Chương 8. Chúng ta là thế giới

Osho - Hạnh phúc tại tâm
Chương 8. Chúng ta là thế giới


Làm thế nào mưu cầu hạnh phúc cho chính mình khi nhân loại còn đối mặt với biết bao vấn đề: Đói, nghèo, điều kiện sống cùng khổ… Mọi người không có cơ hội để phát huy phẩm chất và tài năng của mình.
Thật ra, trước khi lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo, bạn đã không có được một nhân sinh quan độc lập, chín chắn về những vấn đề của thế giới. Ngôi nhà của bạn chỉ là một khối hỗn độn, tâm tư bạn cũng là một mớ bòng bong như thế – làm sao bạn có thể hiểu được những vấn đề mang tầm vĩ mô như vậy? Bạn thậm chí còn không hiểu được chính mình – đây là khởi nguồn của mọi sai lầm.
Những người đang rơi vào tình trạng cực kỳ hoang mang, dao động trốn tránh vấn đề của mình bằng cách hăng hái giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của họ sẽ chỉ gây thêm nhiều hậu quả rắc rối chứ hiếm khi mang lại kết quả tốt đẹp. Các chính trị gia, các nhà kinh tế, những người còn được gọi là “nô bộc của dân”, các nhà truyền giáo… rất có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong việc mang đến tai họa cho cộng đồng. Trong khi nhóm người này còn chưa thể giải quyết được vấn đề ý thức nội tại của chính họ thì họ lại xông pha cứu giúp người khác, xử lý hộ những vấn đề của người khác. Kỳ thực, bằng cách ấy, họ đang lẩn tránh những vấn đề của chính họ – không dám đối diện với nó.
Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta đều có thể trở thành vấn đề của thế giới. Bạn chính là vấn đề và nếu bạn không thể tự chủ. Nếu bạn không thể tự kiểm soát mình, mọi hành động của bạn chỉ là làm mọi thứ thêm rối tinh lên. Trước tiên, cần phải sắp xếp lại ngôi nhà của chính bạn, thiết lập trật tự ở đó.
Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ của Ấn Độ như thế này: Một vị đại vương có đầu óc thiển cận than phiền rằng mặt đất gồ ghề làm đau chân ông ta nên đã ra lệnh trải da bò lên khắp vương quốc để bảo vệ bàn chân của mình. Một viên cận thần – vốn là một người khôn ngoan – bật cười trước mệnh lệnh của nhà vua. Ông nói: “Lệnh của bệ hạ thật ngớ ngẩn!” .
Quốc vương nổi trận lôi đình quát viên cận thần: “Nếu ngươi không đưa ra được một giải pháp tốt hơn, ngươi sẽ bị xử chết”.
Viên cận thần tâu: “Thưa bệ hạ, chỉ cần người lấy một mảnh da bò bọc đôi chân lại”. Và nhờ đó, người ta phát minh ra giày.
Đâu cần trải da bò cả mặt đất, chỉ cần bọc chính đôi chân của bạn lại là cả trái đất đã phủ da bò. Đó chính là xuất phát điểm của sự khôn ngoan.
Quả vậy, tôi thừa nhận trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề. Đều là những vấn đề lớn. Cuộc sống như thể địa ngục. Ở đó có đói, nghèo, bạo lực, có đủ kiểu biến thái xuất phát từ sự điên cuồng của con người. Quả đúng như vậy. Song tôi nhấn mạnh rằng nguồn gốc những vấn đề ấy đều xuất phát từ tâm tư mỗi cá nhân. Vấn đề nằm ở đấy, bởi mỗi cá nhân đều là một mớ hỗn độn. Nói chung, mớ hỗn độn ấy chẳng qua chỉ là sự cộng hưởng của nhiều sự việc: Cuộc sống trở thành đối tượng để chúng ta trút hết mọi rắc rối của mình.
Thế giới cũng không là gì ngoài những mối quan hệ; mỗi cá nhân đều có mối liên hệ với người khác, với cả thế giới theo một cách nào đó. Tôi là người dễ kích động, anh là người dễ kích động: Khả năng mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ cứ thế sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải gấp đôi. Và nếu mỗi người đều kích động, cả thế giới cũng sẽ đầy kích động. Adolf Hitler đâu phải từ trên trời rơi xuống – chính chúng ta tạo ra ông ta đấy chứ.
Chiến tranh cũng đâu phải từ trên trời rơi xuống – chính chúng ta tạo ra chiến tranh. Xuất phát điểm bạn cần biết là: Chúng ta chính là vấn đề của thế giới. Vì vậy, đừng cố lẩn tránh hiện thực trong nội tâm của chính mình – đó là điều căn bản.
Chúng ta thường không nhìn ra được căn nguyên của vấn đề mà chỉ thấy các triệu chứng của nó. Đầu tiên, cần phải tìm trong chính mình đâu là cội rễ và cố gắng thay đổi nó. Nghèo không phải là nguồn gốc – lòng tham mới là cội rễ, nghèo chỉ là hệ quả. Người ta cứ đấu tranh chống lại cái nghèo nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Lòng tham mới chính là cái rễ cần phải cắt bỏ đi. Chiến tranh không phải là vấn đề, vấn đề là thói hung bạo trong mỗi cá nhân – chiến tranh chẳng qua là sự tổng hợp thói hung tàn của nhiều cá nhân lại. Bạn cứ tiếp tục chống chiến tranh đi nhưng chiến tranh sẽ chẳng dừng lại đâu. Một số người chỉ ham vui thôi, bạn có thể tìm thấy họ trong bất kỳ cuộc phản chiến nào.
Thuở nhỏ, tôi cũng từng rất thích những cuộc vui kiểu đó. Tôi tham gia mọi cuộc biểu tình đến độ người lớn trong làng bắt đầu lo lắng. Tôi đáp: “Cháu ham vui. Cháu không quan tâm vấn đề chính trị – chỉ là được gào thét cũng vui mà được vận động tay chân cũng vui”. Bạn có tham gia hay không cũng chẳng có gì khác biệt, chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Biểu tình vì hòa bình có thể biến thành một cuộc bạo loạn bất cứ lúc nào. Những người trong cơn phẫn nộ này, nhân danh hòa bình, đã phơi bày sự hung bạo của mình. Họ rất sẵn sàng tham chiến: nếu họ có quyền lực, nếu họ có bom nguyên tử, họ sẽ thả bom để thiết lập hòa bình. Đó chính là những điều các chính trị gia tuyên bố, rằng họ đang chiến đấu để thiết lập hòa bình.
Như vậy, vấn đề không phải là chiến tranh nên phản chiến cũng chỉ vô ích. Vấn đề nằm sâu trong sự hung bạo của mỗi cá nhân. Còn chiến tranh bởi còn tồn tại những người từ trong thâm tâm không hài lòng với chính mình, họ sẽ phát điên lên nếu không có chiến tranh.
Cứ mỗi thập kỷ, một cuộc đại chiến có thể tháo gỡ giúp cho nhân loại chứng loạn thần kinh. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng vào Thế chiến thứ nhất, các nhà tâm lý học chợt nhận ra một sự kiện lạ. Trong suốt cuộc chiến, tỷ lệ người loạn thần kinh rơi xuống gần bằng không. Không có tự tử, không có án mạng, những người rối loạn thần kinh dường như ngừng phát bệnh. Quả là lạ lùng – chuyện gì đã xảy ra với chiến tranh? Chiến tranh lại có những mặt tích cực đến không ngờ. Có lẽ, không xảy ra giết người bởi tất cả tội phạm đều đã nhập ngũ chăng; nhưng còn những người có ý định tự tử? Có thể họ đã gia nhập quân đội cả rồi. Còn những người mắc chứng loạn thần kinh? Chẳng lẽ họ cũng ngừng phát bệnh? Những sự kiện tương tự cũng xảy ra ở Thế chiến thứ hai, trên một bình diện rộng hơn – và thế là mối liên hệ được phát hiện, quả là có sự liên đới. Nhân loại cứ tích trữ dần dần những tiềm năng gây rối loạn thần kinh, tâm thần.
Mỗi thập kỷ, họ phải bùng phát cơn tâm thần ấy ra. Vì vậy, khi xảy ra chiến tranh – chiến tranh nghĩa là con người phát điên trên bình diện tập thể – thì mỗi cá nhân không phải phát cuồng lên nữa. Lý do ở đây là gì? Tâm trí tất cả mọi người đều đang trong cơn cuồng loạn – chẳng còn lý do gì để phát điên trên bình diện cá thể nữa. Khi một dân tộc này truy sát một dân tộc khác, đã có quá nhiều sự tự tử và giết chóc rồi, người ta còn lý do gì để tự tay làm việc đó nữa? Người ta chỉ cần bật ti-vi lên và thưởng thức, người ta đọc về chiến tranh trên báo và tha hồ kích động.
Vấn đề không phải là chiến tranh, vấn đề chính là tình trạng căng thẳng thần kinh của mỗi cá nhân.
Hãy thay đổi từ cội rễ – chúng ta rất cần một sự chuyển biến triệt để chứ không phải là những cải thiện thông thường. Rất có thể bạn không nhận ra, tôi vẫn đang nói về việc thiền định nhưng bạn chưa nhìn ra được mối liên hệ, bằng cách nào mà việc thiền định lại liên quan đến chiến tranh.
Đây là cách nhận thức của tôi: chỉ cần 1% nhân loại thiền định thôi, chiến tranh sẽ biến mất. Đó là con đường duy nhất. Vì rằng những năng lượng thiền định đã được phóng thích ra ngoài. Nếu chỉ 1% nhân loại – tức chỉ một trong một trăm người thiền định, trật tự thế giới sẽ hoàn toàn biến đổi. Lòng tham giảm xuống, tự nhiên, nạn nghèo cũng giảm. Nghèo đói tồn tại bởi mọi thứ trở nên khan hiếm; cái nghèo tồn tại bởi con người không ngừng tích trữ, bởi con người tham lam.
Nếu chúng ta sống cho hiện tại, như thế là đủ; trái đất đủ cung cấp cho chúng ta mọi thứ. Nhưng nếu chúng ta nhìn đến tương lai, chúng ta sẽ nuôi dưỡng ý đồ tích trữ – và thế là vấn đề nảy sinh.
Hãy nghĩ đến cách những con chim tích trữ chiến lợi phẩm… một số con sẽ trở nên sung túc hơn và một số con còn lại sẽ nghèo đi; như thế, những con chim Mỹ là những con giàu nhất và cả thế giới còn lại lâm vào túng bấn. Nhưng thật ra, chim có tích trữ đâu, bởi nó làm sao hiểu được sự nghèo khó. Bạn đã bao giờ thấy một con chim nghèo chưa? Loài vật sống trong rừng sâu – không có sự phân biệt giữa con thú giàu và con thú nghèo. Thật ra, bạn chưa từng thấy con chim béo mập hay con chim gầy trơ xương. Mọi con quạ trông đều như nhau, bạn thậm chí chẳng thể nhận ra con nào là con nào. Tại sao vậy? Bởi chúng chỉ sống, chúng không tích trữ.
Thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi khi người ta biết sống cho hiện tại, thân thiện và cẩn trọng… Mỗi cá nhân cần phải thay đổi bởi vì thế giới được cấu thành từ tập hợp những năng lực, phẩm chất, tâm hồn và ý tưởng của mỗi cá nhân.
Như thế, con người sẽ quan tâm đến những vấn đề của thế giới nhưng ở một tầm vóc khác. Đã có nhiều người đến gặp tôi: “Ông đang làm gì ở đây? Nghèo đói còn đó, ngu dốt còn đó, ông ngồi đây giảng giải về thiền định. Ngừng lại đi.
Làm cái gì đó cho nạn nghèo kia kìa”. Thế nhưng, chẳng thể trực tiếp làm cái gì cho vấn nạn ấy cả. Năng lượng thiền định cần được phóng thích để con người biết sống cho hiện tại.
Mọi đổi thay sẽ bắt đầu từ đó.
Một người, khi bắt đầu thiền định, là lúc anh ta bắt đầu thăng hoa. Là họa sĩ, anh ta sẽ trở thành danh họa tầm cỡ. Là nhà thơ, anh ta bỗng dưng nhận ra cảm hứng thi ca dào dạt tuôn chảy trong tâm hồn. Là ca sĩ, lần đầu tiên anh ta sẽ cất lên tiếng ca chân thành nhất của trái tim mình.
Khi chúng ta lặng yên, hướng sâu vào nội tâm, tĩnh tại, lập tức năng lượng sẽ được giải thoát. Ta sẽ trở nên tự do và sống đúng như bản chất của mình một cách hài hòa, tự nhiên; chúng ta bắt đầu làm việc của mình mà không lo âu việc ấy có được trả tiền không, có mang đến danh tiếng không. Chỉ cần chúng ta được sống an vui bình thản.
Nhưng vẫn có nhiều người lại thích đi đường vòng.
Họ muốn thay đổi thế giới trước, rồi mới thay đổi chính mình. Nhưng hãy để tôi nói điều này, một khi đã đi quá xa, chúng ta sẽ chẳng còn cách nào quay trở lại.
Tôi từng nghe chuyện này: Ở một vùng ven Delhi, một thanh niên lái xe ngang qua chỗ ông già đang ngồi. Anh ta dừng xe, hỏi ông cụ: “Còn bao xa nữa thì đến Delhi?”.
Ông già đáp: “Nếu đi con đường anh đang đi, tiếp tục hướng anh đang hướng, thì còn xa, xa lắm. Anh sẽ phải đi hết một vòng trái đất – bởi anh vừa rời khỏi Delhi được hai dặm rồi”.
Chỉ cần quay lại, đường sẽ không xa nữa – chỉ là một câu hỏi thoáng chốc. Nếu bạn dấn thân vào một hành trình thay đổi thế giới rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình, sẽ chẳng bao giờ bạn làm được điều đó; sẽ chẳng bao giờ bạn còn có thể quay về nhà.
Hãy bắt đầu từ chính bạn. Bạn là một phần của thế giới mê muội này. Bằng cách thay đổi chính mình, bạn đang thay đổi thế giới. Tại sao cứ phải cố gắng thay đổi nhà hàng xóm? Biết đâu anh ta không thích điều đó, biết đâu anh ta không muốn điều đó, biết đâu anh ta cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Nếu bạn đã ý thức được rằng thế giới rất cần một sự thay đổi lớn, vậy hãy bắt đầu từ thế giới gần gũi bạn nhất. Bắt đầu từ chính nơi này – từ chính bản thân chúng ta.
Tại sao tôi cứ mơ mộng viển vông về tương lai?
Ai ai cũng đều mơ mộng. Đầu óc con người luôn tạo ra những giấc mơ. Nếu không kiểm soát tâm trí, bạn sẽ còn viển vông mãi. Tâm trí không thể tồn tại trong hiện tại được – cả trong quá khứ hay tương lai cũng không.
Không có cách nào cho tâm trí đứng yên trong hiện tại.
Muốn sống trong hiện tại phải thoát khỏi những bận rộn suy tư xa xôi.
Đây là phút giây tĩnh lặng, không một ý nghĩ nào diễn ra trong đầu, trong tâm tư; màn hình ý thức tuyệt nhiên không một vết gợn; thốt nhiên, bạn ở trong hiện tại. Đó là một khoảnh khắc, một khoảnh khắc có thật – khoảnh khắc hiện thực, khoảnh khắc chân lý. Nhưng như thế, sẽ không còn quá khứ và không có tương lai.
Chúng ta thường hình dung thời gian có ba thì: quá khứ, hiện tại, tương lai. Về cơ bản, phân chia như thế là sai lầm và thiếu khoa học bởi hiện tại không phải là một phần của thời gian. Chỉ có quá khứ và tương lai là những đoạn thời gian. Hiện tại nằm bên ngoài thời gian. Hiện tại là vĩnh cửu.
Quá khứ và tương lai là những đoạn của thời gian. Quá khứ là những gì không còn và tương lai là những gì chưa có. Cả hai đều không hiện hữu. Hiện tại là cái đang hiện hữu. Cái không hiện hữu và cái đương hiện hữu không bao giờ gặp nhau, vì thế chúng cũng không thể nào cắt ngang con đường của nhau.
Và thời gian cũng chính là tâm trí; tâm trí chính là phần quá khứ được lưu giữ lại.
Tâm trí là gì? Hãy phân tích nó, hãy nhìn sâu vào nó.
Bạn thấy gì? Đó chỉ là những kinh nghiệm quá khứ chất chồng, tồn trữ. Tâm trí chỉ là một cái vỏ bọc bên ngoài, một lớp áo khoác. Nó chỉ đơn giản là sự lưu trữ toàn bộ quá khứ.
Nếu từng ngày một bạn vứt dần quá khứ ra khỏi chiếc túi của mình, đến một lúc nào đó, chiếc túi sẽ biến mất.
Nếu quá khứ chỉ là hiện thực của tâm trí thôi, thế thì tâm trí có thể làm gì được? Tâm trí có một khả năng là nhai đi nhai lại hiện thực hết lần này đến lần khác.
Đó là những gì bạn gọi là trí nhớ, là kỷ niệm, là hoài cổ.
Bạn bước lùi lại lần nữa rồi lần nữa, lần nữa rồi lần nữa để trở về với những giây phút tươi đẹp, những thời điểm hạnh phúc đã thuộc về quá khứ. Bạn bám riết lấy những khoảnh khắc đẹp đẽ ít ỏi và thưa thớt ấy. Bạn cố quên đi những lúc khó khăn, khốn đốn.
Nhưng không phải lúc nào bạn cũng làm được điều ấy bởi chúng chẳng có ích gì, bởi những nỗ lực ấy dường như vô nghĩa. Vì thế, tâm trí tạo ra một hoạt động “có nghĩa” hơn, đó là mơ mộng về tương lai.
Tâm trí nói: “Vâng, quá khứ quả là tốt đẹp nhưng đã kết thúc rồi; chẳng còn làm gì được nữa. Nếu có thể làm được điều gì thì đó là trong tương lai, vì tương lai sẽ đến”. Vì vậy, bạn chọn từ quá khứ những kinh nghiệm mà bạn hằng mong muốn sẽ lặp lại và bỏ qua những kinh nghiệm khốn khổ, đau thương mà bạn chẳng hề muốn đối diện lần nữa trong tương lai. Mơ mộng về tương lai chẳng qua chỉ là sự hiệu chỉnh lại quá khứ – sắp xếp hợp lý hơn, đẹp đẽ hơn, như ý hơn, bớt đau buồn và nhiều niềm vui hơn. Đó là những gì mà tâm trí bạn làm và cũng là cách bạn lãng quên hiện thực.
Thiền định đơn thuần chỉ là những khoảnh khắc bạn rời bỏ tâm trí, trượt ra khỏi tâm trí. Bạn có mặt trong hiện thực, hiện thực như nó vốn là. Những khoảnh khắc hiện hữu ấy đầy mê hoặc đến nỗi nếu đã trải nghiệm, bạn không thể ngừng mơ tưởng đến.
Bạn sẽ còn viển vông về trạng thái ấy mãi nếu chưa bắt đầu trải nghiệm thiền định. Nếu chưa nhận được nguồn sinh lực thiền định, trong tương lai, bạn vẫn sẽ là người đói kém và khát thèm. Tương lai sẽ chẳng thể mang đến cho bạn nguồn sinh lực ấy vì hôm nay đã là tương lai của ngày trước đó. Hôm qua, hôm nay đều đã từng là tương lai và bạn vẫn là kẻ mơ mộng đi giữa làm ranh giới mong manh giữa chúng. Chính ngay giờ phút này đang xảy ra chuyện gì? Bạn có hạnh phúc không? Hôm qua đã từng là tương lai của hôm kia đấy thôi. Quá khứ cũng đã từng là toàn bộ tương lai đã bị vượt qua và rồi tương lai cũng sẽ bị vượt qua như thế. Bạn đang tự phỉnh mình bằng những mơ mộng viển vông.
Thiền định đơn thuần chỉ là những khoảnh khắc bạn rời bỏ tâm trí, trượt ra khỏi tâm trí. Bạn có mặt trong hiện thực, hiện thực như nó vốn là.
Hãy sống trong hiện tại, đến gần nó hơn nữa. Hãy nhìn bông hoa này, đừng nghĩ về bông hoa ấy. Hãy lắng nghe từ này, từ mà tôi đang thốt thành lời đây, chứ không phải từ tôi sắp nói. Hãy nhìn ngay bây giờ. Chỉ cần trì hoãn một khoảnh khắc thôi, bạn sẽ bỏ lỡ, nó sẽ trở thành thói quen của bạn, một thói quen thâm căn cố đế. Ngày mai rồi bạn cũng sẽ bỏ lỡ, ngày kia cũng thế, bạn sẽ lại bỏ lỡ bởi vì bạn là như thế, bạn không thay đổi. Thói quen mơ mộng viển vông sẽ ngày một nặng nề hơn.
Đêm nọ, tôi đọc được một câu chuyện dân gian Nhật Bản rất hay. Bạn nghe nhé.
Xưa kia, có một người đàn ông làm nghề xẻ đá. Công việc nặng nhọc và vất vả nhưng tiền công lại ít ỏi. Ông cảm thấy không hài lòng chút nào.
Vốn dĩ có mấy ai biết hài lòng với chính mình? Ngay cả hoàng đế cũng chưa chắc vừa ý, nói gì người xẻ đá? Công việc của anh ta tất nhiên là nặng nhọc mà công cán hầu như chẳng đáng bao nhiêu.
Người thợ thở dài vì công việc quá vất vả rồi bật khóc: “Trời ơi, ước gì ta giàu có để được ngủ trên giường phủ vải lụa”. Một tiên nhân từ trời xuất hiện, nói với anh ta rằng: “Ngươi đang được như ngươi muốn”.
Và điều đó quả thật đã xảy ra – không phải xảy ra trong các ngụ ngôn hay các câu chuyện đâu; nó thật sự xảy ra trong thực tế. Bạn nghĩ về mình như thế nào, điều bạn nghĩ sẽ xảy ra. Bạn tạo ra một thế giới bằng tâm tưởng, bạn tạo ra một thế giới bằng ước mơ. Bạn theo đuổi điều gì, điều ấy sẽ xảy ra. Thực tại vẫn luôn hợp tác với bạn. Nó vẫn luôn chờ một khoảnh khắc, cái ngày mà bạn sẽ hợp tác với nó. Cho đến lúc đó, nó vẫn luôn hợp tác với bạn.
Trở lại câu chuyện: Thế là người xẻ đá nọ trở nên giàu có, được ngủ trên một chiếc giường phủ bằng vải lụa.
Quốc vương ngồi trên chiếc kiệu che lọng vàng, dẫn đầu bởi một đoàn kỵ sĩ và bọc hậu bởi một đoàn kỵ sĩ khác. Một phú ông nhìn thấy cảnh ấy, cảm thấy buồn tủi vô cùng vì mình không có lọng vàng che đầu. Ông ta thở dài não nuột và than rằng: “Ước gì ta là vua”. Tiên nhân lại xuất hiện và nói: “Ông đang được như ông muốn”.
Vẫn là vị quốc vương ngồi trên kiệu với lọng vàng che đầu, với đoàn kỵ mã tiền hô hậu ủng, lúc ấy, mặt trời chiếu những tia nắng cháy bỏng như thiêu đốt đến nỗi cỏ héo quắt lại. Quốc vương phàn nàn rằng mặt trời làm bỏng mặt ngài, rằng mặt trời có nhiều quyền lực hơn ngài và rằng ngài chẳng hài lòng chút nào. Ngài thở dài và khóc rằng: “Ước gì ta là mặt trời”.
Tiên nhân đến và nói: “Ngài đang được như ngài muốn”. Là mặt trời, ngài rọi thẳng những tia nắng lên cao và xuống thấp, sang trái rồi sang phải, mọi nơi, ngài thiêu đốt cỏ trên mặt đất và gương mặt mọi ông vua trên thế gian.
Bỗng nhiên một đám mây từ đâu đến chắn giữa ngài và trái đất, những tia mặt trời bị dội lại và ngài cảm thấy phẫn nộ vì có kẻ dám chống lại quyền lực của ngài, ngài thấy không hài lòng chút nào. Ngài ước được là đám mây đầy quyền lực, tiên nhân lại đến và bảo rằng: “Ngài đang được như ngài muốn”.
Thế là nhà vua trở thành đám mây, luôn chắn giữa mặt trời và trái đất, ngăn những tia nắng lại để cỏ mọc lên xanh tốt. Mây hóa thành những hạt mưa thật to rơi xuống trái đất, làm những con sông vỡ bờ và gây lũ lụt, cuốn phăng nhà cửa, tàn phá ruộng đồng. Ngài xô vào tảng đá nhưng đá cứ đứng trơ trơ ra đó, ngài rít thành những xoáy nước dữ dội nhưng đá không mảy may bận tâm, ngài phẫn nộ vì tảng đá không khuất phục uy quyền của ngài, rõ ràng sức nước vẫn chẳng là gì và ngài thật không hài lòng.
Ngài bật khóc: “Quyền lực của tảng đá này còn hơn cả ta.
Ước gì ta được làm tảng đá”. Tiên nhân lại đến, nhà vua được làm đá, ngài trở thành tảng đá, đứng trơ trơ mặc nắng đốt mưa tuôn. Thế rồi một người đàn ông đến, mang theo cuốc chim, đục, búa tạ xẻ tảng đá ra thành những hòn đá. Hòn đá kêu lên: “Sao có thể như thế được, người đàn ông này còn mạnh mẽ hơn cả ta, ông ta cứ đẽo dần từng mảng đá ra khỏi thân thể ta thế này sao?” và hòn đá không hài lòng.
Ngài kêu lên: “Ta còn yếu đuối hơn cả người đàn ông này.
Ta muốn được là ông ta”. Tiên nhân lại đến và nói: “Ngài đang được như ngài muốn”. Thế là hòn đá lại trở thành thợ xẻ đá.
Anh ta lại đẽo đá ra từ những tảng đá to, công việc vô cùng vất vả và tiền công vẫn ít ỏi – nhưng anh ta cảm thấy hài lòng.
Tôi không đồng ý với đoạn kết câu chuyện. Đây là phần duy nhất tôi không đồng ý, còn lại, đó vẫn là một câu chuyện thật đẹp. Không đồng ý với đoạn kết bởi tôi quá biết con người – họ chẳng dễ dàng hài lòng bao giờ.
Vòng tròn đã khép lại, tất nhiên câu chuyện phải kết thúc nhưng câu chuyện trong cuộc đời thật thì không tự nhiên khép lại. Vòng tròn sẽ lại bắt đầu chuyển động.
Đó là lý do người Ấn Độ nhìn cuộc đời như một “vòng trôn ốc”. Tự nó tiếp tục vận hành, tự nó sẽ lặp lại. Theo ý tôi, trừ phi người thợ đẽo đá trở thành Phật, nếu không câu chuyện sẽ vẫn lặp lại. Anh thợ đẽo đá vẫn sẽ không hài lòng. Anh ta vẫn sẽ muốn một chiếc giường đẹp và vải phủ bằng lụa, những chuyện cũ cứ thế lặp lại. Nếu người thợ xẻ đá thật sự hài lòng, anh ta chắc chắn đã phải bước ra khỏi vòng luân hồi sống chết. Anh ta nhất định phải thành Phật.
Đó chính là những điều vẫn xảy ra trong tâm trí chúng ta – bạn ham muốn điều gì đó, chuyện xảy ra như ý bạn nhưng vào lúc nó xảy ra, bạn nhận ra rằng bạn vẫn không hài lòng. Có một điều gì khác đang gây ra nỗi đau khổ này.
Đó là điều có thể hiểu được – nếu khao khát của bạn không được thỏa mãn, bạn thấy thất vọng; nếu được thỏa mãn, bạn cũng vẫn thấy thất vọng. Đó chính là nỗi đau khổ của tham vọng. Được hài lòng rồi, bạn vẫn thấy bất mãn. Bất thần, nhiều ham muốn mới mẻ khác nảy sinh.
Bạn chưa bao giờ nghĩ đến điều này, khi bạn là vua, có đội kỵ sĩ tiền hô hậu ủng, có lọng vàng che đầu thì mặt trời lại chiếu rát mặt bạn. Điều này bạn chưa bao giờ mường tượng ra cả. Thế là bạn mơ trở thành mặt trời, rồi biến thành mặt trời thật, nhưng bạn cũng chưa bao giờ nghĩ đến những đám mây. Khi những đám mây xuất hiện, bạn trở nên bất lực. Cứ tiếp tục như thế mãi, tham vọng nối tiếp tham vọng như những con sóng trên đại đương bất tận – trừ khi bạn hiểu ra vấn đề và bước khỏi vòng tròn khép kín ấy.
Tâm trí luôn nói với bạn rằng: “Hãy làm cái này, hãy là cái kia, hãy làm thế này, hãy làm thế khác… bởi không như thế làm sao có thể hạnh phúc được? Bạn phải có một lâu đài, chỉ có thế bạn mới được hạnh phúc”. Nếu phải thỏa mãn một tiêu chuẩn nào đó để được hạnh phúc, bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Bạn sẽ luôn nhận thấy có một cái gì đó cứ hủy hoại hạnh phúc của bạn. Bạn sẽ luôn phát hiện ra có thứ gì đó mất mát, thiếu vắng. Và bạn sẽ còn mơ mộng rất lâu về cái “mất mát” ấy.
Rồi bạn sẽ không bao giờ có được cảm giác rằng mọi thứ, tất cả mọi thứ, đều đã đầy đủ. Thậm chí ngay khi mọi thứ đầy đủ rồi, bạn cũng sẽ chẳng hạnh phúc được. Hãy nhìn vào cơ chế hoạt động của tâm trí: nếu mọi thứ bạn muốn đều được thỏa mãn, bất thần, bạn sẽ thấy buồn chán. Chúng ta phải làm gì đây? Tôi từng nghe rằng – và tôi nghĩ đó là chuyện đáng tin – mọi người trên thiên đàng đều cảm thấy buồn chán.
Câu chuyện ấy xuất phát từ nhiều nguồn đáng tín cẩn, bạn có thể tin được: Rằng, trên thiên đàng, người ta ngồi dưới những cây-mãn-nguyện và thở vắn than dài. Bởi cứ khi nào họ ước muốn điều gì đó, thần tiên sẽ hiện ra và lập tức ước muốn ấy biến thành hiện thực. Chẳng còn một khoảng cách nào giữa ước mơ và hiện thực nữa. Họ mơ ước một mỹ nữ, một Cleopatra, thế là nàng xuất hiện.
Rồi, giờ thì biết làm gì với nàng Cleopatra đây? Thật vô nghĩa – và việc họ chán nản là điều tất yếu.
Trong chuyện cổ tích của Ấn Độ có nhiều câu chuyện kể về việc các nàng tiên chán cảnh bồng lai đến nỗi chỉ mơ về phàm trần. Ở tiên giới, họ có mọi thứ. Có lẽ họ đã trải qua sự khổ luyện phi thường, có lẽ họ đã chối từ trần gian, các mối quan hệ, tất cả mọi thứ để vươn đến thiên đàng. Giờ thì từ trên thiên đường, họ mơ về hạ giới.
Tôi từng nghe chuyện kể rằng: Viên phi công nọ lái một chiếc phi cơ mới, bay ngang qua Catskills (12), anh ta chỉ cho viên phụ lái một thung lũng xinh đẹp. “Cậu thấy chỗ đó không? Khi còn là một chú bé đi chân đất, tôi thường ngồi câu cá trên chiếc thuyền đáy bằng ở đó.
Khi ấy, mỗi lần máy bay bay qua, tôi cứ nhìn lên và mơ rằng mình đang lái chúng. Giờ thì tôi nhìn xuống và mơ rằng mình đang câu cá ở dưới”.
Mọi việc mãi còn diễn ra như thế. Khi không nổi tiếng, bạn muốn mình nổi tiếng. Bạn cảm thấy đau khổ vì người khác không biết đến mình. Khi bạn băng qua đường, không ai nhìn đến bạn, không ai nhận ra bạn. Bạn thấy mình kém cỏi và không có giá trị. Bạn làm việc chăm chỉ để được nổi tiếng. Rồi một ngày bạn nổi tiếng thật. Đến lúc đó, bạn còn không thể đi lại trên phố được nữa. Đám đông nhìn bạn chăm chăm. Bạn không còn một chút tự do nào, ngay cả trong nhà bạn cũng phải kín đáo. Bạn không thể cởi mở được nữa, bạn bị cầm tù. Bạn bắt đầu hồi tưởng lại những ngày tươi đẹp khi còn được đi lại trên phố, được tự do… như thể chỉ có mỗi mình mình tha hồ tung tăng trên đường. Rồi bạn mơ tưởng về những ngày cũ.
Voltaire viết trong hồi ký rằng khi chưa nổi tiếng, ông rất thèm khát điều đó. Ông đã làm việc cật lực để nổi danh nhất nước Pháp. Voltaire lẫy lừng đến mức cứ bước ra khỏi phòng là ông thấy sợ hãi. Thời đó, người ta tin rằng một mảnh trang phục của một người vĩ đại chính là bùa hộ mệnh cho họ, rằng đó là vật có giá trị hộ thân tuyệt vời. Nó có thể bảo vệ bạn khỏi ma quỷ, phòng tránh các tai nạn không may. Vì vậy, khi xuất hiện trước đám đông, Voltaire luôn phải có cảnh sát hộ tống, nếu không, người ta sẽ lao đến xé rách quần áo của ông. Có khi ông phải trở về nhà với những vết thâm tím và xây xát khắp thân thể. Voltaire ngán ngẩm chính sự nổi danh của mình. Đám đông cứ như đám sói chực vồ lấy ông. Rồi ông bắt đầu cầu nguyện: “Xin hãy giải thoát cho con! Con đã hiểu nỗi ám ảnh của người nổi tiếng. Con không còn muốn tiếp tục sống như vậy nữa”.
Thế là điều nguyện ước xảy ra. Thiên thần đã đến. Dần dần, tiếng tăm ông cũng chìm lắng.
Con người rất dễ thay đổi quan điểm, họ không biết thế nào là nhất thành bất biến. Cũng như thời trang vậy, mọi thứ cứ thay đổi. Ngày nọ, bạn ngồi trên đỉnh danh vọng, ngày hôm sau, mọi người quên mất bạn là ai. Ngày nọ, bạn là tổng thống, ngày tiếp theo, bạn chỉ là công dân Richard Nixon(13). Chẳng ai quan tâm đến sự tồn tại của bạn.
Khi Voltaire đi đến nhà ga, ông đã thầm mong ít ra cũng có một người nào đó chờ sẵn để nhận ra mình; nhưng chẳng ai cả, ngoại trừ con chó của ông.
Khi ông qua đời, chỉ có bốn người đến vĩnh biệt, chính xác là ba người và một con chó. Ắt hẳn ông đã chết trong đau buồn và lần nữa, lại đuổi theo danh vọng.
Tâm trí không bao giờ để cho chúng ta hạnh phúc. Bất kể điều kiện thế nào, tâm trí luôn phát hiện ra được điều gì đó khiến nó không được hài lòng. Nói cách khác: Tâm trí là một cơ chế tạo ra sự bất mãn. Toàn bộ chức năng của nó là gây ra nỗi bất mãn. Nếu thoát được những nghĩ ngợi quẩn quanh trong tâm trí, ta sẽ bất ngờ sống trong hạnh phúc – chẳng vì bất cứ lý do nào cả. Thế đó, hạnh phúc tự nhiên mà có, như hơi thở. Khi thở, bạn thậm chí không nhận ra mình đang thở. Chỉ đơn giản là bạn đang thở thôi. Khi có ý thức, khi vô thức, khi tỉnh, khi ngủ, bạn vẫn thở. Hạnh phúc chính xác là như thế.
Hạnh phúc viên mãn là bản chất tối hậu của con người. Nó tồn tại một cách tự nhiên. Niềm an lạc là một trạng thái tự nhiên; không cần phải nắm bắt lấy. Khi nào bạn thoát khỏi sự vận hành của tâm trí, bạn bắt đầu cảm thấy an lạc.
Đó là lý do bạn nhận ra rằng người điên luôn hạnh phúc hơn những người tự nhận là tỉnh táo.
Vì sao vậy? Họ đã gạt bỏ tâm trí rồi, dĩ nhiên là theo một cách lệch lạc nhưng rõ ràng là họ đã thoát ra khỏi tâm trí của họ. Người điên là người không kiểm soát tâm trí. Họ đánh mất tâm trí. Đó là lý do nhiều người điên vui vẻ đến mức bạn phát ghen tỵ với họ. Thậm chí biết đâu chúng ta cũng thầm nghĩ: “Bao giờ tôi mới được sống thanh thản đến thế?”.
Chuyện gì đã xảy ra với những người loạn trí? Anh ta không còn nghĩ gì đến cả quá khứ lẫn tương lai. Anh ta rơi ra bên ngoài dòng thời gian. Anh ta sống với vĩnh hằng.
Tâm trí là một cơ chế tạo ra sự bất mãn. Toàn bộ chức năng của nó là gây ra nỗi bất mãn. Nếu thoát được những nghĩ ngợi quẩn quanh trong tâm trí, ta sẽ bất ngờ sống trong hạnh phúc – chẳng bất cứ lý do nào cả.
Tình hình cũng xảy ra tương tự như thế với các kỳ nhân (mystic), bởi họ sống bên ngoài tâm trí. Tôi không bảo bạn trở thành người điên, tôi chỉ nói rằng có sự tương đồng giữa người điên và kỳ nhân. Đó là lý do vì sao các đại kỳ nhân đều trông có chút điên điên và những bậc đại trí đều có chút gì đó kỳ bí.
Nhìn vào đôi mắt một người loạn trí, bạn sẽ thấy đôi mắt ấy vô cùng kỳ lạ… sáng long lanh, thứ ánh sáng của một thế giới khác, như thể anh ta đã đến được cánh cổng tâm giới mở ra bản chất cốt lõi của cuộc sống. Anh ta thanh thản. Có thể anh ta chẳng có gì nhưng hạnh phúc.
Không mộng tưởng, không tham vọng. Chẳng đi đâu.
Đơn giản là nơi này… vui sướng, hân hoan.
Đúng thế, người loạn trí và những bậc kỳ nhân có điểm gì đó tương đồng. Đó là vì cả hai đều vượt thoát ra ngoài tâm trí. Người điên trượt khỏi tâm trí mình, còn những người đặc biệt sống vượt lên tâm trí của mình.
Tôi không nói rằng: Hãy điên đi! Tôi nói: Hãy trở thành những con người đặc biệt. Khi đó, ta có thể sống hài hòa một cách kỳ diệu với đời.
Bạn hỏi rằng: “Vì sao tôi cứ mơ mộng về tương lai hoài?”. Bạn mơ về tương lai bởi bạn chưa biết hiện tại.
Hãy bắt đầu tận hưởng hiện tại. Hãy tìm lấy những khoảnh khắc mà bạn đơn giản cảm nhận được niềm vui.
Khi bạn nhìn cây xanh, hãy là đôi mắt nhìn. Khi bạn lắng nghe chim hót, hãy là đôi tai lắng nghe. Hãy để điều đó dẫn dắt bạn đến cõi sâu thẳm nhất của tâm linh. Hãy để bài hát tỏa lan trong bạn. Khi bạn ngồi bên bờ biển, hãy lắng nghe âm thanh nguyên thủy của sóng, hãy trở thành con sóng… bởi thanh âm tự nhiên thuần túy ấy vô thủy vô chung. Nếu bạn có thể hòa mình với nó, bạn cũng sẽ trở thành một bộ phận hữu cơ của tự nhiên. Hãy ôm lấy một cái cây và thư giãn cùng nó. Cảm nhận bóng xanh của nó ngấm sâu vào bạn. Hãy nằm lăn trên cát, hãy quên thế giới đi, giao hòa với cát, với sự mát mẻ của nó, cảm nhận sự mát mẻ ấy đang thấm đẫm vào mình. Hãy đến dòng sông, đầm mình trong nước, hãy để dòng sông cùng bơi với bạn. Hãy té nước ra xung quanh và trở thành những bọt nước. Hãy làm gì bạn thích và hãy cảm nhận nó thật trọn vẹn. Trong những khoảnh khắc ấy, quá khứ và tương lai đều biến mất, sẽ chỉ còn bạn ở đây, vào lúc này.
Chân lý không nằm trong Thánh Kinh. Chân lý nằm ở những con sông, trong tiếng đại đương thầm thì vô tận, trong cái lặng im của muôn vì sao. Niềm vui nằm ở đấy. Cả vũ trụ là một thông điệp. Hãy giải mã. Hãy học ngôn ngữ của vũ trụ. Đó là thứ ngôn ngữ của hiện tại duy nhất.
Ngôn ngữ của bạn là ngôn ngữ của quá khứ và tương lai. Nếu bạn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ của tâm trí, bạn sẽ không bao giờ hòa điệu, không bao giờ hài hòa với hiện tại mình đang sống. Và nếu không cảm nhận được sự hài hòa với thực tại, ta chẳng thể nào chấm dứt sự mơ mộng hão huyền.
Nếu bạn nói với một người khốn khổ vác bao đá thô trên lưng mà nghĩ mình đang mang kim cương châu báu rằng: “Hãy vứt hết đi. Anh thật ngốc. Đó chỉ là mớ đá thô thôi mà”, thì chắc chắn anh ta không bao giờ tin. Anh ta sẽ nghĩ rằng bạn đang chơi xỏ. Anh ta vác đá theo bởi đó là tất cả những gì anh ta có.
Tôi sẽ không bảo người đàn ông đó vất túi đi đâu. Tôi sẽ cố đưa anh ta xem hồng ngọc, lục bảo ngọc, kim cương thật. Chỉ cần liếc qua một cái thôi, anh ta sẽ vứt ngay cái túi của mình. Anh ta sẽ trút sạch cái túi của mình lập tức mà không cần ai mách bảo, bởi giờ đây anh ta biết mình phải bỏ thứ khác vào túi. Anh ta vứt đá đi bởi anh ta cần có chỗ để cất món mới.
Vậy nên hãy từ bỏ việc nghĩ ngợi đến tương lai, hồi tưởng về quá khứ. Hãy gắn bó nhiều hơn với hiện tại mà chúng ta đang sống.
(12) Tên một dãy núi nằm ở phía tây bắc thành phố New York của Hoa Kỳ, bao gồm những bình nguyên rộng lớn.
(13)  Richard Nixon (1913 – 1994): Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ từ năm 1969 đến năm 1974.
Xem tiếp Chương 9Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »