Osho - Trưởng thành –
Trách nhiệm là chính mình
Chương 1: Định nghĩa
Từ dốt nát tới hồn nhiên
Trưởng thành có cùng nghĩa như hồn
nhiên, chỉ với một khác biệt duy nhất: nó là hồn nhiên được giành lại, nó là hồn
nhiên được đoạt lại. Mọi đứa trẻ sinh ra đều hồn nhiên, nhưng mọi xã hội đều
làm biến chất nó. Mọi xã hội, mãi cho tới nay, đều đã gây ảnh hưởng huỷ hoại
lên mọi đứa trẻ. Mọi nền văn hoá đều tuỳ thuộc vào việc khai thác hồn nhiên của
trẻ thơ, vào việc khai thác đứa trẻ, vào việc làm cho nó thành kẻ nô lệ, vào việc
huấn luyện nó vì chủ định riêng của họ, vì mục đích riêng của họ - chính trị,
xã hội, ý thức hệ. Toàn thể nỗ lực của họ đã là làm sao tuyển lựa đứa trẻ như một
nô lệ cho mục đích nào đó. Những mục đích đó do các quyền lợi được đảm bảo quyết
định. Các tu sĩ và chính khách đã cùng tham gia vào một mưu đồ thâm sâu, họ đã
làm việc cùng nhau.
Khoảnh khắc đứa trẻ bắt đầu trở
thành một phần của xã hội, nó cũng bắt đầu đánh mất đi cái gì đó giá trị vô
cùng; nó bắt đầu đánh mất đi mối tiếp xúc với Thượng đế. Nó trở nên bị dính vào
cái đầu, nó quên mất tất cả về trái tim - mà trái tim mới là cây cầu dẫn tới bản
thể. Không có trái tim bạn không thể đạt tới bản thể riêng của mình được, điều
đó là không thể được. Từ cái đầu không có cách nào đi thẳng tới bản thể; bạn phải
đi qua trái tim - và mọi xã hội đều mang tính phá huỷ trái tim. Họ chống lại
tình yêu, họ chống lại tình cảm; họ kết án tình cảm chỉ là đa cảm. Họ kết án mọi
người yêu trong suốt nhiều thời đại bởi một lí do đơn giản là tình yêu không bắt
nguồn từ cái đầu, nó bắt nguồn từ trái tim. Người có khả năng yêu sớm hay muộn
sẽ đi tới phát hiện ra bản thể mình - và khi người ta phát hiện ra bản thể mình
thì người ta được tự do với mọi cấu trúc, tự do với mọi hình mẫu. Người đó tự
do với mọi giam cầm. Người đó là tự do thuần khiết.
Mọi đứa trẻ được sinh ra đều hồn
nhiên nhưng mọi đứa trẻ đều bị xã hội làm thành người thành thạo. Do đó trường
phổ thông, đại học, cao đẳng tồn tại; chức năng của chúng là phá huỷ bạn, làm
biến chất bạn.
Trưởng thành nghĩa là giành lại
hồn nhiên bị mất của bạn, đòi lại thiên đường của bạn, trở lại thành đứa trẻ lần
nữa. Tất nhiên điều đó có khác biệt - đứa trẻ thường nhất định bị làm biến chất,
nhưng khi bạn đòi lại tuổi thơ của mình, bạn trở thành không thể nào bị biến chất
được. Không ai có thể làm biến chất bạn, bạn trở thành đủ thông minh - bây giờ
bạn biết điều xã hội đã làm với bạn và bạn tỉnh táo và nhận biết, và bạn sẽ
không cho phép điều đó xảy ra lần nữa.
Trưởng thành là tái sinh, việc
sinh tâm linh. Bạn được sinh ra tinh khôi, bạn lại là đứa trẻ lần nữa. Với cặp
mắt tươi tắn bạn bắt đầu nhìn vào sự tồn tại. Với tình yêu trong tim bạn tiếp cận
tới cuộc sống. Với im lặng và hồn nhiên bạn thấm nhuần vào cốt lõi bên trong nhất
của riêng mình. Bạn không còn chỉ là cái đầu nữa. Bây giờ bạn dùng cái đầu,
nhưng nó là người phục vụ của bạn. Ban đầu bạn trở thành trái tim, và thế rồi bạn
siêu việt lên trên ngay cả trái tim...
Đi ra ngoài ý nghĩ và tình cảm
và trở thành sự hiện hữu thuần khiết là trưởng thành. Trưởng thành là việc nở
hoa tối thượng của thiền.
Jesus nói, "Chừng nào các
ông còn chưa được sinh ra lần nữa, các ông sẽ không vào được vương quốc của Thượng
đế đâu." Ông ấy đúng đấy, bạn phải được sinh ra lần nữa.
Có lần Jesus đang đứng ở bãi chợ
và ai đó hỏi, "Ai xứng đáng vào vương quốc của Thượng đế?" Ông ấy
nhìn quanh. Có một giáo sĩ và giáo sĩ này phải bước lên trước một chút, chắc mẩm
rằng mình được chọn - nhưng ông ấy lại không được chọn. Rồi lại có người đức hạnh
nhất thị trấn - nhà luân lí, nhà thanh giáo. Ông ta bước lên một chút, hi vọng
rằng mình được chọn, nhưng ông này cũng không được chọn. Jesus nhìn quanh - ông
ấy thấy một đứa trẻ nhỏ, chẳng trông mong gì mình được chọn, chẳng bước lên,
cho dù một li. Không có ý tưởng nào, không có vấn đề rằng nó được chọn. Nó chỉ
đang thích thú với toàn bộ khung cảnh này - đám đông và Jesus và mọi người bàn
tán, còn nó nghe. Jesus gọi đứa trẻ lại, ông ấy bế đứa trẻ giơ lên và ông ấy
nói cho đám đông, "Những người giống như đứa trẻ nhỏ này, họ là những người
duy nhất xứng đáng vào vương quốc của Thượng đế."
Nhưng nhớ, ông ấy nói, "Những
người giống đứa trẻ nhỏ này..." Ông ấy không nói, "Những người là trẻ
nhỏ." Có khác biệt lớn lao giữa hai loại người này. Ông ấy không nói,
"Đứa trẻ này sẽ vào vương quốc của Thượng đế," bởi vì mọi đứa trẻ nhất
định sẽ bị làm biến chất, nó phải đi lạc lối. Mọi Adam và mọi Eve đều nhất định
phải bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, họ phải đi lạc lối. Đó là con đường duy nhất để
thu lại tuổi thơ thực: trước hết bạn phải làm mất nó. Điều này rất lạ, nhưng đó
là cách cuộc sống như vậy. Điều đó rất ngược đời, nhưng cuộc sống là ngược đời.
Để biết cái đẹp thực của thời thơ ấu, trước hết bạn phải làm mất nó; bằng không
bạn sẽ không bao giờ biết được nó.
Cá không bao giờ biết đại dương ở
đâu cả - trừ phi bạn kéo cá ra khỏi đại dương và ném nó lên bãi cát dưới mặt trời
cháy bỏng; thế thì nó biết đại dương ở đâu. Bây giờ nó không khao khát đại
dương, nó làm mọi nỗ lực để trở lại đại dương, nó nhảy vào trong đại dương. Vẫn
cùng con cá đó vậy mà lại không phải là cùng con cá đó. Vẫn cùng đại dương đó vậy
mà không phải là cùng đại dương đó, bởi vì con cá đã học được bài học mới. Bây
giờ nó nhận biết, bây giờ nó biết, "Đây là đại dương và đây là cuộc sống của
mình. Không có nó mình cũng không còn nữa - mình là một phần của nó."
Mọi đứa trẻ đều phải đánh mất hồn
nhiên của mình rồi giành lại nó. Việc đánh mất chỉ mới là một nửa của quá trình
- nhiều người đã đánh mất nó, nhưng rất ít người giành lại được nó. Đó là điều
không may, rất không may. Mọi người đều đánh mất nó, nhưng thỉnh thoảng mới có
một Phật, một Zarathustra, một Krishna, một Jesus giành lại được nó. Jesus
không là ai khác ngoài Adam đang về nhà. Magdalene không là ai khác ngoài Eve
đang quay về nhà. Họ đã bước ra khỏi biển và họ đã thấy khổ và họ đã thấy cái
ngu xuẩn. Họ đã thấy rằng ra khỏi đại dương không phải là phúc lạc.
Khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết
rằng là một phần của bất kì xã hội nào, bất kì tôn giáo nào, bất kì văn hoá nào
thì vẫn còn là khổ, thì vẫn còn là tù nhân - chính ngày đó bạn bắt đầu vứt bỏ
xiềng xích của mình. Trưởng thành đã tới, bạn đang giành lại hồn nhiên của mình
một lần nữa.
Trưởng thành và già đi
Có khác biệt lớn lao giữa trưởng
thành và già đi, khác biệt bao la, và mọi người bao giờ cũng vẫn còn bị lẫn lộn
về điều đó. Mọi người cứ tưởng rằng già đi là trở nên trưởng thành - nhưng già
đi thuộc vào thân thể. Mọi người đều già đi, mọi người đều sẽ trở nên già lão,
nhưng không nhất thiết trưởng thành. Trưởng thành là trưởng thành nội tâm.
Già đi không phải là điều bạn
làm ra, già đi là cái gì đó xảy ra về mặt thể chất. Mọi đứa trẻ được sinh ra,
khi thời gian trôi qua, đều trở nên già. Trưởng thành là cái gì đó bạn đem tới
cho cuộc sống của mình - nó tới từ nhận biết. Khi một người già đi với nhận biết
tràn đầy người đó trưởng thành. Già đi cộng với nhận biết, kinh nghiệm cộng với
nhận biết, là trưởng thành.
Bạn có thể kinh nghiệm một việc
theo hai cách. Bạn có thể đơn giản kinh nghiệm nó cứ dường như bạn bị thôi
miên, không nhận biết, không chú ý tới điều đang xảy ra; sự việc đã xảy ra
nhưng bạn lại không có đó. Nó đã không xảy ra trong sự hiện diện của bạn, bạn vắng
mặt. Bạn chỉ đi qua, nó chưa bao giờ gây bất kì chú ý nào trong bạn. Nó chưa
bao giờ để lại bất kì dấu hiệu nào lên bạn, bạn chưa bao giờ học được điều gì từ
nó. Nó có thể đã trở thành một phần của kí ức của bạn, bởi vì theo một cách nào
đó bạn đã hiện diện, nhưng nó lại chưa bao giờ trở thành trí huệ của bạn. Bạn
chưa bao giờ trưởng thành qua nó. Thế thì bạn già đi.
Nhưng nếu bạn đem phẩm chất của
nhận biết vào một kinh nghiệm thì cùng kinh nghiệm đó trở thành trưởng thành.
Có hai cách sống: một cách là sống
trong giấc ngủ say - thế thì bạn già đi, mọi khoảnh khắc bạn đều trở nên già
đi, mọi khoảnh khắc bạn cứ chết dần đi, có vậy thôi. Toàn thể cuộc sống của bạn
chỉ gồm cái chết chậm chạp, dài dài. Nhưng nếu bạn đem nhận biết vào kinh nghiệm
của mình - dù bất kì điều gì bạn làm, bất kì điều gì xảy ra với bạn, bạn đều tỉnh
táo, quan sát, lưu tâm, bạn đang thưởng thức kinh nghiệm này từ mọi góc cạnh, bạn
đang cố gắng hiểu ý nghĩa của nó, bạn đang cố gắng thấm nhuần vào chính chiều
sâu của nó, điều đã xảy ra cho bạn, bạn đang cố gắng sống nó một cách mãnh liệt
và toàn bộ - thế thì đấy không chỉ là hiện tượng bề mặt đâu. Sâu ở dưới bên
trong bạn cái gì đó đang thay đổi cùng nó. Bạn đang trở nên ngày một tỉnh táo
hơn. Nếu đây là sai lầm, kinh nghiệm này, thì bạn sẽ không bao giờ phạm lại nó
lần nữa.
Người trưởng thành không bao giờ
phạm phải cùng một sai lầm lần nữa. Nhưng người già đi thì cứ phạm cùng sai lầm
lặp đi lặp lại mãi. Người đó sống trong vòng tròn mà chẳng bao giờ học được cái
gì. Bạn sẽ giận dữ hôm nay, bạn đã giận dữ hôm qua và hôm kia, và ngày mai bạn
lại sẽ giận dữ và rồi ngày kia cũng thế. Bạn cứ lặp đi lặp lại giận dữ, lặp đi
lặp lại ăn năn, lặp đi lặp lại quyết định sâu sắc rằng bạn sẽ không phạm điều
đó lần nữa. Nhưng quyết định đó chẳng tạo ra thay đổi gì - bất kì khi nào bạn bị
lúng túng thì cơn thịnh nộ lại chiếm lĩnh, bạn bị ám ảnh; cùng sai lầm ấy lại
phạm phải. Bạn đang già đi.
Nếu bạn sống một kinh nghiệm về
giận dữ một cách toàn bộ, bạn sẽ không bao giờ giận dữ lần nữa được. Một kinh
nghiệm về giận dữ sẽ là đủ để dạy rằng điều đó là ngu xuẩn, điều đó là ngớ ngẩn,
điều đó đơn giản ngu si - không phải nó là tội lỗi, nó đơn giản là ngu si. Bạn
đang tự làm hại mình và làm hại người khác, chẳng để làm gì. Sự việc đó không xứng
với nó. Thế thì bạn đang trưởng thành dần lên. Ngày mai tình huống này sẽ được
lặp lại nhưng giận dữ sẽ không lặp lại nữa. Và người đang thu được trưởng thành
đã không quyết định rằng mình sẽ không giận dữ lần nữa, không - đó là dấu hiệu
về người còn chưa trưởng thành. Người trưởng thành không bao giờ quyết định về
tương lai; bản thân sự trưởng thành lo điều đó. Bạn sống hôm nay - chính việc sống
đó sẽ quyết định ngày mai sẽ thế nào; ngày mai sẽ bắt nguồn từ hôm nay.
Nếu giận dữ mà đau đớn, độc hại,
bạn đang chịu địa ngục qua nó rồi, phỏng có ích gì mà quyết định, hay lấy lời
thề và đi tới chùa chiền mà tuyên bố, "Bây giờ mình thề rằng mình sẽ không
bao giờ giận dữ nữa "? Mọi điều này đều ngây thơ, chẳng có ích gì! Nếu bạn
đã biết rằng giận dữ là độc hại - thì xong rồi! Con đường đó bị đóng lại, cánh
cửa đó không còn tồn tại với bạn nữa. Tình huống này sẽ được lặp lại ngày mai
nhưng bạn sẽ không bị tình huống đó ám ảnh. Bạn đã học được cái gì đó - hiểu biết
sẽ có đó. Bạn thậm chí có thể cười, bạn thậm chí còn thích thú về mọi điều làm
sao mọi người lại ngu xuẩn thế. Hiểu biết của bạn trưởng thành lên qua mọi kinh
nghiệm.
Bạn có thể sống cứ như bạn đang
trong thôi miên - đó là cách chín mươi chín phần trăm mọi người đang sống - hay
bạn có thể sống với sự mãnh liệt, nhận biết. Nếu bạn sống với nhận biết thì bạn
trưởng thành; bằng không bạn đơn giản trở nên già đi. Và trở nên già đi thì
không phải là việc trở nên trí huệ. Nếu bạn đã là người ngu khi bạn còn trẻ và
bây giờ bạn đã trở nên già, bạn chỉ là người ngu già, có vậy thôi. Chỉ trở nên
già đi, bạn không thể trở nên trí huệ được. Bạn thậm chí có thể còn ngu hơn bởi
vì bạn có thể đã đạt tới thói quen máy móc, như rô bốt.
Cuộc sống có thể được sống theo
hai cách. Nếu bạn sống một cách vô ý thức bạn đơn giản chết; nếu bạn sống một
cách có ý thức bạn đạt tới cuộc sống ngày một nhiều hơn. Cái chết sẽ tới -
nhưng nó không bao giờ tới với người trưởng thành, nó chỉ tới với người đã từng
già đi và vẫn đang già đi. Người trưởng thành không bao giờ chết, bởi vì người
đó sẽ học ngay cả qua cái chết. Ngay cả cái chết cũng sẽ là một kinh nghiệm cần
được sống một cách mãnh liệt, và được quan sát, được cho phép.
Người trưởng thành chưa bao giờ
chết cả. Thực tế, trên nền tảng trưởng thành cái chết vật lộn và tự làm nó tan
tành, tự tử. Cái chết chết, nhưng người trưởng thành không bao giờ chết. Đó là
thông điệp của tất cả những người đã thức tỉnh, rằng bạn bất tử. Họ đã biết về
điều đó, họ đã sống cái chết của họ. Họ đã quan sát và họ đã tìm ra rằng nó có
thể qui hàng bạn nhưng bạn vẫn còn xa cách, bạn vẫn còn xa xôi. Cái chết xảy ra
gần bạn nhưng nó không bao giờ xảy ra cho bạn.
Bất tử là bản thể của bạn, phúc
lạc là bản thể của bạn, nhưng những kinh nghiệm này bạn không thể nhồi vào
trong tâm trí và kí ức được. Bạn phải trải qua cuộc sống và đạt tới chúng. Nhiều
đau khổ có đó, nhiều đau đớn có đó. Và bởi vì đau đớn và đau khổ mà mọi người
thích sống một cách ngu xuẩn - cần phải hiểu tại sao nhiều người cứ khăng khăng
mãi rằng họ phải sống trong thôi miên, tại sao các Phật và Christ cứ nói với mọi
người hãy thức tỉnh mà chẳng ai nghe cả. Phải có tham dự sâu sắc nào đó vào
trong thôi miên, phải có đầu tư sâu nào đó. Đầu tư này là gì?
Các cơ chế này cần phải được hiểu;
bằng không thì bạn sẽ nghe tôi và bạn sẽ chẳng bao giờ trở nên nhận biết. Bạn sẽ
nghe và bạn sẽ làm cho điều đó thành một phần tri thức của mình, rằng
"Vâng, người này nói hãy nhận biết và nhận biết là tốt, và những người đạt
tới nhận biết trở nên trưởng thành..." Nhưng bản thân bạn sẽ không đạt tới
nó, nó sẽ vẫn còn chỉ là tri thức. Bạn có thể trao đổi tri thức của mình với
người khác, nhưng chẳng ai được giúp đỡ theo cách đó cả.
Tại sao? Bạn đã bao giờ hỏi câu
hỏi này chưa? Sao bạn lại không đạt tới nhận biết? Nếu điều đó đưa tới phúc lạc
vô hạn, đạt tới satchitananda, tới chân lí tuyệt đối - thì sao không nhận biết?
Sao bạn cứ khăng khăng ngủ mãi? Có đầu tư nào đó - và đây là đầu tư đó: nếu bạn
trở nên nhận biết, có đau khổ. Nếu bạn trở nên nhận biết, bạn trở nên nhận biết
về cái đau và cái đau lại nhiều tới mức bạn sẽ muốn uống thuốc ngủ và ngủ mất.
Việc ngủ này trong cuộc sống có
tác dụng như sự bảo vệ chống lại cái đau. Nhưng đây là rắc rối - nếu bạn ngủ để
chống lại cái đau, bạn cũng ngủ chống lại cả cái sướng nữa. Nghĩ về điều đó dường
như có hai vòi nước: một vòi có viết "đau", và vòi kia viết "sướng".
Bạn muốn đóng vòi bên viết đau, và bạn lại muốn mở vòi bên viết sướng. Nhưng
đây là trò chơi này - nếu bạn đóng vòi đau thì vòi sướng lập tức đóng lại, bởi
vì đằng sau cả hai chỉ có một vòi viết "nhận biết ". Hoặc cả hai đều
để mở hoặc cả hai đều đóng, bởi vì cả hai đều là hai mặt của cùng một hiện tượng,
hai khía cạnh.
Và đây là toàn thể mâu thuẫn của
tâm trí: tâm trí muốn ngày một hạnh phúc hơn - hạnh phúc là có thể nếu bạn nhận
biết. Và thế rồi tâm trí muốn ngày một ít đau đớn hơn - nhưng ngày một ít đau đớn
là có thể chỉ nếu bạn vô nhận biết. Bây giờ bạn ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu bạn muốn không đau nữa, lập tức sướng biến mất khỏi cuộc sống của bạn, hạnh
phúc biến mất. Nếu bạn muốn hạnh phúc bạn mở cái vòi này ra - lập tức cái đau
cũng chảy ra. Nếu bạn nhận biết, bạn phải nhận biết về cả hai. Cuộc sống là đau
đớn và vui sướng. Cuộc sống là hạnh phúc và bất hạnh. Cuộc sống là ngày và đêm,
cuộc sống là sống và chết. Bạn phải nhận biết cả hai.
Cho nên nhớ điều đó. Nếu bạn sợ
đau bạn sẽ vẫn còn trong thôi miên; bạn sẽ già đi, trở nên già lão và chết. Bạn
bỏ lỡ cơ hội. Nếu bạn muốn nhận biết thế thì bạn phải nhận biết về cả đau và sướng;
chúng không phải là hiện tượng tách rời. Và người trở nên nhận biết thì trở nên
rất hạnh phúc nhưng cũng trở nên có khả năng bất hạnh sâu sắc, mà bạn lại không
có khả năng về điều đó.
Chuyện xảy ra, một Thiền sư sắp
chết và đại đệ tử của ông ấy … một người nổi tiếng vào thời ông ấy, thậm chí
còn nổi tiếng hơn Thầy; thực tế Thầy đã trở nên nổi tiếng bởi vì đệ tử này. Đại
đệ tử này bắt đầu khóc; ngồi ngay trên bậu cửa ngôi chùa ông ấy bắt đầu khóc nước
mắt ròng ròng. Cả nghìn người đã tụ tập lại; họ không thể nào tin được vào điều
đó, bởi vì họ chưa bao giờ thấy bất kì người đã thức tỉnh nào lại khóc mà khóc
với nước mắt lăn dài trên mặt. Họ nói, "Chúng tôi không thể tin được điều
đó - cái gì xảy ra vậy? Ông khóc, mà chính bản thân ông đã nói với chúng tôi rằng
bản thể bên trong nhất của chúng ta không bao giờ chết, rằng cái chết không tồn
tại. Chúng tôi đã nghe ông nói cả triệu lần rằng cái chết không tồn tại - vậy
sao ông lại khóc? Thầy ông vẫn còn sống trong bản thể thầy cơ mà."
Đệ tử này mở mắt ra và ông ấy
nói, "Đừng quấy rầy ta. Cứ để ta kêu khóc. Ta không khóc vì Thầy và bản thể
thầy đâu, ta khóc vì thân thể thầy đấy. Thân thể thầy cũng đẹp lắm. Chẳng bao
giờ thân thể này lại tồn tại nữa."
Và thế rồi ai đó cố gắng khuyên
nhủ ông ấy rằng điều này sẽ gây tai tiếng lắm cho tên tuổi ông ấy: "Biết
bao nhiêu người đã tụ tập lại rồi, và họ sẽ nghĩ rằng ông không chứng ngộ."
Đệ tử này nói, "Thì cứ để
cho họ nghĩ bất kì điều gì họ muốn nghĩ đi. Vì cái ngày ta trở nên chứng ngộ ta
đã trở nên phúc lạc vô hạn, nhưng ta cũng đã trở thành nhạy cảm vô hạn với đau
đớn và đau khổ."
Điều này dường như là nó phải vậy.
Nếu bạn đánh Phật, Phật sẽ chịu đựng nhiều hơn là bạn sẽ chịu đựng nếu ai đó
đánh bạn - bởi vì ông ấy đã trở nên nhạy cảm vô hạn. Sự nhạy cảm của ông ấy là
rất tinh tế, ông ấy hệt như cánh hoa sen vậy. Hòn đá của bạn sẽ đánh trúng ông ấy
rất sâu, nó sẽ làm cho ông ấy đau lắm. Tất nhiên ông ấy sẽ nhận biết về nó, tất
nhiên ông ấy sẽ tách rời khỏi nó. Tất nhiên ông ấy sẽ siêu việt lên trên nó,
ông ấy sẽ không phải là một phần của nó, ông ấy sẽ là một hiện tượng tựa đám
mây bao quanh nó - nhưng điều đó xảy ra.
Bạn không thể nhạy cảm đến thế với
đau đớn, bạn ngủ say thế. Bạn đi như người say - người say ngã lăn trên phố, đập
đầu vào cống rãnh - chẳng cái gì xảy ra. Nếu người đó mà nhận biết thì thế nào
cũng bị đau.
Phật đau khổ vô hạn và Phật
thích thú vô hạn. Bao giờ cũng nhớ, bất kì khi nào bạn đạt tới đỉnh cao, thì
thung lũng sâu cũng được tạo ra đồng thời. Nếu bạn muốn lên tới cõi trời, gốc rễ
của bạn sẽ phải ăn tới chính địa ngục. Bởi vì bạn sợ đau đớn nên bạn không thể
trở nên nhận biết - và thế thì bạn không thể học được gì cả.
Cũng hệt như bạn sợ kẻ thù đến mức
bạn đã đóng mọi cửa nhà mình lại. Bây giờ ngay cả bạn bè cũng không thể vào được,
ngay cả người yêu cũng bị bỏ ở ngoài. Người yêu cứ gõ cửa nhưng bạn lại sợ, có
thể đấy là kẻ thù thì sao. Cho nên bạn bị khoá lại - đó là cách tôi thấy tất cả
các bạn đấy, khép kín, sợ kẻ thù, và bạn bè không thể vào được. Bạn đã biến bạn
thành thù - bây giờ không ai có thể vào được, bạn sợ thế.
Mở cửa ra đi. Khi không khí
trong lành vào nhà thì có mọi khả năng nguy hiểm cũng vào. Khi bạn tới, kẻ thù
cũng tới bởi vì ngày và đêm vào cùng nhau, đau và sướng vào cùng nhau, sống và
chết vào cùng nhau. Đừng sợ đau, bằng không bạn sẽ sống trong thuốc mê. Nhà phẫu
thuật cho bạn thuốc mê trước khi ông ấy mổ vì sẽ đau lắm, bạn sẽ không thể nào
chịu đựng được điều đó. Ý thức của bạn phải bị làm mờ xỉn đi, tối đi, thế thì
ông ấy có thể mổ xẻ cả thân thể và bạn sẽ không đau.
Bởi vì sợ đau mà bạn đã tự buộc
mình sống trong tâm thức mờ xỉn, trong sự tồn tại mờ xỉn, gần như không sống -
đây là hoảng sợ. Bạn phải vứt bỏ hoảng sợ đó; bạn phải đối mặt với nỗi đau, bạn
phải đi qua đau đớn, chỉ thế thì khả năng mới mở ra cho bạn bè đi vào.
Và khi bạn biết cả hai, bạn lập
tức trở thành cái thứ ba. Khi bạn biết cả hai - đau đớn và vui sướng, nhị
nguyên, ngày và đêm - bỗng nhiên bạn đã trở nên siêu việt.
Trưởng thành là nhận biết. Già
đi chỉ là làm phí hoài bản thân mình.
ĐIỀU NỀN TẢNG NHẤT CẦN PHẢI NHỚ
là ở chỗ cuộc sống mang tính biện chứng. Nó tồn tại qua hai mặt, nó là một nhịp
điệu giữa các cái đối lập. Bạn không thể hạnh phúc mãi mãi được, bằng không hạnh
phúc sẽ mất mọi ý nghĩa. Bạn không thể trong hài hoà mãi mãi được, bằng không bạn
sẽ trở nên vô nhận biết về hài hoà. Hài hoà phải được đi theo bởi không hài hoà
lặp đi lặp lại, và hạnh phúc phải được đi sau bởi bất hạnh. Mọi sướng đều có
đau riêng của nó, và mọi đau đều có sướng riêng của nó.
Chừng nào người ta còn chưa hiểu
tính hai mặt này của sự tồn tại, người ta còn trong khổ.
Chấp nhận toàn bộ, với mọi thống
khổ của nó và mọi cực lạc của nó. Đừng khao khát điều không thể được; đừng ham
muốn rằng chỉ có cực lạc mà không thống khổ. Cực lạc không thể tồn tại một mình
được, nó cần cái tương phản. Thống khổ trở thành bảng đen, thế thì cực lạc trở
thành rất rõ ràng và to lớn, cũng như trong bóng tối của đêm các vì sao chói
sáng thế. Đêm càng tối, sao càng sáng. Ban ngày chúng không biến mất, chúng đơn
giản trở thành không thấy được; bạn không thể thấy được chúng bởi vì không có
tương phản.
Nghĩ về cuộc sống mà không có
cái chết; nó sẽ là nỗi đau không thể chịu đựng nổi, sự tồn tại không thể chịu đựng
nổi - cái chết xác định cuộc sống, cho cuộc sống một kiểu mãnh liệt. Bởi vì cuộc
sống đang lướt qua nhanh, từng khoảnh khắc trở thành quí giá. Nếu cuộc sống
vĩnh hằng, ai quan tâm? Người ta có thể chờ đợi ngày mai vĩnh viễn - thế thì ai
sẽ sống bây giờ và ở đây? Bởi vì ngày mai có cái chết, nó buộc bạn phải sống
bây giờ và ở đây. Ban phải lao vào trong khoảnh khắc hiện tại này, bạn phải đi
tới chiều sâu tối thượng của nó bởi vì ai mà biết được, khoảnh khắc tiếp có thể
tới, có thể không tới.
Thấy nhịp điệu này người ta thoải
mái, thoải mái với cả hai. Khi bất hạnh tới người ta đón chào nó, khi hạnh phúc
tới người ta đón chào nó, vẫn biết rằng chúng là đối tác trong cùng một trò
chơi. Đây là cái gì đó phải liên tục ghi nhớ. Nếu nó trở thành việc ghi nhớ nền
tảng trong bạn, cuộc sống của bạn sẽ có hương vị mới toàn bộ - hương vị của tự
do, hương vị của không đeo bám, hương vị của không gắn bó. Bất kì cái gì tới bạn
vẫn còn tĩnh lặng, im lặng, chấp nhận.
Và người có khả năng tĩnh lặng,
im lặng, chấp nhận đau đớn, thất vọng và khổ, sẽ biến đổi chính phẩm chất của bản
thân khổ. Với người đó, khổ cũng trở thành kho báu; với người đó, ngay cả đau
cũng cho tính sắc nét. Với người đó, ngay cả bóng tối cũng có vẻ đẹp, chiều sâu,
cái vô hạn riêng của nó. Với người đó, ngay cả cái chết cũng không phải là chấm
dứt mà chỉ là bắt đầu của cái gì đó chưa biết.
Trưởng thành của tâm linh
Phẩm chất của người trưởng thành
rất kì lạ. Thứ nhất, người đó không phải là một người. Người đó không còn là
cái ta nữa - người đó có sự hiện diện, nhưng người đó không phải là một người.
Thứ hai, người đó giống đứa trẻ,
đơn giản và hồn nhiên. Đó là lí do tại sao tôi nói phẩm chất của người trưởng
thành lại rất kì lạ, bởi vì trưởng thành cho một cảm giác cứ dường như người đó
đã từng trải, dường như người đó đã già đi, lão đi - về mặt thể chất người đó
có thể già nhưng về mặt tâm linh người đó là đứa trẻ hồn nhiên. Trưởng thành của
người đó không chỉ là kinh nghiệm thu được qua cuộc sống - nếu chỉ thế thì người
đó sẽ không giống như đứa trẻ, thế thì người đó sẽ không là sự hiện diện - người
đó sẽ là một người có kinh nghiệm, am hiểu nhưng không trưởng thành.
Trưởng thành không liên quan gì
tới kinh nghiệm sống của bạn. Nó có cái gì đó liên quan tới cuộc hành trình nội
tâm của bạn, kinh nghiệm về cõi bên trong của bạn.
Người càng đi sâu hơn vào bản
thân mình thì người đó càng trưởng thành nhiều hơn. Khi người đó đạt tới chính
trung tâm của bản thể mình, người đó là sự trưởng thành hoàn hảo. Nhưng vào khoảnh
khắc đó người này biến mất, chỉ sự hiện diện còn lại. Cái ta biến mất, chỉ im lặng
còn lại. Tri thức biến mất, chỉ hồn nhiên còn lại.
Với tôi, trưởng thành là cái tên
khác cho việc nhận ra: bạn đã đi tới hoàn thành tiềm năng của mình, nó đã trở
thành thực tại. Hạt mầm đã đi trên cuộc hành trình lâu dài và đã nở hoa.
Trưởng thành có hương thơm. Nó
đem lại cho cá nhân này cái đẹp vô cùng. Nó cho thông minh, sự sắc bén nhất của
thông minh. Nó làm cho người đó không là cái gì khác hơn tình yêu. Hành động của
người đó là tình yêu, không hành động của người đó là tình yêu; cuộc sống của
người đó là tình yêu, cái chết của người đó là tình yêu. Người đó chính là bông
hoa của tình yêu.
Phương Tây có định nghĩa về trưởng
thành rất ngây thơ. Phương Tây ngụ ý qua trưởng thành là bạn không còn hồn
nhiên nữa, là bạn đã chín muồi qua các kinh nghiệm sống - là bạn không thể bị lừa
một cách dễ dàng, là bạn không thể bị khai thác, là bạn có bên trong mình cái
gì đó như tảng đá cứng rắn, sự bảo vệ, an ninh. Định nghĩa này rất tầm thường,
rất trần tục. Vâng, trong thế giới này bạn sẽ thấy những người trưởng thành thuộc
kiểu này. Nhưng cách thức tôi nhìn trưởng thành là hoàn toàn khác, đối lập hẳn
với định nghĩa này. Trưởng thành sẽ không làm bạn thành tảng đá; nó sẽ làm bạn
mong manh thế, mềm mại thế, đơn giản thế...
Tôi nhớ... Một tên trộm vào chiếc
lều của nhà huyền môn. Lúc đó là đêm trăng tròn, và cũng bởi nhầm lẫn mà anh ta
đã vào; bằng không, bạn tìm được gì trong nhà người huyền môn? Tên trộm ngó
nghiêng, và ngạc nhiên là chẳng có gì cả - rồi bỗng nhiên nó thấy một người đi
tới với cây nến trong tay. Người này nói, "Anh tìm gì trong bóng tối thế?
Sao anh không đánh thức ta dậy? Ta vừa mới ngủ ngay cạnh cửa trước, và ta có thể
chỉ cho anh xem cả ngôi nhà." Và ông ấy nhìn giản dị và hồn nhiên thế, cứ
dường như ông ấy không thể quan niệm được rằng bất kì ai cũng có thể là kẻ cắp.
Đối diện với sự đơn giản và hồn
nhiên như vậy tên trộm nói, "Có lẽ ông không biết rằng ta là kẻ trộm."
Nhà huyền môn nói, "Có hề
gì đâu, mọi người đều phải là ai đó. Vấn đề là ở chỗ ta đã ở trong ngôi nhà này
ba mươi năm rồi và ta chẳng tìm thấy gì cả cho nên chúng ta cùng tìm vậy! Và nếu
chúng ta có thể tìm thấy cái gì đó trong ngôi nhà này thì chúng ta có thể là bạn
hàng được. Ta đã chẳng tìm thấy gì trong ngôi nhà này cả - nó trống rỗng."
Tên trộm hơi hoảng - người này dường như kì lạ thế! Hoặc là ông ta điên hoặc
... ai mà biết được ông ta thuộc loại người nào? Anh ta muốn trốn, và thêm vào
đó anh ta đã mang những thứ trộm được từ hai nhà khác mà anh ta đang để bên
ngoài nhà.
Nhà huyền môn chỉ có mỗi một cái
chăn - đó là tất cả những gì ông ấy có - và lúc đó lại là đêm lạnh, cho nên ông
ta nói với tên kẻ trộm kia, "Đừng bỏ đi theo cách này - đừng xúc phạm ta
theo cách này; bằng không ta sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ được cho bản thân
mình, rằng một người nghèo tới nhà ta vào giữa đêm và phải ra đi tay trắng. Lấy
chăn này đi. Và nó sẽ có ích đấy - bên ngoài trời lạnh thế. Ta ở bên trong nhà;
ở đây ấm hơn."
Ông ta bọc tên trộm bằng chiếc
chăn. Tên trộm đến mất cả trí! Nó nói, "Ông làm gì vậy? Tôi là kẻ trộm!"
Nhà huyền môn nói, "Điều đó
không thành vấn đề. Trong thế giới này mọi người đều phải là ai đó, phải làm
cái gì đó. Anh có thể ăn trộm, điều đó không thành vấn đề - nghề nghiệp là nghề
nghiệp. Làm điều đó cho tốt vào, với mọi ân huệ của ta. Làm việc đó cho hoàn hảo,
chớ bị bắt; bằng không anh sẽ bị rắc rối đấy."
Tên trộm nói, "Ông lạ thật
đấy. Ông ở trần, và ông chẳng có gì cả …"
Nhà huyền môn nói, "Đừng
lo, vì ta đi cùng với anh! Chỉ mỗi cái chăn này mới giữ ta trong ngôi nhà này;
bằng không thì trong ngôi nhà này chẳng có gì cả - và cái chăn ta đã cho anh rồi.
Ta đi cùng anh - chúng ta sẽ sống cùng nhau! Và anh dường như có nhiều thứ; đấy
là đối tác tốt. Ta đã đem mọi thứ của ta cho anh rồi, anh có thể cho ta một
chút ít gì đó - thế sẽ là phải."
Tến trộm không thể nào tin được
vào điều đó. Nó chỉ muốn thoát khỏi chỗ đó và thoát khỏi người đó. Nó nói,
"Không, tôi không thể đem ông đi cùng tôi được. Tôi có vợ, tôi có con. Và
hàng xóm của tôi, họ sẽ nói gì nếu tôi đem một người trần trụi về nhà mình
...?"
Nhà huyền môn nói, "Phải rồi.
Ta sẽ không đẩy anh vào tình thế khó xử nữa. Vậy anh có thể đi được, ta sẽ vẫn ở
trong nhà này." Và ngay khi tên trộm vừa đi thì nhà huyền môn quát lên,
"Này! Quay lại!" Tên trộm chưa bao giờ nghe thấy giọng nói nào mạnh mẽ
thế; vang tới sắc như dao. Anh ta phải quay lại. Nhà huyền môn nói, "Học
cách thức lịch sự đi. Ta đã cho anh chiếc chăn và anh thậm chí chẳng thèm cám
ơn ta. Cho nên trước hết hãy cám ơn đi - điều đó sẽ giúp anh trên đường dài. Thứ
hai, khi đi ra… anh đã mở cửa khi anh vào - đóng cửa lại đã! Anh không thể thấy
được đêm lạnh thế sao, và anh không thể thấy được rằng ta đã cho anh cái chăn
và ta đang trần trụi đấy sao? Việc anh là kẻ trộm cũng tốt nhưng khi có liên
quan tới phép lịch sự, ta là người khó khăn đấy. Ta không thể dung thứ được cho
loại hành vi này. Nói cám ơn đi!"
Tên trộm phải nói, "Xin cám
ơn ông ạ," và anh ta đóng cửa lại rồi chuồn mất. Anh ta không thể nào tin
nổi điều đã xảy ra! Anh ta không thể ngủ được cả đêm. Anh ta cứ nhớ đi nhớ lại
mãi... anh ta chưa bao giờ nghe thấy giọng nói nào mạnh mẽ thế, đầy uy quyền thế.
Mà người này lại chẳng có gì cả!
Anh ta điều tra vào ngày hôm sau
và tìm ra rằng người này là một bậc Thầy vĩ đại. Anh ta đã không cư xử tốt - đi
tới người nghèo đó là tuyệt đối xấu, ông ta chẳng có cái gì cả. Nhưng ông ấy là
bậc Thầy vĩ đại.
Tên trộm nói, "Điều đó tôi
có thể tự hiểu được - ông ấy là loại người rất kì lạ. Trong cả đời mình tôi đã
từng tiếp xúc với các loại người khác nhau, từ người nghèo nhất cho tới người
giầu nhất, nhưng chưa bao giờ... ngay cả việc nghĩ tới ông ấy, run rẩy chạy khắp
người tôi. Khi ông ấy gọi tôi lại tôi không thể nào chạy mất được. Tôi tuyệt đối
tự do, tôi có thể lấy mọi thứ và chạy mất nhưng tôi lại không thể làm thế được.
Có cái gì đó trong giọng nói của ông ấy kéo tôi lại."
Sau vài tháng tên trộm bị bắt,
và trong toà án quan toà hỏi anh ta, "Anh có thể nêu tên người biết anh ở
vùng lân cận đây không?"
Anh ta nói, "Có chứ, một
người biết tôi " - và anh ta nêu tên bậc Thầy ra.
Quan toà nói, "Thế là đủ rồi
- gọi bậc Thầy tới. Chứng nhận của ông ấy xứng đáng với sự chứng nhận của mười
nghìn người. Điều ông ấy nói về anh sẽ là đủ để đưa ra phán quyết."
Quan toà hỏi, "Thầy có biết
người này không?"
Thầy nói, "Biết anh ta sao?
Chúng tôi là đối tác đấy! Anh ta là bạn tôi, anh ta thậm chí còn tới thăm tôi
vào giữa đêm. Trời lạnh đến mức tôi đã cho anh ta chiếc chăn của mình. Anh ta
đang dùng nó, các ông có thể thấy. Cái chăn đó nổi tiếng khắp đất nước, mọi người
đều biết nó là của tôi."
Quan toà nói, "Anh ta là bạn
ông sao? Và anh ta ăn trộm sao?"
Bậc Thầy nói, "Không bao giờ!
Anh ta không bao giờ ăn trộm cả. Anh ta hào hoa phong nhã tới mức khi tôi đưa
cho anh ta chiếc chăn, anh ta đã nói với tôi, `Cám ơn ông'. Khi anh ta đi ra khỏi
nhà, anh ta im lặng đóng cửa lại. Anh ta là một anh bạn rất lễ phép, tử tế."
Quan toà nói, "Nếu ông nói
vậy, thì mọi lời chứng của các nhân chứng đã nói rằng anh ta là kẻ cắp đều bị
xoá bỏ. Anh ta được tự do." Nhà huyền môn đi ra và tên trộm đi theo ông
ta.
Nhà huyền môn nói, "Anh làm
gì vậy? Sao anh lại đi cùng ta?"
Nó nói, "Bây giờ tôi không
bao giờ có thể rời bỏ được thầy. Thầy đã gọi tôi là đối tác của thầy. Không ai
đã cho tôi bất kì kính trọng nào. Thầy là người đầu tiên đã nói rằng tôi là người
hào hoa phong nhã, người tử tế. Tôi định ngồi dưới chân thầy và học cách được
giống thầy. Từ đâu mà thầy có được trưởng thành này, sức mạnh này, uy quyền
này… nhìn mọi thứ theo cách hoàn toàn khác sao?"
Nhà huyền môn nói, "Anh có
biết đêm hôm đó ta cảm thấy tồi tệ thế nào không? Anh đã đi rồi - không có chăn
mà trời lạnh đến mức không thể ngủ được. Ta chỉ ngồi bên cửa sổ nhìn trăng
tròn, và ta đã viết một bài thơ: 'Nếu như mình đủ giầu mình đã đem mặt trăng
hoàn hảo này cho người nghèo kia, người từ trong bóng tối đã vào để tìm cái gì
đó trong nhà người nghèo. Mình sẽ đem cho mặt trăng này nếu mình đủ giầu, nhưng
mình nghèo.' Ta sẽ chỉ cho anh xem bài thơ, đi cùng ta.
"Ta đã khóc đêm hôm đó, rằng
kẻ trộm nên học lấy đôi điều. Ít nhất họ nên thông báo trước một hai ngày khi họ
tới một người như ta để chúng ta có thể thu xếp cái gì đó, để cho họ không phải
ra đi với bàn tay trắng. Và cũng tốt là anh đã nhớ tới ta trong toà án ấy; bằng
không những người kia là nguy hiểm, họ có thể đã ngược đãi anh. Ta đã đưa ra đề
nghị rằng mọi đêm ta đi cùng với anh và là đối tác với anh, nhưng anh đã từ chối.
Bây giờ anh muốn tới ta! Không có vấn đề gì, anh có thể tới; bất kì cái gì ta
có ta sẽ chia sẻ với anh. Nhưng đó không phải về vật chất, nó là cái gì đó vô
hình."
Tên trộm nói, "Cái đó tôi
có thể cảm thấy được - nó là cái gì đó vô hình. Nhưng thầy đã cứu đời tôi, và
bây giờ cuộc đời tôi là của thầy. Thầy làm bất kì điều gì thầy muốn làm từ nó,
tôi đơn giản làm phí hoài nó. Nhìn thầy, nhìn vào mắt thầy, một điều là chắc chắn
- rằng thầy có thể biến đổi tôi. Tôi đã lâm vào tình yêu từ chính cái đêm
đó."
Trưởng thành với tôi là hiện tượng
tâm linh.
TRƯỞNG THÀNH TÂM LINH LÀ CHẠM TỚI
BẦU TRỜI BÊN TRONG CỦA BẠN. Một khi bạn lắng đọng vào bầu trời bên trong của
mình, bạn đã tìm ra ngôi nhà và trưởng thành lớn lao nảy sinh trong hành động của
bạn, trong hành vi của bạn. Thế thì bất kì điều gì bạn làm cũng có vẻ duyên
dáng trong nó. Thế thì bất kì điều gì bạn làm tự nó cũng là bài thơ. Bạn sống với
chất thơ, việc bước đi của bạn trở thành điệu vũ, im lặng của bạn trở thành âm
nhạc.
Trưởng thành được ngụ ý là bạn
đã về tới nhà. Bạn không còn là đứa trẻ phải lớn nữa - bạn đã lớn rồi. Bạn đã
chạm tới chiều cao của tiềm năng của mình. Lần đầu tiên trong một cảm giác kì lạ
bạn không hiện hữu - và bạn lại hiện hữu. Bạn không còn trong những ý tưởng, tưởng
tượng cũ của mình, không còn trong cách hiểu cũ về bản thân mình; tất cả những
cái đó đã mất hết. Bây giờ cái gì đó mới nảy sinh bên trong bạn, tuyệt đối mới
và trong trắng, cái làm biến đổi toàn thể cuộc sống của bạn thành niềm vui. Bạn
đã trở thành người lạ với thế giới khổ này, bạn không tạo ra khổ cho bản thân
mình hay cho bất kì ai khác. Bạn sống cuộc sống của mình trong tự do toàn bộ,
không có bất kì để ý nào về điều người khác sẽ nói.
Những người bao giờ cũng để ý tới
người khác và ý kiến của người khác, đều chưa trưởng thành. Họ bị tuỳ thuộc vào
ý kiến của người khác. Họ không thể làm bất kì cái gì một cách chân thực, chân
thành, họ không thể nói ra điều họ muốn nói - họ nói điều người khác muốn nghe.
Các chính khách của bạn nói những điều bạn muốn nghe. Họ cho bạn lời hứa mà bạn
muốn. Họ biết hoàn toàn rõ rằng họ không thể hoàn thành được những lời hứa này;
mà họ cũng chẳng có ý định nào để hoàn thành chúng cả. Nhưng nếu họ nói một
cách chính xác, đúng đắn, tình huống hiện là gì, và nêu rõ ràng cho bạn rằng
nhiều điều bạn đòi hỏi là không thể được, rằng chúng không thể được thực hiện,
thì họ sẽ bị tống ra khỏi quyền lực. Bạn sẽ không chọn chính khách chân thật.
Thế giới này rất kì lạ. Nó gần
như cái nhà thương điên. Nếu, trong nhà thương điên này, bạn trở nên tỉnh táo
và nhận biết về bản thể bên trong của mình, bạn được may mắn.
Xem tiếp Chương 2 - Quay về Mục lục