Lời nói đầu

Osho - Hạnh phúc tại tâm
Lời nói đầu


Trước hết, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện nho nhỏ thế này:
“Bác sĩ riêng của tôi nhất định bảo tôi đến gặp ông”, một bệnh nhân nói với một chuyên gia tâm thần học, “Có trời mới biết tại sao tôi hạnh phúc trong hôn nhân, nghề nghiệp ổn định, có nhiều bạn bè và chẳng phải lo lắng điều gì…”.
“Hừm”, vị bác sĩ tâm thần nói rồi với tay lấy cuốn sổ bệnh án, “thế ông đã bị tình trạng này bao lâu rồi?”.
Quả thực, hạnh phúc là điều rất khó tin. Dường như chúng ta nghĩ đã là con người thì không thể nào có được hạnh phúc vậy. Nếu bạn nói về nỗi chán nản, muộn phiền, bất hạnh của mình thì mọi người sẽ tin bạn, như thể đó là lẽ đương nhiên. Nếu bạn kể về hạnh phúc, hẳn sẽ không ai tin bạn đâu; vì điều ấy thật là… không bình thường.
Sigmund Freud, sau 40 năm nghiên cứu trí óc con người – tiếp xúc và làm việc với hàng ngàn người, quan sát hàng ngàn trường hợp tâm thần rối loạn – đã đi đến kết luận rằng hạnh phúc chỉ là một ảo tưởng, rằng Con Người không thể hạnh phúc. Vậy là, cùng lắm người ta chỉ có thể làm cho mọi việc trở nên dễ chịu hơn một chút, thế thôi. Còn hạnh phúc ư? Con người không thể có được nó.
Luận điệu ấy thật bi quan… nhưng nếu quan sát con người, bạn sẽ thấy điều tôi nói là có thật. Chỉ toàn là những con người không có hạnh phúc. Có một cái gì đó sai lầm phía sau đời sống ấy.
Tôi nói điều này với bạn, những độc giả riêng của tôi: Nhân loại có thể hạnh phúc, hạnh phúc hơn mọi loài chim muông, hạnh phúc hơn mọi loài cây cỏ, hạnh phúc hơn tất cả các vì sao – bởi vì con người có một thứ mà không có loài chim nào, thứ cây nào hay một vì sao nào có được, đó là Ý thức.
Nhưng khi ý thức được mình, bạn có thể rơi vào một trong hai trạng thái: hoặc rất hạnh phúc, hoặc trở nên vô cùng đau khổ. Và bạn sẽ phải lựa chọn. Một cái cây chỉ có thể hạnh phúc mà thôi, vì nó không thể bất hạnh. Niềm hạnh phúc của chúng không nằm trong sự giải thoát; đương nhiên chúng phải hạnh phúc. Chúng không biết thế nào là đau khổ; chúng chẳng có sự lựa chọn nào. Những con chim líu lo trên cây là hạnh phúc. Không phải chúng muốn được hạnh phúc, chỉ đơn giản chúng hạnh phúc vì không có cách nào khác. Hạnh phúc của chim muông cây cối là vô ý thức, tự nhiên vốn dĩ đã thế.
Con người có thể tự do lựa chọn giữa hạnh phúc vô bờ hay khổ đau cùng cực. Sự tự do ấy quả là nguy hiểm. Nó nguy hiểm ở chỗ chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Nếu có cái gì dó ảnh hưởng đến sự tự do này, cái gì đó chính là sự sai lầm. Vì một lý do nào đấy, loài người chúng ta vẫn cứ khăng khăng với những ý nghĩ của riêng mình.
Con người tìm kiếm thiền định. Thiền định cần thiết chỉ vì bạn không tự chọn cho mình con đường hạnh phúc. Nếu tự mình ngập tràn hạnh phúc, bạn chẳng cần bất cứ một sự thiền định nào cả. Thiền định giống như một phương thuốc: nếu đau yếu, bạn sẽ cần thuốc. Một khi bắt dầu chọn lựa sống hạnh phúc, bạn sẽ cảm nhận ngay niềm hạnh phúc mà không cần đến thiền. Rồi việc thiền định bắt dầu diễn ra trong sự hài hòa riêng của niềm hạnh phúc ấy.
Chúng ta có quá nhiều tôn giáo bởi có quá nhiều người bất hạnh. Một con người hạnh phúc không cần đến tôn giáo, đền chùa hay nhà thờ – vì với họ, cả vũ trụ lúc ấy trở thành ngôi chùa thành kính, và toàn thể sự sống lúc ấy trở thành nhà thờ trang nghiêm. Con người hạnh phúc không theo đuổi hoạt động tôn giáo bởi vì cả cuộc đời họ chính là tôn giáo. Tất cả những gì bạn làm được trong niềm hạnh phúc viên mãn có khác gì cầu nguyện – công việc của bạn khi ấy trở thành sự thờ phụng; mỗi hơi thở của bạn đều mang vẻ đẹp lớn lao của lòng biết ơn cuộc đời.
Hạnh phúc đến khi bạn thích nghi với mọi thăng trầm trong cuộc dời mình, khi bạn sống hài hòa đến mức mọi việc bạn làm đều trở thành niềm vui. Rồi bất chợt một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra thiền định đã đi theo bạn tự bao giờ. Nếu bạn yêu công việc mình đang làm, yêu cách sống mình đang sống, thì điều ấy có nghĩa là bạn đã thiền rồi. Và chẳng điều gì có thể làm bạn rối loạn. Một tâm hồn bất an là dấu hiệu để bạn biết rằng bạn không thực sự yêu thích cuộc sống hiện tại của mình.
Người thầy giáo cứ nói mãi với các cô cậu học trò bé nhỏ: “Chú ý vào Thầy nào! Chú ý, chú ý!”. Chúng đang chú ý đấy chứ, nhưng chú ý vào cái khác. Một con chim đang hót líu lo bên ngoài lớp học, những dứa trẻ sẽ chú ý vào con chim ấy. Không ai có thể nói rằng những học trò này không chú ý, không thiền định, không tập trung. Thực sự những đứa trẻ đang tập trung cao độ dấy chứ. Chỉ có điều chúng đã hoàn toàn quên di sự có mặt của thầy giáo và những bài toán thầy đang giảng trên bảng. Chúng quên hết mọi thứ trong lớp học. Chúng chỉ chú ý dến con chim và tiếng hót. Nhưng ông thầy lại tiếp tục nói: “Chú ý nào! Em đang làm gì thế? Tập trung nào!”.
Phải chăng, chính người thầy mới đang làm những đứa trẻ mất tập trung? Bọn trẻ luôn chăm chú, đó là điều rất tự nhiên. Lắng nghe chim hót, chúng thấy hạnh phúc. Người thầy làm những đứa trẻ phân tâm. “Em không tập trung”. Người thầy nói không đúng. Những dứa trẻ đang rất tập trung. Con chim hấp dẫn cậu bé hơn người thầy, vì thế người thầy còn có thể nói được gì? Người thầy không thu hút được học trò, và cuốn sách toán học cũng chẳng tạo được mối quan tâm nào với chúng.
Không phải tất cả chúng ta có mặt trên đời này là để trở thành những nhà toán học. Nhiều đứa trẻ chẳng bao giờ quan tâm đến lũ chim; tiếng hót véo von ngoài sân có thể to hơn, to hơn nữa, nhưng những đứa trẻ ấy vẫn chăm chú nhìn lên bảng. Chúng chỉ quan tâm đến các bài tập toán. Nghĩa là chúng hoàn toàn định tâm – một trạng thái thiền định rất tự nhiên – khi tiếp xúc với toán học.
Chúng ta thường bị chi phối bởi những âu lo về tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Ngồi nghe chim hót không mang lại quyền lực, danh vọng cho chúng ta. Ngắm nhìn cánh bướm bay không thể giúp ta những lợi lộc về tiền bạc và chính trị. Những việc làm ấy thật là vô bổ – nhưng chính chúng lại mang dến hạnh phúc cho chúng ta.
Một con người đích thực sẽ can đảm thay đổi để sống một cuộc sống hạnh phúc thật sự. Nếu cứ loay hoay với những ý nghĩ về sự nghèo túng, anh ta sẽ cứ nghèo mãi; song, nếu không bao giờ than phiền, anh ta sẽ không bao giờ oán hận. Khi đó, anh ta nói rằng: “Tôi sống theo cách riêng của mình – tôi chọn những con chim, những cánh bướm và những bông hoa. Tôi không giàu có. Được thôi. Nhưng tôi giàu vì tôi hạnh phúc”. Và con người có thể thay đổi đời mình bằng cách đó.
Tôi đọc được câu chuyện như thế này:
Ông lão Ted ngồi ở bờ sông hàng giờ đồng hồ mà chẳng thấy một con cá nào cắn câu. Vài cốc bia và một chút nắng trời đã khiến ông ngủ thiếp đi, và bất ngờ, ông bị dánh thức vì một con cá vẫy vùng trong chiếc móc câu và giật mạnh sợi dây. Trước khi bừng tỉnh, ông bị mất thăng bằng và ngã nhào xuống sông.
Có một cậu bé thích thú quan sát sự việc này. Trong khi ông lão đang cố thoát khỏi mặt nước, cậu bé quay sang hỏi cha: “Cha ơi, ông lão kia đang câu cá hay con cá câu ông ấy?”.
Tình thế của con người lúc này hoàn toàn bị đảo ngược. Con cá dang câu bạn và kéo lê bạn đi chứ không phải bạn đang câu nó. Bất kỳ nơi đâu bạn nhìn thấy đồng tiền, khi đó bạn không còn là chính mình nữa. Bất kỳ nơi đâu bạn nhìn thấy quyền lực, danh vọng, bạn không còn là chính bạn nữa. Bất kỳ nơi đâu bạn nhìn thấy sự thán phục trọng vọng, bạn cũng không còn là chính bạn nữa. Khi ấy, bạn sẽ quên ngay lập tức mọi thứ – những giá trị bên trong của cuộc đời bạn, đó là hạnh phúc và an lạc. Bạn luôn tìm kiếm, chọn lựa cái gì đó từ bên ngoài, đánh đổi chúng với những điều thầm kín tốt đẹp bên trong. Bạn sở hữu cái bên ngoài mình, và đánh mất cuộc sống bên trong của bạn.
Nhưng rồi bạn sẽ làm gì? Giả sử bạn chiếm dược cả thế giới nhưng không còn là mình nữa, giả sử bạn trở thành kẻ giàu có nhất thế giới nhưng làm thất lạc cái kho tàng quý giá bên trong, bạn sẽ làm gì với cái tài sản khổng lồ đó? Đó là một tình huống bất hạnh.
Nếu bạn có thể học được một điều gì đó thì có nghĩa là bạn đã được đánh thức, được hiểu biết về sự vận động bên trong của chính bạn, về số phận bên trong cuộc đời bạn. Đừng bao giờ quên điều ấy, kể cả khi bạn đang đau khổ. Khi bạn có điều phiền muộn, người ta sẽ nói: “Hãy tĩnh lặng lại và bạn sẽ hạnh phúc”. Họ nói: “Hãy cầu nguyện và bạn sẽ hạnh phúc: Hãy đi nhà thờ, hãy trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo hay Hindu giáo và bạn sẽ hạnh phúc”. Điều đó thật vô lý. Trước tiên là hạnh phúc, sau mới là tĩnh lặng. Trước tiên là hạnh phúc, sau đó mới là tín đồ của một tôn giáo nào đó. Hạnh phúc là điều kiện cơ bản.
Nhưng hầu hết con người trở thành tín đồ tôn giáo chỉ khi nào họ cảm thấy bất hạnh. Trong trường hợp như vậy, tôn giáo của họ có cái gì đó không chân thật. Hãy cố gắng hiểu tại sao chúng ta bất hạnh. Nhiều người nói với tôi rằng họ đang đau khổ, và mong muốn tôi giúp họ được thiền định. Tôi nói, trước hết, điều thiết yếu nhất là cố gắng lý giải vì đâu bạn lại đau khổ. Nếu bạn không thể từ bỏ nguyên nhân căn bản nhất khiến bạn bất hạnh, bạn vẫn có thể thiền định, nhưng rồi cũng chẳng giải quyết được gì nhiều – bởi lẽ nguyên nhân đau khổ vẫn còn nguyên dó.
Một cô gái lẽ ra có thể trở thành một diễn viên múa tài ba lại đang ngồi trong văn phòng sắp xếp tài liệu. Một chàng trai lẽ ra đang say sưa chìm đắm trong những ước mơ bay bổng của mình thì thực tế lại ngồi ghi chép sổ sách ở ngân hàng. Và họ than vãn về nỗi buồn khổ của mình: “Xin giúp tôi thiền định để tôi được hạnh phúc”. Tôi có thể giúp họ thiền định, nhưng họ thiền định để được điều gì cơ chứ? Thiền định thực sự mang lại cho họ điều gì? Họ vẫn tiếp tục là những con người như vậy, tính toán tiền bạc, cạnh tranh nơi thị trường. Thiền định có thể mang đến đôi chút bình an cho họ, để họ… làm tốt hơn những điều vô nghĩa đó.
Bạn có thể lặp đi lặp lại một câu thần chú, bạn có thể thiền định vững vàng; đôi khi nó cũng tạo cho bạn sự thoải mái – nhưng nó chỉ giúp bạn duy trì trạng thái sống của bạn chứ không phải là sự chuyển hóa.
Vì thế, cách tiếp cận của tôi chỉ dành cho những người táo bạo, những người can đảm thay đổi cách sống của mình, những người sẵn sàng đánh cược mọi thứ – bởi vì trên thực tế họ chẳng có gì để mất; chỉ có nỗi đau khổ và bất hạnh. Nhưng con người thường cứ giữ chặt lấy những điều này.
Tôi từng nghe:
“Trong một trại tập huấn ở một nơi hẻo lánh, một đội tân binh trở lại nơi đóng quân của họ sau một ngày tập luyện dưới cái nắng gay gắt.
“Chán thật!”, một người lính trẻ nói. “Cách xa hàng trăm dặm, không dàn bà, không bia rượu,… – và tệ nhất là cái đôi giày ống của tôi quá chật”.
“Anh không chịu nổi à?”, một đồng đội của anh hỏi, “Vậy sao anh không chọn một đôi giày khác?”.
“Không thể được”, người lính trẻ trả lời, “chỉ có giẫm lên nó thì tôi mới hài lòng!”.
Vậy đó, bạn chỉ muốn bám víu vào nỗi khổ của mình. Điều duy nhất bạn thấy thoải mái là được kể lể về những nỗi đau khổ. Hãy xem những người đang nói về nỗi khổ tâm của họ: Họ đến gặp nhà tư vấn tâm lý để nói về hoàn cảnh của mình rồi rút tiền ra trả cho cuộc nói chuyện đó. Bạn cần ai đó lắng nghe về nỗi khổ của mình, còn bạn thì rất hạnh phúc sau khi đã thổ lộ hết nỗi lòng.
Con người thích nói về những khổ đau của mình hết ngày này sang ngày khác không mệt mỏi. Thậm chí họ còn cường diệu và thêm thắt khiến câu chuyện trở nên nặng nề hơn những gì xảy ra trong thực tế. Tại sao? Bạn không có gì ngoại trừ cái nỗi đau khổ thường trực kia, con người vốn thích bám riết vào nó, trở nên thân thuộc với nó. Đau khổ là tất cả những gì mà họ biết; đó là cuộc sống của họ. Loại bỏ đau khổ ra khỏi cuộc sống không làm họ mất mát gì cả, nhưng người ta lại tỏ ra rất sợ hãi khi mất chúng.
Khi ta hiểu rõ điều ấy, cảm giác hạnh phúc và niềm vui tận hưởng cuộc sống sẽ đến với ta trước. Một tâm trạng hân hoan sẽ xuất hiện trong ta. Bản thân cuộc sống là điều tiên quyết, nó có trước tất cả mọi triết lý. Hãy tận hưởng cuộc đời! Nếu bạn không thấy yêu thích công việc của mình thì hãy thay đổi đi. Đừng chờ đợi! Bởi vì nếu cứ mãi đợi chờ, bạn chẳng khác nào nhân vật trong vở kịch “Chờ đợi Godot” của Samuel Beckett (1).
Bạn trở thành kẻ ngồi chờ Godot, và Godot chẳng bao giờ đến. Con người chỉ biết ngồi chờ và lãng phí đời mình trong mòn mỏi. Bạn chờ ai vậy? Bạn chờ cái gì vậy?
Nếu bạn thấy mình đang ở trong tình trạng rất khốn khổ, một tình trạng mà ai cũng nói là bạn sai, thì tôi khuyên bạn hãy nói “chính cái nhốn nháo bên ngoài kia mới không đúng”. Hãy cố gắng hiểu sự khác biệt trong cách tôi nhấn mạnh. Bạn không sai, chỉ có hoàn cảnh không đúng mà thôi. Cái cách sống máy móc giáo điều mà nhiều người dạy cho bạn là sai. Vì những giáo điều đó, bạn đã cố gắng phấn đấu và tưởng những gì mình đạt được là của riêng mình. Nhưng thực sự bạn không có gì cả. Tất cả những cái bên ngoài đó không thể làm nên số phận của bạn. Nó chống lại bản chất thuần túy tốt đẹp của bạn.
Hãy nhớ rằng: Không ai có thể quyết định thay cho bạn. Những lời dạy bảo, những mệnh lệnh hay những giáo điều của người khác chỉ làm bạn dễ mắc sai lầm. Phải tự mình quyết định và làm chủ cuộc đời mình. Đừng để khi cuộc sống đến gõ cửa thì bạn lại không bao giờ có mặt như thể bạn đang ẩn tránh đâu đó trong chính cuộc đời mình.
Nếu bạn muốn trở thành diễn viên múa, cuộc sống sẽ đến với bạn qua cánh cửa đó, bởi lẽ cuộc sống cho rằng bạn phải trở thành người nghệ sĩ múa ngay lúc này. Nó gõ vào cánh cửa, nhưng bạn không có ở đó – bạn còn đang mải mê với công việc của một nhân viên ngân hàng. Cuộc đời đích thực và đáng sống chỉ có khi bạn muốn trở thành chính mình một cách tự nhiên. Cuộc sống chỉ biết cái đích duy nhất đó nhưng bạn không bao giờ có mặt ở nơi thiết yếu của mình – bạn lang thang sau những chiếc mặt nạ của kẻ khác, trong những bộ trang phục không phải của bạn, ẩn dưới những cái tên xa lạ. Cuộc sống vẫn tiếp tục tìm kiếm bạn. Nó biết cái đích đến của bạn, còn bạn vẫn rong chơi. Bạn đã cho phép cuộc đời quên lãng bản thân mình.
“Đêm qua tớ nằm mơ thấy mình là một đứa bé”, Joe nói với Al, “trong mơ, tớ tha hồ chạy nhảy khắp Disneyland. Tuổi thơ mới sướng làm sao, chẳng phải chọn lựa con đường nào để đi, lại được tung tăng chơi đùa ở khắp mọi nơi”.
“Điều đó rất thú vị”, người bạn của Joe tiếp lời, “đêm hôm qua tớ cũng có một giấc mơ rất dẹp. Tớ mơ thấy một cô gái tóc vàng quyến rũ đến gõ cửa và làm mình ngất ngây. Rồi ngay khi tớ và cô ấy bắt đầu làm quen thì một người khách mới xuất hiện – một cô gái da ngăm cực kỳ hấp dẫn”.
“Ôi trời”, Joe cắt ngang, “phải chi tớ được ở đó! Sao cậu không gọi tớ?”
“Tớ gọi rồi”, Al trả lời, “Nhưng mẹ cậu nói là cậu đang ở Disneyland”.
Số phận tìm kiếm chúng ta bằng một con đường duy nhất như một đóa hoa cứ nở dần trong tâm hồn ta, khiến chúng ta trở thành chính mình. Nếu không tìm được bản chất tự nhiên của mình, chúng ta không thể có hạnh phúc. Nếu không có hạnh phúc, làm sao chúng ta có thể thiền định.
Nhưng tại sao con người lại nghĩ rằng thiền định sẽ mang đến hạnh phúc? Thật ra, bất kỳ ở đâu khi con người cảm thấy hạnh phúc tức là họ đang bình an tự tại – hai điều này là một. Bất kỳ lúc nào ta nhìn thấy một không gian đẹp đẽ và bình yên bao quanh một người, nghĩa là người ấy luôn tràn ngập hạnh phúc trong niềm vui và sự hân hoan. Do đó, con người nghĩ rằng hạnh phúc đến khi họ an định.
Thật ra, thiền định chỉ đến khi chúng ta hạnh phúc. Nhưng đạt tới hạnh phúc rất khó, còn học thiền định lại dễ. Đạt tới hạnh phúc nghĩa là thay đổi mạnh mẽ cuộc đời mình – một sự thay đổi nguy hiểm, bởi vì đó là một sự thay đổi đột ngột, dứt bỏ tuyệt đối quá khứ; một sự va chạm sấm sét bất ngờ, làm chết đi một cuộc đời già nua cũ kỹ và giúp ta sống lại cuộc đời mới từ những gì hồn nhiên nhất. Hãy bắt đầu một ngày mới mà không bị bất kỳ một hình mẫu nào ám ảnh. Hãy sống cuộc đời hoàn toàn tự chủ, không để bất kỳ ai làm xáo động hay buồn lo đến cuồng trí.
Hãy cố gắng bỏ qua những khuôn mẫu nào đó tác động đến bản thân, để tìm thấy ngọn lửa tinh thần thật sự của mình.
Osho
(1) Samuel Barklay Beckett (1906 – 1989): Nhà văn, nhà viết kịch Ireland. Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1969. Các tác phẩm tiêu biểu: Chờ dợi Godot (1953, kịch), Không thể gọi tên (1953, tiểu thuyết), Những ngày tươi đẹp (1961, kịch)…
Xem tiếp Chương 1Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »