Osho
- Nhận biết
Phần III:
Nhận biết trong hành động
Chương 10: Tự
phát
Khi bạn
hành động, bạn bao giờ cũng hành động qua quá khứ. Bạn hành động từ kinh nghiệm
mà bạn đã tích luỹ, bạn hành động từ kết luận mà bạn đã đạt tới trong quá khứ -
làm sao bạn có thể tự phát được?
Quá khứ
chi phối, và bởi vì quá khứ bạn thậm chí không thể thấy được hiện tại. Mắt bạn
đầy những quá khứ, làm sương khói của quá khứ lớn tới mức việc thấy là không
thể được. Bạn không thể thấy được! Bạn gần như hoàn toàn mù - mù bởi vì khói,
mù bởi vì những kết luận quá khứ, mù bởi vì tri thức.
Người
thông thái là người mù nhất trên thế giới. Bởi vì người đó vận hành từ tri thức
của mình, người đó không thấy nguyên nhân là gì. Người đó đơn giản cứ vận hành
một cách máy móc. Người đó đã học cái gì đó; nó đã trở thành cơ cấu làm sẵn bên
trong người đó và người đó hành động từ nó.
Có câu
chuyện nổi tiếng:
Có hai
ngôi chùa ở Nhật Bản, cả hai đều là kẻ thù của nhau, như các đền chùa bao giờ
cũng thế qua nhiều thời đại. Các tu sĩ đối kháng nhau tới mức họ thậm chí đã
thôi không thèm nhìn nhau nữa. Nếu họ bắt gặp nhau trên đường, họ sẽ không nhìn
nhau. Nếu họ bắt gặp nhau trên đường, họ thôi không nói; trong nhiều thế kỉ hai
ngôi chùa này và các tu sĩ của họ đã không nói chuyện.
Nhưng mỗi
tu sĩ đều có một chú tiểu, một cậu bé - để phục vụ ông ta, chỉ để sai vặt. Cả
hai tu sĩ đều sợ rằng sau rốt trẻ con sẽ vẫn là trẻ con, và chúng có thể bắt
đầu trở thành bạn bè với nhau.
Một tu sĩ
nói với chú tiểu của mình, "Nhớ đấy, ngôi chùa kia là kẻ thù của chúng ta.
Đừng bao giờ nói với đứa trẻ của ngôi chùa kia. Họ là những người nguy hiểm -
tránh họ như tránh bệnh tật. Như người ta tránh dịch, tránh họ ra!"
Đứa trẻ
đâm ra quan tâm... bởi vì nó phát mệt khi nghe các buổi giảng đạo lớn lao. Nó
không thể hiểu được những buổi giảng này. Các kinh sách kì lạ đã được đọc, nó
không thể hiểu nổi ngôn ngữ; những vấn đề vĩ đại, tối thượng đã được thảo luận.
Chẳng có ai để chơi, thậm chí chẳng có ai để nói. Và khi nó được bảo,
"Đừng nói chuyện với đứa trẻ ở chùa bên kia," một cám dỗ lớn nảy sinh
trong nó. Đó là cách cám dỗ nảy sinh. Hôm đó nó không thể tránh được việc nói
với đứa trẻ kia. Khi nó thấy đứa kia đang trên đường, nói hỏi đứa kia, "Đằng
ấy đi đâu đấy?"
Đứa trẻ
kia có chút ít tính triết lí; nghe những triết lí lớn lao nó đã trở nên mang
tính triết lí. Nó nói, "Đi đâu á? Chẳng có ai tới và đi cả! Điều đó xảy ra
- tới bất kì chỗ nào gió đưa tớ tới." Nó đã nghe thầy nói nhiều lần rằng
đó là cách vị phật sống, giống như lá khô, tới bất kì chỗ nào gió đưa nó tới,
nó đi. Cho nên đứa trẻ này nói, "Tớ không có đâu! Không có người làm, cho
nên làm sao tớ có thể đi được? Đằng ấy đang nói điều vô nghĩa gì vậy? Tớ là
chiếc lá khô. Tới bất kì chỗ nào gió đưa tớ tới..."
Đứa trẻ
kia bị câm tịt. Nó thậm chí không thể trả lời được. Nó không thể tìm thấy cái
gì để nói. Nó thực sự lúng túng, xấu hổ, và cảm thấy, "Thầy mình là đúng
khi không nói với những người này - đây là những người nguy hiểm. Đây là kiểu
nói gì vậy? Mình hỏi mỗi một câu đơn giản: "Đằng ấy đi đâu đấy?" Thực
tế mình đã biết nó đi đâu rồi, bởi vì cả hai chúng ta đều đi mua rau ở chợ. Một
câu trả lời đơn giản đáng phải nói chứ."
Đứa trẻ
này quay về, nói với thầy nó, "Con rất tiếc, con xin lỗi. Thầy đã cấm con,
nhưng con đã không nghe lời thầy. Thực tế, bởi vì thầy cấm nên con đã bị cám
dỗ. Đây là lần đầu tiên con đã nói với những người nguy hiểm đó. Con chỉ hỏi
một câu hỏi đơn giản thôi, "Đằng ấy đi đâu thế?" và nó bắt đầu nói
những điều kì lạ: "Không có đi, không có đến. Ai đến? Ai đi? Ta hoàn toàn
trống rỗng,' nó nói, 'chỉ là lá khô theo gió. Và tới bất kì đâu gió đưa ta
tới...'"
Thầy nói,
"Ta đã bảo con rồi! Bây giờ, ngày mai lại đứng ở cùng chỗ đó, và khi nó
tới, lại hỏi nó, 'Đằng ấy đi đâu thế?" Và khi nó nói những điều này, con
đơn giản nói, 'Điều đó đúng. Vâng, đằng ấy là chiếc lá khô, tớ cũng vậy. Nhưng
khi gió không thổi, đằng ấy đi đâu? Thế thì đằng ấy có thể đi đâu được?' Chỉ
nói điều đó, và điều đó sẽ làm nó bối rối - và nó phải bị bối rối chứ, nó phải
bị thua. Chúng ta đã thường xuyên cãi nhau, và những người đó đã không thể nào
đánh bại được chúng ta trong bất kì tranh cãi nào. Cho nên ngày mai điều đó
phải được thực hiện!"
Đứa trẻ
dậy sớm, chuẩn bị câu trả lời của mình, lặp lại nó nhiều lần trước khi đi. Thế
rồi nó đứng ở chỗ mà đứa trẻ kia sẽ vượt qua đường, cứ lẩm nhẩm mãi, tự chuẩn
bị cho mình, và thế rồi nó thấy đứa trẻ kia tới. Nó nói, "Được rồi, bây
giờ đây!"
Đứa trẻ
kia tới. Đứa thứ nhất nói, "Đằng ấy đi đâu thế?" Và nó hi vọng rằng
bây giờ cơ hội sẽ tới.
Nhưng đứa
trẻ kia lại nói, "Tới bất kì chỗ nào chân đưa tớ tới." Chẳng nhắc gì
tới gió, chẳng nói gì tới cái không, không vấn đề gì về là người không làm...
Bây giờ làm gì đây? Toàn thể câu trả lời làm sẵn của nó có vẻ ngớ ngẩn. Bây giờ
nói về gió sẽ chẳng liên quan gì cả. Lại tiu nghỉu, bây giờ thực sự xấu hổ rằng
mình đơn giản ngu xuẩn, cứ nghĩ, "Đứa trẻ này chắc chắn biết điều kì lạ
nào đó. Bây giờ nó nói, 'Bất kì chỗ nào chân đưa tớ tới.'"
Đứa trẻ
này quay về với thầy. Thầy nói, "Ta đã bảo con đừng nói với những người đó
mà! Họ là nguy hiểm, đây là kinh nghiệm dài hàng thế kỉ của chúng ta. Nhưng bây
giờ cái gì đó phải được làm. Cho nên ngày mai con lại hỏi, 'Đằng ấy đi đâu
thế?' và khi nó nói, "Tới bất kì chỗ nào chân đưa tớ tới,' bảo nó, 'Nếu
đằng ấy không có chân, thì ...?' Nó phải im lặng theo cách này cách khác
chứ."
Thế là
ngày hôm sau đứa trẻ này lại hỏi, "Đằng ấy đi đâu thế?" và chờ đợi.
Và đứa
trẻ kia nói, "Tớ đi ra chợ mua rau."
Con người
thông thường vận hành từ quá khứ - còn cuộc sống cứ thay đổi. Cuộc sống không
có nghĩa vụ nào phải khớp với những kết luận của bạn. Đó là lí do tại sao cuộc
sống lại lẫn lộn - lẫn lộn cho người thông thái. Người đó có tất cả những câu
trả lời làm sẵn, Bhagavad Gita, Koran linh thiêng, Kinh Thánh, Veda. Người đó
có mọi thứ được nhồi nhét, người đó biết tất cả các câu trả lời. Nhưng cuộc
sống không bao giờ nêu ra cùng câu hỏi lần nữa; do đó người thông thái bao giờ
cũng không tới đích.
Xem tiếp Chương 11 - Quay về Mục lục