Chương 6. Con đường của hồn nhiên

Osho - Dũng cảm – Vui sống hiểm nguy
Chương 6. Con đường của hồn nhiên


Vấn đề thực không phải là dũng cảm, vấn đề thực là ở chỗ cái đã biết là cái chết, còn cái không biết là cái đang sống. Níu bám vào cái đã biết là níu bám vào cái xác. Không cần dũng cảm để vứt bỏ níu bám; thực tế cần dũng cảm để cứ níu bám vào cái xác. Bạn chỉ phải thấy... Cái quen thuộc với bạn, cái bạn đã từng sống - nó đã cho cái gì? Bạn đã đạt tới đâu? Bạn vẫn không trống rỗng sao? Không có bất mãn mênh mông, thất vọng sâu sắc và vô nghĩa đó sao? Bằng cách nào đó bạn cứ xoay xở, che giấu chân lí và tạo ra dối trá để vẫn còn dính líu, tham gia.
Đây là vấn đề: thấy với sự sáng tỏ rằng mọi thứ bạn biết đều là của quá khứ, nó đã trôi qua rồi. Nó là một phần của bãi tha ma. Bạn có muốn sống trong nấm mồ không, hay bạn muốn sống động? Và đây không chỉ là vấn đề ngày hôm nay; nó sẽ là cùng vấn đề cho ngày mai, và ngày kia nữa. Nó sẽ là cùng vấn đề vào hơi thở cuối cùng của bạn.
Bất kì điều gì bạn biết, bạn tích luỹ - thông tin, tri thức, kinh nghiệm - khoảnh khắc bạn đã thám hiểm xong chúng bạn đều được kết thúc với chúng. Bây giờ mang những lời trống rỗng kia, cái tải trọng chết kia, là đang nghiền nát cuộc sống của bạn, làm nặng nề cuộc sống của bạn, ngăn cản bạn không cho đi vào việc sống, sự hiện hữu hân hoan - điều đang chờ đợi bạn từng khoảnh khắc.
Con người của hiểu biết làm chết đi mọi khoảnh khắc của quá khứ và được tái sinh lại cho tương lai. Sự hiện diện của người đó bao giờ cũng là việc biến đổi, tái sinh và phục sinh. Đấy không phải là vấn đề dũng cảm chút nào, đó là điều đầu tiên cần được hiểu. Đó là vấn đề về sáng tỏ, về việc rõ ràng cái gì là cái gì.
Và điều thứ hai, bất kì khi nào thực sự có vấn đề dũng cảm, không ai có thể trao nó cho bạn được. Nó không phải là cái gì đó có thể được đem tặng như món quà. Nó là cái gì đó mà bạn được sinh ra cùng với nó, bạn đã không cho phép nó phát triển, bạn đã không cho phép nó tự khẳng định mình.
HỒN NHIÊN LÀ CẢ DŨNG CẢM VÀ SÁNG TỎ. Không có nhu cầu phải dũng cảm nếu bạn hồn nhiên. Cũng không có nhu cầu về bất kì sự sáng tỏ nào bởi vì chẳng cái gì có thể thể sáng tỏ hơn, sáng rõ như pha lê, hơn hồn nhiên. Cho nên toàn thể vấn đề này là làm sao bảo vệ hồn nhiên riêng của người ta.
Hồn nhiên không phải là cái gì đó cần đạt tới. Nó không phải là cái gì đó cần được học. Nó không phải là cái gì đó giống như tài năng: hội hoạ, âm nhạc, thơ ca, điêu khắc. Nó không giống những điều này. Nó giống nhiều hơn với việc thở, cái gì đó bạn được sinh ra cùng với nó.
Hồn nhiên là bản tính của mọi người. Không ai được sinh ra lại khác với hồn nhiên.
Làm sao người ta có thể được sinh ra mà khác hồn nhiên được? Việc sinh có nghĩa là bạn đã đi vào thế giới này như một tabula rasa[1], không cái gì được viết lên bạn. Bạn chỉ có tương lai, không quá khứ. Đó là ý nghĩa của hồn nhiên. Cho nên trước hết cố gắng hiểu tất cả mọi ý nghĩa của hồn nhiên.
Điều thứ nhất là: không quá khứ, chỉ tương lai.
Quá khứ làm biến chất bởi vì nó cho bạn kí ức, kinh nghiệm trông đợi. Tất cả những điều đó tổ hợp lại với nhau làm cho bạn láu lỉnh nhưng không sáng tỏ. Chúng làm cho bạn tinh ranh nhưng không thông minh. Chúng có thể giúp bạn thành công trong thế giới này nhưng ở bản thể bên trong nhất của mình, bạn sẽ là thất bại. Và tất cả mọi thành công của thế giới này đều chẳng có nghĩa gì nếu được so sánh với thất bại mà chung cuộc bạn sẽ đối diện, bởi vì chung cuộc chỉ cái ta bên trong của bạn mới còn lại với bạn. Tất cả đều mất đi: vinh quang của bạn, quyền lực của bạn, tên tuổi bạn, danh tiếng của bạn - tất cả bắt đầu biến mất như cái bóng.
Đến cuối cùng cái duy nhất còn lại chính là cái bạn đã mang ngay từ chính lúc đầu. Bạn có thể lấy đi từ thế giới này chỉ cái bạn đã mang vào nó.
Ở Ấn Độ người từng trải thông thường coi thế giới này là phòng chờ trong ga xe lửa; nó không phải là nhà bạn. Bạn không ở lại trong phòng đợi mãi mãi. Chẳng cái gì trong phòng đợi thuộc về bạn cả - đồ đạc, các bức tranh trên tường... Bạn dùng chúng - bạn nhìn bức tranh, bạn ngồi trên ghế, bạn nghỉ trên giường - nhưng chẳng cái gì thuộc vào bạn cả. Bạn chỉ ở đây vài phút thôi, hay vài giờ là nhiều nhất, thế rồi bạn sẽ qua đi.
Vâng, cái bạn đã mang vào cùng mình, vào phòng đợi, bạn sẽ mang đi cùng mình; cái đó là của bạn. Bạn đã mang cái gì vào thế giới này? Và thế giới này chắc chắn là phòng đợi rồi. Việc chờ đợi có thể không phải trong vài giây, vài phút, vài giờ, vài ngày, nó có thể là nhiều năm; nhưng có thành vấn đề gì dù bạn đợi bẩy giờ hay bẩy mươi năm?
Bạn có thể quên, trong bẩy mươi năm, rằng bạn chỉ đang trong phòng đợi. Bạn có thể bắt đầu nghĩ có lẽ bạn là người chủ, có lẽ đây là ngôi nhà bạn đã xây nên. Bạn có thể bắt đầu đặt biển tên mình lên phòng đợi.
Có những người - tôi đã thấy điều đó, bởi vì tôi đã từng du hành nhiều thế: mọi người đã viết tên mình trong nhà tắm của phòng đợi. Mọi người đã khắc tên mình lên đồ đạc trong phòng đợi. Điều đó có vẻ ngu xuẩn, nhưng điều đó rất giống với điều mọi người làm trong thế giới này.
Có một câu chuyện rất có ý nghĩa về kinh sách Jaina cổ đại. Ở Ấn Độ người ta tin rằng nếu ai đó có thể trở thành hoàng đế của toàn thế giới thì người đó được gọi là chakravartin. Từ chakravartin đơn giản ngụ ý... chakra nghĩa là bánh xe. Ở Ấn Độ cổ đại nó là cách tránh việc tranh đấu và bạo hành không cần thiết: chiếc xe, chiếc xe bằng vàng, rất có giá trị, với những con ngựa khoẻ và đẹp, sẽ đi từ vương quốc này sang vương quốc khác. Nếu vương quốc kia không chống lại và để cho chiếc xe đi qua, điều đó ngụ ý rằng vương quốc này đã chấp nhận người chủ của chiếc xe kia là bề trên của mình. Thế thì không cần đánh nhau.
Theo cách này chiếc xe sẽ đi, và bất kì chỗ nào mọi người cản trở chiếc xe thì sẽ có chiến tranh. Nếu chiếc xe không bị cản trở ở đâu cả, thế thì không có chiến tranh mà tính chất ưu việt của nhà vua này lại được chứng minh: ông ấy trở thành chakravartin - người có bánh xe lăn đi khắp nơi và người mà không ai có thể cản trở lại được. Đây đã từng là ham muốn của mọi nhà vua, trở thành một chakravartin.
Chắc điều đó cần mạnh hơn Alexander Đại đế đã mạnh. Chỉ phái mỗi chiếc xe đi thôi... điều đó cần sức mạnh ghê gớm để hỗ trợ cho nó. Nó cần chắc chắn nào đó rằng nếu chiếc xe bị cản trở, sẽ có tàn sát lớn lao. Điều đó nghĩa là con người này đã được thừa nhận, rằng nếu người đó muốn chinh phục bất kì ai, không có cách nào ngăn cản người đó chinh phục bạn.
Nhưng đó là cách thức rất tượng trưng, văn minh hơn. Không cần tấn công, không cần bắt đầu giết hại; chỉ gửi đi một thông điệp tượng trưng. Cho nên với lá cờ của nhà vua chiếc xe sẽ đi, và nếu nhà vua kia cảm thấy rằng chẳng có ích gì mà chống lại - rằng đánh nhau đơn giản nghĩa là thất bại và bạo hành, huỷ diệt không cần thiết - nhà vua đón chào chiếc xe, và trong kinh đô của mình hoa được tung lên chiếc xe.
Điều này dường như còn văn minh hơn nhiều so với điều các nước như Liên Xô và Mĩ đang làm. Chỉ gửi đi một chiếc xe đẹp - nhưng điều đó có nghĩa là sức mạnh của bạn phải là cái gì đó tuyệt đối chắc chắn cho bạn; và không chỉ cho bạn, nó nên là chắc chắn cho mọi người khác. Chỉ thế thì một biểu tượng như vậy mới có ích. Cho nên mọi nhà vua đều có ham muốn trở thành một chakravartin một ngày nào đó.
Câu chuyện là ở chỗ một người đã trở thành chakravartin - và điều xảy ra là chỉ một lần trong nhiều nghìn năm mới có một người trở thành chakravartin. Ngay cả Alexander Đại đế cũng không phải là người chinh phục thế giới; có nhiều chỗ bị bỏ lại không chinh phục được. Và ông ta đã chết khi còn rất trẻ, ông ta mới ba mươi ba: thậm chí không đủ thời gian để chinh phục thế giới. Nói gì tới chinh phục, thậm chí toàn thế giới cũng chẳng được biết tới! Một nửa thế giới cũng chẳng được biết tới, mà cái nửa đã được biết đó, thậm chí nó cũng không được chinh phục. Con người này, người tôi sắp kể cho bạn câu chuyện, đã trở thành chakravartin.
Tương truyền khi một chakravartin chết - bởi vì một chakravartin xảy ra chỉ một lần trong hàng nghìn năm, ông ấy là người hiếm hoi - khi ông ấy chết ông ấy được đón nhận lên trời trong niềm hân hoan lớn lao và ông ấy được đưa tới một chỗ đặc biệt.
Theo huyền thoại Jaina, trên trời có dãy núi song song với Himalaya. Himalaya được làm từ đá và đất và băng. Himalaya song song trên trời được gọi là Sumeru. Sumeru nghĩa là núi tối thượng: không cái gì có thể cao hơn cái đó. Nó là vàng khối; thay vì là đá có kim cương và hồng ngọc và lục ngọc.
Khi một chakravartin chết ông ấy được đưa tới núi Sumeru để khắc tên ông ấy vào núi. Đó là cơ hội hi hữu; điều đó chỉ xảy ra một lần trong nhiều nghìn năm. Tất nhiên con người này kích động vô cùng rằng mình sẽ viết tên lên Sumeru. Đó là danh sách tối thượng của tất cả những con người vĩ đại đã từng hiện hữu, và nó cũng sẽ là bản danh mục của những người vĩ đại sắp tới. Hoàng đế này trở thành người tham gia vào dòng truyền thừa của các siêu nhân.
Người giữ cổng đưa cho ông ấy bản hướng dẫn khắc tên mình. Ông ấy muốn đem theo vài người của mình, những người đã tự tử chỉ bởi vì hoàng đế của mình sắp chết - họ không thể nghĩ tới việc sống mà thiếu ông ấy. Vợ ông ấy, tể tướng, tướng chỉ huy của ông ấy, tất cả những người vĩ đại ở quanh ông ấy đều tự tử, cho nên họ đã tới cùng ông ấy.
Hoàng đế muốn người giữ cổng cho tất cả họ vào để xem ông ấy khắc tên mình, vì phỏng có gì vui nếu bạn đi một mình và khắc tên mình mà chẳng ai có đó để mà xem? - bởi vì niềm vui thật là ở chỗ toàn thế giới sẽ nhìn.
Người giữ cổng nói, "Ông nghe lời khuyên của tôi đây, bởi vì đây là nghề cha truyền con nối của tôi.
Bố tôi đã là người giữ cổng, bố ông ấy cũng là người giữ cổng; trong nhiều thế kỉ chúng tôi đã là người giữ cổng cho núi Sumeru. Nghe lời khuyên của tôi: Đừng đem họ đi cùng ông; bằng không ông sẽ hối hận đấy."
Hoàng đế không thể nào hiểu nổi, nhưng ông ấy thậm chí cũng không thể đi ngược lại lời khuyên này - vì có lợi gì mà người này lại đi ngăn cản ông ấy?
Người giữ cổng nói, "Nếu ông vẫn muốn họ vào xem, trước hết hãy khắc tên ông đi đã; thế rồi quay lại và đem họ đi cùng ông nếu ông muốn. Tôi không phản đối cho dù bây giờ ông muốn đem họ vào, nhưng chỉ trong trường hợp ông quyết định không đưa vào, thế thì sẽ không có cơ hội nào để thay đổi tâm trí ông... họ sẽ ở cùng với ông. Ông đi một mình đi." Đây hoàn toàn là lời khuyên lành mạnh.
Hoàng đế nói, "Tốt đấy. Ta sẽ đi một mình, khắc tên ta vào, quay lại và gọi tất cả các ông."
Người giữ cổng nói, "Tôi hoàn toàn thoải mái với điều đó."
Hoàng đế đi vào và ông ta thấy Sumeru sáng lên dưới hàng nghìn mặt trời - bởi vì trên trời bạn không thể nghèo tới mức chỉ có một mặt trời - hàng nghìn mặt trời, và núi vàng còn lớn hơn nhiều so với Himalaya - và Himalaya dài gần hai nghìn dặm! Ông ấy không thể nào mở được mắt ra trong một chốc, nó chói loà thế ở đó. Và thế rồi ông ấy bắt đầu tìm chỗ, đúng chỗ, nhưng ông ấy rất phân vân: không có chỗ; toàn thể quả núi đều được khắc đầy những tên.
Ông ấy không thể nào tin được vào mắt mình. Lần đầu tiên ông ấy trở nên nhận biết mình là gì. Mãi cho tới giờ ông ấy vẫn nghĩ mình là siêu nhân chỉ xảy ra một lần trong hàng nghìn năm. Nhưng thời gian là từ vĩnh hằng; ngay cả hàng nghìn năm cũng chẳng tạo ra khác biệt gì, biết bao nhiêu chakravartin đã từng xảy ra rồi. Không còn chỗ trên quả núi lớn nhất đó trong cả vũ trụ nơi ông ấy có thể viết cái tên nhỏ bé của mình lên.
Ông ấy quay lại, và bây giờ ông ấy đã hiểu rằng người giữ cổng là đúng khi không cho vợ ông ấy và các tướng chỉ huy và tể tướng của ông ấy và những người bạn thân thiết khác vào. Cũng tốt là họ đã không thấy tình huống này. Họ vẫn có thể tin rằng hoàng đế của họ là người hiếm hoi.
Ông ấy bảo người giữ cổng vào bên trong và ông ấy nói, "Nhưng không còn chỗ nữa!"
Người giữ cổng nói, "Đó là điều tôi đã bảo ông. Điều ông phải làm là xoá đi vài cái tên và viết tên của ông vào. Đó là điều đã được làm; cả đời mình tôi đã thấy điều này được làm, bố tôi thường nói điều này đã được làm. Bố của bố tôi - không ai trong gia đình tôi đã từng thấy Sumeru trống rỗng, hay còn chỗ nào.
"Bất kì khi nào một chakravartin mà tới thì người đó đều phải xoá đi vài cái tên và viết tên riêng của mình vào. Cho nên đây không phải là toàn thể lịch sử của các chakravartins. Nhiều lần nó đã bị xoá đi, nhiều lần, nó đã được khắc vào. Ông làm việc của mình đi, và thế rồi nếu ông muốn chỉ cho bạn bè mình ông có thể đưa họ vào."
Hoàng đế nói, "Không, tôi không muốn cho họ xem và tôi không muốn ngay cả việc viết tên mình. Phỏng có ích gì? - một ngày nào đó ai đó sẽ tới và xoá nó đi.
"Toàn thể cuộc sống của tôi đã trở thành hoàn toàn vô nghĩa. Đây đã là hi vọng duy nhất của tôi, rằng Sumeru, quả núi vàng trên trời sẽ có tên tôi. Vì điều này tôi đã sống, vì điều này tôi đã liều cả cuộc sống của mình; vì điều này tôi đã sẵn sàng giết toàn thể thế giới. Và bất kì ai khác cũng đều có thể xoá tên tôi đi và viết tên mình vào. Phỏng có ích gì mà viết nó đây? Tôi sẽ không viết tên đâu." Người giữ cổng cười to.
Hoàng đế nói, "Sao ông lại cười?"
Người giữ cổng nói, "Điều này kì lạ đây, bởi vì điều này nữa tôi đã từng nghe từ ông nội tôi - rằng chakravartin tới, và thấy toàn thể câu chuyện này, đều quay lại; họ không viết tên mình nữa. Ông không phải là mới: bất kì ai có chút ít thông minh cũng sẽ làm hệt như vậy."
Trong toàn thế giới này bạn có thể kiếm được cái gì? Bạn có thể đem cái gì đi cùng mình? Tên tuổi bạn, uy tín của bạn, kính trọng của bạn ư? Tiền của bạn, quyền lực của bạn - cái gì? Uyên bác của bạn sao? Bạn không thể đem được cái gì đi cả. Mọi thứ sẽ phải bị vứt lại ở đây. Và trong khoảnh khắc đó bạn sẽ hiểu rằng tất cả mọi thứ bạn đã sở hữu đều không phải là của bạn; chính ý tưởng sở hữu là sai. Và bởi vì việc sở hữu đó mà bạn bị biến chất.
Làm tăng sự sở hữu đó - có nhiều tiền hơn, có nhiều quyền lực hơn, chinh phục nhiều đất đai hơn - bạn đã làm những điều mà ngay cả bạn cũng không thể nói là đúng được. Bạn đã nói dối, bạn đã không chân thực. Bạn đã có hàng trăm bộ mặt. Bạn đã không thực cho dù chỉ một khoảnh khắc với bất kì ai hay với chính mình; bạn không thể hiện hữu được. Bạn phải giả tạo, rởm, giả vờ, bởi vì đây là những thứ giúp cho bạn thành công trong thế giới này. Tính đích thực sẽ không giúp gì cho bạn cả. Sự chân thực sẽ không giúp ích gì cho bạn cả. Tính chân lí sẽ không giúp ích gì cho bạn cả.
Không sở hữu, thành công, danh vọng, bạn là ai? Bạn không biết. Bạn là cái tên của mình, bạn là danh tiếng của mình, bạn là uy tín của mình, quyền lực của mình. Nhưng khác hơn những điều này, bạn là ai? Cho nên toàn thể tính sở hữu trở thành sự đồng nhất của bạn. Nó cho bạn cảm giác giả tạo về hiện hữu. Đó là bản ngã.
Bản ngã không phải là cái gì đó bí ẩn, nó là một hiện tượng rất đơn giản. Bạn không biết mình là ai, và sống mà không biết mình là ai là điều không thể được. Nếu tôi không biết tôi là ai, thế thì tôi đang làm gì ở đây? Thế thì bất kì điều gì tôi làm cũng đều trở thành vô nghĩa. Điều đầu tiên và cao nhất là biết mình là ai. Có lẽ thế thì tôi mới có thể làm điều gì đó hoàn thành cho bản tính của tôi, làm cho tôi được mãn nguyện, đem tôi về nhà.
Nhưng nếu tôi không biết mình là ai, và tôi cứ làm mọi thứ, làm sao tôi có thể xoay xở tới được chỗ bản tính của tôi được giả định đạt tới, dẫn tới? Tôi đã chạy hết chỗ nọ chỗ kia nhưng chẳng có điều gì tôi có thể nói, "Bây giờ mình đã đạt tới rồi, đây là chỗ mình đã từng tìm kiếm."
Bạn không biết mình là ai, cho nên một căn cước giả tạo nào đó là cần thiết như cái thay thế. Sở hữu của bạn cho bạn căn cước giả tạo đó.
Bạn tới với một người quan sát hồn nhiên vào thế giới này. Mọi người đều tới theo cùng cách, với cùng phẩm chất của tâm thức. Nhưng bạn bắt đầu mặc cả với thế giới của những người đã trưởng thành. Họ có nhiều thứ cho bạn; bạn chỉ có một thứ để cho, và đó là tính chính trực của bạn, lòng tự trọng của bạn. Bạn không có nhiều, chỉ một thứ thôi - bạn có thể gọi nó là bất kì cái gì: hồn nhiên, thông minh, tính đích thực. Bạn chỉ có một thứ.
Và đứa trẻ tự nhiên rất quan tâm tới mọi thứ nó thấy xung quanh. Nó liên tục muốn có cái này, có cái nọ; đó là một phần của bản tính con người. Nếu bạn nhìn vào đứa trẻ nhỏ, ngay cả đứa trẻ mới sinh, bạn có thể thấy nó đã bắt đầu dò dẫm vì cái gì đó; tay nó đang cố gắng tìm cái gì đó. Nó đã bắt đầu cuộc hành trình.
Trong cuộc hành trình này nó sẽ làm mất bản thân mình, bởi vì bạn không thể có được cái gì trong thế giới này mà không trả lại cho nó. Và đứa trẻ đáng thương không thể hiểu được rằng cái nó đem cho đi lại quí giá tới mức nếu toàn thể thế giới có ở một bên, và tính chính trực của nó ở bên kia, thì thế nữa tính chính trực của nó vẫn nặng hơn, có giá trị hơn. Đứa trẻ không có cách nào biết được điều đó. Đây là vấn đề, bởi vì cái nó có được, nó đơn giản có được. Nó lấy cứ như được cho không.
Để tôi kể cho bạn một câu chuyện sẽ làm cho điều đó thành rõ ràng.
Một người giầu, rất giầu, cuối cùng đã trở nên rất thất vọng - cũng là kết quả tự nhiên của mọi thành công. Chẳng cái gì thất bại như thành công. Thành công có ý nghĩa chỉ nếu bạn thất bại. Một khi bạn thành công, bạn biết rằng bạn đã bị lừa bởi thế giới, bởi mọi người, bởi xã hội. Người này có mọi sự giầu có nhưng lại không an bình tâm trí. Người đó bắt đầu tìm an bình tâm trí.
Đó là điều đang xảy ra ở Mĩ. Ở Mĩ mọi người đều đi tìm an bình tâm trí hơn bất kì nơi nào khác. Ở Ấn Độ tôi chưa bao giờ bắt gặp người đang đi tìm an bình tâm trí. An bình dạ dầy phải được chăm lo trước hết - an bình tâm trí còn quá xa vời. Từ dạ dầy tới tâm trí cách xa nhau gần như cả triệu dặm.
Nhưng ở Mĩ mọi người đều đi tìm an bình tâm trí, và tất nhiên khi bạn đi tìm nó, thế thì sẽ có người sẵn sàng trao nó cho bạn. Đây là luật kinh tế đơn giản: bất kì chỗ nào có cầu sẽ có cung. Chẳng thành vấn đề liệu bạn đang đòi hỏi cái gì cho nhu cầu thực của mình. Mà cũng chẳng ai bận tâm về việc cung sẽ trao cho bạn cái gì - liệu đấy chỉ là quảng cáo, tuyên truyền hư huyễn, hay có cái gì đó bản chất.
Việc biết nguyên tắc đơn giản này, rằng bất kì chỗ nào có cầu thì sẽ có cung, người tinh ranh và láu lỉnh đã tiến thêm một bước nữa. Bây giờ họ nói, "Không cần chờ đợi cầu xảy ra, ta tạo ra cầu." Và đó là toàn bộ nghệ thuật quảng cáo: nó tạo ra nhu cầu.
Trước khi đọc quảng cáo bạn không có nhu cầu như vậy, bạn chưa bao giờ cảm thấy rằng đây là cái cần cho bạn. Nhưng đọc quảng cáo, bỗng nhiên bạn cảm thấy, "Trời đất, mình đã bỏ lỡ nó rồi. Và mình lại là kẻ ngu tới mức mình chẳng bao giờ biết điều này tồn tại."
Trước khi ai đó bắt đầu chế tạo ra cái gì đó, sản xuất ra cái gì đó, thậm chí nhiều năm sắp tới - ba, bốn năm tới - người đó bắt đầu quảng cáo. Thứ này còn chưa có đó trên thị trường bởi trước hết nhu cầu phải vươn tới tâm trí mọi người. Và một khi cầu có đó, thì đến lúc đó cung sẽ sẵn sàng.
Bernard Shaw đã nói rằng khi ông ấy mới nổi và ông ấy xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, tất nhiên không có nhu cầu - chẳng ai đã từng nghe nói tới George Bernard Shaw. Làm sao bạn có thể yêu cầu, "Tôi muốn cuốn sách của George Bernard Shaw, vở kịch của ông ấy?" Cho nên điều ông ấy thường làm cả ngày... Ông ấy xuất bản sách - bản thân ông ấy là nhà xuất bản, ông ấy đổ tiền của mình vào - và thế rồi ông ấy đi từ hiệu sách nọ sang hiệu sách kia mà hỏi, "Các ông có sách của George Bernard Shaw không?"
Họ nói, "George Bernard Shaw nào? Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên này."
Ông ấy nói, "Kì lạ thế, một người vĩ đại thế mà các ông lại chưa bao giờ biết tới ông ấy và các ông lại quản lí cả hiệu sách? Các ông có bị lạc hậu hay cái gì đó không? Điều đầu tiên các ông phải làm là lấy sách của George Bernard Shaw." Ông ấy đã xuất bản mỗi một cuốn sách nhưng ông ấy đã bắt đầu quảng cáo cho nhiều cuốn sách, bởi vì khi đi đây đó, tại sao lại chỉ quảng cáo có một cuốn sách thôi? Và một cuốn sách không làm cho người ta thành nhà văn lớn.
Ông ấy sẽ đi trong các bộ trang phục khác nhau - lúc thì có mũ, lúc thì có kính. Và mọi người bắt đầu dừng lại nhà George Bernard Shaw. Và ông ấy phải làm tất cả những điều này - quảng cáo, cung cấp; đó là cách ông ấy đã bán cuốn sách đầu tiên của mình. Ông ấy hỏi mọi người trên phố, "Ông đã đọc chưa ... bởi vì tôi nghe nói nhiều về cuốn sách nào đó do một ông George Bernard Shaw nào đó viết. Mọi người nói nó hay lắm, kì thú lắm. Ông có biết không?"
Họ sẽ nói, "Không, chúng tôi chưa bao giờ biết tới cái tên đó."
Ông ấy nói, "Điều này lạ thật. Tôi cứ tưởng London là xã hội có văn hoá." Và ông ấy đi tới thư viện và câu lạc bộ và ở mọi nơi có khả năng tạo ra nhu cầu, và ông ấy đã tạo ra nhu cầu này. Ông ấy đã bán sách, và chung cuộc - đó là điều ông ấy đã liên tục làm - chung cuộc ông ấy đã trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thời đại này. Ông ấy đã tạo ra nhu cầu.
Nhưng nếu bạn thành công, chẳng cần bất kì ai tạo ra nhu cầu an bình tâm trí. Nếu bạn thành công, bạn sẽ đánh mất sự an bình tâm trí theo một cách nào đó. Đó là tiến trình tự nhiên. Thành công lấy đi mọi an bình khỏi tâm trí bạn. Nó đơn giản hút hết mọi thứ có ý nghĩa trong cuộc sống: an bình, im lặng, vui sướng, tình yêu. Nó cứ lấy đi mọi thứ khỏi bạn. Chung cuộc tay bạn đầy những đồ đồng nát, và mọi thứ có giá trị đều bị mất. Và bỗng nhiên bạn nhận ra cần có an bình tâm trí.
Lập tức có nhà cung cấp, người không biết gì về tâm trí cả, người không biết gì về an bình cả. Tôi đã đọc một cuốn sách mang tựa đề An bình của tâm trí của một giáo sĩ Do Thái, Joshua Liebman. Tôi đã đọc qua toàn bộ cuốn sách này; ông này chẳng biết gì về an bình cũng chẳng biết gì về tâm trí cả. Nhưng ông ấy là nhà kinh doanh. Ông ấy đã làm một việc tốt mà chẳng biết gì về an bình tâm trí cả.
Cuốn sách của ông ấy là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới bởi vì bất kì ai muốn an bình tâm trí sớm hay muộn nhất định phải tìm tới sách của Joshua Liebman. Và ông ấy đã viết nó thực hay. Ông ấy là nhà văn giỏi, rất thạo nói chuyện, gây ấn tượng; bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó. Nhưng an bình tâm trí sẽ vẫn còn xa xăm như nó đã vậy trước đây, hay nó thậm chí còn có thể ra xa hơn bằng việc bạn đọc cuốn sách này.
Thực tế, nếu một người biết an bình là gì, và tâm trí là gì, người đó không thể viết ra cuốn sách với tựa đề An bình của tâm trí, bởi vì tâm trí là nguyên nhân của mọi sự không an bình, tất cả mọi bất ổn của nó. An bình là khi không có tâm trí. Cho nên an bình tâm trí - không hàng hoá nào như thế này tồn tại cả.
Nếu tâm trí có đó, thế thì an bình không có đó. Nếu an bình có đó thế thì tâm trí không có. Nhưng viết cuốn sách "An bình của vô trí "... không ai sẽ mua nó đâu. Tôi đã từng nghĩ... nhưng tôi đã nghĩ, chẳng ai đi mua "An bình của vô trí" đâu. Điều đó sẽ không tạo ra cảm giác cho họ, nhưng điều đó đích xác là chân lí.
Đứa trẻ là không nhận biết về điều nó đã đem theo mình. Người giầu này đang ở cùng hoàn cảnh. Người đó có tất cả mọi giầu sang trên thế giới này, và bây giờ người đó đang đi tìm an bình tâm trí. Người đó đi hết hiền nhân nọ sang hiền nhân kia và tất cả đều cho những lời khuyên lớn lao, nhưng lời khuyên lại chẳng giúp được cho ai cả.
Thực tế chỉ kẻ ngu mới cho lời khuyên, và chỉ kẻ ngu mới nhận lời khuyên. Người trí huệ rất ngần ngại cho bạn lời khuyên bởi vì người trí huệ chắc chắn biết rằng điều duy nhất trên thế giới này được cho không là lời khuyên, và rằng cái không bao giờ được lấy đi bởi bất kì ai là lời khuyên, cho nên sao phải bận tâm?
Người trí huệ trước hết chuẩn bị bạn để cho bạn có thể nhận được lời khuyên. Người đó không đơn giản cho bạn lời khuyên; bạn cần được chuẩn bị. Có thể phải mất nhiều năm để chuẩn bị bạn, để chuẩn bị mảnh đất, và chỉ thế thì bạn mới có thể gieo được hạt mầm. Sẽ là người ngu nếu bạn cứ đơn giản vung vãi hạt giống lên đá tảng và đá cuội mà thậm chí chẳng bận tâm rằng mình đang phí hoài hạt mầm.
Tất cả các hiền nhân đều cho người đó lời khuyên nhưng chẳng cái gì thành công cả. Cuối cùng một người mà người đó đã không hỏi, người theo bất kì cách nào đều không là người nổi tiếng - ngược lại người bị coi là kẻ ngốc của làng - người này một hôm chặn ông ta lại giữa đường và nói, "Ông làm phí hoài không cần thiết thời gian của mình: chẳng ai trong số người đó là hiền nhân đâu. Tôi biết tỏng về họ, nhưng bởi vì tôi là kẻ ngốc nên chẳng ai tin tôi cả. Có lẽ ông cũng sẽ không tin tôi, nhưng tôi biết một hiền nhân.
"Cứ thấy ông bị hành hạ liên tục thế về an bình tâm trí, tôi nghĩ tốt hơn cả là tôi chỉ cho ông đúng người. Bằng không tôi là kẻ ngốc; chẳng ai hỏi tôi về lời khuyên và tôi cũng chẳng bao giờ cho bất kì ai bất kì lời khuyên nào. Nhưng điều đó là quá đáng: thấy ông buồn thế và khổ thế, tôi phá vỡ im lặng của mình. Ông tới người này ở làng bên cạnh."
Người giầu này đi ngay lập tức, mang theo một cái túi lớn đầy những kim cương quí giá, trên con ngựa đẹp của mình. Ông ấy tới đó, ông ấy thấy người đó - người đã được người Sufi biết tới chính là Mulla Nasruddin.
Ông ta hỏi Mulla, "Ông có thể giúp tôi an bình tâm trí được không?"
Mulla nói, "Giúp à? Tôi có thể đem nó cho ông được đấy."
Người giầu nghĩ, "Điều này thật kì lạ. Trước hết kẻ ngốc kia đã gợi ý... và chỉ vì thất vọng mà mình nghĩ cũng chẳng hại gì, cho nên mình mới tới đây. Kẻ này dường như thậm chí còn là kẻ ngốc lớn hơn: anh ta nói, 'Tôi có thể đem nó cho ông được đấy.'"
Người giầu nói, "Ông có thể đem nó cho tôi sao? Tôi đã từng ở với đủ mọi loại hiền nhân; họ tất cả đều cho lời khuyên - làm cái này, làm cái nọ, tự xếp mình vào kỉ luật, làm từ thiện, giúp người nghèo, mở bệnh viện, thế này thế nọ. Họ nói tất cả những điều này, và trong thực tế tôi đã làm tất cả những điều đó; chẳng cái gì có ích cả. Thực tế ngày càng nhiều rắc rối nảy sinh hơn. Và ông nói ông có thể đem nó cho tôi sao?"
Mulla nói, "Đơn giản lắm. Ông xuống ngựa đi." Thế là người giầu xuống ngựa. Ông ta vẫn cầm chiếc túi của mình, và Mulla hỏi, "Ông đang giữ cái gì trong túi gần tim ông thế?"
Ông ta nói, "Đây toàn là kim cương quí giá cả. Nếu ông có thể cho tôi an bình, tôi sẽ cho ông cái túi này|." Nhưng trước khi ông ta thậm chí có thể hình dung ra điều gì xảy ra, Mulla đã lấy mất chiếc túi và chạy biến!
Người giầu này, trong một chốc, bị choáng váng; ông ta thậm chí không thể hiểu nổi phải làm gì. Và thế rồi ông ta phải đuổi theo anh ta. Nhưng đấy là thị trấn riêng của Mulla - anh ta biết mọi phố xá và lối tắt, và anh ta lại chạy nữa. Người giầu này chưa bao giờ chạy cả đời mình và ông ta béo thế... Ông ta kêu khóc và thở hổn hển và phì phò, và nước mắt lăn dài. Ông ta nói, "Tôi đã bị lừa hoàn toàn rồi! Người này đã lấy đi công trình khó nhọc của cả đời tôi, nguồn sống của tôi; mọi thứ nó đã lấy đi mất rồi."
Thế là một đám đông theo sau, và tất cả đều cười. Ông ta nói, "Các ông có là lũ ngốc hết cả không đấy? Thị trấn này đầy những kẻ ngốc sao? Tôi đã bị kiệt sức hoàn toàn, và thay vì bắt lấy kẻ trộm thì các ông lại cười."
Họ nói, "Anh ta không phải là kẻ trộm đâu, anh ta là người rất hiền đấy."
Người giầu nói, "Kẻ ngốc kia ở làng tôi đã đẩy tôi vào rắc rối này!" Nhưng bằng cách nào đó, chạy, toát mồ hôi, ông ta cũng đuổi theo được Mulla. Mulla quay lại dưới cùng cái cây nơi con ngựa đang đứng. Anh ta ngồi xuống dưới gốc cây cùng chiếc túi, và người giầu tới vừa kêu vừa khóc. Mulla nói, "Ông cầm lấy cái túi này đi." Người giầu cầm lấy cái túi và lại đưa nó về gần tim mình. Mulla nói, "Ông cảm thấy thế nào? Ông có thể cảm thấy an bình tâm trí nào đó không?"
Người giầu nói, "Có tôi cảm thấy rất an bình. Ông là người kì lạ thật, và ông có phương pháp kì lạ."
Mulla nói, "Chẳng phương pháp kì lạ nào cả - chỉ là toán học đơn giản thôi. Bất kì cái gì ông có, ông bắt đầu coi nó như được cho không. Ông chỉ phải được trao cho một cơ hội để làm mất nó đi; thế thì ngay lập tức ông sẽ trở nên nhận biết về cái ông đã mất. Ông chẳng thu được cái gì mới cả; nó vẫn là cùng cái túi mà ông đã mang đi mà không có an bình tâm trí. Bây giờ cũng cái túi đó ông đang giữ gần tim mình và bất kì ai cũng đều có thể thấy ông trông an bình làm sao, một hiền nhân hoàn hảo! Về nhà đi, và đừng bận tâm tới mọi người."
Đây là vấn đề cho trẻ con, bởi vì nó tới với hồn nhiên và nó sẵn sàng mua bất kì cái gì, và đổi cái hồn nhiên của mình. Nó sẵn sàng mua bất kì rác rưởi nào đánh đổi bằng dũng cảm của mình. Nó sẵn sàng mua chỉ đồ chơi thôi - và cái gì khác có đó trong thế giới này ngoài đồ chơi? - và đánh mất sự sáng tỏ của mình. Nó sẽ chỉ hiểu ra khi tất cả những đồ chơi này có đó trong sở hữu của nó và nó không thể cảm thấy bất kì niềm vui nào từ chúng, không thể thấy bất kì thành quả nào, bất kì sự hoàn thành nào. Thế thì nó trở nên nhận biết về điều nó đã đánh mất - và bản thân nó đã đánh mất điều đó.
Trong một thế giới tốt hơn, mọi gia đình sẽ học từ con cái. Bạn đang vội vã dạy chúng thế. Dường như không ai học từ chúng cả, và chúng có nhiều điều để dạy bạn. Và bạn chẳng có gì để dạy chúng cả.
Chỉ bởi vì bạn già hơn và mạnh hơn mà bạn bắt đầu làm cho chúng giống như bạn mà chẳng hề nghĩ tới bạn là gì, bạn đã đạt tới đâu, trạng thái của bạn là gì trong thế giới bên trong. Bạn là người nghèo túng; và bạn muốn điều tương tự cho con bạn sao?
Nhưng chẳng ai nghĩ cả; bằng không thì mọi người sẽ học được từ trẻ nhỏ rồi. Trẻ con đem nhiều thứ từ thế giới khác tới, bởi vì chúng là những người mới tới tươi tắn thế. Chúng vẫn mang im lặng của bụng mẹ, im lặng của chính sự tồn tại này.
BAO GIỜ CŨNG HÃY NHỚ, TIN CẬY VÀO CÁI KHÔNG BIẾT. Cái biết là tâm trí. Cái không biết không thể là tâm trí được. Nó có thể là cái gì đó khác nhưng nó không thể là tâm trí được. Một điều chắc chắn về tâm trí là ở chỗ tâm trí là cái đã biết được tích luỹ lại. Cho nên, chẳng hạn, nếu bạn bắt gặp ngã ba đường và tâm trí nói 'Đi theo đường này, đường này là quen thuộc' - đó là tâm trí. Nếu bạn nghe theo bản thể mình, nó sẽ muốn đi theo cái không quen thuộc, cái không biết. Bản thể bao giờ cũng là kẻ phiêu lưu. Tâm trí lại rất chính thống, rất bảo thủ. Nó muốn đi theo rãnh, theo con đường mòn, lặp đi lặp lại - con đường ít trở ngại nhất.
Cho nên bao giờ cũng nghe theo cái không biết đi. Và thu lấy dũng cảm để đi vào cái không biết.
Trưởng thành theo định mệnh của bạn cần dũng cảm lớn lao, nó cần vô sợ hãi. Những người đầy sợ hãi không thể vượt ra ngoài cái đã biết. Cái đã biết cho một loại thoải mái, an ninh, an toàn nào đó bởi vì nó đã được biết tới. Người ta hoàn toàn nhận biết, người ta biết cách đối phó nó. Người ta có thể vẫn còn gần như ngủ và cứ đối phó nó - không cần phải thức tỉnh; đó là tiện lợi với cái đã biết.
Khoảnh khắc bạn bước qua biên giới của cái đã biết, sợ hãi nảy sinh, bởi vì bây giờ bạn sẽ dốt nát, bây giờ bạn sẽ không biết cái gì cần làm, cái gì không cần làm. Bây giờ bạn sẽ không chắc chắn như thế về bản thân mình, bây giờ có thể phạm phải sai lầm, bạn có thể đi lạc lối. Đó là nỗi sợ làm cho mọi người bị giới hạn vào cái đã biết, và một khi một người bị giới hạn vào cái đã biết, người đó chết.
Cuộc sống chỉ có thể được sống một cách nguy hiểm - không có cách khác để sống nó. Chỉ qua nguy hiểm mà cuộc sống mới đạt tới trưởng thành, phát triển. Người ta cần là người phiêu lưu, bao giờ cũng sẵn sàng mạo hiểm cái đã biết vì cái không biết. Và một khi người ta đã nếm trải niềm vui của tự do và vô sợ hãi, người ta chẳng bao giờ hối hận bởi vì thế thì người ta biết việc sống ở mức tốt nhất nghĩa là gì. Thế thì người ta biết việc thắp lên ngọn đuốc cuộc sống của mình từ cả hai đầu nghĩa là gì. Và ngay cả một khoảnh khắc của sự mãnh liệt đó cũng làm hài lòng hơn toàn thể cái vĩnh hằng của việc sống tầm thường.
Xem tiếp Chương 7 - Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »