Chương 5: Đứng ở ngã tư đường

Osho - Trưởng thành – Trách nhiệm là chính mình
Chương 5: Đứng ở ngã tư đường


Khi vĩnh hằng thấm vào thời gian
Thời gian là cái mà chúng ta sống trong nó - nó mang tính chiều ngang. Nó là từ A tới B tới C tới D; nó là theo đường thẳng. Vĩnh hằng là theo chiều đứng. Nó không phải là từ A tới B và từ B tới C. Nó là từ A tới nhiều hơn A, tới lại nhiều hơn A nữa. Nó cứ đi lên mãi. Khoảnh khắc này là hiếm hoi khi cái vĩnh hằng thấm vào thời gian, bởi vì nó xảy ra chỉ khi thiền đã đạt tới chín muồi, trưởng thành, khi bạn đã chạm tới cốt lõi bên trong nhất của mình.
Thế rồi bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng bạn ở ngã tư đường. Một đường đi theo chiều ngang - nói cách khác, tầm thường, thông thường, vô nghĩa và chung cuộc dẫn tới cái chết. Đường ngang liên tục đi tới nấm mồ.
Tôi đã kể cho các bạn câu chuyện, có ý nghĩa theo nhiều cách:
Một nhà vua lớn trong giấc mơ của mình thấy một cái bóng, và trở nên sợ hãi ngay cả trong mơ. Ông ta hỏi cái bóng, "Người muốn gì?"
Cái bóng nói, "Ta không tới để hỏi xin cái gì cả. Ta tới chỉ để thông báo cho ngươi rằng tối nay vào đúng chỗ, khi mặt trời lặn, ngươi sẽ thở hơi thở cuối cùng. Thông thường ta không tới báo tin cho mọi người đâu, nhưng ngươi là một vị hoàng đế lớn; đấy chỉ là để bày tỏ sự kính trọng với ngươi."
Hoàng đế trở nên kinh sợ đến mức ông ta tỉnh dậy vã mồ hôi, không thể nghĩ được phải làm gì. Điều duy nhất ông ấy có thể nghĩ tới là triệu tập tất cả những nhà thông thái, những nhà chiêm tinh, nhà tiên tri, và tìm ra ý nghĩa của giấc mơ này. Phân tích giấc mơ được coi là đã bắt nguồn từ Sigmund Freud - điều đó không đúng, nó bắt nguồn với vị hoàng đế này từ một nghìn năm trước đây!
Vào giữa đêm tất cả các nhà tiên tri của kinh kì, tất cả các nhà thông thái, tất cả những người có liên quan theo cách nào đó tới tương lai - những người đọc giấc mơ - đều được triệu tới và được kể cho nghe câu chuyện này. Câu chuyện này đơn giản, nhưng họ phải đem kinh sách của mình ra và họ bắt đầu tranh cãi lẫn nhau: "Đây không thể là nghĩa được" hay "Điều này nhất định là nghĩa đây."
Họ phí thời gian, mặt trời bắt đầu mọc. Nhà vua có một người hầu già mà ông ta coi như bố - bởi vì bố ông ấy đã chết từ rất sớm. Đứa con còn quá trẻ, và bố nó đã trao trách nhiệm giám hộ cho người hầu này và bảo người đó, "Chăm nom để nó trở thành người kế tục của ta và không làm mất vương quốc." Người hầu này đã đảm đương, và bây giờ ông ta đã rất già. Nhưng ông ta không bị đối xử như người hầu, ông ta được kính trọng gần như người bố. Ông ấy lại gần hoàng đế và nói, "Thần muốn nói hai điều cho bệ hạ. Bệ hạ bao giờ cũng nghe thần. Thần không phải là nhà tiên tri và thần không phải là nhà chiêm tinh và thần không biết tất cả những điều vô nghĩa này vẫn đang diễn ra, kinh sách đang được tư vấn. Một điều là chắc chắn - là khi mặt trời lên thì mặt trời lặn không còn xa mấy đâu. Và những người này, cái gọi là người am hiểu này, chẳng bao giờ đi tới kết luận nào trong hàng thế kỉ. Mới trong một ngày... họ sẽ cãi cọ, tranh cãi, phá bỏ luận cứ của nhau, nhưng bệ hạ không thể hi vọng rằng họ sẽ đi tới nhất trí, kết luận.
"Thôi cứ để cho họ thảo luận đi. Gợi ý của thần là, bệ hạ có con ngựa hay nhất thế giới " - đấy là thời của ngựa - "bệ hạ lấy con ngựa đó và trốn đi khỏi cung điện này nhanh nhất có thể được. Điều này là chắc chắn, là bệ hạ không nên ở đây; bệ hạ nên đi xa hẳn đi."
Điều đó là logic, hợp lí, mặc dầu rất đơn giản. Hoàng đế rời bỏ những người thông minh và thông thái lớn lao đang cãi nhau - họ thậm chí cũng chẳng để ý rằng nhà vua đã bỏ đi. Và nhà vua chắc chắn có con ngựa xứng với vương quốc. Nhà vua rất tự hào về con ngựa này, không con ngựa nào khác đã có sức mạnh đó. Và có tình yêu thế giữa ngựa và nhà vua, đồng cảm sâu sắc thế, một loại tính đồng bộ. Hoàng đế nói với ngựa, "Dường như cái chết của ta đang tới. Cái bóng đó không là gì ngoài cái chết. Ngươi phải đưa ta đi thật xa hết khả năng của ngươi khỏi cung điện này."
Con ngựa gật đầu. Và nó đã hoàn thành lời hứa của mình. Đến trước tối, khi mặt trời lặn, họ đã cách xa vương quốc hàng trăm dặm đường. Họ đã cải trang đi vào trong một vương quốc khác. Hoàng đế rất sung sướng. Ông ta xuống ngựa và buộc ngựa vào cây - bởi vì cả ông ta lẫn ngựa đều chưa ăn gì. Cho nên ông ta nói với ngựa, "Cám ơn bạn. Bây giờ ta sẽ thu xếp thức ăn cho bạn, thức ăn cho ta. Chúng ta ở xa quá rồi, không sợ nữa. Nhưng bạn đã chứng minh cho những câu chuyện đã được kể về bạn. Bạn đi gần như mây, tốc độ cao thế."
Và khi ông ấy buộc ngựa vào cây, một bóng đen xuất hiện và nói với hoàng đế, "Ta sợ rằng ông có thể không có khả năng làm được điều đó đâu, nhưng con ngựa của ông vĩ đại đấy. Ta cũng cám ơn nó - đây là chỗ đấy và đây là thời điểm đấy. Và ta đã lo nghĩ - ông ở xa quá, làm sao ta có thể xoay xở đem ông tới được? Con ngựa này đã phục vụ cho định mệnh."
Đó là một câu chuyện kì lạ, nhưng nó chỉ ra rằng bất kì khi nào bạn đi theo chiều ngang, dù với tốc độ nào, bạn sẽ kết thúc trong nấm mồ nào đó. Điều kì lạ là mọi khoảnh khắc nấm mồ của chúng ta lại tới gần chúng ta hơn - cho dù bạn không chuyển động, nấm mồ của bạn vẫn đi về phía bạn. Đường thời gian nằm ngang, nói cách khác, là tính hữu tử của con người.
Nhưng nếu bạn có thể đạt tới trung tâm của bản thể mình, cái im lặng của trung tâm bên trong nhất của mình, thì bạn có thể thấy hai con đường: một đường chiều ngang, đường kia chiều đứng.
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng chữ thập Ki tô giáo không phải là của người Ki tô giáo chút nào. Đó là một biểu tượng cổ đại, phương Đông, Aryan - chữ thập ngoặc. Đó là lí do tại sao Adolf Hitler, người vẫn nghĩ rằng mình thuộc dòng máu Aryan thuần khiết, đã chọn chữ thập ngoặc làm biểu tượng của mình. Chữ thập ngoặc không là gì ngoài hai đường bắt chéo. Ở Ấn Độ, chẳng biết tại sao, ngay từ đầu kinh doanh mọi năm mọi người sẽ bắt đầu cuốn sổ sách mới bằng một chữ thập ngoặc. Chữ thập Ki tô giáo đơn giản là một phần của chữ thập ngoặc. Nhưng nó cũng biểu diễn cho cùng một điều: chiều đứng, chiều ngang. Bàn tay của Christ là theo chiều ngang; đầu và người ông ấy đang trỏ theo một hướng khác.
Trong khoảnh khắc thiền bạn đột nhiên thấy rằng bạn có thể đi theo hai chiều - hoặc chiều ngang hoặc chiều đứng. Chiều đứng bao gồm im lặng, phúc lạc, cực lạc; chiều ngang bao gồm tay, công việc, thế giới.
Một khi con người đã biết tới bản thân mình như ngã tư đường thì người đó không thể vô tư, người đó không thể không suy nghĩ về chiều đứng. Chiều ngang người đó biết rồi, nhưng chiều đứng mở ra cánh cửa tới điều vĩnh hằng nơi cái chết không tồn tại, nơi người ta mỗi ngày đơn giản trở thành một phần của toàn thể vũ trụ - nơi người ta mất đi mọi tù túng, ngay cả tù túng của thân thể.
Phật Gautam hay nói, "Sinh là khổ, sống là khổ, chết là khổ." Điều ông ấy nói là đi theo đường ngang thì thường xuyên khổ, trong đau khổ. Cuộc sống của bạn không thể là cuộc sống của điệu vũ, của niềm vui - nếu đây là tất cả, thế thì tự tử là giải pháp duy nhất. Đó là kết luận mà triết lí hiện sinh phương Tây, đương đại đã đi tới - triết lí của Jean-Paul Sartre, Jaspers, Heidegger, Kierkegaard và những người khác - rằng cuộc sống là vô nghĩa. Và đó là trên bình diện chiều ngang, bởi vì nó đơn giản là phiền não và đau khổ và bệnh tật và ốm yếu và già lão. Và bạn bị giam cầm trong một thân thể nhỏ trong khi tâm thức bạn lại bao la như toàn thể vũ trụ.
Một khi chiều đứng được phát hiện ra, người ta bắt đầu đi trên đường đứng. Đường đứng đó không ngụ ý bạn phải từ bỏ thế giới, nhưng nó chắc chắn ngụ ý rằng bạn không còn là của thế giới nữa, rằng thế giới trở thành phù du, mất đi tầm quan trọng. Nó không ngụ ý rằng bạn phải từ bỏ thế giới và trốn lên núi non và tu viện. Nó đơn giản ngụ ý rằng bạn bắt đầu - dù bạn ở bất kì đâu - sống cuộc sống nội tâm, điều không thể có được trước đây.
Trước kia bạn đã là người hướng ngoại; nay bạn trở thành người hướng nội. Khi có liên quan tới thân thể bạn có thể xoay xở rất dễ dàng, nếu kí ức có đó rằng bạn không là thân thể. Nhưng thân thể có thể được dùng theo nhiều cách để giúp bạn đi trên đường đứng. Việc xuyên thấu của đường đứng, chỉ một tia sáng đi vào trong bóng tối của cuộc sống của bạn, là bắt đầu của chứng ngộ.
Bạn sẽ trông như cũ nhưng bạn sẽ không như cũ. Những người có sáng tỏ trong cái nhìn, với họ bạn sẽ trông không như cũ - và ít nhất với bản thân mình, bạn sẽ không bao giờ như cũ và bạn có thể chẳng bao giờ như cũ được nữa. Bạn sẽ ở trong thế giới nhưng thế giới sẽ không ở trong bạn. Tham vọng, ham muốn, ghen tị sẽ bắt đầu bay hơi. Không nỗ lực nào được cần tới để vứt bỏ chúng, chỉ chuyển động của bạn theo đường đứng và chúng bắt đầu biến mất - bởi vì chúng không thể tồn tại trên đường đứng được. Chúng có thể tồn tại chỉ trong bóng tối của chiều ngang nơi mọi người đều trong cạnh tranh, mọi người đều đầy thèm khát, đầy ý chí nắm quyền lực, ham muốn lớn để chi phối, để trở thành ai đó đặc biệt.
Trên đường đứng tất cả những điều ngu xuẩn này đơn giản biến mất. Bạn trở thành nhẹ thế, vô trọng lượng thế, giống như bông sen - nó ở trong nước, nhưng nước không chạm tới nó. Bạn vẫn còn trong thế giới nhưng thế giới không còn tác động nào lên bạn. Ngược lại, bạn bắt đầu ảnh hưởng tới thế giới - không bằng nỗ lực có ý thức mà chỉ bằng sự hiện hữu tuyệt đối của bạn, hiện diện của bạn, duyên dáng của bạn, cái đẹp của bạn. Khi nó phát triển bên trong nó bắt đầu lan toả xung quanh bạn.
