Chương 7. Khi cái mới gõ cửa, mở cửa ra

Osho - Dũng cảm – Vui sống hiểm nguy
Chương 7. Khi cái mới gõ cửa, mở cửa ra


Cái mới là không quen thuộc. Nó có thể là người bạn, nó có thể là kẻ thù, ai mà biết được? Và không có cách nào để biết cả! Cách duy nhất để biết là cho phép nó; do đó mới có e dè, sợ hãi.
Cái mới không nảy sinh ra từ bạn, nó tới từ cõi bên kia. Nó không phải là một phần của bạn. Toàn thể quá khứ của bạn bị lâm nguy. Cái mới là gián đoạn với bạn, do đó mới có sợ hãi. Bạn đã sống theo một cách, bạn đã nghĩ theo một cách, bạn đã tạo ra cuộc sống không lo lắng từ những tin tưởng của mình. Thế rồi cái gì đó mới gõ lên cửa. Bây giờ toàn thể hình mẫu quá khứ của bạn sẽ bị rối loạn. Nếu bạn cho phép cái mới đi vào bạn sẽ chẳng bao giờ vẫn còn như cũ, cái mới sẽ biến đổi bạn.
Điều đó là mạo hiểm. Người ta chẳng bao giờ biết mình sẽ chấm dứt ở đâu với cái mới. Cái cũ là đã biết, quen thuộc; bạn đã sống với nó lâu rồi, bạn đã quen với nó. Cái mới là không quen thuộc. Nó có thể là bạn, nó có thể là thù, ai mà biết được? Và cũng chẳng có cách nào để biết cả! Cách duy nhất để biết là cho phép nó; do đó mới có e dè, sợ hãi.
Và bạn cũng không thể cứ bác bỏ nó, bởi vì cái cũ vẫn chưa cho bạn điều bạn tìm kiếm. Cái cũ cứ hứa hẹn mãi, nhưng lời hứa đã không được hoàn thành. Cái cũ là quen thuộc nhưng khổ sở. Cái mới có thể sẽ không thoải mái nhưng lại có khả năng - nó có thể đem tới phúc lạc cho bạn. Cho nên bạn không thể bác bỏ nó và bạn cũng không thể chấp nhận nó; do đó bạn vẩn vơ, bạn run rẩy, phiền não lớn nảy sinh trong bản thể bạn. Điều đó là tự nhiên, chẳng cái gì đi sai cả. Đây là cách nó bao giờ cũng vậy, đây là cách nó bao giờ cũng như vậy.
Cố hiểu diện mạo của cái mới đi. Mọi người trên thế giới đều muốn trở thành mới, bởi vì không ai được thoả mãn với cái cũ. Không ai đã bao giờ được thoả mãn với cái cũ bởi vì dù nó là bất kì cái gì, bạn đều đã biết nó. Một khi được biết rồi, nó đã trở thành lặp lại; một khi được biết rồi nó trở thành chán, đơn điệu. Bạn muốn gạt bỏ nó. Bạn muốn thám hiểm, bạn muốn phiêu lưu. Bạn muốn trở thành mới, ấy vậy mà khi cái mới gõ cửa bạn co rúm lại, bạn thoái lui, bạn trốn vào cái cũ. Đây là thế tiến thoái lưỡng nan.
Chúng ta trở thành mới như thế nào? - và mọi người đều muốn trở nên mới. Dũng cảm là cần thiết, và không phải dũng cảm thường; dũng cảm phi thường là cần thiết. Và thế giới này đầy những kẻ hèn nhát, do đó mọi người đã dừng trưởng thành. Làm sao bạn có thể trưởng thành nếu bạn là kẻ hèn nhát? Với từng cơ hội mới bạn đều co rúm lại, bạn nhắm mắt lại. Làm sao bạn có thể trưởng thành được? Làm sao bạn có thể hiện hữu được? Bạn chỉ giả vờ hiện hữu thôi.
Và bởi vì bạn không thể lớn lên được nên bạn phải tìm cái lớn lên thay thế. Bạn không thể lớn lên nhưng số dư ngân hàng của bạn có thể lớn lên, đó là cái thay thế. Nó không cần dũng cảm, nó được điều chỉnh hoàn hảo theo hèn nhát của bạn. Số dư ngân hàng của bạn cứ lớn lên và bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn lớn lên. Bạn trở nên đáng kính hơn. Tên tuổi và danh vọng của bạn cứ lớn lên và bạn cho rằng mình đang lớn lên sao? Bạn đơn giản đang tự lừa mình. Tên tuổi bạn không phải là bạn, mà danh vọng của bạn cũng không phải là bạn. Số dư ngân hàng của bạn không phải là bản thể bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ về bản thể thì bạn bắt đầu dao động, bởi vì nếu bạn muốn lớn lên ở đó thế thì bạn phải vứt bỏ tất cả mọi hèn nhát.
Làm sao chúng ta trở thành mới? Chúng ta không trở thành cái mới của bản thân mình. Tính mới tới từ cõi bên kia, chẳng hạn từ Thượng đế. Tính mới tới từ sự tồn tại. Tâm trí bao giờ cũng cũ. Tâm trí chưa bao giờ mới cả, nó là việc tích luỹ của quá khứ. Tính mới tới từ cõi bên kia; nó là món quà từ Thượng đế. Nó từ cõi bên kia và nó là của cõi bên kia.
Cái không biết và cái không thể biết, cõi bên kia, có quyền đi vào trong bạn. Nó có quyền đi vào trong bạn bởi vì bạn chưa bao giờ bị dán kín và bị tách rời; bạn không phải là hòn đảo. Bạn có thể đã quên mất cõi bên kia nhưng cõi bên kia không quên bạn. Con có thể quên mẹ, mẹ không quên con. Bộ phận có thể bắt đầu nghĩ, "Mình tách rời," nhưng cái toàn thể biết rằng bạn không tách rời. Cái toàn thể có quyền đi vào trong bạn. Nó vẫn trong tiếp xúc với bạn. Đó là lí do tại sao cái mới cứ tới, mặc dầu bạn không chào mừng nó. Nó tới mọi sáng, nó tới mọi tối. Nó tới theo cả nghìn lẻ một cách. Nếu bạn có mắt để nhìn, bạn sẽ thấy nó liên tục tới với bạn.
Sự tồn tại cứ mưa rào lên bạn, nhưng bạn lại bị khép kín trong quá khứ của mình. Bạn gần như trong một loại nấm mồ. Bạn đã trở thành không nhạy cảm. Bởi vì hèn nhát của mình bạn đã đánh mất nhạy cảm của mình. Nhạy cảm nghĩa là cái mới sẽ được cảm thấy - và cảm động của cái mới, và đam mê về cái mới và cuộc phiêu lưu sẽ nảy sinh và bạn sẽ bắt đầu đi vào cái không biết, chẳng biết mình đang đi đâu.
Tâm trí cho điều đó là điên. Tâm trí cho bỏ cái cũ là không hợp lí.
Nhưng Thượng đế bao giờ cũng mới. Đó là lí do tại sao chúng ta không thể dùng thời quá khứ hay thời tương lai cho Thượng đế. Chúng ta không thể nói "Thượng đế đã có," chúng ta không thể nói "Thượng đế sẽ có." Chúng ta chỉ có thể dùng thời hiện tại: "Thượng đế đang đó." Nó bao giờ cũng tươi tắn, trong trắng. Và nó có quyền đi vào bạn.
Nhớ lấy, bất kì cái gì mới tới trong cuộc sống của bạn đều là thông điệp từ Thượng đế. Nếu bạn chấp nhận nó bạn mang tính tôn giáo. Nếu bạn bác bỏ nó bạn phi tôn giáo. Con người cần thảnh thơi thêm chút nữa để chấp nhận cái mới; cởi mở thêm chút nữa để cái mới đi vào. Nhường đường cho Thượng đế đi vào bạn.
Đó là toàn thể ý nghĩa của nguyện hay thiền - bạn mở ra, bạn nói có, bạn nói "Mời vào." Bạn nói, "Tôi đã chờ đợi và chờ đợi và tôi cám ơn rằng ngài đã tới." Bao giờ cũng đón nhận cái mới với niềm vui lớn lao. Cho dù đôi khi cái mới dẫn bạn vào điều bất tiện, dầu vậy điều đó vẫn xứng đáng với nó. Cho dù đôi khi cái mới dẫn bạn xuống rãnh nào đó, dầu vậy điều đó vẫn xứng đáng với nó, bởi vì chỉ qua lỗi lầm mà người ta mới học được, và chỉ qua khó khăn người ta mới trưởng thành. Cái mới sẽ đem tới khó khăn. Đó là lí do tại sao bạn chọn cái cũ - nó không đem tới bất kì khó khăn nào. Nó là sự an ủi, nó là chỗ trú ẩn.
Và chỉ cái mới, được chấp nhận sâu sắc và toàn bộ, mới có thể làm biến đổi bạn. Bạn không thể đem cái mới vào cuộc sống của mình, cái mới tới. Bạn hoặc chấp nhận nó hoặc bác bỏ nó. Nếu bạn bác bỏ nó bạn vẫn còn là tảng đá, đóng và chết. Nếu bạn đón nhận nó bạn trở thành bông hoa, bạn bắt đầu mở ra... và trong việc mở đó là lễ hội.
Chỉ việc đi vào của cái mới mới có thể làm biến đổi bạn, không có cách khác để biến đổi. Và nhớ, điều đó không làm gì với bạn và nỗ lực của bạn. Nhưng không làm gì không phải là dừng hành động; nó là hành động mà không có ý chí hay chiều hướng hay xung lực từ quá khứ của bạn. Việc tìm kiếm cái mới không thể là việc tìm kiếm thông thường, bởi vì nó là tìm kiếm cái mới - làm sao bạn có thể tìm được nó? Bạn không biết nó, bạn chưa bao giờ gặp nó. Việc tìm cái mới sẽ là cuộc thám hiểm để mở. Người ta không biết. Người ta phải bắt đầu trong trạng thái không biết, và người ta phải đi một cách hồn nhiên như đứa trẻ, run lên với mọi khả năng - và các khả năng là vô hạn.
Bạn không thể làm được gì để tạo ra cái mới, bởi vì bất kì điều gì bạn làm cũng sẽ là từ cái cũ, sẽ từ quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải dừng hành động. Nó là hành động mà không có ý chí hay chiều hướng hay xung lực từ quá khứ của bạn. Hành động không ý chí hay chiều hướng hay xung lực từ quá khứ - và đó là hành động mang tính thiền. Hành động một cách tự phát đi. Để khoảnh khắc này mang tính quyết định.
Bạn không áp đặt quyết định của mình, bởi vì quyết định sẽ là từ quá khứ và nó sẽ phá huỷ cái mới. Bạn chỉ hành động trong khoảnh khắc này như đứa trẻ. Hoàn toàn bỏ mặc bản thân mình cho khoảnh khắc này - và mọi ngày bạn sẽ thấy sự bắt đầu mới, ánh sáng mới, sáng suốt mới. Và những sáng suốt mới đó sẽ làm thay đổi bạn. Một hôm, bỗng nhiên bạn sẽ thấy mình từng khoảnh khắc đều mới mẻ. Cái cũ không còn nấn ná nữa, cái cũ không còn treo quanh bạn như đám mây. Bạn giống như giọt sương, tươi tắn và trẻ trung.
Đó là ý nghĩa thực của phục sinh. Nếu bạn hiểu điều này bạn sẽ được tự do khỏi kí ức - kí ức tâm lí, đang đó. Kí ức là thứ chết. Kí ức không phải là chân lí và không bao giờ có thể là chân lí, bởi vì chân lí bao giờ cũng sống động, chân lí là cuộc sống; kí ức là sự dai dẳng của cái không còn nữa. Nó đang sống trong thế giới ma, nhưng nó chứa chúng ta, nó là nhà tù của chúng ta. Thực tế, nó là chúng ta. Kí ức tạo ra điểm nút, cái phức hợp được gọi là 'tôi', bản ngã. Và một cách tự nhiên thực thể giả này, được gọi là 'tôi', liên tục sợ chết. Đó là lí do tại sao bạn sợ cái mới.
Cái 'tôi' này sợ hãi, không phải là bạn thực. Bản thể không sợ hãi, nhưng bản ngã có sợ hãi, bởi vì bản ngã rất rất sợ chết. Nó là nhân tạo, nó là tuỳ tiện, nó được gắn lại với nhau. Nó có thể rời ra vào bất kì khoảnh khắc nào. Và khi cái mới đi vào, có sợ hãi. Bản ngã sợ, nó có thể sụp đổ. Bằng cách nào đó nó đã xoay xở để giữ cho bản thân nó được kết lại, giữ cho bản thân nó thành một mảnh, và bây giờ cái gì đó mới tới - đó sẽ là thứ gây ra tan tành. Đó là lí do tại sao bạn không chấp nhận cái mới với niềm vui. Bản ngã không thể chấp nhận cái chết riêng của nó - làm sao nó có thể chấp nhận cái chết riêng của mình bằng niềm vui được?
Chừng nào bạn còn chưa hiểu rằng mình không là bản ngã, bạn sẽ không có khả năng đón nhận cái mới. Một khi bạn đã thấy rằng bản ngã là kí ức quá khứ của mình chứ không gì khác, rằng bạn không là kí ức của mình, rằng kí ức chỉ giống như cái máy tính sinh học, rằng nó là cái máy, một cơ cấu, tiện dụng, nhưng bạn ở ngoài nó... Bạn là tâm thức, không phải kí ức. Kí ức là nội dung trong tâm thức, bạn là bản thân tâm thức.
Chẳng hạn, bạn thấy ai đó đang bước đi trên đường. Bạn nhớ khuôn mặt này nhưng bạn không thể nhớ được tên. Nếu bạn là kí ức bạn phải nhớ cả cái tên nữa chứ. Nhưng bạn nói, "Tôi nhận ra khuôn mặt nhưng tôi không nhớ tên." Thế rồi bạn bắt đầu nhìn vào kí ức của mình, bạn đi vào bên trong kí ức mình, bạn nhìn vào phía này, phía kia, và bỗng nhiên cái tên bật ra và bạn nói, "Rồi, đây là tên người đó." Kí ức là bản ghi của bạn. Bạn là người nhìn vào trong bản ghi, bạn không phải là bản thân kí ức.
Và điều xảy ra nhiều lần rằng nếu bạn trở nên quá căng thẳng về việc nhớ cái gì đó, việc nhớ nó lại trở thành khó khăn, bởi vì chính sự căng thẳng, chính sức căng áp vào con người bạn không cho phép kí ức đưa ra thông tin cho bạn. Bạn cố gắng và cố gắng nhớ tên của ai đó mà nó lại không tới, mặc dầu bạn nói nó chỉ ở ngay đầu lưỡi thôi. Bạn biết rằng mình biết, nhưng dầu vậy cái tên vẫn không tới.
Bây giờ đây là điều kì lạ. Nếu bạn là kí ức, thế thì ai ngăn cản bạn và làm sao nó lại không tới? Và ai là người này, người nói, "Tôi biết, nhưng dầu vậy nó vẫn không tới"? Và thế rồi bạn cố gắng chật vật và bạn càng cố gắng chật vật thì điều đó lại càng trở thành khó hơn. Thế rồi, phát ngán với toàn thể vấn đề, bạn bỏ ra vườn đi dạo và bỗng nhiên, nhìn vào bụi hồng, nó có đó rồi, nó đã trồi lên bề mặt.
Kí ức của bạn không phải là bạn. Bạn là tâm thức, kí ức là nội dung. Nhưng kí ức là toàn thể sinh lực của bản ngã. Kí ức tất nhiên già cỗi, và nó sợ cái mới. Cái mới có thể làm rối loạn, cái mới có thể đến độ nó không thể tiêu hoá được. Cái mới có thể đem tới rắc rối nào đó. Bạn sẽ phải dịch chuyển và tái dịch chuyển bản thân mình. Bạn sẽ phải điều chỉnh lại bản thân mình. Điều đó dường như gian nan.
Để là mới người ta cần trở nên không bị đồng nhất với bản ngã. Một khi bạn không đồng nhất với bản ngã, bạn không quan tâm liệu nó chết hay sống. Thực tế bạn biết rằng dù nó sống hay chết, nó đã chết rồi. Nó chỉ là một cơ cấu. Dùng nó nhưng đừng bị nó dùng. Bản ngã liên tục sợ chết bởi vì nó là tuỳ tiện; do đó mới có nỗi sợ. Nó không nảy sinh từ bản thể; nó không thể nảy sinh từ bản thể được, bởi vì bản thể là cuộc sống - làm sao cuộc sống có thể sợ cái chết được? Cuộc sống không biết gì về cái chết cả. Nảy sinh từ sự tuỳ tiện, cái nhân tạo, bằng cách nào đó được gắn lại với nhau, cái giả tạo, cái rởm. Và vậy mà chỉ việc buông bỏ như vậy, chỉ cái chết đó mới làm cho con người sống động. Chết đi trong bản ngã là được sinh ra trong bản thể.
Cái mới là sứ giả từ Thượng đế, cái mới là thông điệp từ Thượng đế. Nó là cẩm nang! Nghe theo cái mới, đi cùng cái mới. Tôi biết bạn sợ. Mặc cho nỗi sợ, đi cùng cái mới đi, và cuộc sống của bạn sẽ trở nên giầu có hơn và bạn sẽ có khả năng một ngày nào đó toát ra sự huy hoàng không cầm tù của mình.
CHÚNG TA BỎ LỠ NHIỀU ĐIỀU trong cuộc sống chỉ bởi vì chúng ta thiếu dũng cảm. Thực tế, không cần nỗ lực nào để đạt tới cả - chỉ cần dũng cảm - và mọi điều bắt đầu tới với bạn thay vì bạn đi tới chúng... ít nhất là trong thế giới nội tâm điều đó là vậy.
Và với tôi, phúc lạc là dũng cảm lớn nhất. Khổ là rất hèn nhát. Thực tế để khổ chẳng cần gì cả. Bất kì kẻ hèn nhát nào cũng có thể làm điều đó, bất kì kẻ ngu nào cũng có thể làm điều đó. Mọi người đều có khả năng khổ nhưng để có phúc lạc, dũng cảm lớn lao là cần thiết - đó là nhiệm vụ vất vả.
Thông thường chúng ta không nghĩ vậy - chúng ta nghĩ, "Để hạnh phúc thì cần gì? Mọi người đều muốn hạnh phúc." Điều đó tuyệt đối sai. Rất hiếm khi người ta muốn hạnh phúc - ấy thế mà đấy lại là điều họ cứ nói. Rất hiếm khi người ta sẵn sàng hạnh phúc - mọi người đầu tư quá nhiều vào khổ của mình. Họ yêu bất hạnh... thực tế họ hạnh phúc trong việc bất hạnh.
Có nhiều điều cần được hiểu - bằng không thì rất khó thoát ra khỏi vết mòn của khổ. Điều đầu tiên - không ai giữ bạn ở đó cả; chính bạn mới là người đã quyết định còn ở trong nhà tù của khổ đó. Không ai giữ bất kì ai. Người sẵn sàng thoát ra khỏi nó, có thể thoát ra khỏi nó ngay chính khoảnh khắc này. Không ai khác chịu trách nhiệm cả. Nếu người ta khổ, người ta chịu trách nhiệm lấy, nhưng người khổ không bao giờ chấp nhận trách nhiệm - đó là cách người đó duy trì khổ. Người đó nói, "Ai đó khác làm cho tôi khổ."
Nếu ai đó khác đang làm cho bạn khổ, một cách tự nhiên, bạn có thể làm được gì? Nếu bạn đang tự làm cho mình khổ, điều gì đó có thể được làm... điều gì đó có thể được làm ngay lập tức. Thế thì nó ở trong tay bạn để bị khổ hay không khổ. Cho nên mọi người cứ đổ trách nhiệm - lúc thì lên vợ, lúc thì lên chồng, lúc thì lên gia đình, lúc thì lên hoàn cảnh, tuổi thơ, mẹ, bố... lúc thì xã hội, lịch sử, số phận, thượng đế, nhưng họ bao giờ cũng cứ đổ tại. Cái tên là khác nhưng thủ đoạn là một.
Con người thực sự trở thành người khi người đó chấp nhận trách nhiệm toàn bộ - người đó chịu trách nhiệm về bất kì điều gì mình đang là. Đây là dũng cảm đầu tiên, dũng cảm lớn nhất. Rất khó chấp nhận điều đó, bởi vì tâm trí cứ nói, "Nếu mình chịu trách nhiệm, sao mình lại tạo ra nó?" Để tránh điều này chúng ta nói rằng ai đó khác chịu trách nhiệm: "Tôi có thể làm được gì? Tôi bất lực... Tôi là nạn nhân! Tôi bị ném từ đây qua đó bởi những lực lớn hơn tôi và tôi không thể làm được gì cả. Cho nên nhiều nhất tôi có thể khóc về khổ và trở nên khổ hơn bởi việc khóc." Và mọi thứ phát triển - nếu bạn thực hành nó, nó phát triển. Thế thì bạn đi ngày một sâu hơn... bạn chìm ngày một sâu hơn.
Không ai, không lực nào khác, đang làm bất kì cái gì cho bạn. Chính bạn và chỉ có bạn thôi. Đây là toàn thể triết lí về nghiệp - rằng chính là việc làm của bạn; 'nghiệp' nghĩa là việc làm. Bạn đã làm nó và bạn có thể hoàn tác nó. Và không có nhu cầu chờ đợi, trì hoãn. Thời gian là không cần thiết - bạn có thể đơn giản nhảy ra khỏi nó!
Nhưng chúng ta đã trở nên bị quen đi. Chúng ta sẽ cảm thấy rất đơn độc nếu chúng ta dừng việc bị khổ, chúng ta sẽ mất người bạn đồng hành gần gũi nhất của mình. Nó đã trở thành cái bóng - nó theo chúng ta ở mọi nơi. Khi không ai có đó, ít nhất khổ vẫn có cùng với bạn - người ta đã cưới nó. Và đó là cuộc hôn nhân dài, lâu dài; bạn vẫn cưới khổ trong nhiều kiếp.
Bây giờ thời gian đã tới để li dị nó. Điều đó tôi gọi là dũng cảm lớn lao - li dị với khổ, làm mất thói quen cũ nhất của tâm trí nhân loại, người đồng hành lâu nhất.
Xem tiếp Chương 8 - Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »