Osho - Dũng cảm –
Vui sống hiểm nguy
Chương 22. Dũng cảm
tối thượng, vô thủy vô chung
Có nhiều nỗi sợ, nhưng về cơ bản
chúng chỉ là chi nhánh của một nỗi sợ, các nhánh của một cây. Tên của cây này
là cái chết. Bạn có thể không nhận biết rằng nỗi sợ này có liên quan tới cái chết,
nhưng mọi nỗi sợ đều có liên quan tới cái chết.
Sợ chỉ là cái bóng. Điều đó có
thể không rõ ràng nếu bạn sợ phá sản, nhưng bạn thực sự sợ không có tiền và trở
nên mong manh với cái chết. Mọi người cứ ôm giữ tiền như thứ bảo vệ, mặc dầu họ
biết hoàn toàn rõ rằng không có cách nào để tự bảo vệ mình chống lại cái chết.
Nhưng dầu vậy, cái gì đó phải được làm. Ít nhất nó giữ cho bạn bận rộn, và giữ
cho bản thân bạn bận rộn là một loại vô ý thức, một loại thuốc ngủ.
Do đó, cũng như có chất cồn,
có chất công việc. Họ làm cho bản thân mình liên tục tham gia và công việc nào đó;
họ không thể rời bỏ được công việc. Ngày nghỉ là đáng sợ; họ không thể ngồi im
lặng được. Họ có thể bắt đầu đọc cùng tờ báo họ đã đọc ba lần vào buổi sáng đó.
Họ muốn vẫn còn được tham dự, bởi vì nó giữ một tấm màn giữa họ và cái chết.
Nhưng đưa về bản chất của nó, nỗi sợ duy nhất là về cái chết.
Cũng là điều có ý nghĩa khi nhận
ra rằng tất cả mọi nỗi sợ khác chỉ là các nhánh, bởi vì thế thì cái gì đó có thể
được làm nếu bạn biết chính gốc rễ. Nếu cái chết là nỗi sợ cơ bản và nền tảng,
thế thì chỉ một điều có thể làm bạn không sợ, và đó là kinh nghiệm bên trong bạn
về tâm thức bất tử. Không cái gì khác - không tiền bạc, không quyền lực, không
danh vọng - không gì có thể là bảo hiểm chống lại cái chết ngoại trừ việc thiền
sâu sắc... cái để lộ cho bạn rằng thân thể bạn sẽ chết, tâm trí bạn sẽ chết,
nhưng bạn ở bên ngoài cấu trúc thân thể-tâm trí. Cốt lõi tinh tuý của bạn, cội
nguồn sống tinh tuý của bạn đã ở đây từ trước bạn và sẽ còn lại sau bạn. Nó đã
thay đổi qua nhiều hình dạng; nó đã tiến hoá qua nhiều hình dạng. Nhưng nó chưa
bao giờ biến mất, từ chính khởi thuỷ - nếu như có khởi thuỷ nào. Và nó sẽ không
bao giờ biến mất tới chính chung cuộc, nếu như có chung cuộc nào... bởi vì tôi
không tin vào bất kì khởi thuỷ nào và bất kì chung cuộc nào.
Sự tồn tại là vô thuỷ vô
chung. Nó bao giờ cũng ở đây và bạn bao giờ cũng ở đây. Hình dạng có thể đã
khác đi; hình dạng đã từng khác ngay cả trong cuộc sống này.
Ngày đầu tiên bạn vào bụng mẹ
bạn, bạn không lớn hơn dấu chấm trong dấu chấm hỏi. Nếu người ta chụp ảnh và
cho bạn xem, bạn sẽ không thừa nhận rằng đây là bạn. Và thực tế, ngay cả trước
đó...
Hai người đang cãi nhau về việc
họ có thể đi lùi lại được bao xa, họ có thể nhớ lùi lại được bao xa. Một người
có thể nhớ được tuổi thơ của mình quãng ba tuổi. Người kia nói, "Thế chưa
là gì đâu nhé. Tôi nhớ ngày mẹ và bố tôi đi cắm trại. Khi chúng tôi đi cắm trại,
tôi còn ở trong bố tôi. Khi chúng tôi quay về từ buổi cắm trại tôi ở trong mẹ
tôi!"
Bạn có nhận ra được bản thân
mình là mình khi bạn ở trong bố bạn không? Một bức tranh có thể được chiếu cho
bạn xem; nó có thể được phóng to để cho bạn có thể thấy nó bằng mắt trần của
mình, nhưng bạn sẽ không nhận ra được nó. Nhưng nó là cùng dạng sống, cùng cội
nguồn sống đang rộn ràng trong bạn ngay bây giờ.
Bạn đang thay đổi hàng ngày.
Khi bạn mới được sinh ra, mới một ngày tuổi, điều đó nữa bạn sẽ không có khả
năng nhận ra. Bạn sẽ nói, "Trời đất, đây mà là tôi à?" Mọi thứ sẽ
thay đổi; bạn sẽ trở nên già, tuổi thanh xuân sẽ trôi qua. Tuổi thơ đã mất lâu
từ trước rồi, và cái chết sẽ tới. Nhưng nó sẽ tới chỉ cho hình dạng, không cho
điều tinh tuý. Và cái đã từng thay đổi trong suốt cuộc đời bạn chỉ là hình dạng.
Hình dạng bạn thay đổi mọi khoảnh
khắc. Và cái chết không là gì ngoài thay đổi, thay đổi sống, thay đổi lớn hơn
chút ít, thay đổi nhanh chóng hơn. Từ tuổi thơ tới tuổi thanh niên... bạn không
nhận ra khi nào tuổi thơ rời khỏi mình và bạn trở thành thanh niên. Từ tuổi
thanh niên tới tuổi già... mọi thứ cứ dần dần tới mức bạn chẳng bao giờ nhận ra
vào ngày tháng nào, vào ngày cụ thể nào, vào năm nào, tuổi thanh niên rời bỏ bạn.
Thay đổi rất dần dần và chậm chạp.
Cái chết là bước nhảy lượng tử
từ thân thể này, từ hình dạng này sang hình dạng khác. Nhưng nó không phải là kết
thúc cho bạn.
Bạn chưa bao giờ sinh và bạn
chưa bao giờ chết.
Bạn bao giờ cũng ở đây. Hình dạng
tới rồi đi còn dòng sông cuộc sống vẫn tiếp tục. Chừng nào bạn chưa kinh nghiệm
điều này, nỗi sợ chết sẽ không rời khỏi bạn. Chỉ thiền... và chỉ thiền mới có
thể có ích.
Tôi có thể nói, tất cả các
kinh sách có thể nói, nhưng điều đó sẽ không có ích; dầu vậy hoài nghi vẫn có
thể còn lại. Ai mà biết được, những người này có thể đã nói dối, hay những người
này có thể đã tự lừa chính mình. Hay những người này có thể đã bị lừa bởi giới
nhà văn khác, bởi các thầy giáo khác. Và nếu hoài nghi còn lại, nỗi sợ sẽ có
đó.
Thiền đem bạn đối mặt với thực
tại.
Một khi bạn biết theo cách
riêng của mình cuộc sống là gì, bạn chẳng bao giờ bận tâm về cái chết.
Bạn có thể vượt ra ngoài... Điều
đó ở trong quyền năng của bạn và nó là quyền của bạn. Nhưng bạn sẽ phải làm nỗ
lực nhỏ để đi từ tâm trí sang vô trí.
BẠN NGHĨ KHOẢNH KHẮC ĐỨA TRẺ
ĐƯỢC SINH RA LÀ BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG CỦA NÓ. Điều đó không đúng. Khoảnh khắc một
người già chết đi, bạn nghĩ, là kết thúc cuộc sống của người đó. Điều đó không
phải vậy. Cuộc sống lớn hơn nhiều so với sinh và tử. Sinh và tử không phải là
hai đầu của cuộc sống; nhiều sinh và tử xảy ra bên trong cuộc sống. Bản thân cuộc
sống không có bắt đầu, không có kết thúc; cuộc sống và điều vĩnh hằng là tương
đương. Nhưng bạn không thể hiểu được rất dễ dàng làm sao sống có thể biến thành
chết; ngay cả việc thừa nhận điều đó cũng là không thể được.
Có vài điều không thể quan niệm
nổi trong thế giới này và một trong chúng là, bạn không thể quan niệm được về sống
biến thành chết. Và vấn đề là gì nếu không còn sống và nó trở thành chết? Bạn sẽ
vạch ra đường phân chia ở đâu? Bạn cũng chẳng thể vạch ra đường phân chia cho
sinh, khi sự sống bắt đầu: đấy là khi đứa trẻ được sinh ra hay khi đứa trẻ được
thụ thai? Nhưng ngay cả trước khi thụ thai trứng của mẹ vẫn sống và tinh trùng
của bố vẫn sống - chúng không chết, bởi vì sự gặp gỡ của hai cái chết không thể
tạo ra cuộc sống được. Đứa trẻ được sinh ra tại điểm nào? Khoa học đã không có
khả năng quyết định. Không có cách nào để quyết định cả, bởi vì trứng người mẹ
mang trong bụng, cô ấy đã mang từ khi sinh của mình...
Một điều phải được chấp nhận,
rằng một nửa con người bạn là sống trong mẹ bạn, ngay cả trước khi bạn được thụ
thai. Và một nửa của bạn là do đóng góp của bố bạn - điều đó nữa cũng phải được
đóng góp sống. Khi tinh trùng rời khỏi thân thể bố bạn chúng đều sống - nhưng
chúng không có cuộc sống dài, chúng chỉ có cuộc sống hai giờ. Trong hai giờ
chúng phải gặp trứng của mẹ bạn. Nếu trong hai giờ chúng không gặp, nếu chúng bắt
đầu lang thang đây đó...
Điều tuyệt đối chắc chắn là từng
tinh trùng đều phải có cá tính riêng của nó. Vài tinh trùng là kẻ lười biếng;
khi những tinh trùng khác lại chạy xô về trứng, chúng chỉ làm cuộc đi dạo buổi
sáng. Đây là cách chúng chẳng bao giờ đạt tới, nhưng chúng có thể làm được gì?
Những đặc trưng này hiện diện từ việc sinh của chúng: chúng không thể chạy được,
chúng cứ thích chết; và chúng thậm chí không nhận biết về cái gì sẽ xảy ra.
Nhưng vài anh chàng lại là tay
đua Olympic, chúng lập tức chạy thật nhanh. Và có cuộc đua lớn bởi vì đó không
phải là vấn đề của vài trăm tế bào chạy tới mỗi một trứng của người mẹ... Bụng
mẹ có một kho trứng có giới hạn và chỉ rụng ra một trứng mỗi tháng. Đó là lí do
tại sao cô ấy lại có kinh hàng tháng; mỗi tháng một trứng rụng xuống. Cho nên
chỉ một anh chàng trong cả đám đông này, bao gồm hàng triệu tế bào sống... đấy
thực sự là vấn đề triết học lớn lao!
Đấy chẳng là gì cả, chỉ là
sinh học thôi, bởi vì vấn đề là ở chỗ trong bao nhiêu triệu người, chỉ một người
mới có thể được sinh ra. Và ai nằm trong số hàng triệu kẻ khác đã không thể vào
được trong trứng của người mẹ? Điều này đã được dùng như một trong các luận cứ ở
Ấn Độ bởi các học giả, các nhà bác học Ấn Độ, shankaracharyas, chống lại việc
kiểm soát sinh đẻ.
Ấn Độ tinh ranh về biện luận.
Giáo hoàng nói chống lại việc kiểm soát sinh đẻ nhưng chẳng đưa ra được một luận
cứ nào. Ít nhất thì người tương nhiệm Ấn Độ cũng đã đưa ra vài cách biện luận
có vẻ rất hợp thức. Một trong các biện luận đó là: Đến điểm nào thì dừng việc
sinh trẻ con? - hai con, ba con? Họ nói rằng Rabindranath Tagore là đứa con thứ
mười ba của bố mẹ ông ấy; nếu kiểm soát sinh đẻ mà được thực hành thì chắc sẽ
không có Rabindranath.
Biện luận này dường như hợp thức
bởi vì việc kiểm soát sinh đẻ có nghĩa là dừng ở hai con, nhiều nhất là ba:
không chấp nhận bất kì may mắn nào, người ta có thể chết hay cái gì đó có thể xảy
ra. Bạn có thể sinh ra hai con để thay thế cho bạn và vợ bạn, cho nên việc tăng
dân số không xảy ra; nhưng Rabindranath là con thứ mười ba của bố mẹ ông ấy. Nếu
mà họ dừng lại thậm chí ở một tá thì Rabindranath sẽ bị nhỡ tàu. Bây giờ bao
nhiêu Rabindranaths đang bị nhỡ tàu?
Tôi đã nói với một trong các
shankaracharyas.
Tôi nói, "Hoàn toàn đúng;
với mục đích biện luận, tôi chấp nhận rằng điều này là đúng: chúng ta đã bỏ lỡ
một Rabindranath Tagore. Nhưng tôi sẵn lòng bỏ lỡ ông ấy. Nếu cả đất nước có thể
sống một cách an bình, có thể có đủ thức ăn, có thể có đủ quần áo, có thể có tất
cả các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, tôi nghĩ điều đó cũng xứng đáng với việc
này. Tôi sẵn sàng mất đi một Rabindranath Tagore, điều đó cũng chẳng có gì nhiều
nhặn. Bạn phải thấy sự cân bằng: hàng triệu người chết và chết đói chỉ để tạo
ra một Rabindranath Tagore thôi sao? Cho nên bạn ngụ ý mọi bố mẹ đều phải đi tới
mười ba đứa con sao? Nhưng thế đứa thứ mười bốn thì sao? Đứa thứ mười lăm thì
sao?"
Và quên những số nhỏ này đi;
trong mỗi việc làm tình đàn ông phóng ra hàng triệu tinh trùng - và mỗi lần đàn
ông làm tình đứa trẻ lại không được thụ thai. Hàng triệu người trong từng việc
làm tình đơn giản biến mất. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được bao nhiêu người
được Giải thường Nobel đã có đó, bao nhiêu tổng thống, thủ tướng... tất cả mọi
loại người đều phải đã có đó.
Cho nên đây là tính toán của
tôi: từ năm mười bốn tuổi cho đến năm bốn mươi hai tuổi, nếu người đàn ông tuyệt
đối bình thường về việc làm tình, anh ta sẽ phóng ra khối lượng tinh trùng gần
tương đương với toàn thể dân số trái đất. Chỉ một người cũng có thể tạo dân số
cho toàn thể trái đất - làm thành quá đông dân cho nó! - nó đã quá đông dân rồi.
Và tất cả những người này sẽ là các cá nhân duy nhất, chẳng có gì chung ngoại
trừ tính con người của họ.
Không, cuộc sống không bắt đầu
ở đó; cuộc sống bắt đầu xa hơn ở phía sau. Nhưng với bạn đó chỉ là giả thuyết -
với tôi nó là kinh nghiệm. Cuộc sống bắt đầu tại điểm chết của kiếp sống quá khứ
của bạn. Khi bạn chết, một mặt một chương của cuộc sống - điều mọi người nghĩ
là toàn thể cuộc sống của bạn - bị khép lại. Nó chỉ là một chương trong cuốn
sách có vô hạn chương. Một chương khép lại, nhưng cuốn sách lại không khép lại.
Chỉ lật qua trang và chương khác lại bắt đầu.
Người chết bắt đầu quán tưởng
cuộc sống tiếp của mình. Đây là sự kiện đã được biết tới, bởi vì nó xảy ra trước
khi chương này khép lại. Thỉnh thoảng một người quay lại từ chính điểm cuối
cùng. Chẳng hạn người đó bị chết đuối, và bằng cách nào đó người đó được cứu.
Người đó gần như trong cơn mê; nước đã được lấy ra, hô hấp nhân tạo được thực
hiện, và bằng cách nào đó người đó được cứu. Người đó chỉ ngay bên bờ của việc
khép lại một chương. Những người này đã kể lại những sự kiện thú vị.
Một sự kiện là ở chỗ vào khoảnh
khắc cuối cùng khi họ cảm thấy rằng họ đang chết, rằng nó đã chấm dứt, thì toàn
thể kiếp sống quá khứ diễn ra nhanh chóng trước họ, trong chớp loé - từ khi
sinh tới khoảnh khắc đó. Trong một phần giây họ thấy mọi thứ đã xảy ra cho họ,
điều họ đã nhớ, và cũng cả điều họ chưa bao giờ nhớ; nhiều điều họ thậm chí còn
không để ý tới, và điều họ đã không nhận biết cũng là một phần của của kí ức của
họ. Toàn thể cuốn phim kí ức chiếu qua nhanh chóng, trong một chớp loé - và nó
phải trong một phần giây thôi bởi vì người này đang chết, không có thời gian,
như ba tiếng đồng hồ để xem toàn thể cuốn phim.
Và cho dù bạn có thấy toàn thể
cuốn phim bạn cũng không thể kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời một người với
từng chi tiết nhỏ, không có nghĩa. Nhưng mọi thứ trôi qua trước người đó - đó
là một hiện tượng chắc chắn, rất có ý nghĩa. Trước khi kết thúc chương này người
đó hồi tưởng lại tất cả mọi kinh nghiệm của mình, những ham muốn không được thoả
mãn, những trông đợi, chán chường, thất vọng, đau khổ, vui sướng - mọi thứ.
Phật có một từ cho điều đó,
ông ấy gọi nó là tanha. Về mặt từ ngữ điều đó nghĩa là ham muốn, nhưng một cách
biểu dụ nó có nghĩa là toàn thể cuộc sống của ham muốn. Tất cả những điều này xảy
ra - thất vọng, hoàn thành, chán chường, thành công, thất bại... nhưng tất cả
điều này xảy ra trong một vũ trường nào đó mà bạn có thể gọi là ham muốn.
Người sắp chết phải nhìn thấy
toàn thể điều đó trước khi người đó đi xa hơn, chỉ để hồi tưởng lại nó, bởi vì
thân thể đang mất đi: tâm trí này không đi cùng với người đó, bộ não này không
đi cùng với người đó. Nhưng ham muốn thoát ra từ tâm trí này vẫn níu bám lấy
linh hồn người đó, và ham muốn này sẽ quyết định kiếp sống tương lai của người
đó. Bất kì cái gì còn lại chưa được đáp ứng, người đó sẽ đi tới mục tiêu đó.
Cuộc sống của bạn bắt đầu từ
xa trước việc sinh của bạn, trước việc mang thai của mẹ bạn, còn xa hơn về trước,
ở chỗ kết thúc của kiếp sống quá khứ của bạn. Chỗ kết thúc đó là chỗ bắt đầu của
kiếp sống này. Chương này đóng lại, chương khác mở ra. Bây giờ, làm sao cuộc sống
mới này sẽ được xác định chín mươi chín phần trăm bởi khoảnh khắc chết của bạn.
Điều bạn đã thu thập, điều bạn đã mang cùng mình như hạt mầm - hạt mầm đó sẽ trở
thành cây, đơm hoa kết trái, hay bất kì cái gì xảy ra cho nó. Bạn không thể đọc
được nó trong hạt mầm, nhưng hạt mầm có toàn thể bản kế hoạch tổng thể.
Có khả năng là một ngày nào đó
khoa học có thể đọc được toàn thể chương trình trong hạt mầm - loại cành nào
cây này sẽ có, cây này sẽ sống được bao lâu, cái gì sẽ xảy ra cho cây này. Bởi
vì bản kế hoạch tổng thể có đó, chúng ta chỉ không biết ngôn ngữ thôi. Mọi thứ
sắp xảy ra thì đã hiện diện về tiềm năng rồi.
Cho nên điều bạn làm vào khoảnh
khắc chết của mình xác định cách việc sinh của bạn sẽ thế nào. Phần lớn mọi người
chết đi vẫn còn níu bám. Họ không muốn chết, và người ta có thể hiểu được tại
sao họ không muốn chết. Chỉ vào khoảnh khắc chết họ mới nhận ra sự kiện là họ
đã không sống. Cuộc sống đơn giản trôi qua dường như là một giấc mơ, và cái chết
đã tới. Bây giờ không còn thời gian để sống nữa - cái chết đang gõ cửa. Và khi
có thời gian để sống, bạn đã làm cả nghìn lẻ một thứ ngu xuẩn, phí hoài thời
gian của mình chứ không sống nó.
Tôi đã hỏi những người đang
chơi bài, chơi cờ, "Bạn đang làm gì vậy?"
Họ nói, "Giết thời
gian."
Từ chính thời thơ ấu của mình
tôi đã chống lại cách diễn đạt này, "giết thời gian." Ông tôi là một
người chơi cờ lớn, và tôi hỏi ông, "Ông già đi mà ông vẫn giết thời gian.
Ông không thể thấy rằng thực sự thời gian đang giết ông sao? và ông lại cứ nói
rằng ông đang giết thời gian. Ông thậm chí không biết thời gian là gì, ông
không biết nó ở đâu. Ông bắt lấy nó và chỉ cho cháu xem đi."
Tất cả những cách diễn đạt này
rằng thời gian đang lướt nhanh qua, đang trôi qua, đang mất đi, đều chỉ là một
loại an ủi. Thực sự là bạn đang trôi qua - đang mòn mỏi từng khoảnh khắc. Và bạn
nghĩ chính thời gian mới trôi qua, cứ dường như bạn sẽ ở lại còn thời gian thì
trôi mất đi! Thời gian đang ở chính chỗ nó đang đấy; nó không trôi qua. Đồng hồ
tay và đồng hồ tường là sáng tạo của con người để đo thời gian trôi qua, mà nó
thì lại không trôi qua chút nào.
Ở Ấn Độ, ở Punjab, nếu bạn du
hành ở Punjab đừng bao giờ hỏi bất kì ai, "Mấy giờ rồi?" bởi vì nếu
ngẫu nhiên lúc đó là mười hai giờ thì bạn sẽ bị đánh và nếu bạn thoát mà còn sống
thì đó sẽ là phép màu. Điều đó chỉ là do một lí do rất triết học - nhưng khi
triết học vào tay của kẻ ngốc, đây là điều xảy ra.
Nanak, người sáng lập ra đạo
Sikh, đã nói rằng khoảnh khắc của samadhi, chứng ngộ, cũng giống như hai kim của
đồng hồ chập lại lúc mười hai giờ, nơi chúng không còn là hai nữa. Ông ấy chỉ lấy
ví dụ thôi - rằng trong khoảnh khắc của samadhi tính hai mặt của bản thể bạn
tan biến và bạn đi tới cái một. Cùng điều đó xảy ra trong cái chết nữa. Ông ấy
đã giải thích về sau rằng cùng điều đó xảy ra trong cái chết: lại hai kim, vốn
chuyển động tách rời, nay đi xích lại nhau và dừng lại, trở thành một: bạn trở
thành một với sự tồn tại.
Cho nên ở Punjab, mười hai giờ
đã trở thành biểu tượng của cái chết. Cho nên nếu bạn hỏi bất kì một người
sardarji nào, "Mấy giờ rồi?" nếu ngẫu nhiên lúc đó là mười hai giờ,
người đó đơn giản sẽ bắt đầu đánh bạn, bởi vì điều đó có nghĩa là bạn đang trêu
ngươi người đó, và bạn đang nguyền rủa người đó bằng cái chết. Với ai đó mặt
dài ra, khổ, trong phiền não, ở Punjab họ sẽ nói, "Trên mặt anh ta đó là
mười hai giờ đồng hồ." Tôi đã thấy những người sardars thay đổi đồng họ của
mình một cách nhanh chóng: khi tới mười hai giờ họ sẽ vặn nó lên nhanh năm
phút. Họ sẽ không để cho nó đúng mười hai giờ; điều đó làm tổn thương rằng đồng
hồ riêng của họ đang giở trò với họ. Mười hai giờ nhắc họ chỉ về khổ, buồn rầu,
cái chết; họ đã hoàn toàn quên mất về samadhi, điều Nanak thực sự đã cố gắng giải
thích cho họ.
Khi một người chết đi - lúc mười
hai giờ đối với người đó - người đó níu bám lấy cuộc sống. Toàn thể cuộc sống của
mình người đó đã nghĩ thời gian trôi qua; bây giờ người đó cảm thấy mình đang mất
đi, người đó đã trôi qua. Chẳng níu bám nào có thể có ích. Người đó trở thành
khổ thế, và khổ trở thành không thể chịu đựng được đến mức phần lớn mọi người
rơi vào trong một loại trạng thái vô thức, cơn mê, trước khi họ chết. Cho nên họ bỏ lỡ
việc hồi tưởng lại toàn thể cuộc sống của mình.
Nếu cái chết mà không có níu
bám nào, nếu không có ham muốn vẫn còn sống cho dù thêm một khoảnh khắc nữa, bạn
sẽ chết một cách có ý thức bởi vì không có nhu cầu cho tự nhiên phải làm bạn
thành vô ý thức hay buộc bạn vào cơn mê. Bạn sẽ chết một cách tỉnh táo, và bạn
sẽ hồi tưởng lại toàn thể quá khứ. Bạn sẽ có khả năng thấy bất kì điều gì bạn
đã làm đơn giản là ngu xuẩn.
Ham muốn được hoàn thành - bạn
đã thu được cái gì? Ham muốn vẫn còn chưa được thoả mãn và bạn vẫn còn đau khổ,
nhưng bạn đã thu được cái gì khi chúng được hoàn thành? Đó là một trò chơi kì lạ
mà trong đó bạn bao giờ cũng thua, dù bạn thắng hay thua cũng chẳng khác biệt
gì.
Vui thú của bạn chẳng là gì,
chỉ là chữ kí trên nước, và nỗi đau của bạn thì được khắc vào đá hoa cương. Và
bạn chịu đựng tất cả nỗi đau đó cho những chữ kí trên nước này. Bạn chịu đựng cả
đời mình vì những niềm vui nhỏ bé mà dường như không nhiều hơn các đồ chơi ở
giai đoạn này, từ chiều cao này, từ điểm này nơi bạn có thể thấy toàn thể thung
lũng cuộc sống của cuộc đời mình. Thành công cũng là thất bại. Thất bại tất
nhiên là thất bại rồi, và vui thú cũng chẳng là gì ngoài khuyến khích để chịu đựng
đau khổ.
Tất cả mọi trạng thái phởn phơ
chỉ là vận hành của khả năng mơ của bạn. Bạn ra đi với hai bàn tay trắng. Toàn
thể cuộc sống này đã chỉ là cái vòng luẩn quẩn: bạn đi lòng vòng theo cùng một
vòng tròn, vòng quanh nó lại vòng quanh. Và bạn đã chẳng đạt tới đâu cả bởi vì
đi theo vòng tròn, làm sao bạn có thể đạt tới đâu được? Trung tâm bao giờ cũng
vẫn còn ở cùng một khoảng cách, với bất kì chỗ nào bạn đang trên vòng tròn.
Thành công tới, thất bại tới,
vui thú tới, đau đớn tới; có khổ và có sướng. Mọi thứ đều xảy ra trên vòng tròn
nhưng trung tâm của bản thể, bạn bao giờ cũng vẫn còn cách đều với mọi chỗ. Khó
mà thấy được khi bạn còn ở trên vòng tròn - bạn tham gia quá nhiều vào trong
nó, là một phần của nó quá nhiều. Nhưng bây giờ, bỗng nhiên tất cả đều đã bị vứt
bỏ khỏi bàn tay bạn - bạn đứng trống rỗng.
Kahlil Gibran, trong kiệt tác
của mình, Nhà tiên tri, có một câu... Al-Mustafa, nhà tiên tri, tới cai quản mọi
người đang làm việc trong nông trại và nói với họ, "Con tàu của ta đã tới
rồi, thời gian của ta đã tới để đi. Ta đã tới đây chỉ để đưa mắt nhìn lại tất cả
những điều đã xảy ra và tất cả những điều đã không xảy ra. Trước khi lên tàu ta
có một niềm khao khát lớn lao chỉ để thấy cuộc sống của ta ở đây đã là
gì."
Cái câu mà tôi định nhắc bạn
là... ông ấy nói, "Ta cũng giống như dòng sông sắp rơi vào đại dương. Sông
chờ đợi khoảnh khắc để nhìn lại toàn bộ mảnh đất nó đã đi qua - rừng rậm, núi
non, con người. Nó đã có cuộc sống phong phú hàng nghìn dặm, và bây giờ, trong
một khoảnh khắc, tất cả đều sắp tan biến đi. Cho nên cũng như dòng sông trên bờ
miệng của việc rơi vào trong đại dương nhìn lại, ta muốn nhìn lại."
Nhưng việc nhìn lại này là có
thể chỉ nếu bạn không níu bám lấy quá khứ; bằng không bạn sợ mất nó tới mức bạn
không có thời gian để quan sát, để nhìn. Và thời gian thì chỉ là một phần giây.
Nếu một người chết tràn đầy tỉnh táo, nhìn thấy toàn thể mảnh đất mà mình đã đi
qua và thấy toàn thể cái ngu xuẩn của nó, người đó được sinh ra với sự sắc bén,
với thông minh, với dũng cảm - một cách tự động. Đó không phải là cái gì đó người
đó làm.
Mọi người hỏi tôi, "Thầy
sắc bén, dũng cảm, thông minh, thậm chí còn như một đứa bé; tôi bây giờ thậm chí
cũng không có dũng cảm thế..." Lí do là ở chỗ tôi đã chết trong kiếp quá
khứ của mình theo cách khác bạn đã chết. Điều đó tạo ra khác biệt lớn lao bởi
vì cách bạn chết, theo cùng cách bạn được sinh ra. Cái chết của bạn là một mặt
của đồng tiền, việc sinh của bạn là mặt kia của cùng đồng tiền đó.
Nếu ở mặt bên kia có lẫn lộn,
khổ sở, phiền não, níu bám, ham muốn, thì ở mặt bên này của đồng tiền bạn không
thể trông đợi sắc bén, thông minh, dũng cảm, sáng tỏ, nhận biết. Điều đó sẽ tuyệt
đối không được đảm bảo; bạn không thể trông đợi được điều đó.
Đó là lí do tại sao nó là điều
rất đơn giản những lại khó giải thích cho bạn, bởi vì tôi đã chẳng làm gì trong
cuộc sống này để mà dũng cảm hay để mà sắc bén và thông minh từ chính lúc bắt đầu.
Và tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó như là dũng cảm hay sắc bén hay thông minh.
Chỉ mãi về sau dần dần tôi mới
trở nên nhận biết mọi người ngu xuẩn làm sao. Đó chỉ là suy nghĩ về sau; ban đầu
tôi đã không nhận biết rằng tôi dũng cảm. Tôi cứ nghĩ mọi người phải như nhau.
Chỉ về sau sự việc mới trở nên rõ ràng cho tôi rằng mọi người là không như
nhau.
Khi tôi bắt đầu lớn lên tôi bắt
đầu trở nên nhận biết về kiếp sống quá khứ của mình, và cái chết, và tôi nhớ lại
dễ dàng tôi đã chết thế nào - không chỉ dễ dàng mà còn nhiệt tình nữa. Mối quan
tâm của tôi phần nhiều vào việc biết cái không biết đang ở phía trước hơn là
cái đã biết mà tôi đã thấy. Tôi chưa bao giờ nhìn lại sau. Và điều này đã là
cách sống của cả đời tôi - không nhìn lại sau. Chẳng có ích gì. Bạn không thể
đi lùi lại, nên sao phải phí thời gian? Tôi bao giờ cũng nhìn lên trước. Ngay cả
vào điểm chết tôi cũng nhìn lên trước - và đó là điều đã làm cho tôi thấy rõ
ràng tại sao tôi không có cái hãm vẫn ngăn cản những người khác làm mọi thứ.
Những cái hãm đó do nỗi sợ cái
không biết của bạn tạo ra. Bạn đang níu bám lấy quá khứ và bạn sợ đi vào cái
không biết. Bạn đang níu bám lấy cái đã biết, cái quen thuộc. Nó có thể đau đớn,
nó có thể xấu xí, nhưng ít nhất bạn cũng biết nó. Bạn đã phát triển một loại
tình bạn nào đó với nó.
Bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng đây
là kinh nghiệm của tôi về hàng nghìn người: rằng họ níu bám lấy khổ của mình bởi
lẽ đơn giản là họ đã phát triển một loại tình bạn nào đó với khổ. Họ đã sống với
nó lâu tới mức bây giờ rời bỏ nó sẽ gần giống như li dị.
Cũng điều đó là tình huống với
hôn nhân và li dị. Đàn ông nghĩ ít nhất mười hai lần một ngày về li dị; đàn bà
cũng nghĩ - nhưng bằng cách nào đó cả hai cứ xoay xở, sống cùng nhau bởi lẽ đơn
giản là cả hai đều sợ cái không biết. Người đàn ông này xấu, thôi được, nhưng
ai mà biết được người đàn ông khác? - anh ta có thể lại còn tệ hơn. Và ít nhất
bạn cũng đã trở nên quen thuộc với cái xấu của người đàn ông này, cái không
đáng yêu, và bạn có thể dung thứ điều đó. Bạn đã dung thứ nó, bạn cũng đã trở
nên dầy da rồi. Với người đàn ông mới, bạn chẳng bao giờ biết cả; bạn sẽ phải bắt
đầu lại từ tay trắng. Cho nên mọi người cứ níu bám lấy cái đã biết.
Quan sát mọi người vào khoảnh
khắc chết. Đau khổ của họ không phải là cái chết. Cái chết không có đau đớn
trong nó, nó tuyệt đối không đau đớn. Nó thực sự là hài lòng; nó chỉ giống như
giấc ngủ say. Bạn có cho rằng giấc ngủ say là cái gì đó đau đớn không? Nhưng họ
không quan tâm về cái chết, và giấc ngủ say, và sự hài lòng; họ lo nghĩ về cái
đã biết đang tuột khỏi bàn tay của họ. Sợ chỉ ngụ ý một điều: mất đi cái đã biết
và đi vào cái không biết.
Dũng cảm chính là cái đối lập
của sợ hãi.
Bao giờ cũng sẵn sàng vứt bỏ
cái đã biết - còn hơn cả sẵn lòng vứt bỏ nó - thậm chí không chờ đợi nó chín muồi.
Nhảy vào cái gì đó mới... tính rất mới của nó, tính rất tươi tắn của nó, quyến
rũ thế. Thế thì có dũng cảm.
Sợ chết chắc chắn là nỗi sợ lớn
nhất, và mang tính phá hoại nhất cho dũng cảm của bạn.
Cho nên tôi có thể gợi ý chỉ một
điều. Bây giờ bạn không thể quay lại với cái chết quá khứ của mình, nhưng bạn
có thể bắt đầu làm một điều: Bao giờ cũng sẵn sàng đi từ cái đã biết sang cái
không biết, vào bất kì cái gì, bất kì kinh nghiệm nào.
Điều đó là tốt hơn, cho dù cái
không biết có chứng tỏ là tồi hơn cái đã biết - đấy không phải là vấn đề. Chính
thay đổi của bạn từ cái biết sang cái không biết, sẵn sàng của bạn để đi từ cái
biết sang cái không biết, mới thành vấn đề. Nó có giá trị mênh mông. Và trong mọi
loại kinh nghiệm, cứ làm điều đó. Điều đó sẽ chuẩn bị bạn cho cái chết, bởi vì
khi cái chết tới bạn không thể bỗng nhiên quyết định, "Tôi chọn cái chết
và bỏ cuộc sống." Những quyết định này không được đưa ra một cách bất ngờ.
Bạn phải đi từng li một, chuẩn
bị, sống khoảnh khắc qua khoảnh khắc. Và khi bạn trở nên ngày một quen thuộc
hơn với cái đẹp của cái không biết thì bạn bắt đầu tạo ra một phẩm chất mới
trong mình. Nó vẫn có đó, nó chẳng bao giờ được dùng tới. Trước khi cái chết tới,
cứ đi từ cái biết sang cái không biết. Bao giờ cũng nhớ rằng cái mới tốt hơn
cái cũ.
Họ nói tất cả những cái cũ
không phải là vàng. Tôi nói, cho dù tất cả những cái cũ là vàng, quên nó đi. Chọn
cái mới - dù là vàng hay không vàng, không thành vấn đề. Điều thành vấn đề là
chọn lựa của bạn: chọn lựa của bạn để học, chọn lựa của bạn để kinh nghiệm, chọn
lựa của bạn để đi vào bóng tối. Dần dần dũng cảm của bạn sẽ bắt đầu vận hành.
Và sắc bén của thông minh không phải là cái gì đó tách rời khỏi dũng cảm, nó gần
như là một toàn thể hữu cơ.
Với sợ hãi có hèn nhát và nhất
định có trì trệ của tâm trí, xoàng xĩnh. Tất cả chúng đi cùng nhau, chúng hỗ trợ
lẫn nhau. Đi cùng dũng cảm còn có cả sắc bén, thông minh, cởi mở, tâm trí không
định kiến, khả năng học tập - chúng tất cả tới cùng nhau.
Bắt đầu bằng một bài tập đơn
giản, và đó là: bao giờ cũng nhớ, bất kì khi nào có chọn lựa, chọn cái không biết,
cái mạo hiểm, cái nguy hiểm, cái không an ninh, và bạn sẽ không bị lúng túng.
Và chỉ thế thì... lần này cái
chết có thể trở thành một kinh nghiệm khám phá cực kì và có thể cho bạn cái
nhìn thấu vào việc sinh mới của mình - không chỉ nhìn thấu mà thậm chí còn là
chọn lựa chắc chắn. Với nhận biết bạn có thể chọn lựa người mẹ nào đó, người bố
nào đó. Thông thường điều đó tất cả đều vô ý thức, chỉ ngẫu nhiên, nhưng một
người chết đi với nhận biết được sinh ra với nhận biết.
Bạn có thể hỏi mẹ tôi điều gì
đó - bởi vì bà ấy tình cờ đang ở đây... Sau việc sinh của tôi, trong ba ngày
tôi đã không bú sữa, và họ tất cả đều lo âu, bận tâm. Các bác sĩ cũng quan tâm,
bởi vì làm sao đứa trẻ này sẽ sống được nếu nó đơn giản từ chối bú sữa? Nhưng họ
chẳng có ý tưởng nào về khó khăn của tôi, về khó khăn nào họ đang tạo ra cho
tôi. Họ đã cố gắng ép buộc tôi bằng đủ mọi cách có thể được. Và không có cách
nào để tôi có thể giải thích cho họ được, hay cách nào họ có thể tự mình tìm
ra.
Trong kiếp sống quá khứ, trước
khi tôi chết, tôi đang trong kì nhịn ăn. Tôi muốn hoàn thành việc nhịn ăn hai
mươi mốt ngày, nhưng tôi đã bị giết chết trước khi việc nhịn ăn của tôi hoàn
thành, ba ngày trước đó. Ba ngày đó vẫn còn trong nhận biết của tôi ngay cả
trong lần sinh này; tôi phải hoàn thành việc nhịn ăn của mình. Tôi thực sự bướng
bỉnh! Bằng không, mọi người không mang mọi thứ từ kiếp này sang kiếp khác; khi
một chương khép lại, nó được khép lại.
Nhưng ba ngày đó họ không thể
nào xoay xở để cho cái gì vào miệng tôi; tôi đơn giản bác bỏ nó. Nhưng sau ba
ngày tôi vẫn hoàn toàn ổn thoả và tất cả họ đều ngạc nhiên: "Sao nó từ chối
ăn trong ba ngày? Không bị ốm, không có vấn đề gì cả - và sau ba ngày nó vẫn
hoàn toàn bình thường." Điều đó vẫn còn là bí ẩn với họ. Nhưng những điều
này tôi không muốn nói tới vì với bạn tất cả điều đó chỉ là giả thuyết, và
không có cách nào để tôi chứng minh chúng một cách khoa học. Và tôi không muốn
cho bạn bất kì tin tưởng nào, cho nên tôi cắt đi tất cả mọi thứ có thể tạo nên
bất kì hệ thống tin tưởng nào trong tâm trí bạn.
Bạn yêu tôi, bạn tin cậy tôi,
cho nên bất kì điều gì tôi nói bạn có thể tin cậy vào điều đó. Nhưng tôi vẫn nhấn
mạnh, lặp đi lặp lại, rằng bất kì cái gì không dựa trên kinh nghiệm của bạn, chấp
nhận nó chỉ như giả thuyết. Đừng làm nó thành tin tưởng của bạn. Nếu đôi khi
tôi cho ví dụ, đó là cực kì cần thiết - bởi vì mọi người đã hỏi, "Làm sao
thầy xoay xở dũng cảm và sắc bén thế trong tuổi thơ của mình?"
Tôi đã chẳng làm gì cả, tôi
đơn giản tiếp tục điều tôi đã làm trong kiếp sống quá khứ của mình.
Dũng cảm sẽ tới với bạn.
Bắt đầu bằng một công thức đơn
giản: Đừng bao giờ bỏ lỡ cái không biết.
Bao giờ cũng chọn cái không biết
để đi lên trước. Cho dù bạn có đau khổ, vẫn xứng đáng cho nó - điều đó bao giờ
cũng phải trả giá. Bạn bao giờ cũng ra khỏi nó trưởng thành hơn, chín chắn hơn,
thông minh hơn.
Xem tiếp Chương 23 - Quay về Mục lục