Nó sẽ động tới những người có trái tim cởi mở và nó sẽ làm cho mọi người sợ hãi, những người đã sống với trái tim khép kín - mọi cửa sổ, mọi cửa ra vào đều đóng. Họ sẽ không tới tiếp xúc với người như vậy đâu. Và thuyết phục họ tại sao họ không tới tiếp xúc với người như vậy, họ sẽ tìm cả nghìn lẻ một cớ, cả nghìn lẻ một dối trá. Nhưng sự kiện cơ bản là ở chỗ họ sợ bị phơi bày ra.
Người đi theo chiều đứng trở thành gần như tấm gương. Nếu bạn lại gần người đó bạn sẽ thấy khuôn mặt thực của mình - bạn sẽ thấy cái xấu xí của mình, bạn sẽ thấy tham vọng liên tục của mình, bạn sẽ thấy bình bát ăn xin của mình.
Có lẽ một câu chuyện khác sẽ có ích cho các bạn.
Một người, vào sáng sớm, một kẻ ăn xin với bình bát ăn xin, đi vào khu vườn của nhà vua. Nhà vua hay tới đi dạo buổi sáng; bằng không thì không thể nào gặp được nhà vua - đặc biệt đối với kẻ ăn xin, toàn thể bộ máy quan lại sẽ ngăn cản người đó. Cho nên người đó phải chọn thời gian khi không có quan lại và khi nhà vua muốn một mình, trong im lặng với thiên nhiên, uống thật nhiều cái đẹp và cái sống động khi tự nhiên mưa rào xuống. Người ăn xin bắt gặp nhà vua ở đó.
Nhà vua nói, "Đây không phải là lúc nhé... ta không gặp ai cả."
Người ăn xin nói, "Tôi là kẻ ăn xin. Quan lại của bệ hạ quá khó khăn và với người ăn xin thì không thể nào gặp được bệ hạ. Tôi khẩn cầu bệ hạ cho tôi được yết kiến."
Nhà vua nghĩ tới việc gạt bỏ anh ta đi. Vua nói, "Ngươi muốn gì? Nói đi và người sẽ được điều đó. Đừng quấy rầy im lặng buổi sáng của ta."
Người ăn xin nói, "Xin bệ hạ hãy nghĩ hai lần trước khi cho tôi cái gì đó."
Nhà vua nói, "Ngươi dường như là người kì lạ. Ngay chỗ đầu tiên, ngươi đi vào mà không có phép vào vườn, cứ khăng khăng rằng ngươi phải được yết kiến nhà vua. Và bây giờ ta đang nói rằng bất kì điều gì ngươi muốn, nói điều đó ra đi. Đừng quấy rầy an bình của ta và đừng quấy rầy im lặng của ta."
Người ăn xin cả cười. Người đó nói, "An bình mà bị quấy rối thì không phải là an bình. Và im lặng mà bị quấy rối thì chỉ là mơ, không phải thực tại."
Bây giờ nhà vua mới nhìn vào người ăn xin. Người đó nói điều gì đó cực kì quan trọng. Nhà vua nghĩ, "Dường như đây không phải là người ăn xin bình thường, đó là điều chắc chắn." Và người ăn xin lại nói, "Tôi muốn bệ hạ nghĩ lại điều đó, bởi vì điều tôi muốn chỉ là bệ hạ hãy rót đầy bình bát xin ăn của tôi bằng bất kì cái gì và tôi sẽ đi. Nhưng nó phải đầy."
Nhà vua cười phá lên. Ông ta nói, "Ngươi là người điên. Ngươi cho rằng bình bát ăn xin của ngươi không thể được rót đầy sao?" Ông ta gọi thủ kho bạc tới và bảo với ông này, "Rót đầy bình bát ăn xin của anh ta bằng kim cương, đá quí."
Viên thủ kho chẳng có ý tưởng gì về điều đã xảy ra. Chẳng ai đi rót đầy bình bát của người ăn xin bằng kim cương cả. Và kẻ ăn xin này cứ nhắc viên thủ kho, "Nhớ lấy, chừng nào bình bát xin ăn còn chưa đầy, ta không định đi khỏi đây đâu." Đó là một yêu cầu giữa người ăn xin và nhà vua.
Và thế rồi câu chuyện rất kì lạ này tiếp tục... Khi kim cương được rót vào bình bát ăn xin, khoảnh khắc chúng được rót vào chúng liền biến mất tăm. Nhà vua lâm vào tình trạng rất bối rối. Nhưng ông ta nói, "Bất kì điều gì xảy ra, cho dù toàn thể kho báu của ta có đi đời, ta vẫn không thể bị người ăn xin đánh bại được. Ta đã đánh bại các hoàng đế lớn rồi." Và toàn thể kho báu biến mất! Tin đồn lan tới kinh đô và cả nghìn người tụ tập lại để xem điều đang xảy ra. Họ chưa bao giờ thấy nhà vua run rẩy thế, suy sụp thần kinh.
Cuối cùng, khi chẳng cái gì còn lại trong kho báu và bình bát ăn xin vẫn còn trống rỗng như nó thế trước đây, nhà vua quì xuống dưới chân người ăn xin và nói, "Ông sẽ phải tha thứ cho ta, ta đã không hiểu. Ta chưa bao giờ nghĩ về những điều này. Ta đã làm hết khả năng của mình, nhưng bây giờ... Ta không còn gì khác để cho ông. Ta nghĩ rằng ông đã tha thứ cho ta nếu ông có thể nói cho ta biết bí mật của chiếc bình bát ăn xin của ông. Nó là chiếc bình bát ăn xin kì lạ - chỉ vài viên kim cương đáng phải rót đầy nó, nhưng nó đã lấy toàn bộ kho báu."
Người ăn xin cả cười và ông ta nói, "Bệ hạ không cần phải lo. Đây không phải là bình bát ăn xin đâu. Ta tìm thấy một cái sọ người và từ cái sọ người này ta đã làm ra bình bát ăn xin này. Nó đã không quên thói quen cũ của mình. Bệ hạ đã nhìn vào bình bát ăn xin của riêng mình chưa, cái đầu của riêng mình chưa? Cho nó bất kì cái gì và nó sẽ đòi thêm nữa và nữa và nữa. Nó chỉ biết một ngôn ngữ, 'nữa.' Nó bao giờ cũng trống rỗng, nó bao giờ cũng là kẻ ăn xin."
