế" rồi ông ấy chết.
Trong một khoảnh khắc, khi ông ấy
nói "Nghe đây," đã có im lặng tuyệt đối. Mọi người đều nghĩ ông ấy sắp
nói điều gì đó lớn lao, nhưng chỉ hai con sóc đang đánh nhau, kêu ríu rít, chạy
trên mái nhà.... Và ông ấy mỉm cười rồi ông ấy chết. Nhưng ông ấy đã trao thông
điệp cuối cùng của mình: đừng làm mọi thứ thành nhỏ và lớn, tầm thường và quan
trọng. Mọi thứ đều quan trọng. Vào khoảnh khắc này, cái chết của Lin Chi là
quan trọng cũng như hai con sóc đang chạy trên mái, chẳng có khác biệt gì.
Trong sự tồn tại tất cả đều như nhau. Đó là toàn thể triết lí của ông ấy, giáo
huấn của cả đời ông ấy - rằng không có gì lớn lao và không có gì nhỏ bé cả; tất
cả đều phụ thuộc vào bạn, điều bạn làm ra từ nó.
Bắt đầu bằng thiền, và mọi sự sẽ
cứ phát triển trong bạn - im lặng, chân thành, phúc lạc, nhạy cảm. Và bất kì
cái gì tới từ thiền, cố đem nó vào cuộc sống. Chia sẻ nó, bởi vì mọi thứ được
chia sẻ đều phát triển nhanh. Và khi bạn đã đạt tới điểm của cái chết, bạn sẽ
biết không có cái chết. Bạn có thể nói lời tạm biệt, không có nhu cầu cho nước
mắt của buồn rầu - có thể có nước mắt của niềm vui, nhưng không của nỗi buồn.
Nhưng bạn phải bắt đầu từ việc
mang tính hồn nhiên.
Cho nên trước hết, vứt mọi thứ
tào lao bạn đang mang đi - và mọi người đều đang mang nhiều thứ tào lao thế!
Người ta tự hỏi, để làm gì? Chỉ bởi vì mọi người đã nói với bạn rằng đây là những
tư tưởng vĩ đại, những nguyên lí... Bạn đã không thông minh với chính mình.
Thông minh với chính mình đi.
Cuộc sống rất đơn giản, nó là điệu
vũ vui vẻ. Và toàn thể trái đất này có thể tràn đầy niềm vui và điệu vũ, nhưng
có những người nghiêm trang mong rằng không ai nên cười, rằng không ai nên mỉm
cười, rằng không ai nên cười to, rằng cuộc sống là tội lỗi, rằng cuộc sống là sự
trừng phạt. Làm sao bạn có thể tận hưởng được cuộc sống khi hoàn cảnh lại ở mức
bạn đã được liên tục bảo cho rằng nó là sự trừng phạt? - rằng bạn đang chịu đựng
bởi vì bạn đã làm những điều sai trái, và đó là một loại nhà giam nơi bạn đã bị
tống vào đó để chịu đựng?
Tôi nói với bạn cuộc sống không
phải trại giam, nó không phải là sự trừng phạt. Nó là phần thưởng, và nó được
trao cho chỉ những người đã kiếm được nó, người xứng đáng với nó. Bây giờ tận
hưởng nó là quyền của bạn; nếu bạn không tận hưởng nó thì đó sẽ là tội lỗi. Sẽ
là chống lại sự tồn tại nếu bạn rời khỏi nó như khi bạn đã tìm tới nó. Không, rời
khỏi nó với chút ít hạnh phúc hơn, chút ít hương thơm hơn.
Lắng nghe bản thể bạn đi. Nó
liên tục cho bạn các hướng dẫn đấy; nó là tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng. Nó không
quát tháo bạn, điều đó đúng. Và nếu bạn có chút ít im lặng bạn sẽ bắt đầu cảm
thấy cách thức của mình. Là con người bạn đang là đi. Đừng bao giờ cố gắng là
người khác, và bạn sẽ trưởng thành. Trưởng thành là chấp nhận trách nhiệm là
chính mình, với bất kì giá nào. Mạo hiểm tất cả để là chính mình, đó là tất cả
những gì là sự trưởng thành.
Xem tiếp Chương 1 - Quay về Mục lục