Trên đường chiều ngang chỉ tồn tại kẻ ăn xin, bởi vì họ tất cả đều xô đi kiếm nữa và cái nữa không thể nào được thoả mãn - không phải bạn không thể lấy được vị trí bạn muốn, nhưng khoảnh khắc bạn có được nó thì lại có những vị trí cao hơn. Trong một khoảnh khắc có thể có thoáng qua hạnh phúc, và khoảnh khắc tiếp lại cùng thất vọng và cùng cuộc rượt đuổi cái thêm nữa. Bạn không thể thoả mãn được cho ý tưởng về thêm nữa. Về bản chất nó là không thể hoàn thành được. Và đây là đường chiều ngang, con đường của nữa và nữa và nữa.
Đường chiều đứng là gì? Là việc càng ít và ít và ít, tới điểm trống rỗng hoàn toàn, tới điểm là không ai cả. Chỉ một chữ kí - thậm chí không trên cát, mà trên nước; bạn thậm chí không tạo ra nó và nó đã biến mất. Con người của đường chiều đứng là sannyasin đích thực, người hạnh phúc mênh mông trong việc là không ai cả, hạnh phúc mênh mông với sự thuần khiết bên trong của cái trống rỗng bởi vì chỉ cái trống rỗng mới có thể là thuần khiết - người tuyệt đối bằng lòng với sự trần trụi của mình, bởi vì chỉ cái không mới có thể trong hài hoà với vũ trụ.
Một khi sự hài hoà này với vũ trụ xảy ra thì bạn không còn nữa, theo một nghĩa nào đó - theo nghĩa cũ, bạn không còn nữa. Nhưng bạn lần đầu tiên lại là toàn thể vũ trụ. Ngay cả những vì sao xa xăm cũng ở bên trong bạn, cái không của bạn có thể chứa đựng chúng. Hoa và mặt trời và mặt trăng... và toàn thể âm nhạc của sự tồn tại. Bạn không còn là bản ngã nữa, cái “tôi” của bạn đã biến mất. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã biến mất. Ngược lại, khoảnh khắc cái “tôi” của bạn đã biến mất, bạn đã xuất hiện.
Niềm cực lạc lớn thế chính là việc hiện hữu mà không có cảm giác về “tôi”, không có cảm giác về bất kì bản ngã nào, không đòi hỏi về bất kì cái gì nữa. Bạn còn có thể đòi hỏi cái gì nữa được? Bạn có cái không - trong cái không này bạn đã trở thành toàn thể vũ trụ mà chẳng phải chinh phục. Thế thì con chim hót không chỉ là hót bên ngoài bạn. Chúng xuất hiện bên ngoài bởi vì thân thể này tạo ra rào chắn.
Trên đường chiều đứng càng ngày bạn càng trở thành tâm thức hơn và càng bớt thân thể đi. Toàn thể sự đồng nhất với thân thể biến mất. Trong cái không, những con chim này sẽ ở bên trong bạn; những bông hoa này, những cây này và buổi sáng đẹp này sẽ ở bên trong bạn. Thực tế, thế thì không có "bên ngoài." Mọi thứ đã trở thành tầm nhìn của bạn. Và bạn không thể có cuộc sống giầu có hơn khi mọi thứ đã trở thành bên trong của bạn. Khi mặt trời và mặt trăng và các vì sao và toàn thể cái vô hạn của thời gian và không gian đều ở bên trong bạn... bạn còn muốn gì nữa?
Đây đích xác là ý nghĩa của chứng ngộ: trở thành không tồn tại như một bản ngã tới mức toàn thể sự tồn tại đại dương trở thành một phần của bạn.
Kabir, một nhà huyền môn vĩ đại người Ấn Độ... Ông ấy không được giáo dục nhưng đã viết ra những phát biểu ý nghĩa vô cùng như vậy. Một trong những phát biểu của mình ông ấy đã chữa lại trước khi ông ấy chết. Ông ấy đã viết ra một phát biểu hay khi ông ấy còn trẻ. Nó là, "Như hạt sương, từ lá sen trong ánh mặt trời buổi sáng, long lanh như ngọc, trượt vào đại dương..." Ông ấy nói, "Cùng điều đó đã xảy ra cho tôi."
Lời của ông ấy là, "Tôi đã từng tìm kiếm, các bạn ơi. Thay vì tìm thấy bản thân mình, tôi đã bị lạc trong vũ trụ. Giọt sương biến mất vào trong đại dương." Ngay trước khi chết, khi ông ấy vừa nhắm mắt lại, ông ấy đã gọi con mình tới, Kamal, "Đổi lại phát biểu cho bố."
Kamal nói, "Con bao giờ cũng hoài nghi rằng có cái gì đó sai trong nó." Và anh ta đã chỉ cho bố mình bản viết riêng của mình, trong đó anh ta đã sửa lại nó. Chỗ sửa - ngay cả trước khi Kabir nhận ra - đã được thực hiện rồi. Đó là lí do tại sao Kabir đã gọi con mình là Kamal - "Con là phép màu." Kamal nghĩa là phép màu. Và người này quả là phép màu. Anh ta đã đổi dòng Kabir muốn đổi: "Các bạn ơi, tôi đã tìm và kiếm bản thân mình. Thay vì tìm thấy bản thân mình tôi đã tìm thấy toàn thể thế giới, toàn thể vũ trụ. Giọt sương đã không biến mất vào trong đại dương mà đại dương đã biến mất vào trong giọt sương."
Và khi đại dương biến mất vào trong giọt sương, giọt sương đơn giản mất đi biên giới của nó, chẳng cái gì khác.
Trên đường chiều đứng, bạn trở thành ít dần và ít dần và ít dần và ít dần. Và một ngày, bạn không còn nữa.
Một Thiền sư, Rinzai, có một thói quen rất gàn, nhưng lại hay. Mọi sáng, khi ông ấy thức dậy, trước khi mở mắt ra ông ấy sẽ nói, "Rinzai, ông vẫn còn ở đây à?"
Đệ tử của ông ấy nói, "Đây là cái loại vô nghĩa gì thế?"
Ông ấy nói, "Ta đang đợi khoảnh khắc khi câu trả lời sẽ là, 'Không. Sự tồn tại hiện hữu, nhưng Rinzai thì không'" Đây là đỉnh tối thượng mà tâm thức con người có thể đạt tới. Đây là phúc lành tối thượng. Và chừng nào người ta còn chưa đạt tới đỉnh này, người ta sẽ vẫn còn lang thang trong những con đường tăm tối, mù quáng, đau đớn, khổ sở. Người đó có thể tích trữ nhiều tri thức, người đó có thể trở thành học giả lớn, nhưng điều đó chẳng ích gì. Chỉ một điều, một điều rất đơn giản, là bản chất của toàn thể kinh nghiệm tôn giáo, và đó là thiền.
Bạn đi vào nội tâm. Sẽ khó mà thoát ra khỏi đám đông các ý nghĩ của bạn, nhưng bạn không phải là ý nghĩ. Bạn có thể thoát ra khỏi đám đông, bạn có thể tạo ra khoảng cách giữa bạn và ý nghĩ của bạn. Và khi khoảng cách này trở nên lớn hơn, các ý nghĩ bắt đầu rơi rụng như lá khô - bởi vì chính bạn và sự đồng nhất của bạn với các ý nghĩ tạo cho chúng sự nuôi dưỡng. Khi bạn không cho chúng sự nuôi dưỡng, ý nghĩ không thể tồn tại được. Bạn đã từng gặp ý nghĩ nào ở đâu đó đứng một mình không?
Và thử dửng dưng - từ của Phật Gautam là upeksha. Chỉ dửng dưng với toàn thể tâm trí và khoảng cách sẽ được tạo ra - và thế rồi tới một điểm từ đó mọi nuôi dưỡng cho ý nghĩ đều bị dừng lại. Chúng đơn giản biến mất; chúng là những bong bóng xà phòng. Và khoảnh khắc tất cả những ý nghĩ biến mất, bạn sẽ thấy bản thân mình trong cùng tình huống, đang hỏi, "Rinzai ông vẫn còn ở đây sao?" Và bạn sẽ chờ đợi khoảnh khắc lớn lao đó, cơ hội hi hữu lớn lao đó khi câu trả lời sẽ là, "Không. Thằng cha Rinzai này là ai vậy?"
Im lặng này là thiền - và nó không phải là tài năng. Mọi người không thể là một Picasso, không thể là một Rabindranath, một Michelangelo - đấy là những tài năng. Nhưng mọi người đều có thể được chứng ngộ bởi vì điều đó không phải là tài năng; đó là bản tính cố hữu của bạn, của điều bạn không nhận biết. Và bạn sẽ còn không nhận biết nếu bạn vẫn còn bị bao quanh bởi các ý nghĩ. Nhận biết về thực tại tối thượng của bạn chỉ nảy sinh khi không có gì ngăn cản nó, khi có cái không bao quanh bạn.
Đường chiều đứng là hiếm hoi. Có lẽ nó là điều hiếm hoi duy nhất trong sự tồn tại, bởi vì nó đưa bạn đi trên cuộc hành trình của cái vĩnh hằng và cái bất tử. Hoa nở trên những con đường đó, tâm trí không thể quan niệm nổi, và kinh nghiệm xảy ra là không thể diễn đạt nổi. Nhưng theo một cách rất kì lạ bản thân người này lại trở thành việc diễn đạt. Mắt người đó biểu lộ chiều sâu của trái tim người đó, cử chỉ của người đó biểu lộ sự duyên dáng của chuyển động chiều đứng. Toàn thể cuộc sống của người đó toả sáng, rung động và tạo ra trường năng lượng.
Những người có định kiến, những người đã nhất quyết và kết luận... Tôi cảm thấy tiếc cho họ. Nhưng những người cởi mở, không định kiến, còn chưa kết luận, họ lập tức sẽ bắt đầu cảm thấy rung động, toả sáng. Và đồng bộ nào đó có thể xảy ra giữa trái tim của người của chiều đứng và trái tim của người còn chưa theo chiều đứng... Khoảnh khắc đồng bộ xảy ra, trong cùng khoảnh khắc đó bạn cũng bắt đầu đi theo chiều đứng.
Đây là các từ đơn giản để diễn giải mọi thứ mà không diễn đạt được qua lời.
Luật của già đi
Mọi người đều già đi. Vì ngày bạn được sinh ra bạn đã bị già đi rồi - từng khoảnh khắc, từng ngày. Thời thơ ấu là một luồng, thời thanh niên cũng vậy - chỉ thời già lão là không bao giờ chấm dứt, bởi vì nó kết thúc! Đó là phẩm chất duy nhất của thời già lão, rằng nó đem bạn tới nơi nghỉ ngơi chung cuộc. Nhưng nếu bạn muốn có một vài luật cho tuổi trung niên... Khi có liên quan tới tôi, tôi chưa bao giờ là đứa trẻ, chưa bao giờ là thanh niên, và chưa bao giờ trở nên già và chưa bao giờ chết. Tôi chỉ biết một điều trong tôi mà tuyệt đối không đổi và vĩnh hằng. Nhưng chỉ vì các bạn...
Có nhiều luật về tuổi trung niên, bởi vì trên khắp thế giới mọi người đều trở nên già. Và nhiều nhà tư tưởng đã từng suy tư, thời già lão này là gì?
Luật đầu tiên là Luật Mất của De Neve; nó hiển nhiên là về thời già lão, luật này có thể là luật đầu tiên và cuối cùng: "Đừng bao giờ bàn tán về điều có thể được biết chắc chắn."
Bạn biết hoàn toàn rõ bạn đang già đi, bây giờ đừng bàn tán về điều đó, điều đó sẽ làm cho bạn khổ hơn.
Luật này hay - "đừng bao giờ bàn tán về điều có thể được biết chắc chắn." Thực tế, ngoại trừ cái chết chẳng cái gì là chắc chắn trong cuộc sống cả; mọi thứ đều có thể được bàn tới, nhưng đừng bàn về cái chết. Và thời già lão chỉ là cánh cửa tới cái chết.
"Tuổi trung niên là khi bạn bắt đầu đổi xúc động của mình thành các triệu chứng."
"Bạn biết mình đang già đi khi đàn bà nói không, và mọi điều bạn cảm thấy là sự nhẹ nhõm."
"Tuổi già là khi bạn bắt đầu vặn bớt đèn để tiết kiệm chứ không theo các lí do lãng mạn."
"Tuổi già là thời kì của cuộc sống khi ý tưởng tiến lên của bạn thậm chí là đứng lại."
"Tuổi già là khi bạn có thể làm như mọi khi, nhưng sẽ thà không làm."
Tuổi già là kinh nghiệm bí ẩn, nhưng tất cả những luật này đã được tìm ra bởi tâm trí phương Tây. Tôi không thể phát hiện ra bất kì ai trong toàn bộ văn đàn phương Đông nói về tuổi già theo cách này. Ngược lại, tuổi già đã được ca ngợi vô cùng. Nếu cuộc sống của bạn đơn giản đã đi theo đường ngang, bạn chỉ đang già đi, nhưng nếu cuộc sống của bạn, tâm thức của bạn, đi theo chiều đứng, đi lên, thì bạn đã đạt tới cái đẹp và niềm vinh quang của tuổi già. Tuổi già ở phương Đông đã đồng nghĩa với trí huệ.
Đây là hai con đường: một con đường theo chiều ngang, từ thời thơ ấu tới thời thanh niên tới tuổi già và tới cái chết; con đường khác theo chiều đứng, từ thời thơ ấu sang thời thanh niên sang tuổi già, và tới cái bất tử. Sự khác biệt về phẩm chất của cả hai chiều là mênh mông, không tính được. Người đơn giản trở thành thanh niên, và rồi già và rồi chết, vẫn còn bị đồng nhất với thân thể mình. Người đó đã chẳng biết gì về bản thể của mình, bởi vì bản thể không hề sinh và không hề chết; nó bao giờ cũng hiện hữu, nó bao giờ cũng đã hiện hữu, nó sẽ luôn luôn hiện hữu. Nó là tính toàn thể của vĩnh hằng.
Trên đường chiều đứng đứa trẻ trở thành thanh niên, nhưng thanh niên trên đường chiều đứng sẽ khác với thanh niên trên đường chiều ngang. Tuổi thơ là hồn nhiên, nhưng đó là điểm mà từ đó hai chiều hướng khác nhau này mở ra. Thanh niên trên đường chiều ngang không là gì ngoài bản năng dục, hoạt động dục và đủ mọi loại ngu xuẩn. Thanh niên trên đường chiều đứng là việc tìm kiếm chân lí, là việc tìm kiếm cuộc sống - đó là niềm khao khát biết bản thân mình.
Trên đường theo chiều ngang, thời già lão đơn giản run rẩy, sợ chết; nó không thể nghĩ được cái gì ngoại trừ nấm mồ, và bóng tối cứ trở thành ngày một tối hơn. Nó không thể quan niệm nổi bản thân nó ngoại trừ như bộ xương. Trên đường chiều đứng, thời già lão là lễ hội; nó đẹp như con người đã từng đẹp.
Tuổi thanh niên của bạn có chút ít ngu si - nó nhất định phải là vậy, nó không được kinh nghiệm. Nhưng tuổi già đã trải qua tất cả các kinh nghiệm - tốt và xấu, đúng và sai - và đã đi tới trạng thái không còn bị ảnh hưởng bởi bất kì cái gì liên quan tới thân thể hay tâm trí. Nó là sự đón chào! Tuổi già trên đường chiều đứng đang giữ cho cánh cửa của nó mở ra cho vị khách tối thượng bước vào. Nó không phải là kết thúc, nó là sự bắt đầu của cuộc sống thực, của sự hiện hữu đích thực.
Do đó, tôi liên tục phân biệt giữa trở nên già và trưởng thành. Rất ít người có may mắn để trưởng thành. Phần còn lại của nhân loại chỉ già đi - và một cách tự nhiên họ tất cả đều đi tới cái chết. Chỉ trên đường chiều đứng cái chết mới không tồn tại; đó là con đường tới bất tử, tới điều thiêng liêng. Và một cách tự nhiên, khi người ta trở nên già trong chiều đó người ta có sự duyên dáng và cái đẹp, từ bi và tình yêu.
Điều đó đã được lưu ý đi lưu ý lại mãi... Có một phát biểu trong kinh sách Phật giáo rằng khi Phật trở nên già hơn ông ấy trở nên đẹp hơn. Điều này tôi gọi là phép màu thực - không bước trên nước, bất kì người say nào cũng có thể thử điều đó. Không biến nước thành rượu, bất kì kẻ tội phạm nào cũng có thể làm được điều đó. Đây mới đúng là phép màu: Phật trở nên đẹp hơn ông ấy khi còn trong tuổi thanh niên; ông ấy trở nên hồn nhiên hơn ông ấy đã từng trong tuổi thơ ấu - đây là sự trưởng thành.
Chừng nào bạn còn chưa đi trên đường chiều đứng, thì bạn còn đang bỏ lỡ toàn bộ cơ hội của cuộc sống. Khi bạn đi trên đường chiều đứng mọi ngày bạn lại tới gần hơn với cuộc sống, không đi xa ra. Thế thì việc sinh của bạn không phải là sự bắt đầu của cái chết, việc sinh của bạn là sự bắt đầu của cuộc sống vĩnh hằng. Chỉ hai đường khác nhau mà khác biệt nhiều thế...
Phương Tây chưa bao giờ nghĩ về điều đó; đường chiều đứng chưa bao giờ được nhắc tới bởi vì họ chưa từng được nuôi dưỡng lớn lên trong bầu không khí tâm linh nơi sự giầu có thực là ở bên trong bạn. Cho dù họ nghĩ tới Thượng đế, họ vẫn nghĩ về ông ấy từ bên ngoài. Phật Gautam có thể phủ nhận Thượng đế - tôi phủ nhận Thượng đế - tuyệt đối không có Thượng đế bởi lí do đơn giản là chúng ta muốn bạn quay vào nội tâm. Nếu Thượng đế tồn tại, hay bất kì cái gì tương tự, nó phải được tìm thấy bên trong bạn. Nó phải được tìm thấy trong cái vĩnh hằng riêng của bạn, trong niềm cực lạc riêng của bạn.
Nghĩ về bản thân mình chỉ như cấu trúc thân thể-tâm trí là ý tưởng nguy hiểm nhất đã từng xảy ra cho mọi người. Điều đó phá huỷ toàn thể sự duyên dáng của họ, toàn thể cái đẹp của họ, và họ thường xuyên run rẩy và sợ hãi cái chết và cố gắng giữ cho tuổi già ở xa nhất có thể được. Ở phương Tây, nếu bạn nói với một bà già, "Bà trông trẻ thế," và bà ấy biết mình không còn trẻ nữa, bà ấy sẽ đứng trước gương hàng giờ để kiểm tra xem liệu tính thanh niên nào có còn lại ở đâu đó không. Nhưng bà ấy sẽ không phủ nhận điều đó, bà ấy sẽ sung sướng vô ngần. Ở phương Đông chẳng ai nói với bà già, "Bà trông trẻ thế " - mà ngược lại, tuổi già lại được kính trọng và yêu mến tới mức nói với ai đó "Bác trông trẻ hơn tuổi" là một kiểu xúc phạm.
Tôi nhớ tới một vụ đã xảy ra... Tôi đã ở cùng một gia đình, và họ rất quan tâm tới một người xem tay. Họ yêu mến tôi và tôi hay tới nhà họ ít nhất ba lần một năm, và ở đó ít nhất ba hay bốn ngày mỗi lần. Một lần khi tôi ở đó, không hỏi han gì họ đã thu xếp cho một người xem tay tới và xem tay tôi và nói điều gì đó về tôi. Khi tôi biết ra điều đó, mọi sự đã được thu xếp xong rồi; người xem tay đang ngồi trong phòng khách. Cho nên tôi nói, "Thôi được rồi, chúng ta cùng thưởng thức điều đó nữa!"
Tôi chìa tay ra cho ông ta; ông ta xem xét tỉ mỉ về nó rồi ông ta nói, "Ông phải ít nhất là tám mươi tuổi." Tất nhiên một trong những người con gái phát hoảng, "Điều này ngu quá. Cái loại đọc vân tay gì thế này...?"
Vào lúc đó tôi mới hơn ba mươi lăm - ngay cả người mù cũng có thể lượng được sự khác biệt giữa ba mươi lăm và tám mươi. Cô ấy thực sự giận dữ, và cô ấy bảo tôi, "Em phải thôi cái lão này. Lão có thể biết gì khác được?"
Tôi nói, "Em không hiểu. Em bị Tây hoá nhiều - được giáo dục theo kiểu phương Tây. Em đã từng tới phương Tây để học tập và em không thể hiểu được điều ông ấy nói."
Cô ấy nói, "Ông ấy nói gì? Điều đó rõ ràng thế chẳng cần phải hiểu; ông ấy đơn giản biểu lộ ra sự ngu ngốc của mình. Một thanh niên ba mươi nhăm tuổi, mà ông ấy lại nói rằng anh đã tám mươi tuổi rồi?"
Tôi kể cho cô ấy câu chuyện về Ralph Waldo Emerson... Một người hỏi Emerson, "Ông bao nhiêu tuổi rồi?"
Emerson nói, "Quãng độ ba trăm sáu mươi tuổi." Người này không thể nào tin được vào điều đó... và anh ta thì bao giờ cũng tin rằng Emerson là con người của chân lí! Điều gì xảy ra vậy, nhỡ mồm sao? Ông ấy có bị lão suy không? Hay ông ấy đùa?
Để làm cho mọi sự được rõ ràng anh ta nói, "Tôi không nghe thấy điều ông nói. Xin hãy nói cho tôi biết ông bao nhiêu...?"
Emerson nói, "Anh đã nghe thấy điều đó rồi - ba trăm sáu mươi tuổi."
Người này nói, "Tôi không thể tin được điều đó. Ông trông không quá sáu mươi mà."
Emerson nói, "Anh đúng theo một chiều thôi: theo chiều đứng ta ba trăm sáu mươi tuổi, và theo chiều ngang ta sáu mươi."
Có lẽ ông ấy là người phương Tây đầu tiên dùng cách diễn đạt chiều ngang và chiều đứng này. Emerson quan tâm tới phương Đông vô cùng, và ông ấy có vài thoáng nhìn đã đưa ông ấy lại gần hơn với các nhà tiên tri của Upanishads. Ông ấy nói, "Thực tế tôi đã sống sáu mươi năm; anh đúng. Nhưng trong sáu mươi năm tôi đã sống nhiều tới mức anh sẽ không có khả năng sống cho dù trong ba trăm sáu mươi năm. Tôi đã sống sáu lần hơn."
Đường chiều đứng không tính theo năm, nó tính theo kinh nghiệm của bạn. Và trên đường chiều đứng là toàn thể kho báu của sự tồn tại - không chỉ bất tử, không chỉ cảm giác về tính thượng đế, mà kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu không căm ghét, kinh nghiêm đầu tiên về từ bi, kinh nghiệm đầu tiên về thiền - kinh nghiệm đầu tiên về sự bùng nổ mênh mông của chứng ngộ.
Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà ở phương Tây, từ 'enlightenment' (bừng sáng, chứng ngộ) không có cùng nghĩa như ở phương Đông. Họ nói rằng sau thời đen tối thì tới thời bừng sáng. Họ ngụ ý những người như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Karl Jaspers, là những thiên tài chứng ngộ. Họ không hiểu rằng họ đã dùng lầm một từ, kéo lê nó vào bùn. Cả Bertrand Russell lẫn Jean-Paul Sartre lẫn Karl Jaspers đều không chứng ngộ.
Chứng ngộ không xảy ra trên đường chiều ngang. Ngay cả trong tuổi già của mình Jean-Paul Sartre vẫn theo đuổi gái trẻ. Bertrand Russell đổi vợ nhiều lần thế - và ông ấy sống lâu trên đường chiều ngang, gần một thế kỉ. Nhưng ngay cả trong tuổi già của mình, mối quan tâm của ông ấy vẫn ngu xuẩn như mối quan tâm của người trẻ.
Phương Đông hiểu rằng từ 'enlightenment - chứng ngộ' chẳng liên quan gì tới thiên tài, chẳng liên quan gì tới trí tuệ, nó có cái gì đó liên quan tới khám phá bản thể đích thực, thực sự của bạn. Nó đang khám phá ra Thượng đế bên trong bạn.
Cho nên bạn không cần lo nghĩ về luật pháp. Những luật đó tất cả đều trên đường chiều ngang. Trên đường chiều đứng có tình yêu, không có luật pháp. Có kinh nghiệm trưởng thành của việc trở nên ngày một tâm linh hơn và ngày một ít vật lí hơn, ngày một mang tính thiền hơn và ngày một ít tâm trí hơn, ngày một thiêng liêng hơn và ngày một ít thế giới vật chất tầm thường này mà trong đó chúng ta vướng víu nhiều thế.
Trên đường chiều đứng, dần dần bạn cảm thấy ham muốn biến mất, hoạt động dục biến mất, tham vọng biến mất, ý chí quyền lực biến mất... sự nô lệ của bạn trong mọi khía cạnh của nó biến mất - tôn giáo, chính trị, dân tộc. Bạn trở thành nhiều tính cá nhân hơn. Và với tính cá nhân của bạn trở nên rõ ràng và chói sáng, toàn thể nhân loại trở thành một trong mắt bạn - bạn không thể đối xử phân biệt được.
Có những kinh nghiệm lớn lao trên đường chiều đứng; trên đường chiều ngang chỉ có sự suy tàn. Trên đường chiều ngang người già sống trong quá khứ. Người đó nghĩ về những ngày đẹp đẽ đó, những đêm A rập đó khi người đó còn trẻ. Người đó cũng nghĩ về những ngày đẹp đẽ khi không có trách nhiệm gì và người đó là đứa trẻ đuổi bắt bướm. Thực tế, với cả đời mình người đó đã từng chạy đuổi theo bướm - ngay cả trong tuổi già.
Trên đường chiều ngang, đó là điều xảy ra - khi bạn càng già đi bạn càng trở nên bị mê mẩn bởi ham muốn, bởi vì bây giờ bạn biết rằng phía trước chỉ có cái chết. Cho nên bạn muốn tận hưởng nhiều nhất có thể được, mặc dầu việc tận hưởng trở nên khó khăn vì về mặt thể chất bạn đã mất năng lượng. Cho nên người già trên đường chiều ngang trở thành dâm dục trong đầu; người đó liên tục nghĩ về dục. Người già chẳng có gì khác để làm ngoài việc nghĩ - và cái gì khác có đó để mà nghĩ tới? Người đó tưởng tượng đàn bà đẹp.
Người già này liên tục nghĩ về quá khứ - đây là tâm lí. Trẻ con nghĩ tới tương lai bởi vì nó không có quá khứ; không có vấn đề nghĩ về quá khứ - nó không có hôm qua. Nó nghĩ về những ngày sắp tới, toàn thể cuộc sống dài. Bẩy mươi năm cho nó không gian... Nó muốn trở nên lớn thật nhanh để làm những thứ mà mọi người lớn đang làm.
Người già không có tương lai - tương lai nghĩa là cái chết, người đó thậm chí không muốn nói về tương lai. Tương lai làm cho người đó run rẩy, tương lai có nghĩa là nấm mồ - người đó nói về quá khứ.
Và cùng điều đó cũng đúng cho các nước. Chẳng hạn, một nước như Ấn Độ chẳng bao giờ nghĩ tới tương lai. Điều đó nghĩa là nó đã trở nên già lão; đó là triệu chứng. Ấn Độ bao giờ cũng nghĩ về quá khứ. Nó cứ diễn mãi vở kịch về cuộc đời của Rama và Sita, hàng thế kỉ vẫn cùng câu chuyện ấy... mọi làng đều diễn vở kịch đó. Nó cứ nghĩ về Phật và Mahavira và Adinatha, và Rigveda và Upanishads. Mọi thứ đã qua rồi. Bây giờ đất nước này đơn giản chờ chết; không có tương lai.
Theo ý tưởng Ấn Độ - và đó là ý tưởng về tâm tính cũ, tâm trí của người già - thời đại tốt nhất đã từ hàng triệu năm trước đây; nó được gọi là satyuga, thời đại của chân lí. Sau đó con người bắt đầu tụt dốc. Bạn có thể thấy sự song song về tâm lí; có bốn thời kì: thơ ấu, thanh niên, trung niên, và già lão. Tương ứng với bốn thời kì này con người đã phóng chiếu ra bốn thời đại cho bản thân cuộc sống. Thời đại thứ nhất là hồn nhiên, giống trẻ thơ - rất cân bằng. Họ cho ví dụ rằng nó có bốn chân giống như cái bàn, cân bằng hoàn hảo. Và thế rồi sự sa sút bắt đầu....
Ở Ấn Độ, ý tưởng về tiến hoá chưa bao giờ tồn tại, nhưng ngược lại chính ý tưởng đối lập mới tồn tại. Từ này thậm chí không được dùng ở phương Tây - bạn thậm chí có thể chưa từng nghe thấy từ này - nhưng ở Ấn Độ họ đã nghĩ về lùi hoá, không phải tiến hoá: "Chúng ta đang co lại, chúng ta đang sa ngã." Trong giai đoạn thứ hai của sự đi xuống, một chân bị mất; cái bàn trở thành ba chân. Nó vẫn còn được cân bằng, nhưng không nhiều như khi nó còn bốn chân. Trong giai đoạn thứ ba nó mất cái chân nữa; bây giờ nó đang đứng chỉ trên hai chân, tuyệt đối không cân bằng. Và đây là giai đoạn thứ tư: thậm chí hai chân cũng không còn có sẵn; bạn đang đứng trên một chân - bạn có thể đứng được bao lâu?
Giai đoạn thứ nhất được gọi là satyuga, thời đại của chân lí. Giai đoạn thứ hai đơn giản mang tên theo con số; treta là thứ ba, bởi vì chỉ ba chân còn lại. Giai đoạn thứ ba được gọi là dwapar. Dwa là từ tiếng Phạn - chuyển qua nhiều ngôn ngữ khác cuối cùng nó trở thành "two - hai." Và giai đoạn thứ tư họ đã gọi là kaliyuga, thời đại của bóng tối.
Chúng ta đang sống trong thời đại của bóng tối - đây là tâm trí của người già, rằng phía trước chỉ có bóng tối và không cái gì khác. Trẻ con nghĩ về tương lai, về tương lai vàng son; người già nghĩ về quá khứ vàng son. Nhưng điều này chỉ xảy ra trên đường chiều ngang. Trên đường chiều đứng, quá khứ là vàng son, hiện tại là vàng son, tương lai là vàng son; đó là cuộc sống của lễ hội vô cùng.
Cho nên thay vì lo lắng về luật của tuổi già, nghĩ về con tàu của bạn đang di chuyển trên đường nào. Vẫn còn thời gian để đổi tàu; bao giờ cũng có thời gian để đổi tàu bởi vì từ mọi khoảnh khắc chỗ rẽ nhánh đó đều có sẵn. Bạn có thể dịch chuyển, dịch từ chiều ngang sang chiều đứng; chỉ điều đó mới là quan trọng.
Xem tiếp Chương 6 - Quay về Mục lục

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »